Tranh Bá Thiên Hạ

Chương 344

Sau khi truyền chỉ, Phương Giải phải đối mặt với rất nhiều bữa tiệc. Các tướng quân Tả Tiền Vệ, các quan viên Bình Thương Đạo thay nhau ra trận. Hôm nay ở Túy Tiên Lâu, ngày mai ở Ung Hòa Lâu. Chỉ trong nửa tháng ngắn ngủi, Phương Giải cơ hồ đã tới hết các quán rượu nổi tiếng của thành Ung Châu.

Phong tục ở Tây Nam gần giống với Giang Nam, nhưng đồ ăn ở đây khác biệt rất nhiều. Giang Hoài thích những đồ ăn thanh đạm, theo đuổi sự sạch sẽ và ý cảnh. Mà đồ ăn ở Tây Nam lại có hương vị rất nặng. Thiên về cay, ngọt, hơi giống với Tứ Xuyên kiếp trước. Nên Phương Giải thích ứng rất nhanh, không hề có cảm giác khó chịu nào. Ở kiếp trước, đi tới bất kỳ quán ăn ven đường nào, đều có thể thấy vài món cay Tứ Xuyên. Dù chính tông hay không chính tông, thì đều có một đặc điểm là cay xè.

Gần nửa tháng toàn ăn uống xã giao, Phương Giải sợ mình sẽ trở nên mập mạp, cho nên sáng sớm ngày nào cũng tu luyện thêm nửa tiếng.

Về sau thực sự không chịu được thế công của rượu thịt, Phương Giải dùng lý do thân thể không khỏe để từ chối tất cả lời mời, dẫn theo Trầm Khuynh Phiến và Mộc Tiểu Yêu tính toán đi dạo thành Ung Châu. Mà tới Ung Châu đã hơn mười ngày, còn chưa xem kỹ tòa đại thành hùng cứ Tây Nam này.

So với thành Trường An quy củ ngay ngắn, kiến trúc trong thành Ung Châu khá tán loạn. Kiến trúc trong thành Trường An được xây dựng chỉnh tề giống như một miếng đậu được cắt đều ra. Nhưng ở chỗ này thì lại rất tùy ý. Tương đối mà nói, Phương Giải thích tòa thành thị thoạt nhìn có chút lộn xộn này hơn.

Thành Trường An lớn như vậy, đi trên đường cái nếu như không có các biển cửa hàng, thì sẽ giống như đi trên một con đường dài dằng dặc. Khí thế thì khí thế, rộng lớn thì rộng lớn, nhưng sẽ khiến thị giác mệt mỏi. Trong thành Ung Châu có sơn có thủy, đám quan viên còn bảo lưu văn hóa của Thương Quốc, nên thích sống ở những nơi náo nhiệt, gần dân cư, gần với núi Dịch Hòa, xa hoàng cung. Mà quan viên ở thành Trường An, lại thích sống gần cung Thái Cực, yên tĩnh và tôn nghiêm.

Thoạt nhìn quan viên Trường An có vẻ không màng danh lợi, kỳ thực còn xa hoa hủ bại hơn. Núi Dịch Hòa không lớn lắm, dựa theo địa hình thì có thể coi là một nhánh của dãy núi Thương Man. Kỳ thực núi Dịch Hòa là ngọn núi có hai sườn núi. Hai sườn núi cách nhau chừng mười dặm. Một bên xây Hoàng thành Ung Châu, một bên thì là nơi các quan viên ở.

Ngày trước quan viên Thương Quốc sống rất hủ bại, căn bản không có người nào quan tâm tới chính vụ. Một đám quan viên suốt ngày chỉ biết tụ tập làm thơ đối câu. Lúc vào triều, thường thường là Hoàng Đế Thương Quốc ngồi trên ghế rồng đưa ra câu đối, các quan viên phía dưới ai đối được tinh tế, thì sẽ được trọng thưởng.

Một vương triều mấy trăm năm, trọng văn khinh võ tới mức người ta không biết phải nói gì. Lúc mà Nam Trần vẫn còn tồn tại, người Thương Quốc còn có tâm huyết. Quân đội nước Trần mấy lần tấn công đều bị Thương Quốc đánh bại. Lúc huy hoàng nhất, Thương Quốc từng phản kích đánh vào một nghìn bảy trăm dặm cảnh nội nước Trần, cách Tây Kinh của nước Trần chỉ cón hai trăm dặm.

