Đương nhiên, có người lại không hề sinh ra cảm giác phản cảm khi chơi loại game hardcore như “Quay Đầu Là Bờ”, ngược lại còn rất sảng khoái.
Đây là một sự hiểu lầm hoàn toàn.
Tuy rằng loại game hardcore như “Quay Đầu Là Bờ” sẽ khiến người chơi chịu khổ, thế nhưng thứ người chơi thích không phải là cảm giác chịu khổ, mà là bản thân trở nên mạnh mẽ hơn sau mỗi lần chịu khổ, phân tích kỹ hơn thì đó chính là cảm giác thành tựu sau khi vượt qua muôn trùng khó khăn.
Hay nói cách khác, người chơi của thể loại game này hoàn toàn không phải là M, trái lại đều là S.
Hầu như tất cả các tựa game trên thế giới này đều cần phải mang lại cho người chơi một phản hồi tích cực, từ đó bọn họ mới cảm nhận được niềm vui.
Vì vậy Bùi Khiêm đã quyết định, tựa game lần này tuyệt đối không thể cho người chơi bất kỳ một phản hồi tích cực nào, chỉ truyền ra năng lượng tiêu cực từ đầu đến cuối mà thôi!
Chẳng phải là “quỳ gối trước sự thật” hay sao?
Cho nên trước mắt hắn sẽ làm một tựa game cực kỳ thực tế, nhất định phải làm đến mức không có nổi chút thiện cảm nào!
Lần này Bùi Khiêm quyết định đích thân xuất mã, hoặc là tự mình viết cốt truyện đại khái của game, tránh cho Hồ Hiển Bân lại hiểu nhầm ý đồ của mình, đồng thời nhất định phải sắp xếp lại nhóm người chơi một cách rõ ràng!
Đương nhiên, Bùi Khiêm cũng nghĩ rồi, làm như vậy chưa chắc là có thể thua lỗ, sự thất bại của tựa game ‘Người Chế Tác Trò Chơi’ chính là một bài học rất sâu sắc.
Lúc đó, Bùi Khiêm cũng cho rằng lời bộc bạch trong “Người Chế Tác Trò Chơi” là dùng để nhục mạ người chơi, kết quả là người chơi chẳng những không tức giận, trái lại những lời bộc bạch đó lại trở thành một phần cộng điểm lớn.
Cộng thêm lời giải thích đi hơi xa của Kiều Lão Thấp, mọi chuyện mới diễn biến tới mức không thể cứu vãn được nữa.
Bùi Khiêm cũng sớm nghĩ ra đối sách cho vấn đề này, tuyệt đối sẽ không giẫm vào vết xe đổ, càng không thể hai lần đạp trúng một vũng nước!
Nói tóm lại, Bùi Khiêm rút ra bài học kinh nghiệm từ hai lần thất bại của “Ngày Mai Tươi Đẹp” và “Người Chế Tác Trò Chơi”, quyết định làm một lần cho xong!
……
Phòng tiếp tân của bộ phận Game Đằng Đạt.
Hồ Hiển Bân hơi căng thẳng.
Bùi Khiêm gọi một mình Hồ Hiển Bân tới phòng tiếp tân, muốn nói với hắn về ý tưởng thiết kế của tựa game mới.
Lần này Bùi Khiêm không gọi bất kỳ ai khác, đặc biệt là những nhân viên kỳ cựu như Lý Nhã Đạt và Bao Húc.
Bởi vì những người này từng tham gia nghiên cứu và phát triển “Người Chế Tác Trò Chơi”, cho nên hiểu biết cực kỳ sâu rộng về sự thành công của “Người Chế Tác Trò Chơi”. Bùi Khiêm sợ bọn họ tham gia vào sẽ khiến dự án mới này cũng đi chệch hướng.
Cho nên, Bùi Khiêm quyết định thực hiện cách ly hết tất cả những nhân viên cũ này ra.
Những nhân viên cũ từng tham gia nghiên cứu và phát triển “Người Chế Tác Trò Chơi” đều sẽ được cử đi bảo trì GOG, đồng thời điều chuyển Hồ Hiển Bân và đám nhân viên mới chưa từng có kinh nghiệm làm game một người chơi tới, chịu trách nhiệm nghiên cứu và phát triển game.
