Sau Khi Địa Chủ Nhỏ Bị Ép Về Quê

Chương 67

Nam nhân thong thả dùng chất giọng trầm nói lời chúc năm mới, hệt như một cây búa nhỏ nhẹ nhàng gõ vào trái tim cùng vành tai Lâm Thù Văn.

Cậu liên tục li.ếm môi, khóe môi cùng mặt mày cong lên, cảm giác chua xót chẳng hề vơi đi.

Giọng cậu khàn khàn: "Ta cũng chưa chuẩn bị quà mừng năm mới cho chàng..."

Nghiêm Dung Chi dắt tay Lâm Thù Văn ra khỏi phòng ngủ.

"Ta lớn tuổi hơn Thù Văn, lại là hôn phu của em, đưa quà mừng năm mới là điều đương nhiên."

Ban đêm trời mưa, mặt đất vẫn còn ẩm ướt, gió lạnh thổi qua người, làm cho ngón tay hơi đau.

Lâm Thù Văn nhanh chóng được Nghiêm Dung Chi dắt vào nhà ăn, màn che buông xuống, cản lại gió lạnh bên ngoài, bên trong còn đặt một chậu than đang cháy.

Vừa ngồi xuống không lâu, quản sự mang hai phần bánh trôi lên.

Sáng sớm đầu năm ăn bánh trôi, tượng trưng cho đoàn viên và viên mãn.

Lâm Thù Văn cười tủm tỉm nhìn về phía quản sự: "Ăn Tết vui vẻ."

Quản sự cười đáp lại, rồi nói: "Chén lớn kia hương vị hơi nhạt, chén nhỏ này thì tương đối ngọt."

Bánh trôi vị ngọt đương nhiên là cho Lâm Thù Văn ăn.

Nghiêm Dung Chi thoáng nhìn thiếu niên lặng lẽ nhìn chăm chú vào chén lớn, bèn múc một viên bánh trôi trong chén đưa đến bên miệng cậu.

"Nếm thử đi."

Lâm Thù Văn nghe lời ăn, rồi cúi đầu nếm phần trong chén mình, so ra, gần như chẳng nếm được chút vị ngọt nào trong cái chén lớn.

Cậu múc một viên bánh trôi trong chén, đưa đến bên miệng nam nhân. Nghiêm Dung Chi lắc đầu bật cười, nhưng cuối cùng vẫn ăn, bánh trôi quá ngọt khiến hắn cảm thấy không nói nên lời, rồi uống trà làm dịu vị ngọt trong miệng.

Ăn Tết có tập tục cúng miếu để nghênh đón thần linh. Trời tờ mờ sáng, mỗi nhà trong thôn đều chuẩn bị sẵn các món gà, vịt, thịt, cá, cùng với bánh ú và nước trà, chia ra cất vào sọt tre, đậy kín bằng nắp, lót một lớp vải bố, treo lên hai đầu đòn gánh để mang đi.

Miếu thần có hai nơi, một chỗ trên núi, một chỗ là từ đường trong thôn tu sửa lại, hôm nay Nghiêm Dung Chi cũng muốn dắt Lâm Thù Văn đến miếu thần cúng bái.

Ăn bánh trôi xong, sau bếp đã chuẩn bị xong đồ vật để bái thần, La Văn phụ trách xách theo.

Trời đổ cơn mưa phùn, ba người ra ngoài.

Đêm qua có rất nhiều nông hộ đốt pháo, trên đường có thể thấy được rất nhiều giấy hồng trong pháo trúc bay bay, có rất nhiều người nối đuôi nhau lên núi đến miếu thần.

Đường lên núi hẹp, mặt đất lại lầy lội, người dân trong thôn tự giác xếp hàng, khiêng lễ vật chậm rãi đi dọc theo đường núi, tiếng pháo nổ vang vọng từ trên núi cùng mùi nhang khói bay đến từ nơi xa.

Lâm Thù Văn đi theo Nghiêm Dung Chi sau thôn dân trong hàng, có nhiều thôn dân xung quanh mang theo mấy đứa nhỏ cùng nhau xếp hàng, Lâm Thù Văn lấy một ít đồ từ trong túi vải đeo trên vai ra, phát kẹo cho mấy đứa nhỏ, còn phát lì xì mừng tuổi, mỗi bao lì xì đỏ đều đựng tiền đồng.

