Sơn Hà Bất Dạ Thiên

Chương 14

Đường Thận bèn trình bày đầu đuôi dự định năm sau thi huyện cho thầy.

Lương Tụng nheo mắt nhìn cậu: “Con không giấu ta cái gì đấy chứ?”

Đường Thận nghiêm trang đáp: “Không ạ.”

“Thế làm sao cứ nhất định phải thi năm sau?”

Đường Thận im như thóc.

“Thằng nhóc lươn khươn này, không nói thật thì lão phu thây kệ mi đấy. Để xem với cái đống chữ gà bới của nhà mi, mi đỗ thế nào được kì thi huyện!”

Đường Thận nghĩ thầm, còn mấy tháng nữa, cùng lắm thì mỗi ngày luyện chữ đọc sách ở nhà. Kiếp trước, anh đây cũng có tấm bằng tiến sĩ ở trường đại học top 2 toàn quốc (mặc dù là ngành công nghệ), chưa kể còn có bàn tay vàng đọc một lần là nhớ. Thi huyện chứ gì? Chuyện muỗi!

…Chắc là “muỗi” thôi nhỉ?

Lương Tụng: “Sao?”

Thấy thầy không có vẻ gì là chịu nhượng bộ, Đường Thận nghĩ ngợi một hồi, cực chẳng đã đành đem chuyện mình ba hoa với người ta ra kể.

Lương Tụng cười phá lên: “Ôi giời ơi ta còn tưởng làm sao, hóa ra là con với thằng anh họ không vừa mắt nhau. Con thông minh đến mấy đi chăng nữa thì vẫn là đứa nhóc mười ba tuổi, thỉnh thoảng trẻ con một tí sao phải xấu hổ? May mà con chỉ thách nó thi huyện, chứ con mà thách thi Hương thì Văn Khúc1 tái thế cũng phải bó tay xin hàng.”

[1] Vị thần trong Đạo giáo chủ quản đường công danh của sĩ nhân. 

Đường Thận: “Tiểu tử đâu dại đến mức ấy ạ.”

Lương Tụng lườm cậu: “Nhưng mà ngông cuồng thì cậu chẳng nhường ai, nhỉ?”

Đường Thận cười hề hề giả ngu.

Cậu nào biết, Lương Tụng khăng khăng hỏi rõ nguyên nhân không phải vì ông tò mò, mà ông lo Đường Thận bị người khác dụ dỗ thi sớm. Đường Thận còn bé mà tư chất hơn người, nếu có ai biết cậu là đồ đệ của Lương Bác Văn rồi sinh lòng đố kị, rất có thể sẽ tìm cách khích tướng, xúi cậu thi huyện khi chưa chuẩn bị kĩ càng. Chẳng may cậu thi trượt, ắt sẽ mất hết tự tin, kết cục không khác gì Thương Trọng Vĩnh2.

[2] Ví tài năng bị thui chột. Xem chú thích chương 5.

Lương Tụng: “Trước đây con có bảo, Tứ thư Ngũ kinh đã thuộc làu rồi nhỉ?”

“Vâng ạ.”

“Với bản lĩnh của con, thi huyện không phải là khó. Nếu đã vậy, hôm nay con đến trường phủ ghi danh luôn đi. Quản gia Lương, ông dẫn nó đi, nói một tiếng với Dư Bá Nham là được.”

Quản gia đáp: “Rõ ạ.”

Đường Thận đến từ sớm, chưa ăn sáng ở nhà. Lương Tụng bèn bảo cậu ăn một bát cháo cho ấm bụng. Lót dạ xong, Đường Thận theo quản gia đến học viện Tử Dương. Trước khi đi, Lương Tụng còn gọi lại: “Gượm đã, để ta viết lá thư cho mà cầm theo.” Ông biên nhanh một phong thư rồi giao cho quản gia.

Học viện Tử Dương ở khu nam trong thành. Lúc Đường Thận và quản gia đến trường thì học sinh đã vào lớp cả.

Cổng học viện là cổng đơn, xây dựng theo kiến trúc trùng thiềm hiết sơn3. Trước cổng treo tấm biển nền đen, chữ trắng, đề “Học viện Tử Dương”. Hai câu đối đôi bên cổng học viện Tử Dương do đích thân Lương Bác Văn đề năm ngoái. Phía bên phải cổng treo vế trước, “Tiên nhân thừa lộ bàn”, bên trái treo vế sau, “Đàm tiếu hàn mặc hương4.”

