Nghiêm Dung Chi hỏi liên tiếp hai câu, khiến Lâm Thù Văn muốn lui cũng chẳng thể lui.
Cậu ngơ ngác nhìn người ta, giờ phút này, ngay cả một chữ cũng không thốt ra được, toàn bộ căn nhà dường như chỉ còn lại sự im lặng.
Cử chỉ Nghiêm Dung Chi thong dong, buông ra hai câu nói làm thiếu niên suy nghĩ rồi cũng không hề ép hỏi nữa. Hắn liếc mắt nhìn quanh bốn phía, thoáng nhìn thấy cây trâm gỗ trên bàn, mỉm cười nhẹ nhàng hỏi: "Nếu ta không tới, có phải em định ở trong phòng làm mấy việc này mãi không?"
Lâm Thù Văn: "..."
Cậu chần chờ gật đầu.
Lại nói: "Ban đầu còn định vào nhà ngủ một lát."
Tiếng sấm vang vọng bên tai, Nghiêm Dung Chi nhìn thiếu niên, biết rằng sao lúc này cậu có thể thật sự ngủ được, cùng lắm là vào phòng kéo đệm chăn che mặt lại, giống như tối qua vậy, không có gì thay đổi.
Bộ dáng vừa đáng thương lại đáng yêu, còn khiến người ta buồn cười.
Không ngờ trời mưa trước hoàng hôn, đảo loạn toàn bộ kế hoạch của Lâm Thù Văn.
Lúc trước vào giờ này, cậu vốn nên làm cơm nấu nước, chờ trời tối chút nữa, sau khi ăn xong thì mở cửa sổ đón gió, làm cây trâm một lát rồi đi ngủ.
Gặp sét đánh thì không làm được bất kỳ cái gì, thời tiết giữa hè chính là như thế, mưa cùng sấm sét liên tục kéo đến, không thể đoán trước được sẽ kéo dài bao lâu, lúc thì sấm dậy, lúc lại yên tĩnh. Có đôi khi trời vừa dứt cơn mưa to, nắng lên chỉ mới nửa canh giờ đã làm mặt đất hãy còn ngập nước toàn bộ bốc hơi hết, khiến người ta cảm thấy vừa khô nóng vừa ngột ngạt.
Nghiêm Dung Chi nhìn chút cháo Lâm Thù Văn còn để lại trong nồi, cũng đủ ăn. Đơn giản mở cửa, từ mái hiên đi đến vườn rau, hái hai cây hương xuân (*), lột vỏ, rửa sạch rồi cắt thành miếng nhỏ, sau đó lấy thịt khô treo trên giá xuống.
Vốn dĩ Lâm Thù Văn đã vào phòng ngủ, nhưng vì nghe thấy động tĩnh mà chống lại cơn buồn ngủ, đi ra ngoài.
Tiếng sấm chợt vang lên khiến bả vai cậu hơi co rúm lại, thanh âm gần như không thể nghe thấy: "Ông chủ Nghiêm, ngươi không cần như thế..."
Nghiêm Dung Chi cắt xong miếng thịt khô, đặt hương xuân lên bàn, thịt khô đặt lên một cái bàn khác, chuẩn bị nhóm lửa nấu.
Hắn liếc mắt, đôi mắt đen láy lóe lên một tia sắc bén: "Cũng không phải ngày đầu tiên làm vậy."
Lời cần nói cũng đã nói rõ, thần sắc nam nhân không còn ổn trọng, thâm trầm như lúc ban đầu ở cùng Lâm Thù Văn, nét mặt thâm thúy giờ đây thường mang theo chút ý cười.
Lâm Thù Văn không biết nói gì.
Một trận sấm chớp lại vang lên, cậu vội vàng ngồi xổm xuống, ngơ ngẩn nhìn bếp đá trước mặt, theo bản năng xê dịch đến bên chân Nghiêm Dung Chi, cầm lấy củi đốt, cúi đầu nhóm lửa.
Nghiêm Dung Chi thấy lửa bùng lên, liền nắm lấy cánh tay của thiếu niên, dẫn người ngồi lên ghế.
"Đừng ở cạnh bếp, chú ý khói làm cay mắt, ngồi xuống nghỉ một lát trước đã."