Đám trẻ con trên đường nhận bao lì xì mừng tuổi cùng kẹo, vui vẻ cười, mặt ửng đỏ, đồng thanh chúc Tết bọn họ.

Hàng dài dọc theo đường núi đi chậm, gần nửa canh giờ sau, Lâm Thù Văn mới đến được miếu Sơn Thần.

Miếu Sơn Thần không lớn, được xây dựng ở vị trí lõm nửa trên vách đá, phía dưới là một khu đất trống, xung quanh đều là cây cối và cỏ dại.

Dù là đất trống nhưng có hơn hai mươi người đứng. Thôn dân mang theo tế phẩm bước vào, bày trên đất trống, thắp hương rồi hướng về phía Sơn Thần cúng bái.

Nghiêm Dung Chi cùng La Văn đều bày tế phẩm, Lâm Thù Văn khom lưng ngồi xổm xuống, hỗ trợ lấy rượu Đồ Tô và chén rượu trong sọt tre ra, sau khi dọn xong thì phân biệt đổ rượu vào từng chén.

Cậu mặc một thân áo bông mùa xuân đỏ thắm xinh đẹp, thu hút ánh nhìn chăm chú từ bốn phương tám hướng, nét mặt tụi nhỏ đều cực kỳ hâm mộ.

Dọn xong cống phẩm, sau khi thắp nhang, Lâm Thù Văn đứng cạnh Nghiêm Dung Chi, hai người đồng thời cúi đầu bái lạy về phía miếu Sơn Thần.

Thôn dân đến đây bái thần đều ở gần miếu hoặc ở khu đất trống bên cạnh, đốt một đoạn pháo ngắn khoảng nửa cánh tay, tuy trời mưa phùn, nhưng thôn dân vẫn tránh cây cối và bụi cỏ, bởi nếu xảy ra hỏa hoạn ở miếu thần, không chỉ đụng chạm thần linh, mà còn có thể mang đến tai họa cho gia đình trong năm mới.

Sau khi lạy miếu Sơn Thần xong, Lâm Thù Văn lại đi theo Nghiêm Dung Chi đến từ đường trong thôn.

Ngoài cửa từ đường có rất nhiều thôn dân đứng chờ, người bên trong bái xong rồi, người chờ bên ngoài lục tục đi vào.

Khoảng chừng hai khắc sau, đến lượt Lâm Thù Văn theo sau Nghiêm Dung Chi vào từ đường.

Họ bày cống phẩm trong sọt tre ra, thắp hương, thành tâm tế bái.

Tâm nguyện của Lâm Thù Văn rất đơn giản, cậu chỉ hi vọng, những ngày sau này đều giống như lúc này, hàng năm như hôm nay, mãi mãi như sáng nay.

Sau khi đi cúng bái hai miếu thần xong, đã gần đến chính ngọ.

Lâm Thù Văn cùng Nghiêm Dung Chi về nhà ăn cơm trưa, nghỉ ngơi một lát, ba đứa nhỏ Triệu gia tới ngoài cửa chúc Tết Lâm Thù Văn.

Ba đứa nhỏ Triệu gia đều ngẩng cao đầu, đặc biệt là anh cả và anh hai, em út không có nhiều thịt lắm, nên dù có nâng cao đầu lên một chút, trông vẫn cao gầy.

Ba đứa đều mặc đồ mới, khuôn mặt rạng rỡ nụ cười, vây quanh Lâm Thù Văn đang bước ra cửa nói rất nhiều lời chúc tốt lành.

Sau khi dùng cơm trưa xong, đồ ăn đều được dọn đi, trên bàn bày bánh gạo và đồ ăn nhẹ để đãi khách. Lâm Thù Văn mời ba đứa nhỏ ngồi xuống ăn, còn phát lì xì mừng tuổi và kẹo cho chúng.

Đứa lớn nhất cười ha hả nói: "Ta cùng em hai và em ba ngồi một lát rồi đi, hẹn bọn Hổ Tử lát nữa bắn pháo chơi, tiên sinh có muốn một cái để chơi không?"

