Sơn Hà Bất Dạ Thiên

Chương 15

Góc Đông Nam của Trân Bảo Các nhìn ra một con sông nhỏ, sóng nước vỗ dạt dào theo từng nhịp uốn quanh. Song cửa chạm trổ rộng mở cho nắng ùa vào, rọi sáng bừng một giá đỡ chân cao đẽo từ gỗ lim. 

Gỗ lim là thứ gỗ quý, là của báu cả trong mắt những người giàu có như Vương phu nhân, ấy thế mà cái giá gỗ lim này lại được bày ngay trong tiệm. Trên mặt giá phủ gấm Tô châu, chồng thêm cả một tấm lót thượng hạng mà từng đường kim mũi chỉ được thêu bởi tú nương tài hoa bậc nhất xứ Cô Tô. Chính giữa tấm khăn lót bày một chén ngọc sáng long lanh.

Trong chén ngọc đầy ắp tinh dầu ngát hương khiến người say đắm.

Xung quanh chiếc chén trang trí ngọc ngà và cánh hoa. Ai bắt gặp giá trưng bày ở góc phòng cũng phải tấm tắc khen là báu vật. Các cô nương trong cửa hàng đều cẩn thận tản ra xa khỏi giá gỗ lim, sợ nhỡ tay quệt vỡ. Rất nhiều người không biết thứ này là gì, thi nhau hỏi nhân viên trong tiệm.

“Sản phẩm này tên là Hoàng Kim Lũ, có tác dụng giống hương huân, nhưng tiện lợi hơn nhiều. Chỉ cần chấm một giọt lên quần áo, trang sức, là tỏa hương thơm suốt một ngày một đêm.”

Quản lí vỗ tay, lập tức có hai nhân viên từ sau quầy đi ra, mỗi người đỡ một đầu cuốn thư pháp, từ từ mở ra.

Vương phu nhân đọc chữ trên cuốn thư pháp lên: “Nga nhi, tuyết liễu, hoàng kim lũ. Giọng cười lảnh lót quyện làn hương. Tìm người trong đám đông ngàn bận… Câu ‘Tìm người trong đám đông ngàn bận’ mới hay làm sao! Ơ, lạc khoản này là của Lương Bác Văn – Lương đại nhân đây mà!” 

“Trời ơi là chữ của Lương đại nhân sao?”

“Đây là sáng tác mới của Lương đại nhân à? Ủa, không phải đâu, hình như bài từ này là của một người tên Tân Khí Tật đấy. Nga nhi, tuyết liễu, hoàng kim lũ1, ý chỉ dầu thơm Hoàng Kim Lũ này ư?”

[1] Ba loại trang sức phụ nữ thường đeo vào tết Nguyên tiêu thời Tống.

Quản lí sai hai nhân viên treo cuốn thư pháp lên mặt tường chính giữa trong đại sảnh. Trong khi đó, cánh phụ nữ thượng lưu ở Cô Tô đã phát sốt lên vì Hoàng Kim Lũ. 

Tìm người trong đám đông ngàn bận

Bất thần ngoảnh lại

Thấp thoáng dáng ai

Nơi ánh lửa đèn tàn

Các cô nương nhẩm đọc đoạn từ này, ai nấy đều đỏ mặt. Những người mua được Hoàng Kim Lũ đều xuất thân từ gia đình giàu sang, có điều kiện mời gia sư đến dạy học cho con gái. Mà khi đọc lên, bài từ này thì đủ sức làm xiêu lòng cả những người không học Tứ thư, chỉ biết chữ.

Chỉ trong chốc lát, Hoàng Kim Lũ với cái giá cắt cổ đã được các cô các chị tranh nhau mua. 

Quản lí hết sức nghi ngờ: “Lẽ nào mình định giá sai rồi nhỉ, Hoàng Kim Lũ này vẫn rẻ quá à?”

Hiển nhiên ông ta không tính sai.

Bài từ kiệt xuất này vốn là tuyệt tác thiên cổ, thư pháp lại được viết bởi chính Lương Bác Văn. Nếu Hoàng Kim Lũ không bán chạy như tôm tươi thì thật uổng công Đường Thận xây dựng cả chiến dịch marketing này. Huống hồ, cậu còn đích thân đến Trân Bảo Các để thiết kế và trang trí khu vực trưng bày tinh dầu.