Cũng vì trận chiến kia, mà các quan văn cảm thấy không thể để cho đám võ tướng nổi dậy nắm lấy triều đình, cho nên bọn họ không ngừng đàn áp. Cùng liên kết với nhau bịa ra chứng cứ phạm tội, vu cáo hãm hại mười mấy vị tướng quân là có ý đồ tạo phản. Dưới sự giận dữ, Hoàng Đế Thương Quốc giết sạch những tướng quân có công lao. Các quan văn vỗ tay ngợi khen, khen ngợi Hoàng Đế là thiên cổ nhất đế. Từ đó về sau văn phong của Thương Quốc ngày càng thịnh, võ tướng vốn không có địa vị cao, càng thêm lụy bại.

Đây cũng là nguyên nhân vì sao mà khi quân Tùy tấn công Thương Quốc lại thuận lợi như vậy. Lúc ấy Tả Tiền Vệ Đại tướng quân La Diệu chỉ dẫn theo hai vạn quân đã mệt mỏi tới ngoài thành Ung Châu, hơn mười vạn Thương quân phòng thủ Ung Châu chả thèm chống trả mà mở cửa đầu hàng.

Quân coi giữ có hơn mười vạn, mà quân công thành chỉ có hai vạn, lại còn mệt mỏi do đi quãng đường xa. Vậy mà vẫn chiến thắng. Điều này có liên quan rất lớn tới tâm huyết của quân nhân Thương Quốc. Hoàng tộc Thương Quốc không tin tưởng võ tướng, chỉ tin tưởng quan văn, cho nên về sau quản lý binh quyền toàn là một đám Đại Học Sĩ chỉ biết ngâm thơ làm văn.

Văn nhân cầm binh không đáng sợ, đáng sợ chính là đám văn nhân chỉ biết làm thơ.

Chính vì sự hủ hóa này, chính vì địa vị của văn nhân cực cao, cho nên bọn họ rất biết hưởng thụ. Bên kia sườn núi Dịch Hòa xây dựng một loạt tòa nhà thuần một màu. Sau khi La Diệu phòng thủ Tây Nam, có dùng một số quan cũ của Thương Quốc. Tài sản của những người này không bị tịch thu. Về sau các quan văn mới nhậm chức thử thăm dò tới đó xây nhà, La Diệu không hề để ý. Mấy năm sau, nơi này đã chật cứng các quan viên.

Từ trước tới nay người của Tả Tiền Vệ đều khinh thường quan viên, cho nên cũng chỉ cười nhạt.

Ba người vừa đi dạo vừa ngắm nhìn hai bên phố. Hồi ức lúc chạy trốn tơi Nam Yến lại ùn về. Phong thổ Nam Yến không khác mấy Ung Châu, cho nên trong lòng khó tránh khỏi có chút quen thuộc.

- Người ở nơi này có vẻ sống ung dung, tự tại.

Mộc Tiểu Yêu chỉ người câu cá ở bờ sông, lại chỉ người đánh cờ dưới cây đại thụ.

Phương Giải gật đầu:

- Thương Quốc mới diệt cách đây hai mươi mấy năm thôi, sinh hoạt của người nơi này không thay đổi quá lớn. La Diệu cố ý không quan tâm tới đám quan văn, để tạo thành một biểu hiện giả dối là y tôn trọng văn nhân. Kỳ thực kiểu quản lý như chuồng nuôi này, rất dễ mài mòn ý chí chiến đấu của một người. Lúc trước một cường quốc như Thương Quốc cũng bị mai một bởi cách làm đó. La Diệu chỉ phát huy nó mà thôi. Khiến cho đám văn nhân thả lỏng, chỉ lo hưởng thụ. Cho nên trong hai mươi mấy năm qua, những kẻ thừa nhận mình là người Tùy sớm nhất, lại là đám văn nhân một mực tuyên dương mình là người có khí tiết.

- Kỳ thực…

Phương Giải vừa đi vừa nói:

- Uy hiếp lớn nhất khiến cho các triều đại đổi thay không phải là người luyện võ, mà là văn nhân. Bởi vì văn nhân có tính kích động, có sức ảnh hưởng.

