Thập Niên 60: Cuộc Sống Mỹ Mãn Của Vợ Trước Lót Đường Trong Niên Đại Văn

Chương 55

Kiều Vi: “?”
Chẳng mấy chốc, Nghiêm Tương đã đọc xong đoạn thứ nhất, bắt đầu đọc đoạn thứ hai.
“Chờ chút!”
Kiều Vi khiếp sợ ngăn Nghiêm Tương lại, hỏi cậu bé: “Sao con lại biết những chữ này?”
Nghiêm Tương nói: “Lúc mẹ cho con đi học thì con đã dần dần biết được rồi.”
Kiều Vi: “?”
Một ý nghĩ nảy ra trong đầu Kiều Vi.
Cô cầm giấy bút lên, nói với Nghiêm Tương: “Con đọc lại từ đầu để mẹ ghi lại, xem thử con biết được bao nhiêu chữ.”
Trong mắt Nghiêm Tương ẩn chứa sự mong đợi: “Nếu như con biết nhiều, mẹ sẽ cho con thêm nhiều kẹo sao?”
Kiều Vi đập một nắm kẹo lên bàn: “Nếu như con thật sự biết nhiều, cho con hết chỗ này.”
Mẹ là người nói lời giữ lời nên Nghiêm Tương rất tin tưởng.
Cậu bé lập tức nhích lại gần cạnh bàn chuẩn bị đọc.
Kiều Vi đứng lên ôm cậu bé đặt trên ghế, như vậy có thể cao hơn một chút.
Còn cô đi kéo một cái ghế gỗ qua và ngồi bên cạnh, cầm giấy bút: “Bắt đầu đi.”
Nghiêm Tương lại bắt đầu lắp ba lắp bắp đọc.
Cậu bé vừa đọc, Kiều Vi lập tức ghi chép, đôi khi cô viết xong lại phát hiện chữ này đã ghi rồi nên xoá đi.
Đến khi tay cô mỏi nhừ, không viết nổi nữa mới hô ngừng.
Nghiêm Tương chịu đựng cảm giác miệng lưỡi khô khốc, đợi cô nhận xét.
Kiều Vi không còn ngạc nhiên như lúc nãy mà đã bình tĩnh hơn nhiều.
Cô hỏi: “Con biết viết không?”
“Dạ không.”
“Vậy là con nhìn thấy nên phân biệt được sao?”
“Dạ!”
“Có biết hết những quảng cáo và biển hiệu bên ngoài à?”
“Dạ!”
Ánh mắt Nghiêm Tương nhìn sang những viên kẹo.
“Tốt lắm.”
Kiều Vi đẩy những viên kẹo trên bàn qua: “Cho con hết.”
Nghiêm Tương hoan hô, bỏ cuốn sách xuống, hai bàn tay nhỏ bé bận rộn nhét những viên kẹo vào trong túi quần.
Sau khi xong xuôi, cậu bé đỡ túi quần đang phồng lên rồi chạy đi.
Sách cũng không cần.
Nghe âm thanh thì có vẻ cậu bé chạy về phòng của mình trước, một lúc sau, từ cửa sổ Kiều Vi thấy Nghiêm Tương đi ra ngoài, đến trước cái bàn nhỏ dưới mái hiên cầm cốc tráng men lên rồi ngửa cổ uống hết cốc nước đun sôi để nguội.
Uống xong lau miệng, thở dài một hơi.
Chỉ vì mấy viên kẹo, bạn nhỏ đã cố gắng đến mức miệng lưỡi đều khô khốc.
Hết khát, cậu bé mới lột một viên kẹo bỏ vào miệng, phồng má lên, ngâm nga một điệu nhạc thiếu nhi không rõ, cậu bé vui vẻ cầm cái xẻng nhỏ và xô sắt nhỏ đi ra sân đào một cái hố.
Trong phòng, Kiều Vi chống cằm nhìn tờ giấy trong tay với vẻ trầm ngâm.
Ban đầu cô còn muốn đếm thử xem bao nhiêu chữ, nhưng khi cô đếm tới tám trăm, sau đó nhìn số chữ phía sau thì lập tức bỏ cuộc.
Cụ thể bao nhiêu không quan trọng.
Bởi vì vốn dĩ cổ tay cô mỏi không chịu nổi mới bảo Nghiêm Tương dừng lại.
Nói cách khác, số lượng chữ mà Nghiêm Tương biết được còn nhiều hơn số này.
Không có ai dạy cậu bé.
Ngay cả Kiều Vi Vi cũng không dạy.
Chỉ là khi Kiều Vi Vi và Kiều Vi nói cùng một câu chuyện nhiều lần, luôn ôm Nghiêm Tương trong lòng, mẹ con cùng nhau đọc sách.
Kiều Vi Vi là như vậy, Kiều Vi cũng tiếp tục làm theo cách của cô ấy.
Vì thế trong lúc đọc đi đọc lại, Nghiêm Tương đối chiếu phát âm của mẹ với chữ trong sách rồi nhớ kĩ.