Trong Trân Bảo Các, các phu nhân, tiểu thư giàu có nhất đã sẵn sàng chi trả bất cứ giá nào cho Hoàng Kim Lũ. Ai gia thế kém hơn một chút thì hẵng còn ngắm nghía đắn đo. Nhưng chỉ phút chốc thôi, họ đã phát hiện ra bên cạnh giá bày tinh dầu còn có một vật màu hồng nhạt, dạng đặc như cao.

“Ơ, đây là cái gì thế? Trông nhẵn mà bóng như mỡ ý nhỉ? Bày trên gấm Tô châu hẳn chất lượng cũng cỡ như Hoàng Kim Lũ ha?”

Quản lí lập tức chạy tới, đon đả mời chào: “Phu nhân, mặt hàng này gọi là xà phòng thơm…”

Trân Bảo Các vừa mở cửa lại đã đông nghẹt khách, người ra người vào lũ lượt.

Các tiểu thư, phu nhân đài các tuy biết chữ, song không nghiên cứu quá sâu về thơ từ. Họ mê mẩn nét lãng mạn trong cái “ngoảnh lại” “bất thần” mà chẳng phát hiện ra chỉ có một nửa bài từ được ghi lại.

(Bản edit phi lợi nhuận chỉ được up tại makyo0117.wordpress.com; hãy mua chương cho tác giả trên Tấn Giang nếu có thể)

Thành Cô Tô, hẻm Đồng Đức, Lương phủ.

Đường Thận bưng một hộp xà phòng thơm, tinh dầu, kèm túi đựng sách vở, mặt mũi bơ phờ bước qua cổng chính Lương phủ.

Lương Tụng đã đợi từ lâu.

Đường Thận đưa xà phòng thơm và tinh dầu cho quản gia.

Lương Tụng: “Hôm nay cửa hàng son phấn nhà Đường cử nhân khai trương hả?”

Đường Thận gật đầu: “Đúng rồi ạ. Tiên sinh, tiểu tử mới nghe Diêu Tam kể, dân chúng cả phủ đều có mặt. Bọn họ đến ngắm chữ của thầy, ai nấy cũng phải trầm trồ, hết người này đến người nọ kháo nhau, không thể nào quên được.”

Lương Tụng lườm cậu: “Nếu không phải mi mặc cả với lão phu, không viết thì nhất quyết không đọc phần còn lại của bài từ, lão phu còn lâu mới thèm nhấc bút nhé.”

Đường Thận lại chớp mắt giả bộ ngây thơ.

Quả đúng vậy, Lương Tụng là một trong Tứ nho thiên hạ, nức tiếng tài hoa. Người bình thường đừng mơ đến chuyện ông tặng cho mấy chữ, muốn xin ông chỉ điểm đôi câu đã khó như lên trời rồi. Đại Tống không khinh rẻ thương nhân, kẻ sĩ có thể buôn bán, thương nhân cũng được tham gia khoa cử chứ không cấm đoán như thế giới cũ của Đường Thận. Dẫu vậy, việc Lương Bác Văn tặng chữ cho một cửa hàng son phấn vẫn là chuyện bất khả thi.

Lúc Đường Thận mặt dày xin xỏ ông, Lương Tụng suýt chút nữa sút bay “thằng cu đẻ muộn” này (đứa đồ đệ duy nhất về già ông mới nhận) ra khỏi cửa thư phòng, tốt nhất là sút thẳng xuống cái ao ngoài sân cho rồi.

“Con đừng có được voi đòi tiên!”

Nhưng Đường Thận mặt dày quen rồi, kiếp trước cứ mỗi lần nộp luận văn trễ bị thầy hướng dẫn mắng, cậu đều có cách nói ngọt cho qua. Cậu lấy bài từ của Tân Khí Tật ra, quả nhiên, Lương Tụng vừa đọc là mắt sáng bừng.

“Sáng tác của con đấy ư?” Vừa nói dứt câu ông lại gạt đi: “Quên đi, lươn khươn như con, còn lâu mới sáng tác nổi bài từ xuất chúng nhường này.”