- Lấy một thôn làm ví dụ, có ba trăm miệng ăn. Trong thôn có một vị võ sư và một vị tiên sinh. Mọi người sẽ tôn kính vị tiên sinh kia hơn. Người luyện võ cần giết ba người trở nên mới khiến ba trăm người e ngại và nghe lời y, nhưng không phải là cam tâm tình nguyện. Mà tiên sinh chỉ cần nói một câu, có thể khiến cho các thôn dân tin phục, nghe theo.

Trầm Khuynh Phiến nói:

- Ý của ngươi là, La Diệu làm được cả hai điều đó? Không giết văn nhân, để cho bọn họ sống an nhàn sung sướng. Đám văn nhân có lực ảnh hưởng rất lớn đó được sống tốt, cho nên bọn họ sẽ ra sức tuyên dương một cuộc sống tốt đẹp. Dân chúng sẽ nghe theo mà cảm thấy hạnh phúc. Sau đó La Diệu thường thường dẫn quân đội giết một nhóm người, làm cho người ta duy trì sự sợ hãi với y…Thủ đoạn thật ghê gớm.

- Quả thật là ghê gớm.

Phương Giải vừa đi vừa thản nhiên nói:

- Chính vì thủ đoạn này ghê gớm, cho nên ta một mực không tin La Diệu trung thành và tận tâm. Đây không phải là tướng quân tâm thuật, mà là…đế vương tâm thuật.





Sắp tới chân núi phía nam của núi Dịch Hòa, ba người Phương Giải ăn vài thứ ở ven đường. Ăn no xong lại nhàn nhã đi dạo. Thỉnh thoảng đi vào cửa hàng ven đường. Sau nửa canh giờ, trong tay Mộc Tiểu Yêu và Trầm Khuynh Phiến đã cầm theo không ít đồ, như son phấn, vòng, trâm cài tóc…

Bọn họ đi dạo tự nhiên không giấu diếm được La Diệu. Phỏng chừng không mất nhiều thời gian, bọn họ mua gì ăn gì đều sẽ tới tai La Diệu.

Tụ Bảo Trai là một cửa hàng chuyên kinh doanh đồ cổ, báu vật. Nghe nói đã có lịch sử hai trăm năm. Thành Ung Châu bị phá, quốc gia đổi chủ, nhưng cũng không khiến cửa hàng này ngã xuống. Sau khi Tây Nam bình ổn, việc kinh doanh của Tụ Bảo Trai càng ngày càng tốt. Những thứ vốn không cho phép lưu thông ngày trước, giờ thì được tiêu thụ rộng rãi hơn.

Ba người Phương Giải đi vào Tụ Bảo Trai, tùy ý đi lòng vòng.

Chưởng quầy của Tụ Bảo Trai là một nam tử thoạt nhìn hơn năm mươi tuổi, để chòm râu dê, hai mắt hơi híp. Lúc ba người Phương Giải vào cửa, tiểu nhị lanh lợi lập tức hô to quý khách tới. Chưởng quầy liền đi ra từ quầy hàng phía sau, khách khí chào hỏi sau đó bảo tiểu nhị dâng trà.

Không phải bất kỳ ai đi vào cũng được mời trà. Những người buôn bán đồ cổ này đều có nhãn lực rất tốt. Mắt của chưởng quầy này tuy hơi kém, nhưng từ trước tới nay nhìn đồ và nhìn người chưa bao giờ nhìn nhầm.

- Vị đại gia này, ngài muốn mua cái gì?

Ông ta tự mình bưng trà lên, dẫn ba người Phương Giải tới chỗ tiếp khách.

Bàn làm từ gỗ đàn hương, trên bàn là lư hương bằng đồng, cũng là đồ cổ có giá trị lớn. Trà là trà ngon, nhưng không phải là trà đắng. Người phương bắc thích uống trà đắng, mà người Giang Nam thích uống trà có vị nhẹ, mùi thơm.

Phương Giải nâng chén trà lên, khen một câu trà ngon, sau đó cười nói:

- Không định mua gì cả, chỉ tùy tiện đi dạo, nếu có gì vừa mắt thì mua thôi.

- Vậy ngài có sở thích đặc biệt nào không?

Chưởng quầy cười hỏi.

- Ta là người phương bắc, nhưng vì phải tới Ung Châu có việc nên chưa kịp tìm xưởng ở phương bắc làm cho ít đồ.

