Thịnh Thế Diên Ninh

Chương 57

Chương 57: Quả bầu mẹ

Người đồng bào vùng cao của Đại Việt thời kỳ này và rất lâu sau đó nữa luôn có một tính cách rất đẹp, bọn họ chân thành, coi trọng tình nghĩa, cũng rất đơn thuần, thật thà chất phát, khi bọn hắn cảm thấy ai chân thành, thật tình đối xử tốt với bọn hắn, thì bọn hắn cũng sẽ đem hết tâm của mình để đối xử tốt lại với bọn họ.

Một bao muối tinh có thể không làm bọn hắn nhìn nhận Vô Niệm là người tốt, thế nhưng quan trọng là thái độ của Nguyễn Vô Niệm làm bọn hắn cảm nhận được tình anh em chân thành. Giả sử nếu như là một vị quan khâm sai khác của triều đình đến dáng vẻ bệ vệ như người ở trên ra lệnh cho bọn hắn, ban ơn cho bọn hắn thì dù cho kẻ kia có cho bọn hắn núi vàng núi bạc đi chăng nữa thì ấn tượng của những người nơi đây đối với khâm sai đại thần cũng sẽ cực kỳ xấu, bởi cái nhìn của bọn hắn chính là kẻ kia là người đến cai trị mình chứ không phải là chân thành đến giúp mình.

- Quan trên... ta thực sự không biết phải làm như thế nào để thể hiện lòng biết ơn đối với ngài.

Nông Kính nắm chặt tay Nguyễn Vô Niệm nói, nếu như khi Vô Niệm đến Nông Kính vẫn còn để lòng đề phòng cảnh giác, thì lúc này đây sự đề phòng đó đã giảm xuống một nửa. Nguyễn Vô Niệm mỉm cười đáp.

- Ngần sèn tảng tôm nhả, tha nả tẩy sliên kim!

Nghe Nguyễn Vô Niệm nói Nông Kính không khỏi sửng sốt, bởi đây là một câu tục ngữ của người Tày - Nùng, có thể hiểu là tiền bạc coi như đất cỏ, tình cảm con người với nhau còn quý hơn nghìn vàng. Ở dưới miền xuôi có nhiều người có thể biết một chút tiếng Tày - Nùng, thế nhưng dùng điêu luyện, hơn nữa còn vận dụng tục ngữ của người Tày - Nùng như Nguyễn Vô Niệm thì Nông Kính chưa từng thấy, qua đó có thể thấy vị quan khâm sai này đối với người Nùng, người Tày bọn hắn có sự hiểu biết rất rõ.

- Quan trên nói đúng, tình cảm mới quan trọng, những thứ vật chất này có xá gì.

Nông Kính cười lớn, càng ngày hắn đối với Nguyễn Vô Niệm càng có ấn tượng tốt đẹp hơn, tâm đề phòng cũng ngày càng ít đi. Nguyễn Vô Niệm được đón vào bên trong nhà sàn một cách long trọng, xung quanh nhà sàn dân chúng bắt đầu giết heo, dê, làm thịt nai để tiếp đãi. Thế nhưng Vô Niệm đề nghị Nông Kính trong nhà có hơi tối, nên đốt lên một đống lửa, đoàn khâm sai sẽ cùng với dân chúng trong châu thành cùng nhau ăn thịt, uống rượu. Nông Kính cũng không từ chối, lập tức sắp xếp người đi làm.

Trời dần tối lại, phía trước ngôi nhà sàn lớn là một khoảnh sân rất rộng, ở chính giữa một đống củi đã được chất lên rất cao, một bên khác thì hai con lợn sữa đã được quay với lá mắc mật thịt vàng ươm chảy mỡ. Dân chúng cả châu thành không thể nào đến đây dự tiệc, thế nhưng cũng có được non nửa hơn trăm người ngồi xếp thành vòng tròn lớn xung quanh đống lửa, có một phần ba trong đó là gia quyến của Nông Kính, một phần là người già, trẻ em trong châu thành.