[3] Mái hai tầng với các góc mái xòe ra. Xem thêm[4] Hai câu đối trích từ bài thơ “Tiễn Lục Vụ Quan”. Xem thêm

Vào trong viện là nghe thấy tiếng học trò đọc sách.

Người xưa khi đọc sách thường chú trọng đọc thành tiếng, cốt để thuộc nằm lòng. Ngoài Đường Thận là trường hợp cá biệt nhập học nhờ quan hệ, cùng với con em nhà có điều kiện dùng tiền mua học tịch, còn lại những học trò có thể theo học ở trường phủ tối thiểu phải đỗ tú tài. Các sĩ tử đỗ kì thi huyện sẽ trở thành đồng sinh, đỗ kì thi phủ thì được chứng nhận là tú tài. Đậu tú tài rồi mới có tư cách ghi danh vào trường phủ.

Nhưng dù có là tú tài đi chăng nữa thì ở trường phủ, tất cả đều là học trò.

Đường Thận đi theo quản gia, vòng qua gian thờ Đức Thánh Khổng và giảng đường, liền gặp sơn trưởng5 của học viện Tử Dương là Dư Bá Nham.

[5] Chức danh từ thời Tống, có thể hiểu là hiệu trưởng trong bối cảnh truyện

Dư Kinh, tự là Bá Nham, là tiến sĩ khoa thi năm Khai Bình thứ tư. Khi ông đỗ tiến sĩ đã hơn năm chục tuổi, ba năm trước ông cáo quan về quê rồi đảm nhiệm vị trí sơn trưởng tại học viện Tử Dương.

Quản gia thấy Dư Bá Nham liền vái chào. Đường Thận cũng hành lễ theo.

Dư Bá Nham nhận thư, trong lúc đọc có liếc lên nhìn Đường Thận. Ông cẩn thận đọc kĩ thư một lần nữa rồi nói: “Ý của Lương đại nhân ta đã rõ, mỗi tội lễ khai giảng qua mất rồi, tính đến lúc thi huyện cũng chỉ còn bốn tháng. Thế này vậy, con là Đường Thận đúng không?”

“Vâng, chính là học trò ạ.”

“Giờ con cứ tạm dự thính đã, hằng ngày tới lớp nghe giảng cùng chúng bạn.”

(Bản edit phi lợi nhuận chỉ được up tại makyo0117.wordpress.com; hãy mua chương cho tác giả trên Tấn Giang nếu có thể)

Việc nhập học còn dễ dàng hơn so với Đường Thận hình dung. Hôm sau, cậu cắp hộp sách đến trường phủ đi học buổi đầu tiên. Xem ra, cổ nhân không quá để tâm chuyện có học sinh nhập học ngang xương hoặc chuyển trường. Lúc phu tử vào giảng đường chỉ liếc Đường Thận một cái rồi kệ, bắt đầu giảng bài luôn, hoàn toàn bỏ qua khâu “giới thiệu bạn mới đến.”

Không chỉ có các phu tử mà những học sinh khác cũng không quá sốt sắng với sự xuất hiện của Đường Thận. Lúc đầu mọi người khá ngạc nhiên sao tự dưng lại tòi ra một gương mặt lạ hoắc. Hết lớp thứ nhất, đám học sinh liền tụm lại, lẳng lặng quan sát Đường Thận từ xa.

Mãi mới có một cậu chàng mũm mĩm, phương phi bị mọi người ủn tới hỏi thăm. Chú béo đội ngọc quan, eo thắt một miếng ngọc bội Hòa Điền trắng. Chú ta bước tới trước án thư của Đường Thận, chào: “Tớ là Tôn Nhạc, đằng ấy tên gì?”

Thấy đối phương chỉ hỏi thế, Đường Thận đáp: “Đường Thận.” Dường như nghĩ tới điều gì, cậu lại hỏi: “Chữ ‘Việt’ nào thế? ‘Việt’ trong ‘Gái Việt hái sen’ à?” [6]

Tôn Nhạc xua tay: “Không phải, là “Nhạc” trong ‘tứ hải ngũ nhạc’ kia.” [7]

[6] Trích Điệp luyến hoa kì 4 (Âu Dương Tu – Bắc Tống)   [7] Nhạc ở đây nghĩa là núi.

