Sau Khi Địa Chủ Nhỏ Bị Ép Về Quê

Chương 15

Sáng sớm, Lâm Thù Văn ngồi trên băng ghế trong sân rửa mặt.

Tiết trời buổi sớm se lạnh, gió lạnh không ngừng chui vào cổ, cậu nắm chặt cổ áo, dùng nước vuốt phẳng mấy lọn tóc bướng bỉnh dựng lên trên đầu, dùng mặt nước thay gương, cẩn thận chỉnh trang lại rồi mới xách băng ghế vào phòng cất kỹ.

Trên bàn gỗ đặt một cái đèn có hình cá chép bơi quanh hoa sen.

Đêm qua đèn lồng của cậu bị hỏng, ông chủ Nghiêm bảo cậu lấy cây đèn này về đặt trong phòng ngủ.

Chụp đèn được thêu vài sợi nh.ụy hoa màu hồng rực rỡ, cá vàng sống động như thể có thể nhảy ra khỏi chụp đèn, mỗi một đường thêu, mỗi một hoa văn đều tinh xảo, tỉ mỉ, chỉ riêng chiếc đèn lồng thủ công này thôi, giá bán ra chắc chắn không hề rẻ.

Lâm Thù Văn cẩn thận cất kỹ đèn lồng, tiếng nước sôi ùng ục chui vào tai phải, cậu bước nhanh đến lò bếp đá, mở nắp gỗ ra, nhìn gạo trong nồi sôi trào không ngừng, nửa khắc sau dùng chén gốm bới ra nửa chén cơm, rồi ăn cùng cháo và trứng gà nấu chín.

Không lâu sau, Mạc Bố đứng ngoài cửa gọi cậu, Lâm Thù Văn đang rửa chén ở lu nước bên cạnh, chạy nhanh ra mở cửa cho đối phương.

Mạc Bố nói: "Hôm nay hồ nước trong thôn xả nước, rất nhiều người đều đi bắt cá, đi chung không?

Lâm Thù Văn tò mò: "Bắt cá?"

Mạc Bố nói: "Người già trẻ nhỏ đều xuống nước bắt cá, đông người lắm!"

Lâm Thù Văn vừa nghe có nhiều người liền chùn bước, muốn rút lui.

Từ nhỏ đến lớn cậu đã không hoạt bát, chưa bao giờ bắt cá bẫy chim, nhưng lại đọc không ít sách ghi lại mấy thú vui dân dã này.

Chút tò mò vừa dâng lên nháy mắt liền biến mất.

"Ta..."

Mạc Bố vỗ đầu: "Ta quên mất ngươi sợ người lạ, nếu không, chúng ta đến chỗ nào vắng người chút."

Hệ thống sông ngòi của thôn Bát Bảo phong phú, bốn phía xung quanh có tới mười mấy hồ nước lớn nhỏ khác nhau, năm rồi cá vừa mập vừa nhiều, thu hút rất đông người đến bắt, đến khi số lượng cá ít đi người ta mới thôi không bắt nữa.

Mạc Bố nói: "Cuối xuân với đầu thu mỗi năm xả nước một lần, mỗi nhà đều có thể bắt được ít nhất mười mấy con cá, trong nhà giữ lại một ít, số còn lại thì đem ra chợ bán, bờ sông còn có rất nhiều ốc, nhặt về xào ăn thơm lắm."

Lâm Thù Văn tưởng tượng đến cảnh tượng bắt cá ở hồ, có hơi hứng thú, vì thế cậu đồng ý.

Mạc Bố cười nói: "Vậy lát nữa chúng ta đi, trước tiên tới nhà ta ăn bánh thanh đoàn tử (*) đã."

Lâm Thù Văn: "Bánh thanh đoàn tử?"

Mạc Bố nói: "Là bánh làm từ ngải cứu, mỗi khi đến dịp lễ này nhà nào cũng làm, dùng để cúng tế, trẻ con cũng thích ăn, mẹ ta dặn ta kêu ngươi sang nhà nếm thử."

