Chương 213: Cảm ơn mẹ
Thật sự không có người nào dám trộm của cô ấy vì sợ ăn đòn.
Lâm Tô Diệp lại lấy năm hào ra cho bà Tiết, đều là tiền hào và xu lẫn lộn, cho Đại Quân và Tiểu Lĩnh mỗi người năm xu mua kẹo ăn.
Tiểu Lĩnh vui vẻ đến mức khóe miệng kéo đến tận mang tai, cậu bé muốn đi mua bột ô mai đó, dốc vài gói đổ chung vào miệng thật quá đã.
Năm xu tiền không đủ!
Cậu bé nhìn bà Tiết: “Bà nội…”
Bà Tiết lập tức hào phóng cho cậu bé một hào: “Cháu ngoan, cho cháu.”
Lại cho Đại Quân đang im lặng ăn cơm một hào.
Toa Toa vẫn luôn hút sợi mì, lập tức bò lên ghế chạy đến trước mặt bà Tiết, duỗi bàn tay nhỏ nần nẫn thịt tới, nói với giọng nói non nớt: “Bà nội…”
Nếu là trước đây bà Tiết chắc chắn sẽ “đi đi đi, con nhóc nhà cháu cần tiền làm gì” nhưng lúc này bà ta không nói mà lấy hai xu tiền đặt vào tay Toa Toa, cười bảo: “Ôi chao, đứa nhỏ nhà cháu còn muốn tiêu tiền sao?”
Toa Toa trừng đôi mắt to đen láy, chu miệng ý bảo không đủ, còn đòi thêm.
Bà Tiết cười bảo: “Cháu cũng tham đấy.” Lại cho thêm hai xu.
Toa Toa nhíu mày: “Hào hào.”
Hai bé trai đều là một hào, cô bé nghe thấy cũng nhận ra đó là một hào, nhưng cái của bé không đúng, là xu.
Mẹ đếm tiền cô bé cũng đều ở một bên nhìn.
Bà Tiết trừng to mắt: “Hay thật, đứa trẻ nhà cháu còn nhận biết được tiền, cũng biết nhiều lắm đấy. Cháu còn nhỏ vẫn chưa đi học, bốn xu là đủ rồi.”
Bàn tay nhỏ của Toa Toa lắc lư: “Cảm ơn.”
Bà Tiết: “Ôi chao, lớn lên ngay dưới mí mắt, từ khi nào lại học được cách hiểu lễ nghĩa như thế?”
Tiểu Lĩnh: “Học với trí thức Cố và cô Triệu đấy ạ.”
Các trí thức từ thành phố tới, cho dù đã ở quê được vài năm nhưng vẫn duy trì thói quen xã giao từ nhỏ nói mấy lời cửa miệng không dứt như “làm phiền, mời, cảm ơn.”
Mấy ngày này Toa Toa đi học cùng với Lâm Tô Diệp, đột nhiên học được mấy từ này, vì cảm ơn phù hợp với thói quen của cô bé nhất cho nên rất thích nói.
Bà Tiết nghe mà vui vẻ lại cho Toa Toa thêm một xu, tổng cộng là năm xu.
Toa Toa vui vẻ chạy tới trước mặt Lâm Tô Diệp, giao cho mẹ.
Bà Tiết: “… Đứa nhỏ nhà cháu, hóa ra là có suy tính, biết thiên vị mẹ mình.”
Toa Toa: “Hì hì.”
Lâm Tô Diệp vừa cười vừa cất đi, nhấn vào cái mũi nhỏ của con gái, cười bảo: “Toa Toa của chúng ta cũng biết nhận biết tiền đấy nhé, thật đúng là một đứa trẻ ham học hỏi. Vây mẹ cũng cho con năm xu tiền, cộng thêm năm xu của bà nội, đều cất cho con hết.”
Toa Toa gật đầu: “Cảm ơn mẹ.”
Lâm Tô Diệp cúi người thơm lên gương mặt nhỏ của con gái: “Bé ngoan thật lễ phép.”
Bà Tiết: “Được rồi được rồi, buồn nôn quá.”
Toa Toa: “Cảm ơn.”
Chớp mắt đã có một mảnh ruộng lúa mạch nhỏ chín, đội sản xuất bắt đầu tổ chức các xã viên đi gặt lúa mạch.
Nếu là ruộng lúa mạch lớn chín còn cần nam nữ già trẻ toàn thôn đều ra trận, nhưng loại ruộng nhỏ này thì vẫn ổn, một đám lao động khỏe mạnh có thể ứng phó được, còn những người khác vẫn làm việc khác.
Vì vẫn chưa đến kỳ nghỉ mùa gặt nên hai bé trai tiếp tục đi học.
Tiểu Lĩnh thì ngày nào cũng chỉ mong được nghỉ, cậu bé cảm thấy gặt lúa mạch còn vui hơn đi học nhiều.
Trong khoảng thời gian này, Triệu Tú Phân nhờ Lâm Tô Diệp vẽ mấy bức tranh cảnh thu hoạch lúa mạch thể hiện chí khí ngút trời của các xã viên, đến khi đó lấy danh nghĩa trường học tặng cho huyện và khu, cũng được tính là một loại nhiệm vụ, nghe nói còn được bình chọn và thưởng, có thể phát phích nước nóng.
Bây giờ Lâm Tô Diệp lên lớp đều có ý thức quan sát động tác của giáo viên và các học sinh, lại bớt thời gian ra ruộng quan sát các xã viên gặt lúa mạch, cả ngày bận luyện vẽ nhanh nhân vật, vẽ đến mất ăn mất ngủ.
Cô chuyên tâm vẽ vật thực, cầm bút chì vẽ đủ loại dáng vẻ và động tác của mọi người xuống, dù sao cô cũng chưa từng học qua chuyên ngành, vẽ dáng người cũng phải vẽ mất một lúc.
Cũng may cô giỏi quan sát và mô phỏng, bản lĩnh trông bầu vẽ gáo cũng không nhỏ, ngược lại cũng vẽ rất ra gì, chỉ là bản thân vẫn chưa hài lòng, luôn muốn vẽ càng đẹp hơn, tránh cho kéo chân trường học.
Cô đã chuẩn bị xong trang phục cho cô út gồm cả mũ che nắng, khăn tay mới, áo dài tay và quần, ngoài ra còn chuẩn bị thêm bao tay và tất cổ cao.
Tuy rằng sẽ nóng một chút nhưng sẽ không bị đầu lúa mạch đâm ngứa ngáy.
Bản thân cô vì thể chất đặc thù nên mỗi năm đều không ra ruộng lúa mạch thu hoạch, vì không những không làm được việc gì mà chưa đến một lúc còn làm cô say nắng ngất xỉu, thế này không đủ dọa người sao?
Dù sao cũng có tiền lương của Tiết Minh Dực nuôi, đội sản xuất cũng không cưỡng cầu, các xã viên thường cũng không đố kỵ.