Đường Thận nghĩ thầm: Ồ hóa ra không phải là Tôn Việt.

Tôn Nhạc nào biết trong đầu Đường Thận đã liên tưởng cậu chàng với một diễn viên tấu nói nổi tiếng thời hiện đại. Cậu ta bảo: “Trông đằng ấy lạ ghê, chưa thấy mặt bao giờ. Thế cậu là tú tài ở đâu? Mới đến phủ Cô Tô hử? Trông cậu cao đấy mà gầy nhom gầy nhách thế này, đã mười lăm chưa?

Đường Thận: “Tớ năm nay mười ba tuổi, không phải tú tài.”

“Ồ, cậu cũng không phải tú tài à?”

Lũ học trò túm tụm đằng xa nghe Đường Thận nói thế thì thở phào nhẹ nhõm, địch ý vơi hẳn đi.

Trái lại, Tôn Nhạc tỏ ra hết sức phấn khởi. Cậu chàng ngồi phệt mông xuống bên cạnh Đường Thận, nói: “Vậy là cậu giống tớ, cũng nhờ gia đình quyên tiền để đi học ở học viên Tử Dương ha? Cậu đừng sợ gì hết, chúng mình thế là cùng hội cùng thuyền rồi.”

Đường Thận không muốn phân bua rằng mình đi cửa sau vào trường chứ chẳng có khoản quyên góp nào ở đây sất. Chuyện cậu là đồ đệ của Lương đại nho không cần thiết phải rêu rao khắp chốn. Cậu dở khóc dở cười: “Tớ không sợ, nhưng tại sao chúng mình lại cùng hội cùng thuyền?”

Tôn Nhạc: “Cậu có thấy mọi người trong lớp mình không? Họ đều là tú tài cả đấy. Trong giảng đường hôm nay chỉ có tớ với cậu là không phải tú tài thôi. Bọn họ khổ công dùi mài kinh sử suốt mười năm, gian khổ lắm mới thi đậu tú tài, nhưng còn phải thi viện mới trở thành lẫm sinh, vất vả lắm[8]! Không đỗ kì thi viện, muốn thi Hương khó như lên trời. Họ tưởng cậu là tú tài ở vùng sâu vùng xa nào đấy, mới đến Cô Tô nên nhập học giữa chừng, sau này sẽ thi viện cùng với họ. Chỉ tiêu thi viện mỗi huyện chỉ có hai mươi người, cậu còn trẻ thế này đã thi đậu tú tài, nhất định là rất giỏi, sẽ thành đối thủ đáng gờm của bọn họ.”

[8] Lẫm sinh là học trò được triều đình cấp lương nuôi ăn học.

Nói nghe cũng có lí ra phết.

Tôn Nhạc vỗ ngực: “Đừng sợ, từ giờ tớ sẽ bảo kê cho cậu.”

Chợt Đường Thận thấy phảng phất mùi hương gì đó, cậu hít hít, ghé mũi lại gần người chú béo, hào hứng hẳn: “Mùi hoa quế hả?”

Tôn Nhạc cười nói: “Mũi cậu thính đáo để! Đúng rồi, đây là dầu thơm mẹ tớ mang về từ Trân Bảo Các mấy hôm trước đó, tên là Hoàng Kim Lũ thì phải. Hiện giờ toàn phủ Cô Tô chẳng có mà mua đâu, hôm nay cậu hên lắm mới được ngửi thử đấy! Nếu cậu thích, mai tớ đổi mùi khác rồi cho cậu ngửi nhé.”

“…Cậu cho tớ ngửi á?”

Tôn Nhạc cảnh giác: “Sao? Dầu này đắt lắm, chẳng nhẽ cậu còn muốn tớ tặng cậu hẳn một lọ?”

Đường Thận cười rinh rích, thế là hai người từ lạ thành quen.

Chẳng mấy chốc lại có tiết học, mọi người ai về chỗ nấy.