Ý tốt của Mạc thẩm làm Lâm Thù Văn khó lòng cự tuyệt, vừa đến nhà Mạc Bố, Mạc thẩm lập tức mời cậu uống trà, ăn bánh thanh đoàn tử.

Thiếu niên ngoan ngoãn, người lớn hỏi gì đáp nấy, lời lẽ mạch lạc, dáng vẻ thanh tú, Mạc thẩm rất thích cậu.

Đến khi mặt trời lên cao hơn chút, Mạc Bố thấy sương mù trong thung lũng đều đã tan hết, liền nói: "Nương, con cùng Thù Văn ra hồ nước bắt cá nhặt ốc nhé."

Lâm Thù Văn xách sọt cá trên tay, men theo đường đi một chút, chợt nhớ tới một chuyện.

Cậu nói: "Mạc Bố, ta muốn ra ruộng nhìn một chút, sẽ quay lại nhanh thôi."

Mạc Bố: "Hả, à, để ta đi cùng ngươi?"

Lâm Thù Văn nói: "Được."

Mạc Bố còn tưởng Lâm Thù Văn muốn đi thăm chừng, không nghĩ tới Lâm Thù Văn chạy tới cánh đồng kế bên, đứng chờ một lát, người tới quả nhiên là vị địa chủ kia.

Mạc Bố có cảm giác bị trưởng bối áp chế, da đầu căng lên, không hiểu sao người có tính tình trầm lặng, sợ người lạ như Lâm Thù Văn lại không sợ đại địa chủ?

Đại địa chủ tuy không lớn tuổi như những người giàu có, đầy danh vọng trong thôn, ví dụ như lớn tuổi cỡ trưởng thôn, nhưng Mạc Bố vừa thấy địa chủ, theo bản năng có hơi khúm núm.

Mạc Bố đột nhiên nhanh trí, hỏi: "Ngươi muốn nói chuyện với địa chủ hả?"

Đôi mắt Lâm Thù Văn cong cong: "Ừm."

Mạc Bố bị gương mặt cười rộ lên của thiếu niên hút hồn, may mà vẫn còn giữ lại được chút lý trí nói: "Vậy ta không qua đó với ngươi đâu, ta ở bên này chờ ngươi."

Lâm Thù Văn: "Được."

Thiếu niên mảnh khảnh tựa bé chim non xanh lơ chạy đến bên cạnh nam nhân cao lớn, nét mặt nhẹ nhàng, nhỏ giọng gọi: "Ông chủ Nghiêm."

Vẻ mặt Nghiêm Dung Chi lộ ra nét dịu dàng hiếm có, hỏi: "Có chuyện vui sao?"

Lâm Thù Văn híp mắt: "Lát nữa ta cùng Mạc Bố ra hồ nước bắt cá, còn có thể nhặt ốc, hôm nay sẽ không ra đồng."

Nghiêm Dung Chi nhìn vào chiếc giỏ tre trên tay Lâm Thù Văn, bên trên phủ một miếng vải, khiến người khác không nhìn được bên trong có gì.

Hắn hỏi: "Có ngại để ta đi cùng không?"

Lâm Thù Văn mở to mắt: "Hả...", rồi vội vàng đáp, "Không, không ngại."

Nghiêm Dung Chi nói: "Vậy đi cùng đi."

Lâm Thù Văn lặng lẽ đi theo sau, rồi nhanh chóng lấy từ trong túi ra một gói giấy dầu.

"Ông chủ Nghiêm, đây là bánh thanh đoàn tử sáng sớm Mạc thẩm cho ta, ngươi ăn không?"

Cậu cố ý chừa lại, vốn định hôm nay ra đồng sẽ đưa cho đối phương.

