Sau Khi Địa Chủ Nhỏ Bị Ép Về Quê

Chương 49

TrướcSau 

Người tới ngẩn ra, nói: "Vậy chờ tiểu tiên sinh làm xong hôn sự cũng không muộn."

Lâm Thù Văn hỏi thăm một lúc mới hiểu được ý đồ của đối phương.

Ban đầu, cây trâm cậu bán cho cửa hàng trang sức được thiên kim của một nhà đại thương mua, đúng lúc cây trâm đó bị gia chủ nhìn thấy.

Nghe nói vị gia chủ này có một khối gỗ điêu khắc muốn tìm cậu phục hồi lại mấy chỗ bị hư hao, mấy năm nay bọn họ đã tìm không ít danh sư, tuy rằng kỹ thuật điêu khắc không tồi, nhưng trước sau vẫn không tìm được ai có thể mang lại linh khí cho gỗ điêu khắc.

Nam tử nói: "Chúng ta thông qua chưởng quầy biết được tên cùng chỗ ở của tiểu tiên sinh, đến đây tìm hiểu một phen, mới tìm được nơi này, mạo muội tới cửa, mong tiên sinh đừng trách."

Lâm Thù Văn nghĩ kỹ một lúc, cậu tự biết năng lực mình hữu hạn, không biết có đảm nhiệm nỗi việc này không. Nhưng nếu đối phương đã tìm đến cửa, lời từ chối ban đầu định nói mãi không thể thốt ra.

Nam tử nói: "Tiểu tiên sinh cứ yên tâm, nếu thành công, gia chủ ta sẽ trả thù lao hậu hĩnh."

Trong lòng Lâm Thù Văn đang nghĩ, cũng là việc này.

Cậu muốn thành thân, không thể sống kiểu một người ăn no, cả nhà không đói bụng, tùy tiện đối phó cuộc sống như trước đây.

Cũng không thể cứ để Nghiêm Dung Chi nuôi mình được.

Hiện giờ có tay nghề có thể kiếm ra tiền cũng tốt.

Cậu nói: "Ngươi chờ một chút."

Lâm Thù Văn vào nhà, lấy hai bức tượng nhỏ cậu khắc khi rảnh rỗi ra, đưa cho đối phương.

"Đây là do ta làm, làm phiền ngươi mang về, giao cho chủ tử của ngươi xem, nếu được, qua trung tuần tháng sau lại đến."

Nam tử gật đầu: "Được, được."

Lâm Thù Văn nhìn đối phương: "Muốn vào phòng uống một ngụm trà không?"

"Không cần, ta đi liền đây, không quấy rầy tiên sinh nữa."

Nam tử cười cười: "Chúc mừng tiên sinh sắp có hỉ sự."

Lâm Thù Văn nhìn theo đối phương ngồi xe ngựa rời đi, nhớ lại lời nam tử vừa nói, vẫn cảm thấy như mình đang ở trong ảo cảnh.

Trước nay cậu không hề cho rằng tay nghề điêu khắc của mình tốt, so với những sư phụ dày dặn kinh nghiệm, công lực còn kém nhiều lắm.

Nhưng Nghiêm Dung Chi từng khen mèo nhỏ cậu khắc rất sinh động, vốn tưởng đối phương chỉ đang an ủi mình thôi, nào ngờ khi đem trâm bán cho tiệm trang sức, giá cả lại không tồi, càng không thể tin được một ngày kia sẽ có người tìm tới cửa.

Sau khi suy nghĩ một lát, Lâm Thù Văn vào nhà đọc sách, còn nằm trên bàn viết chữ.

Trời dần về trưa, trong phòng càng ngày càng nóng, cậu xoa nhẹ búi tóc lấm tấm mồ hôi, giờ phút này không thể ngồi yên viết chữ nữa, liền múc nửa thùng nước lạnh từ đáy giếng rồi vẩy dọc theo bốn phía sân nhà.

Tìm được hạt dẻ vẫn chưa được lột vỏ treo trên tường, Lâm Thù Văn lấy kéo ra, ngồi trên băng ghế trong nhà chính, tỉ mỉ lột hết số hạt dẻ còn lại.

