Tiết Thanh Minh năm nay lại mưa. Những cơn mưa lất phất không lớn, chỉ đủ làm ướt mặt đất và núi rừng.
Trời còn mờ sáng, Uông Tễ đã mang theo hộp đồ ăn đi trên con đường núi lầy lội. Trong hộp là táo đỏ, rượu trắng, và màn thầu.
Táo và rượu mua từ chợ, còn màn thầu do chính tay anh làm. Tối qua, anh đã chuẩn bị bột, để lên men suốt đêm. Sáng sớm, khi mặt trời còn chưa ló dạng, Uông Tễ đã nhóm lửa chưng bánh.
Ở đây, Thanh Minh tế tổ luôn cần một đĩa màn thầu gạo. Ở huyện thành, các cửa hàng thường làm màn thầu rất đẹp, còn khắc hoa văn bằng phẩm màu tự nhiên.
“Lần đầu làm, chưa khắc được hoa văn đâu. Để cháu luyện thêm, sang năm chắc chắn chưng cho mọi người những chiếc đẹp hơn.”
Vừa nói, Uông Tễ vừa đốt ba nén hương, rồi mở hộp đồ ăn ra.
Màn thầu được bày trên đĩa sứ thanh hoa, trắng ngần như ngọc. Anh còn thêm táo đỏ đã bỏ hạt, làm vài chiếc màn thầu nhân táo ngọt thơm lừng.
Ngồi trước phần mộ, Uông Tễ thủ thỉ với bà nội vài câu. Hương trong lư từ từ cháy, màn thầu còn ấm nóng trong sáng sớm se lạnh, như làm dịu đi cái rét mướt của cơn mưa phùn.
Khi xuống núi, trời đã sáng rõ.
Từ xa, Uông Tễ thấy một chiếc SUV màu đen đậu trước cổng nhà. Bước lại gần, cửa sổ xe hạ xuống, lộ ra gương mặt quen thuộc của Phù Tô.
Hôm nay hắn mặc chiếc áo khoác đen đơn giản, gương mặt sắc nét càng thêm lạnh lùng. Từ trong xe, hắn thò đầu ra hỏi: “Đi chưa?”
Những cảm xúc lẫn lộn trong lòng Uông Tễ, từ sáng sớm đến giờ, theo tiếng chim hót và làn mưa nhẹ mà tan biến.
Đứng giữa núi rừng xanh thẳm, anh cười tươi: “Đói chưa? Ăn sáng đã nhé.”
Rau chân vịt non mùa xuân được rửa sạch, trần qua nước sôi, cắt thành từng đoạn nhỏ. Trong một chiếc bát, Uông Tễ đánh trứng gà, thêm rau chân vịt, một muỗng bột mì và chút muối.
Anh chiên bánh rau chân vịt trên lửa nhỏ, lớp trứng vàng ươm, thơm phức lan tỏa trong gian bếp.
Nồi cháo trắng nhỏ đã được nấu từ sáng sớm, nhờ thêm củ mài xay nhuyễn nên cháo trở nên đặc sánh, thơm bùi.
Hai người ngồi dưới mái hiên, Phù Tô nuốt một ngụm cháo củ mài, cảm giác ấm áp lan tỏa từ đầu lưỡi. Uông Tễ bưng đĩa màn thầu đặt trước mặt hắn: “Ăn thử đi.”
Nghe vậy, Phù Tô cầm lấy một chiếc. Màn thầu mềm mịn, thơm ngọt, mang theo chút hương rượu nhè nhẹ từ men lên men.
“Hương vị thế nào?”
“Rất ngon.”
“Vậy ăn hết đi,” Uông Tễ nhìn Phù Tô, ánh mắt nghiêm túc, “Đây là lộc đó, ăn xong sẽ khỏe mạnh, bình an.”
Ánh mắt chân thành quá đỗi khiến Phù Tô bất giác gật đầu: “Được.”
Phù Tô từng trải qua một đợt sốt cao gần đây, kéo dài vài ngày với những triệu chứng mệt mỏi, chóng mặt và nôn mửa. Thính lực của hắn khi ấy giảm sút nghiêm trọng.
Dù đối diện với bệnh tật bất ngờ, hắn vẫn cố giữ bình tĩnh, tự đo thân nhiệt, đo huyết áp, uống thuốc, và thậm chí tự mình xử lý những lần nôn ói, thay ga giường ướt đẫm mồ hôi.
Như mọi lần, hắn kiên nhẫn chờ cơn bệnh qua đi, nhưng cảnh tượng đó đã khiến Uông Tễ hoảng hốt.
