Năm Chính Đức thứ mười bảy, mười tám, hạn hán kéo dài. Khi ấy Từ Ưng Bạch mười tuổi, đã không còn hay khóc như hồi còn nhỏ mà trở nên điềm đạm, thấu tình đạt lý. Cậu học chữ, luyện kiếm dưới sự dạy dỗ của Huyền Thanh Tử, tiến bộ rất nhanh. Nhưng năm đó ảnh hưởng của thiên tai quá nặng nề, đạo quan không nuôi nổi người nữa, nhiều đạo sĩ lấy cớ xuống núi mà trở về trần thế.
Vì sự tồn vong của đạo quan, Huyền Thanh Tử quyết định về nhà một chuyến. Nhà ông là gia tộc lớn nhà họ Tạ ở quận Giang Hạ, của cải tương đối dư dả, nếu có thể mang về ít lương thực cũng coi như giải quyết được khó khăn trước mắt. Có điều Huyền Diệu Quan cách Giang Hạ rất xa, nếu đi bộ cũng phải mất ba bốn tháng. Huyền Thanh Tử vốn định để Từ Ưng Bạch ở lại cho quan chủ chăm sóc, nhưng không ngờ lợi dụng lúc đạo quan ít người, cậu nhóc lén đi theo ông xuống núi.
Cậu bé mười tuổi theo chân sư phụ, một lần nữa được chứng kiến sự tàn khốc của thế gian. Dân chạy nạn khắp nơi, xác chết đói đầy đồng đã là chuyện bình thường, thú hoang ăn xác cũng chẳng có gì là lạ. Có lần, hai thầy trò nghỉ đêm tại một ngôi miếu đổ nát, nửa đêm Từ Ưng Bạch bị mùi thịt thơm đánh thức, dụi mắt đi ra cửa miếu thì thấy một vài người cả nam cả nữ gầy guộc trơ xương đang đứng nhìn chằm chằm vào một cái nồi, hai mắt lóe sáng. Trong bụi cỏ hoang bên cạnh là hai bộ xương khô rời rạc, một bộ xương thậm chí còn là của một đứa trẻ khoảng ba bốn tuổi.
Từ Ưng Bạch lạnh cả sống lưng, chợt cảm thấy buồn nôn. Cậu loạng choạng lùi lại, giẫm phải một cành cây khô. Cành cây yếu ớt phát ra tiếng động chói tai trong đêm khuya tĩnh mịch, những người kia đột nhiên quay đầu lại, cặp mắt đục ngầu lóe sáng như vừa được thấy mỹ bị nhân gian. Sau một khoảnh khắc lặng, bọn họ hô to rồi điên cuồng lao về phía Từ Ưng Bạch. Ngay sau đó, Huyền Thanh Tử kéo thốc cậu về, quyết đoán chạy ra khỏi miếu qua một lỗ hổng. Trên đường chạy trốn, Từ Ưng Bạch không kìm được quay đầu lại, chỉ thấy mấy người kia quỳ trên mặt đất khóc lóc thảm thiết, xé thịt thối trên người chính mình rồi nhét vào miệng.
Nhưng đến khi vào thị trấn, Từ Ưng Bạch lại thấy một cảnh tượng hoàn toàn đối lập. Cậu cắn miếng bánh bao cứng đờ, nguội ngắt trong miệng, nhìn thấy tửu lầu đối diện đèn đuốc sáng trưng, quan lại quý tộc ngồi xe ngựa đến hưởng lạc, ăn những món sơn hào hải vị, xem múa hát, nghe đàn sáo mua vui. Tiểu nhị trong tửu lầu đổ thẳng thức ăn còn chưa đụng đũa vào thùng chứa.
Hai thầy trò đi mất mấy tháng rồi từ quận Giang Hạ trở về Huyền Diệu Quan, tính tình Từ Ưng Bạch cũng ngày càng trở nên trầm lặng. Cậu hỏi, "Sư phụ, tại sao lại như vậy ạ?"
Huyền Thanh Tử thở dài, "Sư phụ... Sư phụ cũng không biết..."