Nghiêm Dung Chi đối diện với ánh mắt chờ mong của thiếu niên, nhận gói giấy dầu vào lòng bàn tay, vừa mở ra đã thấy bánh thanh đoàn tử xanh mướt.

Trước ánh mắt của thiếu niên, Nghiêm Dung Chi nếm một ngụm, nụ cười của Lâm Thù Văn càng tươi hơn, hỏi: "Ngon không?"

Nghiêm Dung Chi nói: "Không tồi."

Mạc Bố nhìn đại địa chủ vừa đi vừa ăn bánh thanh đoàn tử nhà mình làm, vừa sợ vừa thấp thỏm, đi tuốt phía sau không nói nửa lời.

Lâm Thù Văn hỏi: "Ông chủ Nghiêm, trong rổ của ngươi đựng gì thế?"

Thoạt nhìn không giống hạt giống hay cây mầm.

Nghiêm Dung Chi: "Lát nữa ngươi sẽ biết."

Lâm Thù Văn đáp "ò" một tiếng, cũng không hỏi lại.

*

Trời còn chưa sáng, rất nhiều nam nhân cường tráng trong thôn đã ra ngoài làm việc. Họ tạm thời chặn dòng nước ở thượng nguồn, đợi nước từ hạ nguồn chảy ra hết rồi tiếp tục bịt kín cửa hạ nguồn, trên mặt chỉ còn dư lại chút nước, bùn ướt dính, còn có tôm cá.

Mạc Bố đi trước dẫn đường, rất nhanh đã dẫn Lâm Thù Văn đến một hồ nước tương đối yên lặng.

Mạc Bố nói: "Phía trước có mấy vùng nước lớn, chỗ đó nhiều cá, sáng sớm mọi người đều ra khu nước lớn bắt cá trước, còn những chỗ nhỏ như vầy thì để cuối cùng mới đến."

Xung quanh hồ nước mọc rất nhiều cỏ, cao đến nửa người, tầm nhìn khá bị che khuất.

Bốn bề vắng lặng, lá gan của Lâm Thù Văn cũng lớn hơn, cậu đi quanh bờ hai vòng, dù chưa nói câu nào, nhưng nét mặt hiện lên vài phần mong chờ, không khó nhận ra cậu cũng muốn xuống bắt cá như những thôn dân khác.

Nghiêm Dung Chi không muốn làm mất hứng thú của thiếu niên, nói: "Xắn tay áo và ống quần lên cẩn thận rồi hẵng xuống."

Giọng nói trong trẻo của Lâm Thù Văn đáp "ò" một tiếng, còn định đem dây lưng cột quần áo cho Mạc Bố, không ngờ người đàn ông bên cạnh lại lấy trước.

Nghiêm Dung Chi nói: "Duỗi tay."

Lâm Thù Văn duỗi hai cánh tay ra, cổ tay áo được đối phương cột chặt sang hai bên, còn ống quần thì vẫn nên tự mình cột, còn chưa kịp lấy dây lưng về đã thấy ông chủ Nghiêm cao hơn cậu một cái đầu nửa ngồi xổm xuống, ngón tay vén ống quần cậu cột lên.

Lâm Thù Văn chậm rãi chớp mắt: "...!"

Ngón tay đặt hai bên eo không tự chủ nắm chặt, cậu nhỏ giọng nói: "Ông chủ Nghiêm, ta tự buộc được."

Động tác của Nghiêm Dung Chi rất nhanh, sau khi đứng lên giúp cậu sửa lại vai cùng cổ tay áo: "Xong rồi."

Lâm Thù Văn: "..."

Mạc Bố đứng bên cạnh làm thinh không dám nói tiếng nào, cũng không dám nhìn.

Mặt trời lên cao dần, Lâm Thù Văn cùng Mạc Bố đi vào vũng bùn, nghe đối phương dạy cậu mấy câu, xong rồi lập tức đi theo bên cạnh bắt cá ở xung quanh.