Vì để đảm bảo dự án này có thể hoàn toàn đạt đến trình độ mong đợi, lần này Bùi Khiêm phải giải thích rõ ràng với Hồ Hiển Bân, tránh cho hắn lại suy nghĩ viển vông ra cái gì đó.
Bùi Khiêm uống một hớp trà, thuật lại ý tưởng của mình.
“Tựa game lần này có tên là ‘Phấn Đấu’. Đây là một tựa game điện ảnh tương tác với chủ đề hiện thực, tất cả các nhân vật trong đó đều phải là mô hình đồ họa cao, ghi hình chuyển động, chất lượng phải đạt đến trình độ của các tác phẩm lớn 3A.”
“Đương nhiên, nếu như quá trình làm game tương đối ngắn, vậy thì số tiền phải bỏ ra cũng sẽ không nhiều, đại khái… cứ chuẩn bị trước 40 triệu, nếu không đủ thì sẽ bổ sung sau.”
“Thời gian nghiên cứu phát triển dự kiến là năm tháng, thời gian phát hành dự kiến là khoảng 1 tháng 9.”
Hồ Hiển Bân choáng váng.
Là sao?
Game điện ảnh tương tác, hơn nữa còn là chủ đề hiện thực?
Tổ hợp thần kỳ gì thế này?
Cái gọi là game điện ảnh tương tác, có thể xem như là một dạng game tiểu thuyết tương tác với đồ họa đẹp mắt hơn. Sau khi câu chuyện bắt đầu, người chơi có thể lựa chọn các tuyến đường khác nhau, chơi đến các kết cục khác nhau, chẳng qua tất cả những gì mà người chơi cần làm chỉ là đưa ra một lựa chọn trong số các tùy chọn, chứ không cần phải thật sự thao tác gì.
Trong game điện ảnh tương tác, có một số sử dụng hình ảnh game, một số khác lại sử dụng bối cảnh và diễn viên thật, chi phí đều không rẻ chút nào.
Thế nhưng theo như yêu cầu của tổng giám đốc Bùi, mô hình đồ họa cao, ghi hình chuyển động, chất lượng phải đạt đến trình độ của các tác phẩm lớn 3A, có lẽ số tiền phải bỏ ra còn đắt hơn nhiều so với quay phim bằng diễn viên và bối cảnh thật.
40 triệu, đủ để quay một bộ phim điện ảnh rồi…
Nghĩ đến đây, Hồ Hiển Bân vừa cảm thấy mông lung, vừa cảm thấy áp lự như núi đè.
Nghe có vẻ không đáng tin lắm!
Nếu như không phải tổng giám đốc Bùi đích thân nói ra, Hồ Hiển Bân còn cho rằng có người muốn giả truyền thánh chỉ.
Bùi Khiêm tiếp tục nói: “Cái gọi là ‘Phấn Đấu’, chính là khiến người chơi trải nghiệm lại quá trình phấn đấu trong hiện thực qua game.”
“Tựa game lần này sẽ chia làm hai phần, lần lượt là bản người giàu và bản người nghèo, chia ra để bán riêng.”
“Phiên bản người giàu của ‘Phấn Đấu’ sẽ được bán cho người nghèo, giá gốc là 29 đồng, giá chiết khấu là 19 đồng; phiên bản người nghèo của ‘Phấn Đấu’ sẽ được bán cho người giàu, giá gốc là 99 đồng, giá chiết khấu là 79 đồng.”
“Nếu như người chơi chỉ mua một bản, vậy thì có thể hưởng thụ giá chiết khấu; nếu mua cả hai bản, vậy thì chỉ có thể bán theo giá gốc, tổng cộng là 128 đồng.”
Hồ Hiển Bân chớp chớp mắt: “Cái này… có thâm ý gì sao?”
Bùi Khiêm gật đầu: “Đương nhiên là có thâm ý, người nghèo trải nghiệm cuộc sống của người giàu, người nghèo không có tiền, cho nhiên phải định giá thấp một chút; người giàu trải nghiệm cuộc sống của người nghèo, người giàu có tiền, cho nên phải định giá cao một chút; đời người không có cơ hội lần thứ hai, cho nên nếu muốn trải nghiệm cả hai phiên bản thì cần phải bỏ thêm tiền.”