Sự việc nói tới đây coi như đã xong xuôi, năm nay quyết định sẽ chia làm hai tốp để đón năm mới, Nguyễn Khê, Nguyễn Khiết, Nguyễn Hồng Quân, Nguyễn Thu Nguyệt và Diệp Phàm về quê ăn Tết với ông bà nội, còn Diệp Thu Văn, Nguyễn Thu Dương và Nguyễn Hồng Binh thì ở nhà ăn Tết với hai người họ.
Mặc dù trong lòng của Phùng Tú Anh thấy không hài lòng nhưng bà ta không dám đứng trước mặt phản đối quyết định của Nguyễn Trường Phú.
Chuyện này đến đây coi như đã tính toán ổn thỏa, Nguyễn Trường Phú lại nhớ đến một chuyện khác, thế là ăn cơm xong ông ta buông đũa xuống và hỏi Diệp Thu Văn: “Đúng rồi, Thu Văn, con có dự tính gì cho mình chưa? Học kì này kết thúc là con đã tốt nghiệp cấp hai rồi. Tiểu Phàm còn nhỏ, qua cái Tết này nó mới mười lăm, không thể tính toán gì cho nó được, chỉ có thể để nó đi học cấp ba. Nhưng con sang năm là mười bảy rồi, không còn nhỏ nữa.”
Dĩ nhiên là Diệp Thu Văn từng nghĩ tới chuyện này, nếu như không tiếp tục đi học thì cô ta chỉ còn lại hai con đường có thể đi. Một là Nguyễn Trường Phú sẽ sắp xếp cho cô ta vào làm quân nhân trong bộ đội, còn một con đường khác là gia nhập công xã ở nông thôn.
Ngoài ra cho dù có đi làm quân nhân đi nữa, thì khởi điểm cũng phải vào bộ đội địa phương trước. Cô ta đã từng đi theo Nguyễn Trường Phú và Phùng Tú Anh sống ở nơi của bộ đội địa phương, biết được những ngày tháng ở nơi đó không dễ sống, thêm vào đó nếu làm quân nhân thì mỗi ngày đều phải huấn luyện vô cùng cực khổ.
Sau khi cân nhắc xong xuôi, cô ta chọn con đường tốt nhất bây giờ, hơn nữa nói ra cũng đầy đủ lý do.
Cô ta nhìn Nguyễn Trường Phú và nói: “Con muốn học tiếp cấp ba, con muốn ở bên ba mẹ hai năm nữa, con không nỡ rời xa hai người.”
Nếu như ở lại đi học tiếp cấp ba thì cô ta còn có thể sung sướng thêm hai năm nữa. Hơn nữa có thể nói trường học chính là sân khấu của cô ta, cô ta cũng được xem là một nhân vật có tiếng và có địa vị nhất định trong trường.
Nếu đi làm lính, cô ta chính là một tên lính mới gà mờ không có địa vị gì cả.
Tuy rằng sớm muộn gì cũng sẽ bước lên con đường đó, nhưng cô ta vẫn muốn sung sướng thêm hai năm nữa rồi hẵng đi.
Nguyễn Trường Phú thấy cô ta vẫn muốn học tiếp thì cũng tôn trọng suy nghĩ của cô ta, ông ta bèn nói: “Được thôi, vậy con với Tiểu Phàm đi học thêm hai năm nữa vậy. Đợi đến lúc tốt nghiệp cấp ba rồi thì hẵng cân nhắc sắp xếp cho hai đứa luôn một thể.”
Diệp Thu Văn gật đầu: “Cảm ơn ba.”
Lúc này thì không còn chuyện gì khác cần bàn nữa, Nguyễn Trường Phú đứng lên đi ra cửa đi dạo loanh quanh.
Nguyễn Khê, Nguyễn Khiết và Nguyễn Thu Nguyệt ăn cơm xong cũng đứng dậy đi lên tầng.
Khi vào phòng ngồi xuống, Nguyễn Thu Nguyệt nói với vẻ hào hứng: “Cuối cùng thì em cũng được trông thấy ông bà nội, cả phong cảnh trên núi Phụng Minh nữa, chắc chắn là kì nghỉ đông này sẽ thú vị lắm cho mà xem.”
Nguyễn Khê nói trước với cô bé: “Hành trình đi đến đó không vui như em nghĩ đâu.”
Dù sao thì chuyện ngồi xe lửa và leo núi đều không phải là chuyện nhẹ nhàng thoải mái.
Nguyễn Thu Nguyệt cười nói: “Em không sợ!”
Nguyễn Khê cười vỗ vai cô bé: “Không sợ thì tốt.”
Nguyễn Thu Nguyệt cầm cây bút chì lên xoay trên ngón tay, rồi lại nhỏ giọng nói: “Vốn là em còn tưởng năm sau sẽ không cần nhìn thấy bản mặt của Diệp Thu Văn nữa, không ngờ là chị ta vẫn chưa đi mà muốn tiếp tục học cấp ba. Người ta ai ai cũng nôn nóng được đi làm lính, chị ta lại không muốn đi.”
Nguyễn Khê cũng không nghĩ gì nhiều mà chỉ thuận miệng nói một câu: “Làm lính vất vả biết bao nhiêu chứ.”
Nguyễn Thu Nguyệt đáp: “Thế không tốt hơn gia nhập công xã dưới nông thôn à? Sau khi học xong cấp ba vẫn phải đi mà? Theo em thấy thì không bằng sớm ngày đi, sớm ngày thực hiện xong nghĩa vụ quân sự, cố gắng thăng cấp ở lại trong quân ngũ. Làm cán bộ trong đơn vị không hay hơn là học ở trường ư?”
Nguyễn Khiết tiếp lời: “Chắc là mỗi người có một cách nghĩ khác nhau.”
Nguyễn Thu Nguyệt ngẫm nghĩ một lúc: “Cũng đúng, mẹ đối xử tốt với chị ta mà còn chống lưng cho chị ta nữa, cô ta sống ở nhà này rất sung sướng, ở trường thì lại có tiếng tăm có mặt mũi, không giống với chúng ta, không ai xem trọng, chỉ ước gì có thể mau mau dọn ra ngoài tự lập, hầy…”
Nguyễn Khê đưa tay đánh đầu cô bé: “Mới có tí tuổi đầu em thở dài cái quỷ gì…”
Nguyễn Thu Nguyệt xoa xoa đầu mình: “Qua Tết là em được mười tuổi rồi đấy, lớn lắm rồi.”
DTV
Nguyễn Khiết nói: “Vẫn còn là con nít thôi.”
Nguyễn Thu Nguyệt phiền muộn: “Đúng là nhỏ một xíu, chí ít em còn phải ráng vượt qua sáu năm nữa.”
Đang nói thì cô bé nhìn Nguyễn Khê và Nguyễn Khiết: “Ngưỡng mộ hai chị thật, cố gắng thêm hai năm nữa là đã tốt nghiệp cấp hai, vừa khéo tuổi cũng vừa đủ, có thể đi ngay luôn cũng được. Rời khỏi cái nơi quái quỷ này, đi đến một vùng đất mới và cố gắng tạo ra thành tích.”