Đại đội trưởng Lý lập tức nộp đơn xin phép kết hôn. Doanh trưởng của anh ta, đoàn trưởng Nghiêm Lỗi và chính uỷ đều ký tên xong, hai người sẽ lấy thư giới thiệu của đơn vị rồi đi nhận giấy kết hôn.
Tuy tuổi còn trẻ nhưng đại đội trưởng Lý có Nghiêm Lỗi chỉ bảo, bên phía Lục Mạn Mạn có bố cô ấy lo nên không ai làm khó.
Nghiêm Lỗi hỏi thăm chuyện nhà ở cho Lý Ái Quốc.
Giữa tháng mười, thời tiết mát mẻ hơn.
Nghiêm Lỗi nói cho Kiều Vi: “Đã xử tội rồi.”
Kiều Vi không nói gì, chỉ nhìn anh.
Nghiêm Lỗi nói: “Chứng cứ vô cùng rõ ràng đầy đủ, theo tục lệ phải bắn chết.”
Trong lòng Kiều Vi co rút.
Cuối cùng thì sự hiểu biết của cô về eo biển Đài Loan khác với suy nghĩ ở thời đại này. Đời sau tuyên truyền quan hệ hai bên thân thiết, Trung Quốc một nhà, nhiều chính sách có lợi cho Đài Loan.
Nhưng ở thời đại này, bên kia là… Quân địch.
Nghiêm Lỗi lo lắng, vuốt vuốt gáy cô: “Em không sao chứ?”
Kiều Vi nói: “… Hơi khó chịu.”
Nghiêm Lỗi thở dài. Kiều Vi thích may quần áo, làm chăn gối gì đó. Anh đã nghe cô nói “Bác thợ may thật thú vị” rất nhiều lần.
Có thể xem là người quen. Con người là loài có cảm xúc.
Cảm xúc của phụ nữ càng mềm mại hơn.
Nghiêm Lỗi ôm chặt cô vào lòng, giọng trầm ấm thoải mái, nhắc nhở cô: “Nói vậy với anh thì được, đừng nói với người khác.”
Thương tiếc một gián điệp là hoàn toàn sai về mặt chính trị.
Kiều Vi gật đầu: “Em biết, anh yên tâm.”
Hiện tại, việc sáp nhập cơ bản đã hoàn thành, chính quyền huyện Vĩnh Minh đổi tên, Vĩnh Minh đổi thành Bác Thành.
Trấn Thanh Sơn và trấn Hạ Hà Khẩu cũng đổi tên, trở thành khu Thanh Sơn và khu Hạ Hà Khẩu của Bác Thành.
Bí thư ở thị trấn, trưởng trấn đều trở thành bí thư khu, trưởng khu.
Những người đó vẫn không thay đổi.
Hôm sau đến phòng làm việc, Bí thư Mạnh tìm Kiều Vi: “Đã có kết quả rồi, cô sửa lại bản thảo, sau đó có thể đưa lên thành phố.”
Kiều Vi đã ghi kết quả cuối cùng của vụ gián điệp vào bản thảo, sau đó đưa cho Bí thư Mạnh.
Bí thư Mạnh nhìn thấy nói: “Còn dùng tên giả à?”
Trong bản thảo viết “Một bạn nhỏ tên là Cường Cường (dùng tên giả) xem phim xong đột nhiên phát hiện ra điều bất thường, nhớ đến…”
Kiều Vi nói: “Con người có tính tò mò. Muốn biết là ai thì phải xem, cũng sẽ có người oán trách mấy câu.”
Đó là sự bảo vệ của người mẹ dành cho con mình. Bí thư Mạnh có thể hiểu được: “Cũng đúng. Cứ như vậy đi.”
Bản thảo này vừa được truyền ra đã gây chấn động. Bởi vì bộ phim lúc trước rất hấp dẫn và được chào đón. Nào biết chuyện trong phim lại xảy ra ở ngoài đời, lại có người bắt được gián điệp thực sự sau khi xem bộ phim này.
Còn là một người bạn nhỏ.
Chuyện này còn kịch tính hơn phim nhiều! Quá hấp dẫn!