Vừa mới quyết định sẽ khiêm nhường không nhận vơ là tác phẩm của mình, tên “đạo văn” Đường Thận chỉ biết câm nín: “…”

Lương Tụng cẩn thận đọc bài từ, nói: “Đây mới chỉ là nửa bài, còn nửa bài nữa đâu? Con tìm đâu được bài từ này thế?”

Đường Thận đã bịa sẵn đâu ra đấy, cậu kể rằng hồi trước có một văn nhân nghèo đi chu du thiên hạ, tình cờ ghé thôn Triệu gia, uống nước trái cây nhà cậu, rồi tặng bài từ này thay tiền trà nước.

Lương Tụng: “Bất thần ngoảnh lại, nơi ánh lửa đèn tàn….Phải là bậc đại nho từng trải sự đời mới viết nổi câu chữ bậc nầy. Đáng tiếc, không biết Tân Khí Tật là vị đồng nghiệp nào mà thấu sự đời đến thế, lại chẳng thành danh ở đời, ta chưa từng nghe tên.”

Vì phần còn khuyết của bài từ, Lương Tụng đành viết chữ cho Đường Thận trưng bày ở Trân Bảo Các.

Đường Thận sang Lương phủ lúc đang vội, chẳng có thời gian tạt qua Trân Bảo Các, nhưng cậu không hề lo lắng về triển vọng tiêu thụ của tinh dầu và xà phòng thơm. Cậu mở hòm sách lấy hai bài chế nghệ2 mới viết hôm qua, đưa cho Lương Tụng kiểm tra. 

Văn bát cổ không dễ viết như hậu thế lầm tưởng. Một bài văn bát cổ có kết cấu gồm tám phần: Phá đề, thừa đề, khởi giảng, nhập thủ, khởi cổ, trung cổ, hậu cổ, và thúc cổ.

[2] Chế nghệ là cách gọi khác của văn bát cổ. 4 đoạn đầu lí giải đề, 4 đoạn sau nghị luận dựa trên phần lí giải

Đề mục của văn bát cổ giới hạn trong Tứ thư, Ngũ kinh, về lý thuyết thì chỉ cần học thuộc hai bộ sách này là có thể phá đề dễ dàng rồi. Nhưng dễ thế thì đã không nói làm gì. Đề mục văn bát cổ thường được ra theo thể thức đề cắt-nối cực kì đánh đố, đó là lấy hai câu chẳng liên quan đến nhau tí nào ghép lại thành đề mục.

Thời xưa có một huyện lệnh đã ra một đề cắt-nối hết sức sáng tạo trong kì thi Đồng sinh, khiến thí sinh toát mồ hôi hột. Ông ra đề là “Di Tử chi thê dữ Tử Lộ.” Nguyên văn câu này lấy trong sách Mạnh Tử: “Di tử chi thê dữ Tử Lộ chi thê, huynh đệ dã3.” Chỉ bớt đúng năm chữ mà các sĩ tử phải choáng váng. 

[3] Vợ của Di Tử và vợ của Tử Lộ, là chị em với nhau. 

Vợ của Di Tử và Tử Lộ…

Viết kiểu này chẳng hóa bảo hai người ấy ngoại tình với nhau, đáng nhốt lồng heo thả trôi sông à?

Đường Thận vốn chỉ định thi chơi chơi thôi. Phủ Cô Tô là nơi nhân tài tụ hội, mỗi lần thi Đình có rất nhiều người tài quê Cô Tô đỗ tiến sĩ, không thể ra kiểu đề cắt-nối kì quái như một huyện hẻo lánh vùng sâu vùng xa được. Thi ở Cô Tô cũng như thi đại học ở một tỉnh lớn, nếu ra đề đánh đố thí sinh, về sau nhỡ trong số thí sinh có người lên làm quan lớn, chưa biết chừng sẽ quay lại trả đũa người ra đề năm xưa.

Đã biết trước là đề không đánh đố, Đường Thận lại có trí nhớ siêu phàm, thi huyện chắc chắn không có gì đáng ngại. Còn ba tháng nữa là đến kì thi, cậu sẽ ôn tập cẩn thận, nhưng không học sống học chết để làm gì.