Bình thường giữa Uông Tễ và Phù Tô không có trở ngại trong giao tiếp. Nhưng chính sự điềm tĩnh và tự chủ của Phù Tô đôi khi khiến Uông Tễ quên mất rằng bệnh tình của hắn không hề đơn giản như vẻ ngoài.
Lúc này vị ngọt dịu của màn thầu tan dần trong miệng, từng chút một thấm vào lòng. Phù Tô ăn chậm rãi, cảm nhận sự chân thành và lời chúc phúc tốt đẹp trong từng miếng bánh mùa xuân.
Ăn sáng xong, hai người lái xe khởi hành. Vì là kỳ nghỉ lễ Thanh Minh, đường phố nhộn nhịp xe cộ, ai nấy đều vội vã trở về quê hương để tế tổ.
Đường núi ngoằn ngoèo, trời lại mưa lâm râm, mây mù bao phủ khiến Phù Tô phải lái xe chậm hơn thường lệ. Sau gần hai tiếng, họ đến huyện thành, vòng qua một con đường khác và cuối cùng cũng tới đích.
Giữa núi rừng sâu thẳm, ngôi cổ tự ẩn mình trong không gian yên bình. Uông Tễ và Phù Tô xuống xe, men theo bậc thang lát đá xanh đi lên núi.
Trong ngôi chùa này, Uông Tễ đã lập bài vị vãng sinh cho ông bà nội của mình. Những năm trước anh ít khi có cơ hội về quê vào dịp Thanh Minh, nên thường nhờ trụ trì thắp đèn trường minh thay. Nhưng năm nay, anh quyết định tự mình đến để hoàn thành việc này.
Ban đầu, Uông Tễ định đi xe buýt mini chuyên chở khách từ núi ra huyện. Nhưng trong một cuộc trò chuyện thoáng qua, Phù Tô đã đề nghị đi cùng anh.
Sau cơn mưa xuân, hai người bước qua cổng chính của ngôi cổ tự. Không khí tĩnh lặng, thoảng mùi nhang trầm nhẹ nhàng khiến lòng người thêm phần thanh thản.
Hôm nay trong chùa có tổ chức pháp hội thanh minh, thắp đèn và tụng kinh. Uông Tễ cùng Phù Tô đi vào đại điện, chọn góc phía sau, quỳ xuống trên đệm hương bồ, lặng lẽ nghe các sư thầy tụng kinh.
“Quán Tự Tại Bồ Tát, hành thâm bát nhã ba la mật đa thời…”
Uông Tễ nhắm mắt lại, tâm trí dần chìm vào dòng tụng kinh chậm rãi.
“Chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách…”
Trong đầu anh, hình ảnh ông nội hiện lên rõ ràng. Ông sống cả đời chịu khổ, đến những năm cuối đời, bóng dáng cao lớn, kiên cường như núi ấy cũng dần teo tóp, còng gập. Trước lúc ra đi, ông nắm lấy tay anh, nhưng đã không còn nhận ra anh là ai, chỉ còn lẩm bẩm nhắc lại những ký ức của cuộc đời mình.
Hồi bé nhà nghèo đói khổ, là anh cả, ông phải nhường hết phần ăn ngon cho các em. Lớn hơn ông đi làm thuê, bán củi kiếm tiền. Để đem củi từ trên núi xuống, ông phải gánh trên vai mấy dặm đường núi dài, người khác một ngày gánh hai bó, ông cắn răng gánh bốn, đến mức vai và chân mài ra cả máu. Về sau ông tham gia quân ngũ, rồi giải ngũ trở về quê nuôi dưỡng cha mẹ già. Vợ mất sớm, ông một mình gà trống nuôi con. Con trai thì không cố gắng, còn ông đến cuối đời vẫn cảm thấy thẹn với cháu.
Những chuyện kể ấy, ông nhắc mãi. Cuối cùng, ánh mắt mờ đục của ông chỉ còn lại một câu lặp đi lặp lại: “Mẹ nói phải tranh đua… Mẹ nói phải tranh đua…”
Câu nói nghe được từ nhỏ ấy, ông nhớ đến tận giây phút cuối cùng.
“Thậm chí chẳng có sinh ra, chẳng có già đi, mà cũng chẳng có tận cùng của sự sống và cái chết…”
Theo phong tục, sau khi người mất, phải hóa nhà vàng mã, tiền giấy, người giấy, mong rằng chúng có thể theo khói tro hóa thành thật, để người đã khuất có một cuộc sống đủ đầy nơi kia. Khi ông mất, Uông Tễ gần như dọn sạch hai cửa hàng hương nến trong vùng để mua đồ cúng. Anh thầm cầu nguyện, mong tục lệ này thật sự linh nghiệm. Anh chỉ mong ông có một cuộc sống tốt đẹp nơi kia. Chỉ cần thế, ngay cả tiền thật anh cũng không ngại đốt.