Trên báo còn đăng ảnh ông thợ may, tay bị trói ở sau lưng, trên cổ treo tấm bảng gỗ viết: “Tội phạm tiết lộ bí mật.”
Là ảnh chụp bị xử tử.
Kiều Vi nhìn thấy thì im lặng một lúc lâu, sau đó nhẹ nhàng để tờ báo lại trên kệ sách.
Đặc vụ bị xử chết, doanh trưởng để lộ bí mật phải xuất ngũ. Lúc người khác còn chưa kịp phản ứng thì đại đội trưởng Lý đã dọn vào rồi.
Vật dụng trong nhà được cấp theo cấp bậc của cán bộ. Có mấy món tự đại đội trưởng Lý mua, cậu ấy và doanh trưởng xui xẻo kia thương lượng giá cả, cho người đó tiền rồi thế chân vào.
Chủ nhà trước đây là một doanh trưởng, cậu ấy là đại đội trưởng, vật dụng trong nhà vượt quá mức phân phối, nhân viên hậu cần mắt nhắm mắt mở cũng không lấy lại.
Tuy đại đội trưởng Lý và Lục Mạn Mạn có giấy kết hôn nhưng không tổ chức hôn lễ, cho nên vẫn sống chung với nhau giống như lúc hẹn hò.
Nhà họ Lục đang chuẩn bị của hồi môn, còn may vài cái chăn bông lớn.
Đại đội trưởng Lý đã mời một người thợ mộc đến để sửa chữa vật dụng trong nhà, đánh bóng và sơn lại lần nữa.
Điều kiện lúc này là như vậy, vật dụng mà nhà nước phân phối không thể sửa chữa cũng như đánh bóng lại toàn bộ. Đồ vật được đánh bóng và sơn lại nhìn rất đẹp.
Mua thêm vài thứ mới như giá treo khăn mặt, các loại nồi chén muôi chậu cũng phải mua mới. Trên phích nước nóng, chậu rửa mặt và ống nhổ mới đều in chữ hỷ.
Cậu ấy mua cho Lục Mạn Mạn năm, sáu bộ quần áo, ra tay hào phóng. Tuy chưa tổ chức hôn lễ nhưng tháng này đã cho Lục Mạn Mạn hai mươi tệ và phiếu vải: “Sau này mỗi tháng cho em hai mươi tệ, phiếu vải cũng cho em hết.”
Rồi nhẹ nhàng nói với cô ấy: “Sau khi chuyển đến đây, cho em quản lý tiền tiết kiệm.”
Còn nhân cơ hội nắm tay Lục Mạn Mạn.
Mặc dù đã lấy được giấy kết hôn nhưng còn chưa tổ chức hôn lễ, có cảm giác đang vụng trộm. Mặt Lục Mạn Mạn đỏ ửng, không rút tay về được nên để mặc cậu ấy nắm.
Vô cùng ngọt ngào.
Bởi vì chuyện này, Nghiêm Lỗi lại được nhận thêm huân chương khen thưởng hạng ba. Cấp trên đã tổ chức cuộc họp khen thưởng và trao tiền thưởng cho anh.
Ngay khi chuyện ông thợ may được đưa lên báo đã tạo lên cơn sốt. Vé xem phim “Bức tranh bí mật” rất khó mua, các đơn vị đều bao hết cả rạp, tổ chức cho tập thể công nhân viên chức xem phim, khi trở về phải viết cảm nghĩ, đánh giá.
Ban đầu bộ phim này được chiếu để tuyên truyền chống gián điệp, hiệu quả nhanh đến mức đáng kinh ngạc.
Cuối tháng mười, Nhân Dân nhật báo cũng viết về chuyện này, công khai khen ngợi người bạn nhỏ “Cường Cường.” Ảnh hưởng của chuyện này bắt đầu lan rộng khắp cả nước.
Các trường tiểu học, trung học đều nổi lên phong trào học tập theo người bạn nhỏ “Cường Cường.”
Trẻ nhỏ suốt ngày thò đầu ra ngoài đường, hẻm nhỏ, còn núp dưới chân tường nhà hàng xóm nằm nghe, cũng muốn làm “Cường Cường” giống như trên báo. Làm rất nhiều cặp vợ chồng thường xuyên mở cửa sổ nhìn xuống dưới xem có những đứa trẻ như mèo kia hay không, tránh để mấy đứa nhóc nghe được những chuyện không nên nghe.