Mấy ngày nay, Lâm Thù Văn thường xuyên nghe thấy tiếng pháo nổ, trước giờ chưa từng chạm vào pháo trúc, nghe đứa lớn Triệu gia hỏi, cậu không khỏi tò mò.

Có vài người phụ trách quản lý đồng ruộng giúp Nghiêm gia tới đây, Nghiêm Dung Chi đều dẫn người vào thư phòng nói chuyện, không biết phải mất bao lâu nữa mới xong.

Lâm Thù Văn do dự trong chốc lát, nhanh chóng đồng ý.

Cậu mặc thêm áo choàng, đội mũ lông xù lên, đi theo đám trẻ con nhà họ Triệu đến chỗ hẹn đốt pháo với Hổ Tử.

Ở phía sau, nơi cậu chưa từng phát hiện, La Văn không nhanh không chậm lặng lẽ đi theo, không làm phiền hứng thú ra ngoài chơi của cậu.

******

Rất nhiều đứa trẻ tụ tập trên bãi đất trống, có đứa đã bắt đầu châm pháo chơi.

Pháo dây dài chỉ có người lớn trong nhà mới được đốt, còn tụi nhỏ chỉ có thể chơi pháo ngắn và pháo giấy.

Lâm Thù Văn thấy đứa lớn và đứa thứ hai Triệu gia vừa đến đã đốt mấy quả pháo giấy để chơi, còn nhét pháo vào một đống đất ướt, khi pháo nổ, đất ướt lập tức nổ tung.

Có rất nhiều cách chơi pháo giấy, Lâm Thù Văn đứng bên cạnh xem, đứa thứ ba Triệu gia đưa quả pháo giấy trong tay cho cậu, hỏi: "Tiên sinh muốn chơi không?"

Lâm Thù Văn còn đang do dự, ngay lúc đó, em út nhà họ Triệu đã nhanh tay đốt pháo.

Bọn nhỏ bên cạnh reo lên: "Vui quá đi!"

"Tiên sinh thử xem sao."

"Tiên sinh không dám đốt thì để ta đốt thay người!"

Cuối cùng, lòng hiếu kỳ chiến thắng tất cả, Lâm Thù Văn học theo bọn trẻ, cắm pháo giấy vào đống đất nhỏ, lửa còn chưa cháy đến ngòi nổ, cậu lập tức quay người chạy đi mấy bước.

Thấy thế, tụi nhỏ xung quanh sôi nổi cười thành tiếng.

"Lửa còn chưa đốt mà!"

"Tiên sinh thật nhát gan!"

Lâm Thù Văn đã chạy xa cũng cười theo.

Cậu chỉnh lại mũ, đến gần đống đất một lần nữa, xoa nhẹ cái mũi hít gió lạnh, nói: "Cho ta thêm một cơ hội nữa."

Lần này thuận lợi châm lửa, Lâm Thù Văn khó khăn lắm mới chạy được hai ba bước, bên tai phải nhanh chóng vang lên tiếng pháo nổ.

Cậu sững sờ đứng tại chỗ, đến khi hoàn hồn, mới đi xem đống đất bị pháo giấy làm nổ tung.

Sau khi đã đốt xong quả pháo giấy đầu tiên, lá gan của Lâm Thù Văn cũng to lên.

Anh cả và em út Triệu gia đều đưa pháo trong tay cho cậu, chơi mười mấy quả, chơi vui đến mức gần như nghiện.

Sau đó, đứa lớn nhà họ Triệu cầm mấy quả pháo ngắn chưa đốt bên cạnh, kêu em hai và mấy cậu bé có thân hình rắn chắc trong đám Hổ Tử tới, bảo chúng dùng dây thừng buộc mấy quả pháo ngắn lại với nhau, làm thành một dây dài.

Chuỗi pháo dài đến khoảng bốn năm chục bước chân, mấy cô bé bên cạnh đều tìm nơi tránh xem, còn mấy cậu bé buộc pháo xong cũng lần lượt tìm vị trí ẩn nấp, Lâm Thù Văn đi theo bọn họ, trốn sau đống cỏ khô.