Hương trầm nghi ngút, tiếng chuông ngân vang. Uông Tễ quỳ trên đệm, bên tai là tiếng Phù Tô đọc nhỏ cùng âm thanh tụng kinh của các sư thầy.
“Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha.…”
Đi thôi, vượt qua thôi, tự độ mình cũng là độ người, chúng sinh cùng đến bến bờ kia.
Pháp hội kết thúc, hai người bước ra khỏi đại điện. Trời lất phất mưa, gió thổi ướt vai áo. Đi qua lối đá xanh, Uông Tễ cúi xuống nhặt một cành hoa đỗ quyên bị gió thổi rụng. Ở nơi đây, người ta vẫn quen gọi loài hoa này là “hoa thanh minh.”
Đi thêm một đoạn, trước mặt là con đường mòn rợp bóng cây, dẫn tới bậc thang đá dài hun hút.
Phù Tô nhìn Uông Tễ bước xuống bậc thang. Anh không đi từng bậc mà thích nhảy nhẹ từng hai bậc, chân đáp xuống đầy uyển chuyển.
Nhưng bậc thang trong chùa dài và dốc, lại phủ đầy rêu xanh.
“Cẩn thận, coi chừng ngã.” Phù Tô không nhịn được lên tiếng nhắc. “Cậu mà té, tôi không đỡ nổi đâu.”
“Không sao,” Uông Tễ nói, nhưng chân đã chậm lại rõ ràng.
Xuống đến bậc cuối cùng, khung cảnh trước mắt mở ra rộng rãi, thoáng đãng. Đó là một hành lang dài treo đầy chuông gió và dải lụa đỏ cầu phúc. Những dải lụa bay phấp phới trong gió núi.
Hai người ngồi xuống bên hành lang, từ đây có thể nhìn bao quát toàn cảnh huyện thành phía dưới.
Cạnh họ có người đang buộc dải lụa cầu phúc. Họ nhìn một lúc, rồi cùng đồng thời quay đi.
Ánh mắt gặp nhau. Phù Tô là người phá vỡ sự im lặng trước: “Mắt cậu vẫn còn đỏ kìa.”
Uông Tễ hơi ngượng, vội vàng xoa xoa khóe mắt, rồi làm bộ hung dữ: “Đừng có nhìn. Quay đi.”
Phù Tô khẽ cười, cười xong lại ngoan ngoãn quay người, để chân đong đưa ngoài hành lang, khép mắt lại, lặng lẽ để gió mơn man qua mặt.
Uông Tễ khép mắt, làn gió nhẹ thoảng qua gò má. Anh chợt hỏi Phù Tô: “Anh tin Phật không?”
Hồi nãy trong đại điện, anh thấy hắn cùng các sư thầy tụng kinh.
Phù Tô im lặng một lát rồi đáp: “Không biết có tính là tin không nữa. Ban đầu là vì bệnh, khi đó tâm lý yếu đuối quá, gặp chút trắc trở đã cuống cuồng, muốn tìm một nơi nào đó để dựa vào.”
Những gì trong tầm tay đều không giải quyết được chấp niệm, đành đặt hy vọng vào lòng từ bi của thần Phật.
“Vậy còn bây giờ?” Uông Tễ mở mắt nhìn hắn.
“Bây giờ à?”
“Giờ thì coi như là một cách để nhắc nhở mình phải sống từ bi, làm người tốt.”
Hai người nhìn nhau cười.
Làn gió thổi tung mái tóc của Phù Tô. Hắn quay đầu, xa xa là những dãy núi xanh trập trùng, trên đầu là hành lang treo chuông gió, gió khẽ lướt qua làm chuông ngân vang. Hắn nói: “Giờ thì tôi đã chấp nhận rồi.”
Chấp nhận trước, buông bỏ sau, rồi mới có thể thay đổi. Thế gian này, mọi sự đều như vậy.
Buổi trưa, trong chùa có bữa cơm chay.
Uông Tễ và Phù Tô theo dòng người đi đến nhà ăn. Các chị tình nguyện viên múc cơm và đồ ăn, mỗi người nhận một bát sứ thô, đồ ăn được xếp gọn trên cơm.
Bàn ghế trong nhà ăn không đủ, Uông Tễ và Phù Tô đành bưng chén ra ngoài ăn.
Trời vẫn mưa rả rích, những hạt mưa thấm vào phiến đá xanh và mái hiên của tháp Phật.
Bên ngoài cũng có nhiều người như họ. Cả hai tìm được một băng ghế trống rồi ngồi xuống. Cơm trưa có đậu đũa xào, măng tây trộn và đậu hũ hầm. Vì đang mùa Thanh Minh, mỗi người còn được thêm một chiếc bánh thanh minh.