Cùng lúc đó, trước cửa hàng Trân Bảo Các của Đường gia ở Toái Cẩm nhai, Đường phu nhân trong bộ y phục gấm bước xuống xe ngựa rồi đi vào cửa hàng. Vừa vào đến nơi, bà đã gặp ngay người quen. Người đó hồ hởi chào: “Đường phu nhân, lâu lắm mới thấy mặt. Không nghĩ hôm nay mình lại gặp nhau đâu đấy.”

Đường phu nhân cười: “Vương phu nhân có thì giờ ghé chơi Trân Bảo Các nhà em hôm nay, thế đã ưng món nào chưa?”

Nha hoàn theo hầu Vương phu nhân nói: “Bẩm Đường phu nhân, phu nhân nhà chúng con chọn được khá nhiều thứ rồi ạ.”

Đường phu nhân nói với quản lí: “Lấy cho Vương phu nhân một lọ Hoàng Kim Lũ đi.” Bà quay lại hỏi: “Vương phu nhân thích hương gì?”

Vương phu nhân chưa đáp, quản lí đã thưa: “Hai lần trước Vương phu nhân đều chọn Hoàng Kim Lũ hương hoa hồng.”

Đường phu nhân nháy mắt, quản lí lập tức lấy một lọ tinh dầu hoa hồng bỏ vào hộp cho Vương phu nhân, gói lại bằng vải gấm rồi đưa cho nha hoàn cầm.

Vương phu nhân nói: “Quà tặng của em thơm và bền mùi lắm, thế mà chẳng chịu bán! Em cứ định tặng mãi vậy hả?”

Đường phu nhân tỏ vẻ bất đắc dĩ: “Chị không biết đây thôi, dầu thơm Hoàng Kim Lũ này rất khó điều chế, đến giờ mới chỉ được có mỗi một mẻ. Chính thế nên em chỉ dám đem ra tặng và mời các chị dùng thử xem sao. Giá thành Hoàng Kim Lũ cực kì cao, khách hàng bình thường không thể mua nổi. Một bình như thế này có giá ngang một thước gấm Tô Châu đấy.”

Vương phu nhân sửng sốt: “Đắt thế cơ à?”

“Em nói dối chị làm gì. Cả phủ Cô Tô này chỉ có chị, Tôn phu nhân, Triệu phu nhân khu Tây, Lý phu nhân khu Đông, với phu nhân nhà huyện trưởng là em tặng thôi. Những thứ hiếm quý ở Cô Tô đương nhiên phải tới tay các chị đầu tiên.”

Vương phu nhân dẫn nha hoàn ra về, Đường phu nhân hỏi quản lí: “Nửa tháng vừa qua cửa hàng mình đã tặng Hoàng Kim Lũ cho những ai rồi?”

Quản lí đọc ra một danh sách.

Nha hoàn nói: “Phu nhân, thế đâu phải có mỗi năm người Vương phu nhân ạ?”

“Đừng lo, Vương phu nhân chơi thân với bốn phu nhân kia lắm. Năm người ấy chỉ qua lại với nhau, ít khi ngó ngàng đến các phu nhân khác trong phủ nên không kể cho người khác đâu. Hơn nữa, cho dù họ có biết người khác cũng dùng Hoàng Kim Lũ, chỉ cần bảo là sau hôm nay mình mới tặng người ta là được.”

Quản lí nói: “Bẩm phu nhân, cửa hàng mình bao giờ thì bắt đầu bán Hoàng Kim Lũ? Cứ tặng không cho khách quý thế cũng không phải kế dài lâu.” 

Đường phu nhân yêu cầu quản lí báo cáo tỉ mỉ tình hình tặng tinh dầu cũng như đánh giá của các vị khách quý. Nghe xong, bà kết luận: “Hẵng cứ thong thả.”

Mùng một tháng chạp, Đường Thận ghé xưởng kiểm tra lô hàng đầu tiên.

Lần này cậu sẽ đưa xà phòng thơm và tinh dầu ra thị trường. Xà phòng thường cũng đã sản xuất được một lô rồi, nhưng tạm thời chưa động đến.

Diêu Tam: “Tiểu đông gia, sao cậu không bày bán cả xà phòng thường luôn thể? Giá tinh dầu cao ngất ngưởng, khách phổ thông đã không mua nổi rồi. Xà phòng thơm tuy rẻ hơn, nhưng cũng không bằng xà phòng thường, vừa rẻ lại vừa tốt.”