Thoáng nhìn Lâm Thù Văn ngo ngoe rục rịch, Nghiêm Dung Chi lại nói: "Đừng tiếp tục đọc sách hay làm cây trâm suốt nữa, sau giờ ngọ em đã làm trâm gỗ lâu như vậy rồi, nếu làm nữa thì rất dễ làm hại mắt."
Cho dù đã đổi một cái đèn sáng cho Lâm Thù Văn, Nghiêm Dung Chi vẫn phải dặn dò nhiều lần, rốt cuộc hắn đã gặp qua không ít văn nhân, hoặc là những người hàng năm làm việc dưới ánh đèn, không hề tiết chế mà dùng nhiều đến mức làm hỏng cả đôi mắt.
Tuổi Lâm Thù Văn còn nhỏ, Nghiêm Dung Chi không hi vọng thói quen như vậy làm hại đôi mắt của cậu.
Thiếu niên ngồi trên ghế, trước mắt không thể đọc sách, lại không thể làm trâm, đành phải nhìn chằm chằm hai tay đặt trên đầu gối, đôi tai vẫn đỏ bừng, tim vẫn đập nhanh không ngừng.
Cậu nhịn không được suy nghĩ những lời vừa rồi Nghiêm Dung Chi nói.
Thẳng đến khi đối phương kêu cậu ăn cơm, Lâm Thù Văn nâng một chén cháo lên, gắp vài miếng hương xuân ăn, nhìn những quả trứng thơm mềm đang bốc hơi nghi ngút trong một cái chén khác, hỏi: "Ông chủ Nghiêm không ăn sao?"
Nghiêm Dung Chi nói: "Ta vẫn chưa đói."
Hắn tới đây cũng là do một lúc nảy lòng tham, sét đánh khiến hắn không yên tâm để Lâm Thù Văn ở một mình. Hắn luôn cảm thấy Lâm Thù Văn có điều gì đó khó nói, bởi vậy đối với chính bản thân cậu luôn không quá để tâm.
Nghiêm Dung Chi nói: "Ta muốn quan tâm em, xuất phát từ tấm chân tình, không cần cảm thấy gánh nặng, ngày thường như thế nào thì giờ cứ như thế ấy, càng không cần cố tình trốn tránh ta."
Tiếng sấm vừa dứt, một trận mưa liền trút xuống, không lâu sau lại ngừng, Nghiêm Dung Chi thay Lâm Thù Văn đóng kín cửa sổ rồi mới rời đi.
Tay Lâm Thù Văn cầm giá cắm nến, nam nhân đã sớm đi xa.
Cậu vẫn đứng trong viện ướt át, gió lạnh thổi vào mặt, phiến đá trong sân lay động bóng hình của cậu, cậu tự mình nhìn chằm chằm bóng dáng của mình một lúc lâu, không hiểu sao, tâm trạng rối bời trong lòng bỗng như bầu trời sau cơn mưa, mây mù tiêu tan, trời lại sáng.
Thậm chí cậu đã từng nghĩ, liệu Nghiêm Dung Chi có thích mình không.
Thiếu niên không khỏi nhếch môi, rốt cuộc không nhịn được cười cười.
*****
Lục tục mấy ngày, Lâm Thù Văn luôn cùng Mạc Bố, cùng với mấy tiểu tử cùng tuổi, còn có Trịnh ca nhi, Từ ca nhi, dậy sớm ra bờ sông nhặt tôm nhặt ốc, rồi lên núi đào măng, nếu vận khí tốt một chút, đám Mạc Bố còn có thể bắt được động vật hoang dã ra ngoài kiếm ăn, tỷ như con thỏ, gà rừng.
Thôn Bát Bảo cứ 10 ngày sẽ họp thôn một lần, buổi tụ họp lần trước đã qua, Lâm Thù Văn chỉ có thể cùng Mạc Bố đem đồ đến những buổi họp thôn khác để bán.
Mấy ngày nhặt tôm cá, còn có măng, cuối cùng kiếm được khoảng hơn 50 văn, đám Mạc Bố săn được thỏ hoang, gà rừng linh tinh, bán được nhiều tiền hơn chút, mẹ của nó để lại cho nó mười lăm văn tiền tiêu vặt, còn lại đều để dành lại.