Hôm nay trong nhà Từ ca nhi và Trịnh ca nhi đều có việc, chỉ có ba đứa nhỏ nhà họ Triệu đến học chữ.

Sân và nhà chính đều bị sính lễ Nghiêm Dung Chi mang đến chiếm hơn phân nửa, không thể mang vào nhà, chỉ đành tạm thời dùng ván gỗ dựng một cái lều che nắng che mưa cho mấy cái rương trong sân, kể từ đó, khoảng sân vốn đã nhỏ nay càng chật chội hơn.

Vốn Lâm Thù Văn cùng ba đứa bé Triệu gia ngồi dưới tàng cây, nhưng nhiệt độ không khí ngày càng cao, sau giờ ngọ cũng không nổi gió, cậu liền mời mọi người vào bàn trong nhà chính ngồi, bưng một dĩa hạt dẻ rang đêm qua, còn có trà đã pha lúc sáng sớm ra chiêu đãi chúng.

Đứa lớn Triệu gia nói: "Tiên sinh, lát nữa ta cùng nhị đệ, tam đệ ra ruộng hái bí đỏ, nếu không thì qua mấy ngày nữa đều phải vứt bỏ, người cũng đến lấy một ít đi, muốn lấy bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu."

Triệu gia trồng không ít bí đỏ, năm nay bội thu, thu hoạch được rất nhiều. Bí không đáng tiền, số còn lại trong đất cũng không hái đem bán, mà tặng cho những người có quan hệ tốt, coi như thêm một chút tình nghĩa.

Vì thế, mấy hôm sau, khi trời bớt nắng gắt, Lâm Thù Văn theo ba đứa nhỏ Triệu gia ra ruộng bí nhà chúng.

Trong đất còn không ít bí đỏ chín chờ thu hoạch, vụ mùa sắp kết thúc, hoa bí đỏ cũng chưa hái hết.

Mấy đứa nhỏ Triệu gia tay chân nhanh nhẹn ôm mười mấy quả bí từ ruộng lên, Lâm Thù Văn thì dùng dây thừng buộc mấy bông hoa bí đỏ lại.

Đứa lớn nhất nhà họ Triệu nói: "Chúng ta giúp tiên sinh mang hết bí đỏ về sân."

Lâm Thù Văn cũng tự mình xách hai quả, phía sau còn mang mấy bó hoa bí đỏ đã được cột chắc, đi đến nửa đường, đúng lúc gặp được Nghiêm Dung Chi.

Trên tay Nghiêm Dung Chi xách theo hộp đồ ăn, thấy thiếu niên cầm nhiều đồ vật như vậy, bèn đi tới dùng tay còn lại cầm hai quả bí đỏ trong tay cậu.

Đám nhóc Triệu gia đồng thanh hô: "Chào địa chủ gia."

Nghiêm Dung Chi khẽ gật đầu, về đến Lâm gia, chia một bao kẹo cho ba đứa nhóc.

Ba đứa trẻ buông bí đỏ xuống, nhận lấy bao kẹo rồi vui vẻ rời đi.

Nghiêm Dung Chi lấy một cái khăn lạnh ra lau đi mồ hôi trên mặt Lâm Thù Văn, thiếu niên ngoan ngoãn ngửa mặt lên, gương mặt phiếm hồng vì nóng.

Nghiêm Dung Chi nói: "Trong hộp đồ ăn có nước đường đậu xanh táo đỏ ướp lạnh, em tự múc một chén uống nhé."

Lâm Thù Văn "ò" một tiếng đáp lại, rồi hỏi: "Chàng thì sao?"

Nghiêm Dung Chi giúp cậu gỡ hoa bí đỏ sau lưng xuống, ánh mắt nhìn về phía mười mấy quả bí đỏ chất đống trong góc, mơ hồ như đang suy tư gì đó nhưng vẫn không bước chân ra sân.

Lâm Thù Văn nói: "Ta cũng múc một chén cho chàng."

Hai người ngồi dưới bóng cây trong sân uống nước đường đậu xanh táo đỏ lành lạnh, Lâm Thù Văn sẵn tiện kể chuyện có người tìm cậu điêu khắc cho Nghiêm Dung Chi nghe.