Kiều Vi không thích bầu không khí như thế này. Cô là người đến từ tương lai nên rất chú ý đến vấn đề riêng tư, không chịu nổi sự theo dõi đó.
May là tường nhà cao, lại nằm trong khu gia đình quân nhân nên tốt hơn nhiều.
Người ở trong trấn không chịu nổi sự quấy nhiễu này.
Nhưng cuối cùng bây giờ không phải đời sau, lúc này đất nước chỉ mới được xây dựng mười mấy năm, còn rất nhiều gián điệp.
Chưa nói đến việc cả nước bắt được bao nhiêu gián điệp ẩn núp, chỉ riêng ở trấn Hạ Hà Khẩu đã phát hiện ra gián điệp thứ hai.
Người đàn ông này ở độ tuổi trung niên, rời nhà từ hồi thiếu niên, trưởng thành thì trở về quê hương. Tuy bố mẹ qua đời nhưng đã lấy vợ sinh con, cũng có người thân ở trong trấn và quê nhà.
Không ai ngờ ông ta là gián điệp.
Người tố cáo là con của ông ta.
Nửa đêm, đứa trẻ thỉnh thoảng nghe thấy tiếng “tí tách tí tách.” Người phụ trách chiếu phim đến thị trấn để chiếu “Bức tranh bí mật”, hơn nữa trong thị trấn còn tuyên truyền chống gián điệp nên đứa trẻ nghi ngờ.
Hăng hái đi tố cáo bố mình.
Một phát đã trúng đích.
Trấn Hạ Hà Khẩu là nơi sắp xếp cho người nhà quân nhân nên thực sự khiến quân địch chú ý.
Trong khoảng thời gian này, cả nước bắt được rất nhiều gián điệp của địch ẩn núp, đa số đều ở trong các tòa nhà quân sự, xung quanh quân khu hoặc là ở gần hải cảng.
Quân địch vẫn không từ bỏ.
Lúc này thực sự đã nhìn ra tầm quan trọng của việc tuyên truyền. Vì một bộ phim, lòng cảnh giác về quân địch đạt tới đỉnh điểm. Nhiều kẻ địch nằm vùng trong nhân dân đã bị bắt.
Đương nhiên cũng có rất nhiều người chưa bị bắt, cũng không dám làm bậy nên chỉ có thể ẩn núp.
Vấn đề này còn tồn tại đến tương lai.
Trong số tất cả những đứa trẻ, người được chú ý nhất chính là người bạn nhỏ “Cường Cường.”
Nhiều tòa soạn gọi điện thoại tới hỏi chuyện “Cường Cường”, muốn phỏng vấn người bạn nhỏ này.
Không nhiều người biết Cường Cường là ai, tất cả đều im lặng.
Bí thư Mạnh biết thái độ bảo vệ con của Kiều Vi nên không tự ý quyết định mà hỏi thăm ý kiến của cô.
“Bí thư, cháu trai của ngài đã đi nhà trẻ, nếu đổi lại là đứa bé đó thì ngài sẽ làm như thế nào?”
Bí thư Mạnh nói: “Vấn đề này phải xem xét từ hai phía.”
Kiều Vi nói: “Thằng bé còn nhỏ. Tâng bốc quá mức sẽ khiến thằng bé hiểu sai vấn đề. Trong nhà của ngài có trẻ nhỏ, ngài nhất định biết tính cách của chúng như thế nào. Nếu ngài khen bọn chúng quét nhà sạch thì bọn chúng lại ước gì mình có thể quét sạch cả con phố.”
“Theo góc độ vĩ mô, chuyện phát động nhân dân chống gián điệp và đạt được thành công là điều đương nhiên. Nhưng đối với một cá nhân, phát hiện gián điệp của địch là một việc tình cờ. Chuyện tình cờ này không thể lặp lại.”
“Tôi không muốn con mình lầm đường lạc lối, mỗi ngày đều nghi ngờ người xung quanh.”