Đứa lớn Triệu gia châm lửa xong vội vàng chạy ra xa, âm thanh "bùm bùm" vang lên rất lâu, bọn nhỏ che tai lại, hào hứng la hét, hai tay Lâm Thù Văn che hai bên mũ, cũng bịt kín tai lại.

Chơi một hồi, trên người có hơi nóng. Lâm Thù Văn nhẹ nhàng nới rộng áo khoác.

Mấy đứa nhỏ xung quanh đốt pháo xong thì tiếp tục chơi trò khác. Lâm Thù Văn tuy cũng muốn tham gia, nhưng cậu đã thành thân, đứa lớn nhất trong sân cũng mười hai mười ba tuổi, nếu đi theo sẽ có hơi ngại ngùng.

Cậu nói: "Các ngươi chơi đi, ta về trước."

Trên đường đi về nhà gặp được Nghiêm Dung Chi.

Nghiêm Dung Chi sờ trán cậu: "Sao toàn là mồ hôi thế?"

Lâm Thù Văn thẹn thùng cười: "Ban nãy ra ngoài chơi pháo giấy, vừa căng thẳng vừa náo nhiệt, mồ hôi tự nhiên chảy ra không ít."

Nghiêm Dung Chi dắt thiếu niên về nghỉ ngơi, lại căn dặn người đưa nước ấm vào.

"Buổi tối trong thành có hội đèn lồng, có muốn đi xem không?"

Lâm Thù Văn dựa vào ghế dựa, nâng tay lên tùy ý để nam nhân cởi bỏ áo choàng cùng áo bông của cậu, sau đó đối phương cầm khăn mềm, lau mồ hôi trên mặt và cổ cho cậu.

Lâm Thù Văn ngồi thẳng dậy: "Hội đèn lồng?"

Nghiêm Dung Chi cởi bỏ đai lưng trên eo nhỏ của thiếu niên, nói: "Muốn đi thì tắm rửa rồi ngủ một lát, sau giờ Dậu (17h-19h) ta dẫn em vào thành."

Lâm Thù Văn muốn đi xem hội đèn lồng, thế nên đồng ý.

Cậu ngâm mình trong nước ấm một lát, thay quần áo thoải mái rồi nằm xuống giường.

Không lâu sau, Nghiêm Dung Chi cởi bỏ áo ngoài, nằm xuống bên cạnh cậu, ôm chặt, rồi nhẹ nhàng đặt vài nụ hôn lên thái dương cậu, thấp giọng nói: "Nhắm mắt lại."

Lâm Thù Văn ngoan ngoãn nhắm mắt, sáng sớm thức dậy không đi bái miếu thần thì cũng ra ngoài chơi pháo giấy, giờ phút này gối lên lồng ng.ực ấm áp rộng lớn của nam nhân, cảm thấy an tâm.

Cậu khẽ mỉm cười, đặt tai lên ngực đối phương.

Từng tiếng tim đập vững vàng vang lên, Lâm Thù Văn nhanh chóng cảm thấy buồn ngủ, cơ thể dán sát vào thân hình cao lớn bên cạnh, yên tĩnh chìm vào mộng đẹp.

Nghiêm Dung Chi chăm chú nhìn vào gương mặt mềm mại, bình yên ngủ trong lòng mình, thật lâu sau mới nhắm mắt lại.

Có những tâm tư không thể để Lâm Thù Văn biết.

Chỉ mới xa nhau một canh giờ, cho dù đã dặn La Văn đi theo, Nghiêm Dung Chi vẫn không yên tâm.

Kể từ khi Lâm Thù Văn bị Vương Dũng bắt cóc một lần, Nghiêm Dung Chi không khỏi lo lắng nhiều hơn cho thiếu niên trong lòng. Để cậu ra ngoài chơi liền sắp xếp người bảo vệ, nhưng vẫn không thể ngồi yên, chỉ khi tự mình nhìn mới cảm thấy an tâm.

Tác giả có lời muốn nói:

Mèo con lúc nhỏ chưa từng chơi đốt pháo, giờ cũng muốn chơi một chút ~

Bình Luận (0)
Comment