Hai người im lặng một hồi lâu, Từ Ưng Bạch mím môi, lên tiếng, "Sư phụ, con muốn ra ngoài trải nghiệm."
Nghe vậy, Huyền Thanh Tử chỉ nhìn cậu, không đáp.
Đến năm mười hai tuổi, Từ Ưng Bạch lại cùng Huyền Thanh Tử ra khỏi đạo quan. Lần này, hai người đi lang thang không mục đích khắp lãnh thổ nhà Tấn, đến Giang Nam, đến U Châu, đến Trường An, đến Gia Dục Quan xa xôi, thậm chí đến cả quận An Tây. Ngày đặt chân đến Gia Dục Quan, kỵ binh Đột Quyết đến quấy phá, trong lúc hỗn loạn, Từ Ưng Bạch và Huyền Thanh Tử bị lạc nhau, Từ Ưng Bạch chỉ có thể tự mình lần mò đi tiếp.
Những đồ có giá trị trên người cậu đều bị cướp sạch, từ trâm cài cho đến áo ngoài, túi tiền chỉ có mấy đồng cũng không thể may mắn thoát nạn, thứ duy nhất còn sót lại là ngọc bội mẹ cậu để lại. Trên đường đi, Từ Ưng Bạch cũng gặp được một số người dân tốt bụng, họ chia cho cậu rễ cỏ đào từ đất cát, những đứa trẻ mồ côi không nhà cùng cậu uống chung một bình nước đục chua chát đục ngầu, thấy cậu quần áo mỏng manh, vài người còn xé quần áo của mình rồi khâu lại bằng cỏ khô, làm thành áo ngoài cho cậu.
Đên xuống, nhiệt độ Gia Dục Quan hạ xuống rất thấp, có lần Từ Ưng Bạch đột ngột phát bệnh, run rẩy co ro dưới bức tường đổ nát. Bà lão ăn mày tóc tai bù xù nằm bên cạnh đã cởi tấm áo khoác bẩn thỉu, chỉ vừa đủ để giữ ấm của mình đắp lên người cậu, ôm lấy cậu ngân nga những bài ca của vùng Tây Bắc xa lạ mà ấm áp.
Cứ như vậy đi suốt nửa tháng, cuối cùng Từ Ưng Bạch cũng tìm đến thành An Tây. Ngoài thành có rất nhiều dân chạy nạn lang thang, cậu đi về phía cổng thành, mới đi được nửa đường thì bất ngờ bị một thiếu niên cắn mạnh vào tay. Thiếu niên kia đầu tóc rối bù, khô khốc, toàn thân bẩn thỉu, gầy guộc chỉ còn da bọc xương. Ánh mắt cậu ta cực kỳ dữ tợn, cắn cũng rất mạnh, cảm giác đau nhói từ cổ tay truyền đến làm Từ Ưng Bạch khẽ rên lên, máu chảy ra nhuộm đỏ khóe miệng tên nhóc lưu manh kia. Từ Ưng Bạch nhíu mày túm cậu ta ra xa, gương mặt non nớt lộ rõ vẻ xót xa. Cậu thở dài não nề, cảm giác bất lực và bi ai trào dâng, "Sao lại đói đến mức cắn người vậy."
Từ Ưng Bạch nhớ đến những người dân chạy nạn phải ăn thịt thối kia, mày càng nhíu chặt. Cậu muốn giúp thiếu niên tầm tuổi mình này, nhưng lục lọi khắp người, trừ ngọc bội ra thì chẳng còn thứ gì đáng giá. Mà thiếu niên kia giãy giụa một lúc rồi yếu ớt ngã xuống. Từ Ưng Bạch lo lắng tiến lại gần, nào ngờ thiếu niên đột ngột chồm lên giật lấy ngọc bội của cậu. Từ Ưng Bạch hoảng hốt kêu lên, "Đó là di vật mẹ ta để lại, ngươi đừng..."