Nét mặt cậu đầy vẻ vui mừng cùng thấp thỏm, do không biết mình có thể đảm đương nỗi việc này không.

"Nghiêm Dung Chi, chàng nói xem, ta có nên thử một chút không?"

Nghiêm Dung Chi nhìn cậu: "Nếu em muốn thì cứ việc làm đi."

Lâm Thù Văn nói: "Ta muốn kiếm tiền, có một tay nghề có thể kiếm ra tiền thì tốt rồi."

Nghiêm Dung Chi chưa nói gì nhiều nhưng cũng đủ làm cậu yên tâm ở lại trong nhà, Lâm Thù Văn muốn kiếm tiền, đương nhiên sẽ cố gắng duy trì.

Hắn chỉ nói: "Đừng để mình mệt quá ảnh hưởng sức khỏe là được."

Ban đầu không thể quản hết mọi chuyện của Lâm Thù Văn, nhưng chờ sau này hai người thành thân rồi, liền có thể quan tâm thiếu niên nhiều hơn, ví dụ như không đồng ý để cậu thức khuya làm việc, hay để cậu chịu lạnh bị cảm, còn có thể nhắc nhở cậu ăn cơm đúng giờ.

Hoa bí đỏ không thể để được lâu, buổi tối Nghiêm Dung Chi dùng hoa bí nấu canh, còn muối dưa hoa.

Lâm Thù Văn dưới cái nhìn chăm chú của Nghiêm Dung Chi mà ăn nhiều thêm nửa chén cơm, buổi tối trời không trăng, không khí có hơi ẩm ướt, mây hồng nặng nề, thoạt nhìn như sắp có một trận mưa to trút xuống.

Khoảng thời gian trước cậu vội vàng làm trâm, dùng mắt hơi quá độ, mấy ngày nay phải nghỉ ngơi.

Sau khi ăn xong rảnh rỗi, vẫn chưa đến giờ nghỉ ngơi, Lâm Thù Văn cầm lấy một quyển sách, nhìn Nghiêm Dung Chi, hỏi: "Ta đọc sách cho chàng nghe nhé?"

Đáy mắt Nghiêm Dung Chi hiện lên ý cười: "Được."

Hai người ngồi trước đèn, cái bóng hắt trên tường gần như chồng lên nhau.

Giọng nói sáng trong của thiếu niên khiến người ta cảm thấy thoải mái hơn cả làn gió đêm, dần dần, Lâm Thù Văn dựa vào vai Nghiêm Dung Chi, ôm sách trong lòng ng.ực, từ từ nhắm mắt lại.

Ôm lấy thiếu niên trong ng.ực ngồi yên trên ghế, thời gian lúc này dường như trôi qua chậm lại, mãi sau Nghiêm Dung Chi mới ôm cậu vào trong phòng.

Do đêm khuya trời đổ mưa, Nghiêm Dung Chi ở lại trong tiểu viện Lâm gia, buổi tối còn ngủ ngoài nhà chính.

******

Đêm khuya, trời đổ cơn mưa rào và nổi gió mạnh, ngay cả cửa sổ đã đóng kín trong phòng cũng bị thổi mở.

Lâm Thù Văn thơ ngây mờ mịt ôm đệm chăn ngồi dậy, cửa bỗng nhiên bị đẩy ra, lọt vào chút ánh sáng nhàn nhạt.

Thân ảnh cao lớn của nam nhân đến gần cậu, Lâm Thù Văn mở miệng muốn nói, lại nghe một tiếng trầm đục từ trên đỉnh đầu truyền tới, gạch ngói bên trên rung chuyển, tro bụi bay đầy trời.

Nghiêm Dung Chi nhanh tay lẹ mắt bế thiếu niên trên giường lên, nhanh chóng đi đến nhà chính.

Trận mưa to kéo theo cơn gió mạnh tấn công dữ dội, cây cối bị cuồng phong quật ngã, tạo ra vết rách trên mái nhà cũ Lâm gia.

Nghiêm Dung Chi bảo vệ gáy của Lâm Thù Văn, cầm lấy dù, nói: "Rời khỏi đây trước đã."

Tác giả chính thức thông báo:

Chuyển nhà, dọn đi cùng tướng công.

Bình Luận (0)
Comment