Thôn dân bắt cá có một quy tắc bất thành văn, cá lớn bắt được thì đem về, cá nhỏ thì thả lại dưới sông, để chúng tiếp tục phát triển.

Lâm Thù Văn bắt được mấy con cá con đều thả chúng đi, không lâu sau, một con, hai con cá trơn trượt đều bị Lâm Thù Văn bắt lấy bỏ vào sọt cá.

Cậu cắn môi, không dám thở mạnh, giữ sọt cá thật cẩn thận, rồi mới chậm rãi thở ra.

Ở giữa vũng bùn tương đối sâu, Mạc Bố dặn dò Lâm Thù Văn lần nữa, đừng đi ra đó, nếu không, lún sâu quá sẽ làm dơ quần áo.

Lâm Thù Văn nghiêm túc nghe lời, tuy nhiên tâm trí vẫn luôn nhớ tới khu vực ở giữa vũng bùn.

Nghiêm Dung Chi hỏi: "Muốn ra đó à?"

Lâm Thù Văn lắc đầu: "Chỗ đó sâu quá."

Nghiêm Dung Chi đơn giản cột lại quần áo, sờ soạng chỗ giữa vũng bùn một chút, không chỉ bắt được mấy con cá béo tốt, còn ngoài ý muốn bắt được một con cá chép vàng.

Hai thiếu niên sôi nổi vây quanh, nhìn chằm chằm con cá chép vàng.

Mạc Bố cực kỳ ngạc nhiên: "Nơi này ít thấy cá chép vàng lắm, ở chỗ sâu trong hồ mới thấy được, hồ sâu nguy hiểm, người lớn trong thôn ít khi xuống đó lắm."

Nghiêm Dung Chi bỏ con cá chép vàng vào sọt, nhẩm tính thời gian một hồi, thấy thể lực của thiếu niên chống đỡ đến lúc này chắc cũng không còn nhiều, liền nói: "Ta mệt rồi, có muốn về cùng ta không?"

Lâm Thù Văn quả thật cũng có chút mệt mỏi, thể lực của cậu không quá tốt, không giống như Mạc Bố vẫn có thể chạy, có thể chơi ở vũng bùn như thường.

Cậu chào Mạc Bố, rồi đi theo bóng dáng cao lớn lên bờ.

Ánh nắng mặt trời ấm áp chiếu xuống nước sông cách vũng bùn không xa, như nhuộm thêm cho dòng sông một tầng sáng bạc.

Hai bóng dáng một cao một thấp đến gần bờ sông, lúc Lâm Thù Văn khom lưng rửa tay, cánh tay bỗng bị người ta kéo một cái.

Nghiêm Dung Chi nói: "Đừng nhúc nhích, sau chân ngươi có con đỉa."

Nghe vậy, Lâm Thù Văn quay đầu, quả nhiên thấy ở cạnh mắt cá chân có một con đỉa màu nâu, ngực cậu nghẹn lại, cả người suýt nữa ngã quỵ.

Nghiêm Dung Chi duỗi tay đỡ, giờ phút này Lâm Thù Văn đã sợ đến mức tay chân mềm nhũn, cả người ngơ ngác, hắn dứt khoát để thiếu niên ngồi lên đùi mình.

Lòng bàn tay bao lấy cẳng chân tinh tế, Nghiêm Dung Chi nói: "Sợ thì nhắm mắt lại, một chút là xong."

Lỗ tai bên phải Lâm Thù Văn chỉ nghe thấy tiếng tim đập bất thường của mình, nhắm mắt lại, trong đầu toàn là hình ảnh con đỉa to béo bám trên cẳng chân.

Nghiêm Dung Chi một tay đỡ eo thiếu niên, hơi cử động: "Xong rồi, ngươi nhìn xem."

Lông mi Lâm Thù Văn vẫn còn run rẩy, cẩn thận cúi đầu nhìn, con đỉa kia quả nhiên đã bị gỡ xuống.