Nguyễn Vô Niệm cùng với Nông Kính ngồi ở chủ vị, thịt được cắt nhỏ bày ra trên một tàu lá chuối lớn, còn có cả rượu, xôi nếp và rau rừng, đó là những gì mà bọn hắn có thể đem ra đãi khách quý của châu thành. Vô Niệm lệnh cho đám người Thái Sung, Quân Đao không ngồi riêng mà ngồi lẫn vào trong với dân chúng, cố gắng hoà đồng với bọn họ, không được tỏ ra khó chịu hay tức giận trong bất kỳ trường hợp nào. Cái Vô Niệm muốn không chỉ là thu phục Nông Kính mà còn để triều đình có thể thu phục được dân tâm của những người Tày - Nùng.



Lâu nay triều đình luôn muốn quản lý, kiểm soát, cai trị vùng cao này, thế nhưng rõ ràng nếu dùng biện pháp cứng rắn thì sẽ phản tác dụng, ngược lại nếu quá buông lỏng thì những nơi này sẽ cát cứ. Vô Niệm tám kiếp làm người, đặc biệt trong thời kỳ hiện đại, hắn rõ ràng rằng để có thể lôi kéo những người đồng bào dân tộc thiểu số không thể nào dùng vũ lực mà phải dùng tình cảm, bằng biện pháp mềm mỏng, để bọn họ thấy rằng bọn hắn và người Kinh là cùng một dân tộc chứ không phải là tách biệt ra ngoài.

- Mời quan trên, chúng ta bắt đầu khai tiệc thôi.

Nông Kính mời nói, thế nhưng Nguyễn Vô Niệm lại hỏi.

- Đã đủ người đến hay chưa? Gia quyến của ngươi?

Nông Kính không rõ vì sao Vô Niệm lại hỏi vậy, thế nhưng hắn vẫn đáp.

- Thưa quan trên, hiện còn em trai út của ta còn đi tuần phía buôn làng xa bên ngoài còn chưa trở về.

Bởi vì gần đây Đàm Khoan liên tục tập kích, do đó Nông Kính phải phái người đi tuần tra ở các buôn làng xa, một khi phát hiện ra người của Đàm Khoan phải lập tức trở về báo cáo. Nguyễn Vô Niệm gật đầu nói.

- Quan trên không cần chờ, giờ đã trễ, chờ em trai ta về nữa e rằng lửa cũng đã tàn mất.

Nông Kính đương nhiên không đồng ý, lúc này mọi người già trẻ đều tập trung về phía cuộc hội thoại của hai người, chờ đợi khai tiệc. Thế nhưng Nguyễn Vô Niệm chỉ nói ra một câu tục ngữ của người Tày.

- Thíp tua mạ thả ăn yên! (Mười con ngựa chờ đợi một cái yên)



Câu tục ngữ này của người Tày ví von rằng mâm cơm mười người mà còn thiếu một người thì cũng phải chờ đợi, để nói đến tính cộng đồng trong bữa ăn, đối với bọn hắn bữa ăn là lúc đoàn tụ, vì vậy phải có đầy đủ người, thiếu một người thì những người khác cũng sẽ chờ đợi, cho đến khi đã đủ thành viên thì mới ăn.

Những dân chúng xung quanh thấy khâm sai đại nhân nói lời như vậy đều không khỏi xúc động, khâm sai đối với văn hoá của bọn hắn có sự hiểu biết cực kỳ rõ. Nguyễn Vô Niệm mỉm cười hướng về phía dân chúng nói lớn.

- Đã là chúng ta còn phải chờ một người nữa, thôi thì ta sẽ kể cho mọi người nghe một câu chuyện về nguồn gốc của những dân tộc anh em chúng ta được không nào.

- Được!

Cuộc sống giải trí thiếu thốn, được nghe kể chuyện chính là món giải trí mà người dân ưa thích, nghe được Nguyễn Vô Niệm nói là chuyện kể về nguồn gốc những dân tộc anh em bọn hắn càng tò mò hơn. Nguyễn Vô Niệm nói

- Câu chuyện này là của một tộc người anh em khác của chúng ta, họ gọi mình là người Khơ Mú. Chuyện kể rằng: Ngày xửa ngày xưa, có hai vợ chồng đi rừng, bắt được một con dúi. Dúi lạy van xin tha, hứa sẽ nói một điều bí mật. Hai vợ chồng thương tình tha cho. Dúi báo sắp có mưa to gió lớn làm ngập lụt khắp nơi. Nó khuyên họ lấy khúc gỗ to, khoét rỗng, chuẩn bị thức ăn đầy đủ bảy ngày, bảy đêm, rồi chui vào đó, bịt kín miệng gỗ bằng sáp ong, hết hạn bảy ngày hãy chui ra...