Lương Tụng còn lạ gì tâm tư “thích hưởng thụ” của đồ đệ, nhưng ông chẳng nói chẳng rằng, chỉ dẫn cậu đến trường thi của kì thi huyện năm sau.

Cuộc thi sẽ được tổ chức trên mặt sân mười trượng vuông, ở phía sau phủ nha4 thành Cô Tô.

[4] Tương đương ủy ban nhân dân bây giờ

Đường Thận đi một vòng quanh trường thi, không thấy có gì bất thường cả.

Lương Tụng nói: “Mỗi huyện trong phủ Cô Tô đều có trường thi riêng, bây giờ con ở phủ thành thì năm tới thi ở đây luôn. Năm ngoái có một trăm năm mươi người đăng kí thi huyện, chắc con cũng hình dung ra được nhỉ.”

Đường Thận giật mình, thốt lên: “Đông thế ạ!”

Trường thi này chỉ rộng khoảng ba mươi mét, dài ba mươi mét, thế mà chứa hơn một trăm thí sinh?

Lương Tụng nhìn cậu, thủng thẳng nói: “Đông à? Nếu ta bảo con rằng, một trăm năm mươi người này phải đến trường thi từ lúc trời tờ mờ sáng, mãi đến lúc xế chiều mới được ra về thì con nghĩ sao? Trường thi cũng không có nhà xí, đại tiểu tiện đều phải giải quyết trong lều thi. Hừ, nhóc lươn lẹo mi liếc liếc cái gì, tính nộp bài sớm phỏng?”

Lúc này Đường Thận đã xanh hết cả mặt. Bốn chữ “không có nhà xí” là đủ để cậu nâng mức báo động cho kì thi này rồi.

“Nộp bài sớm cũng được thôi, nhưng sau khi con nộp bài, bài thi của con sẽ bị người ta quẳng đi ngay. Dù con viết tốt mấy, có tài Trạng Nguyên đi chăng nữa, người ta cũng chẳng thèm chấm đỗ.”

Đường Thận: “Thế…ăn uống ở chỗ nào ạ?”

Lương Tụng kinh ngạc: “Ăn á?” Đoạn, ông bình tĩnh bảo: “Lão phu nghe nói, năm ngoái có hơn mười học sinh hôn mê bất tỉnh, không thể hoàn thành cuộc khi.”

“Đói quá xỉu luôn ấy ạ?”

“Thối. Thối quá không chịu được nên lăn ra ngất xỉu.”

Đường Thận: “…”

Thôi thôi, ai thích thì người ấy đi mà thi!

Thử nghĩ mà xem, một cái sân cỡ này, thời hiện đại là vừa đẹp để các cô các dì tập khiêu vũ, nhưng ở đây phải nhồi nhét hơn một trăm thí sinh. Từ sáng sớm đến chiều tối, từ ăn uống đến phóng uế đều giới hạn trong khuôn khổ này. Cứ cho là bụng sắt dạ thép, một ngày ít nhất cũng phải đi vệ sinh ba lượt. Nói gì đi chăng nữa, cũng phải ngày ba bữa cơm.

Hình dung đến bữa, anh đang cố gắng nhồi vào bụng chiếc bánh nướng khô quắt khô queo khó ăn gần chết. Tự dưng, thí sinh lều bên lại lấy bô ra…rặn. Khoảng cách còn gần hơn khoảng cách giữa các bồn cầu trong toa-lét ở thời hiện đại!

Trải nghiệm sống động đấy có thể miêu tả được ư?

Tưởng tượng một hồi mà Đường Thận đã thấy hồn lìa khỏi xác, sởn hết cả gai ốc.

Chợt Lương Tụng nói: “Kì thi Đồng sinh chia làm ba trường, thi huyện, thi phủ và thi viện. Lão phu vừa nhớ ra, nếu góp mặt trong mười hạng đầu của một trường thi, thì trường thi tiếp theo sẽ được đặc cách vào trong sảnh ngồi thi. Ngồi trong phòng thì khá hơn là ngồi ngoài sân đấy.” Ông vừa nói vừa chỉ về sảnh chính của phủ nha.

Hai mắt Đường Thận sáng ngời.

Lương Tụng cười nói: “Thi được hạng mấy, tiểu Đường lang, phải xem bản lĩnh của con rồi.”
Bình Luận (0)
Comment