Sau khi tin tức này được truyền ra, sự thay đổi nhanh nhất chính là người ở chợ ngoại thành phía tây càng ngày càng nhiều, trước đây người mua đồ nhiều, bây giờ người bán người mua đều nhiều.
Trợ lý Trương làm việc vô cùng hiệu quả, từ sau ngày nhận được thông báo, anh ta bắt đầu chuẩn bị chợ nông sản và chợ hải sản. Bởi vì đều hoạt động ngoài trời nên chỉ cần sửa sang lại sân bãi ra vào, sắp xếp một số nhân viên tuần tra nhất định là được. Chỉ một tuần ngắn ngủi, hai ngôi chợ chính thức mở cửa buôn bán.
Nói là buôn bán chứ thực ra chính quyền không hề tham gia vào, để khuyến khích xã viên đi chợ thay vì buôn bán dưới lòng đường, nửa năm không thu bất kỳ khoản phí quầy hàng nào, chợ hải sản cũng như vậy. Không những không thu thuế, chính phủ còn trợ cấp tiền để trả lương cho nhân viên.
Lúc này, Kiến Quốc đã học làm bánh đậu và bánh đậu xanh từ bà thím. Thằng bé đã thử làm một lần cho nhà ăn, tuy rằng hương vị không bằng của Chu Thục Bình nhưng cũng rất ngon.
Bản thân Vương Kiến Quốc không có hứng thú với nấu ăn, đối với làm bánh cũng không có hứng thú, tất cả động lực đều xuất phát từ ham muốn kiếm tiền, mà thằng bé cũng không nghĩ ra tại sao mình lại ham kiếm tiền như vậy.
Vì muốn kiếm tiền, Kiến Quốc đặc biệt quan tâm đến một số tin tức, khi nghe tin chợ đã được rộng rồi, hơn nữa người cũng nhiều hơn trước. Trong lòng thằng bé vô cùng phấn khích, nhịn không được tranh thủ cuối tuần dậy sớm lén lén đi xem. Quả nhiên đúng như mọi người nói, chợ vô cùng đông đúc. Thằng bé đếm qua rồi, chỉ riêng quầy bán bánh đã có hơn mười gian. Người bán dù nhiều nhưng người mua càng nhiều hơn, mỗi gian hàng đều buôn bán rất tốt.
Thằng bé đứng một bên nhìn mà nóng lòng muốn thử.
Trên đường về, Kiến Quốc vẫn đang tính toán làm sao mình có thể làm ra mấy cân bánh ngọt đem bán mà không bị gia đình phát hiện.
Chẳng mấy chốc thằng bé đã có một ý tưởng.
Hôm qua, bà thím nói mấy ngày nữa sẽ về nhà ngoại vì người thân bị ốm, ông lại đi giao hàng ở tỉnh bên cạnh nên lúc đó chỉ còn lại cậu Lập Chí. Kiến Quốc có lòng tin là cậu Lập Chí sẽ bị mình thuyết phục, khẳng định sẽ đồng ý để thằng bé làm bánh đi bán.
Thứ bảy chỉ đi học có nửa ngày, sau khi tan học Vương Kiến Quốc không đợi Kiến Xương Kiến Minh, cũng không đến trường cấp ba tìm anh trai mà mang cặp chạy thật nhanh đến nhà bà thím. Quả nhiên như cậu bé nghĩ, ông và bà đều không có ở nhà, chỉ có một mình Triệu Lập Chí ở nhà. Anh ta buồn chán nằm trên sô pha, trên tay cầm một cuốn sách nhưng hiển nhiên cũng không nghiêm túc đọc.
“Cậu Lập Chí, cháu đến rồi đây!”
Triệu Lập Chí uể oải ngồi dậy hỏi: “Nhị Bảo? Cháu đến đây làm gì?”
Vương Kiến Quốc cười với anh ta và nói: “Cậu ơi, cậu có muốn ăn bánh không ạ?”
Triệu Lập Chí hoài nghi nhìn thằng bé, hỏi: “Cháu thật sự học được rồi à?”
Vương Kiến Quốc gật đầu nói: “Thật đấy ạ, không tin cháu làm cho cậu ăn thử!”
Từ mấy năm trước từ khi tích trữ lương thực mang lại tác dụng lớn, bây giờ Chu Thục Bình vẫn có thói quen bất kể cái gì cũng ráng mua nhiều một ít. Hơn nữa thỉnh thoảng thím sẽ làm thêm bánh đem ra chợ bán, vì vậy trong nhà trữ rất nhiều đậu đỏ và đường trắng. Kiến Quốc đặt cặp sách xuống, bắt đầu khéo léo ngâm đậu, nấu đậu và xào đậu.
Lại là một năm mưa thuận gió hòa, các loại hoa màu đều được mùa bội thu. Nhưng mà điều khiến cho mọi người vui vẻ hơn so với việc tập thể thu hoạch lớn đó là gia đình nhỏ của các xã viên đều rất sung túc. Những gia đình bình thường cảm nhận được chính sách nới lỏng, sớm đã lén lút nuôi gà, vịt, lợn ở sau nhà, đến cuối năm chỉ bao nhiêu đây cũng đã thu được kha khá rồi. Những người nhát gan chỉ dám nuôi một con lợn, cuối năm mổ lợn mang thịt đi bán cũng kiếm được hơn một trăm tệ, huống chi là những người bạo dạn nuôi nhiều.