Bí thư Mạnh từ chối tất cả toà soạn.
Nhưng một ngày nọ, ông ta nói với Kiều Vi: “Hai ngày tới đừng dẫn theo con đến.”
Các phóng viên thực sự có năng lực, cuối cùng vẫn hỏi thăm được danh tính của “Cường Cường”, định đến nhà trẻ huyện uỷ để phỏng vấn.
May là Bí thư Mạnh đã thông báo trước nên Kiều Vi để Nghiêm Tương ở chỗ chị Dương vài ngày, khiến cho các phóng viên vồ hụt, thất vọng quay về.
Thật ra chị Dương không hiểu rõ lắm, chị ta cảm thấy đây là chuyện vinh dự, sao không để con mình được lên báo. Rõ ràng việc này có thể ghi vào gia phả.
Sau đó trong thị trấn có một gián điệp khác bị con ruột của mình tố cáo, bị bắn chết, chị ta không nói gì nữa.
Chỉ thở dài.
Một thời gian sau, cuối cùng một thợ may trẻ tuổi đã được sắp xếp làm việc ở trong hẻm.
Tiệm may vá lại mở cửa buôn bán.
Có một chuyện mà đến giờ Nghiêm Lỗi vẫn nhớ: “Bằng tốt nghiệp của em thế nào rồi?”
“…” Kiều Vi ho khan để che giấu: “Khụ khụ…”
Nghiêm Lỗi nhìn cô chằm chằm: “Không phải là em đã quên rồi đấy chứ?”
“Khụ khụ… Không phải là do hôm ấy xảy ra chuyện sao.” Kiều Vi giải thích.
Cô đã nhắc đến chuyện này ở cửa tiệm chụp ảnh ngày Quốc khách hôm ấy, sau đó xem phim xong về nhà, buổi tối Nghiêm Tương nói ra những lời khiến người ta ngạc nhiên, thế là cả đêm Nghiêm Lỗi không về.
Vài ngày sau toàn là chuyện này.
Một loạt chuyện xảy ra tiếp theo khiến Kiều Vi quên luôn chuyện đó.
Vốn cũng không quan tâm chuyện đó lắm.
Nghiêm Lỗi rất bất mãn: “Em để tâm chút đi.”
“Ừ…” Kiều Vi ậm ừ qua loa lấy lệ.
Nghiêm Lỗi vừa nhìn là biết cô không để ở trong lòng. Người phụ nữ này!
Anh đuổi theo cô: “Em thể hiện thái độ chút được không, ngày mai gọi điện đi thành phố Lâm đó biết chưa. Nếu cần phải thi thì em nhớ ôn tập cẩn thận đấy, xin nghỉ đi, à, anh lấy xe đưa em đi thi…”
Kiều Vi bị anh làm cho nhức đầu: “Biết rồi biết rồi.”
Anh vẫn không bỏ qua, ôm chặt lấy eo cô, ép cô ngày mai nhất định phải gọi điện thoại, nếu không… Sẽ cho cổ cô có thêm hickey.
Kiều Vi không thể làm gì khác ngoài đồng ý với anh.
Ngày hôm sau, Kiều Vi thật sự đã gọi điện thoại, nhân viên trực điện thoại của địa phương đã chuyển máy đến người trực điện thoại của thành phố Lâm, nhờ người ta chuyển máy đến trường trung học nhà máy số Hai.
Lúc này rất khó tìm được người ngay qua một cuộc điện thoại.
Thường có hai cách, một là để lại số điện thoại cho người bên kia gọi lại, rồi đợi ở đó để nhân viên trực điện thoại bên kia đi tìm người đó đến và gọi lại.
Cách thứ hai là để lại tin nhắn, đơn vị trực điện thoại đi tìm người đó rồi gửi lại tin nhắn.
Nếu là bốt điện thoại, sẽ có nhân viên chuyên đến chuyển lời, học thuộc hoặc dùng bút ghi nhớ tin nhắn. Sau khi cúp điện thoại, nhân viên truyền tin sẽ chạy đến đầu đường nhà bạn, lớn tiếng nói: “XXX, XXX XXX gọi điện cho bạn, nói cho bạn biết XXX chuyện XXX.”