- Làm thứ gì?

Chưởng quầy lắc đầu nói:

- Thực sự có lỗi, hàng hóa của chúng tôi đều là hàng thật.

Phương Giải cười khoát tay:

- Không, không phải bảo ngươi làm đồ giả, là một món hàng mới mẻ, trước kia chắc chưa có ai làm. Ta có mấy khối thủy tinh tốt nhất, ngươi có thể tìm thợ thủ công có tay nghề giỏi, mài mấy khối thủy tinh này ra. Ta đã vẽ mô hình xuống giấy, các ngươi cứ dựa theo đó mà làm. Giá cả thương lượng.

- Ngài muốn làm cái gì?

Chưởng quầy tò mò hỏi.

Phương Giải nói:

- Kính mắt. Chắc ngươi cũng biết thiên lý nhãn nhỉ, thứ mà các tướng quân trong quân đội hay dùng đấy. Nhưng thứ này là mua từ thương nhân Đông Sở. Thứ ta cần làm có tác dụng giống như là thiên lý nhãn, nhưng nhỏ hơn.

Phương Giải nói qua về hình dáng, chưởng quầy nhíu mày trầm tư một lúc rồi nói:

- Thợ thủ công thì không khó tìm, nhưng ngài yêu cầu hơi tinh tế. Phải cam đoan đeo nó lên nhìn rõ được phía trước. Đây là một thứ khá kỳ công, không phải trong một chốc là có thể làm được.

- Không vội.

Phương Giải cười cười:

- Ta dừng lại ở Ung Châu ít nhất cũng phải một tháng. Nếu có thể làm được thì ta sẽ mang thủy tinh tới đây.

- Thứ như thủy tinh thật không thấy nhiều.

Chưởng quầy không thể không nhìn Phương Giải với con mắt khác:

- Theo ta được biết, chỉ có đất nước ở phía nam Mông Nguyên mới sản xuất. Nghe nói dãy núi Thương Man cũng có nhưng cực kỳ hiếm thấy. Ở Đại Tùy, mấy thứ này chỉ có ở…

Ông ta đứng dậy, cung kính thi lễ:

- Xin hỏi đại nhân xưng hô thế nào?

Phương Giải ngẩn ra, trong lòng tự nhủ, tâm tư của người này thật kín đáo.

- Ta họ Phương, từ Trường An tới.

Nghe Phương Giải nói vậy, chưởng quầy bỗng biến sắc, vừa muốn thi lễ lại bị Phương Giải ngăn lại:

- Đừng thi lễ, ta không thích phiền toái…mặt khác, còn có việc muốn giao cho ngươi.

Lúc nói lời này, Phương Giải dùng ngón tay chấm nước trà viết lên bàn một chữ ‘Ngô’

Trong thành Ung Châu, không ai biết, cũng không ai nghĩ tới, Tụ Bảo Trai đã bị Hàng Thông Thiên Hạ mua lại từ nhiều năm trước. Hiện tại bên trong Tụ Bảo Trai đều là thủ hạ của Ngô Nhất Đạo. Dân nơi này đều tưởng rằng đông chủ của Tụ Bảo Trai đã về quê tĩnh dưỡng tuổi già, giao việc kinh doanh cho vị chưởng quầy này xử lý. Kỳ thực năm sáu năm trước, đông chủ Tụ Bảo Trai đã đổi thành Tán Kim Hầu.

Thấy chữ ‘Ngô’, sắc mặt của chưởng quầy hơi thay đổi:

- Đại nhân có gì chỉ bảo?

- Cũng không có gì.

Phương Giải cười cười:

- Thứ mà ta nhờ ngươi làm, ngươi cứ làm cho tốt. Sở dĩ tìm ngươi là muốn biết cửa hàng thuộc Hàng Thông Thiên Hạ này còn hoạt động không. Còn có, mọi hành động của ta ở Ung Châu đều bị người ta theo dõi gắt gao. Người của ta không có khả năng tùy ý ra vào Ung Châu. Cho nên có một số tin tức, cần nhờ các ngươi mang ra ngoài.

- Đại nhân cứ việc chỉ bảo. Đông chủ đã thông báo cho chúng tôi từ trước. Khi đại nhân tới Ung Châu, trên đưới Tụ Bảo Trai đều nghe theo lệnh của ngài.
Bình Luận (0)
Comment