Mạc Bố nói: "Nương ta muốn kêu ta cưới vợ."
Từ ca nhi cùng Trịnh ca nhi dời ánh mắt lên người nó, Mạc Bố lại nhìn Lâm Thù Văn, do dự một lát, cuối cùng chỉ gãi gãi cái ót, cái gì cũng chưa nói.
******
Họp thôn đến chính ngọ, thời điểm nóng nhất, liền tan, Trịnh ca nhi cùng Từ ca nhi vội về nhà, không lâu sau liền đến Lâm gia, bây giờ hai người đã muốn học mười chữ mỗi ngày, rất là vất vả.
Lâm Thù Văn kiểm tra bọn họ một chữ riêng biệt, một chữ viết chính tả thì tạm được. Nếu ghép thành câu thường thấy, thì sẽ không trôi chảy.
Lâm Thù Văn còn chưa kiểm tra bọn họ về thơ từ, hai ca nhi cũng không có nhiều hoài bão hay khát vọng, nên không học câu thơ, có thể xem hiểu chuyện phiếm đã vừa lòng. Vì thế, Lâm Thù Văn trước tiên dạy họ những cách dùng từ đơn giản thường thấy nhất.
Mặt của Từ ca nhi nhanh chóng nhăn nhúm, lẩm bẩm nói: "Ta quên viết thế nào rồi."
Trịnh ca nhi nói: "Chữ này ta nhớ, ta dạy ngươi."
Hai ca nhi ai nhớ rõ thì chỉ cho người còn lại, rất có lợi cho việc tăng thêm ấn tượng và ghi nhớ.
Lâm Thù Văn yên lặng nhìn một lát, gật gật đầu.
Trên đường, hai ca nhi bàn về tiệc rượu mừng ngày mai. Người tân lang cưới là con gái nhỏ nhà họ Tôn ở thôn Hạnh Hoa, tân lang là người theo địa chủ gia tới, xây nhà mới, tiệc rượu sẽ được tổ chức trong sân, nghe nói bày hơn hai mươi bàn, mỗi người đến đều có thể thay phiên uống một ngụm rượu.
Từ ca nhi hỏi: "Ngày mai tiểu tiên sinh muốn đi cùng chúng ta không?"
Lâm Thù Văn thường ngày độc lai độc vãng, có ra ngoài cũng là đi theo Mạc Bố.
Nhưng ngày mai Mạc Bố phải đi cùng người lớn trong nhà, Từ ca nhi thấy Lâm gia quạnh quẽ, liền gọi Lâm Thù Văn đi cùng.
Trịnh ca nhi nói: "Tiên sinh đi cùng chúng ta đi."
Bọn họ học chữ với Lâm Thù Văn, vốn đã có chút lo lắng, quan tâm đến việc Lâm Thù Văn sống một mình, nên muốn làm cái gì đều sẽ dẫn cậu tham gia cùng.
Lâm Thù Văn còn đang do dự, có người tới ngoài cửa.
Nghiêm Dung Chi xuất hiện làm Từ ca nhi cùng Trịnh ca nhi đồng thời im lặng, đàn ông trong thôn không ít, nhưng không có người nào trầm tĩnh, ổn trọng như địa chủ, hành động, lời nói và cử chỉ đều toát lên một khí chất khác biệt.
Rất nhiều cô nương và ca nhi chưa kết hôn sau khi gặp qua địa chủ đều kinh ngạc, vốn tưởng rằng là một ông lão phúc hậu, ai mà ngờ lại trẻ tuổi như vậy.
Hai ca nhi nhìn nhau, có hơi lúng túng.
Lâm Thù Văn đứng dậy: "Ông chủ Nghiêm."
Từ đêm mưa ngày ấy tiễn đối phương đi, Lâm Thù Văn bỗng nhiên không còn ngượng ngùng như vậy nữa.
Mấy ngày không gặp, bỗng nhiên chạm mặt, cậu cảm thấy bản thân mình vui sướng chiếm đa số, xen vào đó là vài phần nhớ nhung.
Từ ca nhi cùng Trịnh ca nhi vừa thấy tình huống không đúng, liền thu dọn bài học mỗi ngày, gấp giấy viết chữ lại cẩn thận, rồi cất vào trong túi.