Cho nên cậu bé đã biết những chữ này.
Hoàn toàn tự học.
Đây chỉ là một đứa trẻ ở độ tuổi mẫu giáo.
Kiều Vi cẩn thận suy nghĩ những điều này, có thể kết luận mọi chuyện đúng như cô suy đoán.
Có thể Nghiêm Tương không giống với những đứa trẻ bình thường.
Có lẽ cậu bé, có lẽ cậu bé… Là một thiên tài.
Bảy tuổi đã trở thành một hacker hàng đầu thế giới, làm mưa làm gió trong thị trường chứng khoán, giải quyết các vấn đề khó khăn nhất của quốc gia về khoa học kĩ thuật, v.v.
Nhưng thông thường những thiên tài như vậy đều xuất hiện trong truyện đô thị lãng mạn.
Sẽ không xuất hiện trong truyện điền văn, nhất là trong những truyện có mẹ kế.
Trong nguyên tác, Nghiêm Tương là một chàng trai trầm mặc ít nói, bị mẹ kế Lâm Tịch Tịch dùng làm công cụ để thể hiện sự hiền lành tốt bụng của bản thân, sau đó cậu bé đã thi đậu đại học thủ đô.
Nhưng chuyện này chỉ được nhắc đến qua loa ở phần kết HE của truyện.
Không nói tỉ mỉ.
Rốt cuộc cậu bé thi đậu vào năm nào?
Rất mơ hồ.
Khi phần cuối nhắc tới chuyện này thì con cháu của nam nữ chính đã đầy nhà rồi.
Chỉ nói rằng nhà họ Nghiêm có một mình cậu bé là sinh viên đại học, là tấm gương tốt cho em trai, em gái trong nhà noi theo.
Con riêng có thể thi đậu đại học, lại chứng minh nữ chính trong nguyên tác là một người mẹ kế tốt.
Nực cười.
Nực cười.
Với một đứa trẻ thiên tài như vậy, dù có mẹ kế hay không cũng sẽ lên đại học.
Nói không chừng chính mẹ kế là người cản trở con đường học vấn của người ta!
Chuyện Nghiêm Tương là một đứa trẻ thiên tài không được thể hiện trong truyện.
Nhiều lắm cậu bé chỉ thể hiện sự “Xuất sắc.”

Nhưng mức độ xuất sắc này không thể sánh được với danh xưng “Đứa bé thiên tài”.
Kiều Vi nghĩ tới đây lập tức bật dậy.
Nhưng nghĩ lại cũng không chắc chắn.
Vì sao truyện điền văn có ít đứa trẻ thiên tài như vậy, bởi vì tính chất đặc biệt của thời đại này nên khó để viết.
Một đứa trẻ thiên tài trong thời đại này có thể làm gì đây, chế tạo ra TV hay là chế tạo bom nguyên tử.
Nếu viết về chế tạo TV cũng không có gì đặc biệt, còn về chế tạo bom nguyên tử thì liên quan đến vấn đề chính trị nên không có diễn đàn internet nào dám viết về chủ đề này.
Đặc điểm của những đứa trẻ thiên tài không thể thể hiện rõ nên cũng không trách Lâm Tịch Tịch được.
Chẳng qua Lâm Tịch Tịch chỉ là một người phụ nữ trung niên có trình độ tiểu học và làm nội trợ.
Sở trường của cô ta là nấu nướng và làm việc nhà, khi người thân của Nghiêm Lỗi ở quê đến thăm, cô ta có thể tự mình nấu bảy, tám món để tiếp đãi những người này đến mức họ hết lời khen ngợi, lúc về quê thì danh tiếng hiền lành, tốt bụng của cô ta đã vang xa.
Có lẽ cô ta cũng không phát hiện ra Nghiêm Tương là một đứa trẻ thiên tài.
Bởi vì những năm chín mươi không có khái niệm đứa trẻ thiên tài.
Cô ta lo cơm ăn áo mặc cho Nghiêm Tương, chưa bao giờ đánh mắng cậu bé.
Trong nguyên tác, khi Nghiêm Tương lớn lên, học hai năm tiểu học nhưng về sau trường học quá loạn nên Nghiêm Lỗi không cho cậu bé đi học nữa.
Anh nhờ người mua sách cho cậu bé ở nhà tự học.
Mỗi ngày Nghiêm Tương đều ở trong phòng đọc sách.
Lâm Tịch Tịch còn quở trách Nghiêm Lỗi bắt ép đứa trẻ đọc sách khiến cậu bé mệt mỏi.
Thực chất thanh niên trí thức đi lên núi hay xuống làng là học sinh trung học.
Nghiêm Tương chưa đủ tuổi để lên núi hay xuống làng, đến khi khôi phục kỳ thi đại học thì chắc cậu bé cũng chỉ mới mười lăm, mười sáu tuổi.
Giai đoạn thơ ấu và niên thiếu của cậu bé là giai đoạn quan trọng để học ở trường, nhưng vì lý do lịch sử đặc biệt nên không thể tiếp thu hệ thống giáo dục.
