Phần thứ ba là truyện ngắn văn học hiện thực, phần này chẳng có giá trị thực tế gì.
Giành thế chủ động, hiệu trưởng Hà suy nghĩ vài ngày rồi bảo thư ký đích thân đi một chuyến đến xưởng in của trường, bảo họ in thêm năm trăm quyển tập san trường học của công đoàn gửi đến từng bộ phận, triển khai hoạt động siêng năng và tiết kiệm trong toàn trường.
Trên thực tế, cho dù là không triển khai hoạt động siêng năng và tiết kiệm thì cuộc sống đại bộ phận giảng viên, nhân viên và học sinh cũng đều rất mộc mạc. Vật tư cung ứng không đủ cũng là một nguyên nhân, tất nhiên nguyên nhân quan trọng nhất còn là vì số tiền trong tay vô cùng hạn hẹp.
Các nhân viên thì cứ lấy chú thím họ của Triệu Trân Trân làm ví dụ. Chu Thục Bình là nhân viên trong nhà ăn của trường, lương một tháng ba mươi chín tệ. Triệu Thanh Sơn cũng là phận công nhân, lương một tháng năm mươi sáu tệ. Cho dù chức vụ của họ đều có thể kiếm chác, thêm phúc lợi cuối năm ngoái, thì thu nhập một tháng tính đâu ra đấy cũng là một trăm hai mươi tệ. Trừ đi các khoản chi tiêu cần thiết trong nhà và nuôi ba đứa con, một sinh viên đại học và hai học sinh cấp hai, đến cuối năm thu chi cũng sẽ duy trì bình ổn. Nếu không phải lúc các con còn nhỏ tiết kiệm được một số tiền thì hiện tại cũng không đủ sống. Nhưng cho dù là vậy, Chu Thục Bình và Triệu Thanh Sơn ngoài việc chi tiền cho việc ăn uống thì quần áo của hai người đều là đồ đã mặc năm sáu năm. Đến bây giờ, thỉnh thoảng Chu Thục Bình vẫn mặc quần vá đi làm.
May mà Triệu Linh Ngọc sau khi tốt nghiệp được phân công vào nhà máy dược, vì là sinh viên nên tiền lương hằng tháng năm đầu tiên đã hơn năm mươi tệ, điều này đã giảm bớt rất nhiều gánh nặng cho gia đình.
Huống hồ, điều kiện của hầu hết những gia đình khác thực tế không tốt bằng nhà chú họ. Hai người họ thu nhập không tính là cao nhưng cha mẹ, họ hàng hai bên đều không dính líu. Nhiều gia đình có thu nhập cao hơn họ nhưng lại còn phải gồng gánh thêm người nhà, làm cho cuộc sống ngột ngạt, tăm tối rối ren.
Về phần sinh viên gia đình có điều kiện tốt lại càng không nhiều. Một bộ phận sinh viên có gia đình bình thường ở thành thị giống như Triệu Linh Ngọc, còn một bộ phận là từ nông thôn thi đỗ lên thành thị, trong tay ngoài tám tệ sinh hoạt phí được trường trợ cấp thì chẳng còn đồng nào.
Thậm chí một số sinh viên gia đình đặc biệt khó khăn, còn phải san sẻ tám tệ trợ cấp ấy cho gia đình.
Trong hoàn cảnh này, nhà trường kêu gọi mọi người siêng năng tiết kiệm, đương nhiên nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người. Nói đến siêng năng tiết kiệm, hầu hết mọi người đều bắt đầu từ thực phẩm và quần áo. Thức ăn ở nhà ăn của trường chia làm ba loại, thức ăn loại một là món thuần mặn, ví dụ như cá vàng nướng... Thức ăn loại hai là thịt xào với rau, củ cải thịt băm... Rẻ nhất là thức ăn loại ba, một đĩa cải thìa luộc, căn bản là nhìn không thấy một giọt dầu nào. Nhiều học sinh ngân sách không nhiều, mặc dù cảm thấy ăn thức ăn loại ba có chút mất mặt, nhưng đến giữa tháng tiền và lương thực không đủ cũng chỉ có thể lén lút mua một phần thức ăn loại ba. Thậm chí không mua thức ăn mà chỉ gặm khô hai cái bánh bao hấp không nhân.
Nhưng từ khi trường kêu gọi siêng năng tiết kiệm, những bạn học có gia cảnh không quá tốt kia cuối cùng cũng có thể quang minh chính đại mua thức ăn loại ba. Không chỉ không mất mặt mà thỉnh thoảng còn nhận được ánh mắt khen ngợi. Trong hoàn cảnh này, cho dù là những bạn học có điều kiện tốt cũng thấy ngại nếu cứ mua thức ăn loại một hay loại hai, thỉnh thoảng cũng sẽ mua một phần thức ăn loại ba. Mặc dù thức ăn loại ba không ngon nhưng cũng không đến mức không ăn được.