Cậu ngơ ngác, chưa kịp hiểu chuyện gì đã xảy ra.

Nghiêm Dung Chi cũng không thúc giục, vẫn là Lâm Thù Văn thấy mình ngồi trên đùi đối phương có hơi lâu rồi, mới đỏ mặt đứng dậy, đôi mắt ướt át, ánh mắt tràn ngập sự sợ hãi cùng hổ thẹn.

Nghiêm Dung Chi mở miệng: "Không sao nữa rồi."

Lâm Thù Văn rũ đầu: "Ừm..."

Mạc Bố vẫn còn ở xa xa ngoài chỗ vũng bùn, hô lớn: "Sao vậy?"

Nỗi lòng Lâm Thù Văn phai nhạt đi chút ít, đáp lại Mạc Bố, quay đầu thấy nam nhân cao lớn đã nhấc cái sọt chứa đầy cá lên, vội chạy tới.

"Ông chủ Nghiêm, cứ để ta xách."

Nghiêm Dung Chi không đưa sọt cá cho cậu, Lâm Thù Văn cũng đứng yên.

Gò má thiếu niên phớt hồng nhưng nét mặt rất kiên quyết, tựa như nếu hắn không để cậu làm việc, cậu sẽ đứng ngồi không yên.

Thấy thế, Nghiêm Dung Chi bèn nói: "Ngươi xách giỏ tre của ta đi."

Lâm Thù Văn ngoan ngoãn làm theo, xách rổ đi theo sau Nghiêm Dung Chi.

Trong sân nhà Lâm gia có hai cái lu, cái lớn dùng để đựng nước, cái nhỏ dùng để nuôi cá.

Con cá chép vàng ấy được Nghiêm Dung Chi bỏ vào lu nước, Lâm Thù Văn đứng bên cạnh nhìn, không nhịn được khen: "Đẹp quá."

Nghiêm Dung Chi nói: "Tặng cho ngươi."

"Mấy con cá kia để từ từ ăn, còn con xinh đẹp này thì để nuôi."

Lâm Thù Văn ngây người.

Cá trong lu nước kia đại đa số đều do Nghiêm Dung Chi bắt, Lâm Thù Văn còn đang suy nghĩ chia cá cho đối phương, nhưng người ta lại nói số cá đó cùng con cá chép vàng xinh đẹp này đều là của cậu.

Lâm Thù Văn ôm cái lu chứa cá chép vàng lên, vừa sung sướng vừa thẹn thùng, vừa sợ vừa chua xót, vừa hạnh phúc vừa cảm động, trong lòng trăm mối ngổn ngang.

Thiếu niên nhanh chóng cử động đôi mắt ướt át, dáng vẻ ngoan ngoãn.

Cậu nghẹn ngào ngẩng đầu lên, đối diện với tầm mắt của người đàn ông thì sửng sốt, vội vàng giải thích: "Mắt ta... có cát bay vào..."

Editor có lời muốn nói:

(*) Bánh thanh đoàn tử: món ăn được làm trước tiết thanh minh, hình dạng giống như một loại sủi cảo. Người Trung Quốc sẽ nấu một loại cỏ thảo mộc có tên tương mạch thảo, mang đi ép lấy nước trộn làm bột. Vỏ ngoài xanh xanh của bánh được nhuộm từ rau khúc hoặc ngải cứu, nhân bánh là rau hẹ, trứng và đậu phụ khô. Ngoài ra, nhân trong bánh còn có phiên bản kết hợp giữa đậu xanh và mỡ lợn. Đầu bếp sẽ hấp bánh đến khi chín tới. Bánh có màu xanh bóng như ngọc với vị ngọt bùi. Bánh Thanh đoàn tử là thức quà người Trung Quốc thường cúng tổ tiên hoặc đem đi biếu bạn bè, hàng xóm. 

Bình Luận (0)
Comment