Từ ca nhi nói: "Tiên sinh, ta cùng Trịnh ca nhi về trước."
Rồi cùng nhau nhìn một thân ảnh cao lớn khác, hai ca nhi cúi thấp đầu: "Địa chủ gia, hai chúng ta đi trước."
Lâm Thù Văn đưa cả hai rời đi, rồi đóng cửa lại.
Nghiêm Dung Chi nói: "Ta tới sớm."
Lâm Thù Văn rầu rĩ gật đầu, Nghiêm Dung Chi đến trước mặt thiếu niên: "Đừng giận ta, là ta không phải, mấy ngày trước đây không gặp, hôm nay tới sớm chút coi như bù đắp, được không?"
Lâm Thù Văn thấp giọng: "Ta không giận."
Nghe thiếu niên nhẹ nhàng giải thích xong, Nghiêm Dung Chi khẽ nhướng mày rậm.
Hắn mở cái bao trên tay ra, lời nói tự nhiên: "Thù Văn, xem ta mang gì cho em này."
Lâm Thù Văn tò mò, trong bao là một bộ y phục mới cùng giày.
Áo ngoài có màu xanh thẫm nhạt, bên trong áo khoác là một chiếc áo dài trắng tinh được thêu hoa văn lịch sự, tao nhã cùng với trân châu, kích cỡ là dựa theo vóc người của Lâm Thù Văn mà làm.
Lúc đầu năm Lâm Thù Văn đến thôn Bát Bảo, chỉ mang theo mấy bộ y phục mùa xuân, vật liệu cùng đường may đều không tồi, nhưng chỉ có thể mặc khi trời lạnh để giữ ấm.
Thời tiết nóng dần, cậu thêm vào ba bộ quần áo đều là quần áo vải có kiểu dáng bình thường mà bá tánh hay mặc. Nhưng bộ dáng cùng khí chất của thiếu niên rất tốt, một bộ quần áo này cũng có thể tôn lên năm sáu phần, dù thế, Nghiêm Dung Chi vẫn muốn cậu mặc những bộ xiêm y xinh đẹp, lộng lẫy hơn.
Trước giờ vẫn luôn không tìm được lý do để Lâm Thù Văn yên tâm, thoải mái mà nhận, tiệc rượu mừng lần này là một cơ hội tốt, chỉ cần khuyên bảo thiếu niên vài câu, cậu liền hơi dao động, một lát sau, Lâm Thù Văn liền nhận lấy.
Cậu lại nhớ kỹ ân tình này của Nghiêm Dung Chi trong lòng.
Còn nói: "Ta cũng chuẩn bị hạ lễ cho tân hôn."
Nghiêm Dung Chi muốn dẫn Lâm Thù Văn đi cùng, hạ lễ cũng đã sớm chuẩn bị. Nghe Lâm Thù Văn nói đã chuẩn bị lễ vật, hắn cười hỏi: "Chuẩn bị cái gì?"
Lâm Thù Văn vào nhà, từ trên tầng cao nhất của quầy thấp lấy ra một cái hộp.
Trong hộp là một đôi trâm như ý (**) mà mấy ngày nay cậu đã tỉ mỉ điêu khắc, so với những cây trâm cậu bán cho cửa hàng trang sức, đôi trâm này đẹp hơn nhiều. Những ngày gần đây cậu đều vội vàng chuẩn bị đôi trâm như ý này, hầu như không có thời gian để làm thêm việc gì khác.
Cậu nhỏ giọng câu nệ nói: "Ta còn nhờ Mạc Bố giúp ta đến nhà người khác mua hai con gà cùng hai con vịt, đến lúc đó sẽ cùng đưa đến."
Những thứ như hồng bào hay túi thêu mừng cưới Lâm Thù Văn đều không biết làm, chỉ có thể đưa những lễ vật khác.
Nghiêm Dung Chi cười nói: "Được, đến lúc đó đem gà cùng vịt lên xe."
Một câu liền giải quyết việc Lâm Thù Văn đang buồn rầu vì không biết nên đem hai con gà vịt ra ngoài thế nào.
Ngồi trong phòng, hai người nhìn nhau, Lâm Thù Văn vẫn còn những lời giấu trong lòng chưa thể nói rõ.