Chưa kịp dứt lời, chân đối phương đã mềm nhũn, ngã vật xuống đất, đập đầu vào đâu đó. Từ Ưng Bạch sững sờ một lúc rồi cúi xuống sờ trán thiếu niên, nhiệt độ nóng bỏng như muốn thiêu cháy cả người cậu ta. Từ Ưng Bạch nghĩ đến những xác chết cậu đã thấy trên đường đi, bạn bè thời thơ ấu và những người dân chạy nạn, những đứa trẻ mồ côi ở An Tây. Cậu cụp mắt, con ngươi khẽ rung động, cuối cùng cúi xuống, cõng thiếu niên muốn cướp ngọc bội của mình lên.
Nửa tháng qua Từ Ưng Bạch đã gầy đi trông thấy, đã yếu ớt bẩm sinh còn vừa khỏi bệnh nên dù thiếu niên đã rất nhẹ nhưng cậu cõng lên vẫn rất vất vả. Cậu loạng choạng vào thành tìm y quán, nhưng vì không có tiền nên bị từ chối. Cậu nôn nóng đứng đó, im lặng rất lâu, cuối cùng siết chặt ngọc bội trong tay. Di vật của mẹ quan trọng hơn hay một mạng người quan trọng hơn đây?
Mẹ chỉ để lại duy nhất miếng ngọc này cho cậu, hơn nữa, cậu và người này không hề quen biết, chỉ là người xa lạ bèo nước gặp nhau, cậu thậm chí còn không biết thiếu niên này tên gì, là người tốt hay người xấu... Huống chi cậu ta còn muốn cướp ngọc bội của cậu. Thiên tai, loạn lạc, biết bao nhiêu người chết, nhiều thêm một người hay bớt đi một người cũng đâu có khác nhau. Đại phu cũng nói bệnh nặng thế này chưa chắc đã cứu được, hà tất phải phí công? Có trăm ngàn lý do bỏ mặc, thế nhưng-
"Đại phu, ngài chờ một chút." Từ Ưng Bạch lên tiếng, chất giọng trong trẻo đặc trưng của thiếu niên vang lên giữa những tiếng rên rỉ đau đớn, "Ta sẽ có tiền ngay thôi."
Ngọc bội chất lượng rất tốt, chủ tiệm thấy Từ Ưng Bạch còn nhỏ, lại đi một mình nên cố ý ép giá, chỉ đưa cho cậu một nửa số tiền. Từ Ưng Bạch biết có tranh luận cũng vô dụng, cậu nhìn mấy gã đàn ông cao lớn bên cạnh chủ tiệm, thức thời nhận tiền rời đi. Thấy cậu lưu luyến nhìn miếng ngọc, chủ tiệm thấy tội nghiệp mà tháo sợi dây đỏ treo ngọc xuống, đặt vào tay cậu, "Giữ lấy mà làm kỷ niệm."
Số tiền đổi lại từ miếng ngọc đã cứu sống một thiếu niên. Từ Ưng Bạch ngồi ở y đường rất lâu, vừa lau mồ hôi vừa đút thuốc cho đến khi thiếu niên kia tỉnh lại. Cậu ta ngước mắt lên, sốt sắng hỏi, "Ngọc của ngươi đâu?!"
"Cầm rồi." Từ Ưng Bạch miễn cưỡng nở nụ cười, lặng lẽ nhét một ít bạc vụn xuống dưới lớp chăn cũ nát cứng đờ của đối phương, "Để lại cho ngươi đấy, đừng ra ngoài cắn người ta nữa."
Tay hai đứa chạm nhau, thiếu niên tròn mắt, ngỡ ngàng nhìn Từ Ưng Bạch. Từ Ưng Bạch chớp mắt với đối phương rồi lập tức đứng dậy rời đi, len lỏi trong đám đông. Giữa những âm thanh ồn ào huyên náo, tiếng gọi khàn đục của thiếu niên kia truyền đến, "Chờ đã! Ngươi tên là gì?"
Từ Ưng Bạch nghe thấy, nhưng không quay đầu lại. Bèo nước gặp nhau không cần biết họ tên, đưa tay cứu giúp cũng không cầu báo đáp. Cậu đi về phía cổng thành An Tây, cuối cùng không kìm được mà quay đầu lại nhìn thoáng qua y quán sắp khuất bóng kia lần cuối. Thiếu niên kia là người đầu tiên cậu tự tay cứu giúp.