Giọng kể của Vô Niệm lúc này rất vang, đủ cho mọi người trong sân, thậm chí là những người dân đứng hóng gần đó cũng nghe vô cùng rõ ràng, hắn kể cũng có nhịp điệu, dường như nói một ngôn ngữ khác không hề là trở ngại đối với hắn, người dân xung quanh đều nghe say sưa, kể cả Nông Kính cũng không hề ngoại lệ, mọi người không ai chú ý rằng ở bên ngoài đã có một tiểu đội người trở về, không ai khác chính là em của Nông Kính, nhưng bọn hắn cũng đã bị câu chuyện của Nguyễn Vô Niệm cuốn hút.

- ... cuối cùng người vợ dùng que củi đốt thành cái dùi rồi nhẹ nhàng dùi vào quả bầu. Lạ kỳ thay, từ trong quả bầu những con người bé nhỏ nhảy ra ngoài, người Khơ Mú vì nhảy ra trước dính than nên hơi đen, tiếp đó là người Thái, người Mông, người Tày, người Nùng, người Kinh... cũng lần lượt ra theo.

- Oa, thật sự như vậy, chúng ta là từ quả bầu chui ra hay sao?

- Tội nghiệp người Khơ Mú, chui ra trước lại bị đen như than thế. Thảo nào ta nhìn người Kinh lại trắng như vậy, vì họ chui ra sau mà.



Vô Niệm vừa kết thúc câu chuyện thì đám trẻ ở phía xa đã ồ lên, câu chuyện truyền thuyết rõ ràng là hoang đường, thế nhưng nhiệm vụ của truyền thuyết chính là để lý giải về nguồn gốc của loài người, nguồn gốc của dân tộc, khi khoa học còn chưa phát triển, các loại tín ngưỡng đầy rẫy trong xã hội thì truyền thuyết lại rất đáng tin.

Vốn người Kinh có truyền thuyết về con rồng cháu tiên để lý giải nguồn gốc của dân tộc mình, đồng bào sinh ra từ bọc trăm trứng, thế nhưng người miền ngược lại không thờ rồng, thờ tiên, vì vậy Vô Niệm liền lấy câu chuyện quả bầu mẹ của đồng bào dân tộc Khơ Mú để bọn hắn dễ lý giải, đồng thời cũng gần gũi với bọn hắn hơn để bọn hắn có thể tin tưởng.

- Nói như vậy... các dân tộc chúng ta đều là anh em sao?

Nông Kính cũng nửa tin nửa ngờ hỏi. Nguyễn Vô Niệm cười gật đầu.

- Đương nhiên, bất kể là người Kinh, người Tày hay người Nùng đi chăng nữa, chẳng phải chúng ta cũng là cùng từ một quả bầu chui ra hay sao, vì vậy người Kinh, Tày - Nùng chúng ta chính là anh em, không thể khác được, nếu không ta làm sao có thể hiểu rõ về văn hoá của những người anh em như vậy, chính là nhờ chư thần mách bảo, chư thần nói rằng những người anh em Tày - Nùng đang bị ức hiếp, vì vậy chúng ta cần phải đoàn kết hơn để có thể đối kháng lại kẻ địch mạnh phía trước.

Nông Kính nghe xong không khỏi trầm tư, từng biểu hiện của Nguyễn Vô Niệm từ lúc đến đây, sự chân thành của hắn, cho đến câu chuyện quả bầu mẹ, quả thực đã làm cho Nông Kính cảm thấy rung động, hắn đã thực sự tin rằng đây chính là anh em của hắn, cả ba dân tộc đều là anh em với nhau, không, còn có cả nhiều dân tộc khác nữa. Nông Kính gật đầu nắm tay đưa lên ngực nói.

- Đúng vậy, người Kinh, người Tày - Nùng chúng ta chính là anh em.




main cực kỳ bá đạo, phong cách cơ bắp dùng lực phục người, tay xé hằng tinh
Bình Luận (0)
Comment