Cậu định nói cho Nghiêm Dung Chi biết, hôm nay mình thấy hắn thì rất vui, mấy ngày không gặp, gặp rồi mới biết mình nhớ người này.
Nhưng câu nói thân mật như vậy Lâm Thù Văn vẫn ngại ngùng, không nói nên lời.
Hôm sau, Nghiêm Dung Chi tới đón cậu, đem gà cùng vịt đã được cột chân, đang nằm trong viện, lên xe.
*****
Trong phòng, Lâm Thù Văn mặc bộ đồ mới Nghiêm Dung Chi làm cho cậu, còn chưa ra cửa đã căng thẳng vô cùng.
Cậu chải chuốt mái tóc đen nhánh vô cùng tinh tế, làn tóc suôn mượt như lụa buông xõa sau lưng, trên tóc cài một cây trâm, cố định gọn gàng không để một sợi tóc nào rơi xuống che đi khuôn mặt thanh tú, sạch sẽ.
Thiếu niên môi hồng mặt trắng, bộ đồ mới nhạt màu càng tôn lên nước da trắng ngần của cậu.
Vừa ra khỏi cửa, ánh mắt Nghiêm Dung Chi liền dừng trên người cậu.
Cậu có hơi ngượng ngùng, Nghiêm Dung Chi thở dài, dù chưa nói gì nhưng bị đôi mắt đen nhánh, thâm thúy kia nhìn không chớp mắt khiến bên tai Lâm Thù Văn bỗng chốc nóng lên.
Cổ tay cậu cứng đờ, Nghiêm Dung Chi đỡ cậu lên xe ngựa.
Xe ngựa vững vàng đi được nửa đường, Nghiêm Dung Chi vẫn nhìn Lâm Thù Văn.
Thiếu niên chịu không nỗi, nghiêng người: "Đừng nhìn nữa."
Nghiêm Dung Chi không tiếng động cười: "Thù Văn, đã nhiều ngày ta nhớ em."
Lâm Thù Văn rụt rụt bả vai: "..."
"Ngươi, ngươi đừng nói nữa mà."
Tác giả có lời muốn nói:
Điều chỉnh một chút về thuế thân, mỗi người từ 15 tuổi trở lên phải nộp 150 văn tiền nhưng chỉ nhận lại được 80 văn tiền, phát hiện dựa theo những quy định thuế tham khảo thời xưa, thì thuế thân như vậy quả thực quá áp bức bá tánh.
Editor có lời muốn nói:
(*) Cây hương xuân (香椿): còn gọi là cây xoan hôi, tông dù. Lá non của chúng chỉ có thể ăn được trong thời gian đầu xuân, bởi nếu để qua mùa xuân thì vị của nó sẽ không còn được như trước, cũng có thể nói là không thể ăn được nữa. Cây hương xuân cao từ 20-30 mét, tán hình ô, vỏ có mùi hăng như tỏi, lá kép lông chim, mọc tự nhiên ở nhiều tỉnh biên giới phía Bắc nước ta như Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Hà Giang, Thái Nguyên, Lạng Sơn... và các tỉnh phía Nam Trung Quốc. Mầm cây hương xuân có công dụng như thanh nhiệt, giải độc, cầm máu, diệt khuẩn, trị viêm ruột. Phát hiện gần đây về loài cây này còn cho thấy nó có tác dụng giảm lượng đường trong máu, rất có lợi cho sức khỏe. Hương xuân rất giàu vitamin C, vitamin A, vitamin E, axit folic và các vitamin khác, cũng như protein, canxi, phốt pho, sắt và các khoáng chất khác. Tuy nhiên, trong lá hương xuân có hàm lượng nitrat khá cao, nếu không được chế biến cẩn thận rất dễ gây ngộ độc cho người ăn.
(**) Trâm như ý (如意簪): một loại trâm cài tóc có thiết kế đặc biệt, mang hình dáng của "Như Ý" (một vật dụng biểu tượng cho sự may mắn, thịnh vượng và thuận lợi trong văn hóa Trung Hoa). Trâm này thường có phần đầu uốn cong, được chạm khắc tinh xảo, có thể đính thêm ngọc, đá quý hoặc các hoa văn mang ý nghĩa cát tường.