Đường Thận: “Chẳng đi đâu mà vội cả. Anh có biết hiệu ứng người nổi tiếng không?”

Diêu Tam tò mò: “Hiệu ứng người nổi tiếng ấy ạ?”

Đường Thận nghĩ ngợi một lát mới ra cách giải thích hiệu ứng người nổi tiếng theo kiểu cổ đại: “Giả sử bây giờ tôi bật mí cho anh rằng, mỗi khi viết, Lương đại nho chỉ dùng mực Huy Châu, đây là loại mực mà ông ấy mê nhất trên đời; nếu anh là người theo nghiệp đèn sách, liệu anh có muốn dùng mực Huy Châu giống ông ấy hay không?”

“Dĩ nhiên là muốn rồi!”

“Nhưng mực Huy Châu rất đắt, bình dân lấy đâu ra tiền mua, chỉ có thể ao ước thèm thuồng thôi. Một thời gian sau, tôi lại bật mí cho anh, không mua được mực Huy Châu cũng không sao, vì Lương đại nho còn thích dùng bút lông dê của Đường gia cơ, cái này thì anh mua xả láng. Lúc ấy, liệu anh có mua bút không?”

“Bút lông dê Đường gia hở? Tiểu đông gia, nhà mình đâu có sản xuất bút lông dê?”

“Hầy, đấy là ví dụ thế thôi, anh trả lời câu hỏi đi.”

“Thế thì càng muốn mua!”

Đường Thận nói: “Đấy nhé, anh nghĩ mà xem. Lương đại nho là kiểu mẫu của toàn thể trí thức phủ Cô Tô, vậy ai là kiểu mẫu của toàn thể nữ giới ở Cô Tô nào?” Biết Diêu Tam không trả lời được câu này, Đường Thận giải đáp luôn: “Kiểu mẫu của họ chính là các cô nương, phu nhân nhà quyền quý.”

Diêu Tam hoang mang gật đầu.

Đường Thận đã phân tích hết cỡ rồi, đành bảo: “Anh cứ chờ xem rồi sẽ thấy.”

Mùng bốn tháng Chạp, Trân Bảo Các của nhà họ Đường nghỉ bán để nâng cấp cửa hàng, khiến các khách quen của cửa hàng chán ơi là chán. Tuy đóng cửa, nhưng Đường gia làm ăn rất chuyên nghiệp, cắt cử một người hầu đứng canh cổng. Thấy mấy phu nhân và tiểu thư ghé cửa hàng ai nấy đều buồn bực, thằng hầu bèn chạy đến mời chào ngay: “Mùng sáu tiệm sẽ mở hàng lại ạ.”

Một đứa hầu gái hỏi: “Nhà các anh làm gì mà phải đóng cửa tiệm thế?”

Thằng hầu đáp: “Tôi chẳng biết đâu, thấy quản lí bảo chuẩn bị bày bán một mặt hàng vô cùng hiếm lạ, đặc sắc, mời các vị mùng sáu lại ghé mua.”

Vương phu nhân ngạc nhiên: “Phải chăng là Hoàng Kim Lũ quý giá đấy ư?”

“Tôi không rõ.”

Vương phu nhân nghĩ ngợi một hồi, thầm nhủ: Mùng sáu nhất định phải đến xem sao.

Mùng sáu tháng Chạp, phủ Cô Tô có bao nhiêu nhà thượng lưu thì có bấy nhiêu phu nhân, tiểu thư không hẹn mà đến Trân Bảo Các. Họ thấy nhau thì ngạc nhiên lắm, rồi kéo nhau vào cả trong cửa hàng. Trân Bảo Các mới mở lại chẳng khác biệt mấy so với mọi khi, cũng xêm xêm như các cửa hàng phấn son danh tiếng khác trong phủ. Xa hoa, sang trọng, nhưng cũng chỉ đến thế là cùng.

Mỗi tội hôm nay cửa hàng đông nghẹt các phu nhân giàu có.

Vương phu nhân tò mò đi vào cửa hàng. Tức thì, sự chú ý của bà bị thu hút bởi một vật rất thú vị bày bên cửa sổ.
Bình Luận (0)
Comment