Nghĩ vậy, cũng không thể trách Lâm Tịch Tịch được.
Quả thật những đứa trẻ thiên tài ở thời đại này không thể bật lên được.
Hiện tại Kiều Vi có đôi chỗ nghi ngờ, có phải từ đầu tác giả muốn viết thêm về yếu tố đứa trẻ thiên tài nhưng phát hiện yếu tố đó không dễ phát triển trong truyện điền văn, nên đành gác qua một bên.
Cô thấy suy đoán lần này đã gần đúng với sự thật rồi.
Bây giờ cô đã có được em bé thiên tài này, nên làm gì đây?
Kiều Vi nhìn bên ngoài cửa sổ thì thấy em bé thiên tài đang ngồi xổm đào đất trong sân, cô cắn ngón tay suy nghĩ một lúc lâu.
Thời đại đặc biệt, ai da, thời đại đặc biệt.
Lúc này cô mới hiểu tại sao tác giả lại gạt bỏ yếu tố đứa trẻ thiên tài qua một bên mà viết những chuyện nhàn rỗi như thế này.
Thật bất lực.
Thật nực cười, ban đầu cô còn định dạy cho con mình bốn, năm chữ mỗi ngày.
Kiều Vi vò mấy tờ giấy, đứng lên vặn hông.
Một người đã trải qua sinh lão bệnh tử thì có thể nhìn mọi việc vô cùng rõ ràng, lợi ích là gặp phải chuyện gì cũng không lo nghĩ nữa.
Hoặc có thể nói, giống như Phật giáo vậy.
Đứa trẻ thiên tài thì đứa trẻ thiên tài, cô chỉ cần cố gắng dạy dỗ là được.
Trước khi hệ thống giáo dục của quốc gia khôi phục lại bình thường, cô sẽ cố gắng dạy cho cậu bé nhiều nhất có thể.
Cây cao thì đón gió lớn.
Nhất là ở thời đại đặc biệt như bây giờ, không nên khác người.
Như vậy sẽ dễ gặp nguy hiểm.
Em bé thiên tài thì cũng là đứa trẻ.
Trẻ nhỏ nên có một tuổi thơ hạnh phúc.
Kiều Vi đi tới cửa, chống nạnh hỏi: “Con có cần mẹ giúp không?”
“Không cần ạ, con tự làm được.”
Giọng nói non nớt kiêu ngạo vang lên: “Con là con trai.”
“Ồ, được rồi.”
Hôm nay là thứ ba, Nghiêm Tương ăn cơm trưa xong đi ngủ như thường lệ.
Hôm nay Kiều Vi không ngủ, cô chờ người đến. Quả nhiên, lúc sau đã có người đến gõ cửa.
Sau khi cô mở cửa thì thấy có hai người đàn ông đứng bên ngoài: “Đây có phải là nhà của đoàn trưởng Nghiêm không?”
Phía sau bọn họ là một chiếc xe đẩy bằng phẳng, trên xe còn chất mấy khúc gỗ.
“Phải phải, tôi đang chờ mọi người đây.” Kiều Vi nhiệt tình mở cổng.
Một người đàn ông đi vào trước, nhìn sơ qua tình hình trong sân: “Lắp đặt chỗ nào đây?”
Lại nhìn đến một nơi: “Ồ!”
Trên mặt đất vẽ một vòng tròn, sau khi Kiều Vi ăn cơm trưa xong thì đã khoanh tròn chỗ đặt đồ lại.
Người đàn ông lại đi ra ngoài, hai người đàn ông nhanh chóng khiêng gỗ vào đặt ở chỗ mà Kiều Vi đã chỉ định, sau đó lắp “Máy giặt chạy bằng sức người” mà cô đã mong đợi mấy ngày nay.
Thực tế giống y hệt tranh cô vẽ.
Lắp đặt xong, một người đàn ông lấy tờ giấy nhăn nhúm từ trong túi quần ra: “Cô xem thử có giống vậy không?”
Kiều Vi cầm lấy mở ra xem, chính là bức tranh cô vẽ.
Kiều Vi vui vẻ: “Giống như đúc. Tay nghề của các anh tốt thật.”
Cô chuẩn bị chè đậu xanh mát lạnh và thuốc lá cho các thợ mộc.
Bọn họ vừa uống chè đậu xanh, vừa hỏi: “Nghe đoàn trưởng Nghiêm nói cái này dùng để giặt quần áo à?”
Kiều Vi vui vẻ trả lời: “Đúng rồi!”
Cô nói: “Để tôi thử cho các anh xem.”
Nhóm thợ mộc cũng tò mò, đợi cô thử.
Kiều Vi đã ngâm một chậu quần áo.
Thời đại này dùng loại chậu lớn để giặt quần áo chứ không phải chậu nhỏ của thế hệ sau.
Quần áo và nước đã đầy, Kiều Vi chỉ có thể kéo xuống dưới giá giặt.

Bình Luận (0)
Comment