Đó là cách tin tức được chuyển đến bạn.
Về cơ bản thì dựa vào việc hét.
Không có riêng tư.
Nhưng việc này là ở trong thành phố mới có.
Giống như Hạ Hà Khẩu, đây là thị trấn, chỉ có cơ quan đơn vị mới có điện thoại. Bốt điện thoại chưa được phổ biến trên đường.
Việc liên kết hệ thống cung cấp nước và bốt điện thoại sau khi sáp nhập trấn với huyện là việc bí thư Mạnh đang cố gắng muốn hoàn thành.
Kiều Vi chọn cách thứ nhất, để lại số điện thoại rồi nói: “Tôi sẽ chờ.”
Cô chờ không đến mười phút, điện thoại vang lên: “Kiều Vi ở văn phòng không? Có điện thoại từ thành phố Lâm tìm cô.”
“Vâng, tôi đang chờ. Làm phiền nhận điện thoại giúp tôi.”
Nhân viên trực điện thoại nhận điện thoại.
Kiều Vi: “Alo? Thầy Trương?”
Mới hỏi một câu mà bên kia đã đặt câu hỏi như súng liên thanh: “Có phải Kiều Vi không? Có phải Kiều Vi lớp một đúng không? Bố em làm việc ở phân xưởng Bốn, em chưa tốt nghiệp đã đi làm, là Kiều Vi đã đến huyện Vĩnh Minh kết hôn đấy đúng không?”
“Đúng đúng đúng, là em.” Kiều Vi nói: “Thầy Trương còn nhớ em sao?”
“Kiều Vi! Thầy hỏi em!” Thầy Trương hưng phấn nói: “Bài viết được đăng trên báo thành phố của Kiều Vi, có phải là em hay không?”
“Vâng, là em.” Kiều Vi giải thích: “Bây giờ em đang ở huyện Vĩnh Minh, không phải, ở Bác Thành mới đúng, giờ em được điều chuyển tạm thời đến công tác tại huyện Bác Thành, công việc chủ yếu là viết lách.”
“Đúng là em rồi!” Giọng nói của thầy Trương nghe rất vui vẻ: “Lần đầu tiên đọc bài văn của em, thầy lại nhìn thấy cái tên ‘Kiều Vi’, rồi nhìn thấy tên trấn sáp nhập vào huyện là trấn Hạ Hà Khẩu, nhớ ra hình như học trò của mình là Kiều Vi kết hôn ở đó. Thầy nói với hiệu trưởng, hiệu trưởng còn không tin, ha ha ha, đúng là em rồi! À đúng, Kiều Vi, em có chuyện gì sao?”
Kiều Vi nói chuyện của mình ra hỏi: “Có cần thi không ạ? Em có thể về thi để chứng minh mình có tư cách tốt nghiệp.”
Thầy Trương lại cười ha ha: “Thi cái gì chứ. Bây giờ trong trường không có học sinh nào thi cả. Hơn nữa, bây giờ em đã trở thành cây bút rồi, ai dám kiểm tra em. Đợi thầy nói với hiệu trưởng, thầy ấy sẽ giơ biểu ngữ chào mừng em đến nhận bằng tốt nghiệp. Có khi bài văn của em còn làm thành tấm áp phích, mang đi tuyên truyền.
Không, không đến mức đó chứ…
Trán Kiều Vi lấm tấm mồ hôi.
Nhưng thầy Trương cũng đảm bảo với cô rồi.
Kiều Vi bày tỏ lòng biết ơn với sự chân thành của thầy.
Sau khi cúp điện thoại, không đến một giờ sau, thầy Trương hào hứng gọi điện thoại xác nhận: “Hiệu trưởng nói là có thể. Nhưng hiệu trưởng muốn em nhất định phải qua đây làm một buổi tọa đàm.”
Kiều Vi: “…”
Kiều Vi về nhà nói cho Nghiêm Lỗi biết.
Nghiêm Lỗi cực kỳ vui mừng: “Ngày nào đó? Em xin nghỉ đi. Anh đi cùng em! Anh sẽ chuẩn bị xe, em đừng lo!”
Kiều Vi: “…”