Chiếc bánh nhỏ xinh, vỏ ngoài xanh thẫm bóng mượt như ngọc bích, tỏa ra mùi thơm thanh nhẹ.
“Cái này là gì vậy?” Phù Tô tò mò hỏi.
Uông Tễ giải thích: “Bánh thanh minh, bên trong có gạo nếp. Ăn lúc còn nóng sẽ ngon hơn.”
Phù Tô gắp một chiếc bánh lên. Gạo nếp bên trong được nén chặt, mềm mại, chỉ cần khẽ dùng đũa là để lại một vết hằn nhỏ.
Bánh không có nhân, nhưng khi cắn một miếng, hương vị thanh nhẹ lan tỏa, nhấm nháp kỹ còn thấy chút ngọt dịu, không gắt, chỉ đủ để khiến lòng người cảm thấy tươi mới và dễ chịu.
“Bánh thanh đoàn à?” Phù Tô lẩm bẩm, miệng đầy bánh mềm mịn nên lời nói không rõ ràng.
Uông Tễ cũng vừa cắn một miếng, giọng anh nghe cũng hàm hồ tương tự: “Không khác lắm. Bánh thanh đoàn làm từ lá ngải cứu, còn bánh thanh minh này dùng rau dớn.”
Phù Tô gật gù, lại cắn thêm một miếng: “Ngon thiệt.”
Vì miệng đang đầy bánh nên âm thanh nghe như đang nói từ láy, khiến Uông Tễ không nhịn được cười.
Anh nói: “Anh thích món này hả? Sau núi có rất nhiều rau dớn lắm. Mai mốt tôi có thể làm cho anh ăn.”
Uông Tễ từ nhỏ đã quen với hương vị này, mỗi mùa Thanh Minh đều ăn, tự tay làm cũng không khó khăn gì.
Bánh thanh minh ở đây có hai loại: ngọt và mặn. Bánh ngọt thường nhồi nhân mè đen, mè đen được trộn thêm đậu phộng và chút mỡ heo, ăn vào thơm ngậy vô cùng.
Bánh mặn thì nhồi nhân thịt khô, đậu hũ khô và miến khoai lang đỏ, hương vị cay nhẹ, cắn một miếng là cảm giác đậm đà lan tỏa.
Nhưng trong chùa không dùng thịt khô hay mỡ heo, nên bánh thanh minh ở đây không có nhân, chỉ trộn chút đường trong lớp vỏ, làm nổi bật mùi thơm đặc trưng của rau cỏ tiết thanh minh.
Ăn xong, hai người lên đường về nhà. Uông Tễ là người lái xe.
Huyện thành đông đúc nhộn nhịp. Đường phố vào dịp lễ luôn chật kín người. Vừa lái xe, Uông Tễ vừa làm “hướng dẫn viên du lịch” cho Phù Tô.
“Đây là nhà văn hóa mới xây. Nhà văn hóa cũ bị phá bỏ để làm nhà ở. Hồi trước, trong sân nhà văn hóa có cây sơn trà, cuối xuân quả chín vàng ươm, bác bảo vệ leo lên thang hái, còn tụi tôi đứng dưới chờ sẵn, háo hức tới mức cơm tối cũng không ăn nổi…”
“Trường cấp ba của tôi kìa, tòa nhà mái đỏ kia là Trích Tinh Lâu, trường xây riêng cho học sinh lớp 12. Hồi đó, hôm nào trời quang tôi với tụi bạn trèo lên mái, từ đó nhìn lên còn thấy được cả sao trời…”
“Quán mì xào kia tôi nhớ rõ lắm! Hồi đi học, quán là của một bà lão đứng bếp. Sáng nào tôi cũng mua cơm hộp cho mấy đứa bạn, một lần năm sáu hộp, bà lão toàn thêm mì với trứng cho tụi tôi…”
“Kia nữa, quán bánh nướng kìa! Bánh củ cải với bánh rau tuyết của họ ngon cực, quán này có tuổi đời vài chục năm rồi. Mà chờ chút, chỗ này có chỗ nào đậu xe không? Tôi muốn ghé mua ít bánh mang về.”
Uông Tễ vừa lái xe vừa kể chuyện, giọng điệu hào hứng như muốn đưa Phù Tô vào ký ức tuổi thơ của mình. Qua từng câu chuyện, Phù Tô như thấy được một cuộc đời sống động, sáng bừng trong những mẩu chuyện giản dị nhưng tràn ngập niềm vui.
Rời khỏi huyện thành, cả trong và ngoài xe đều dần yên tĩnh.
Giữa đất trời mây núi, tiếng ồn và dòng suy nghĩ đều lùi xa, chỉ còn lại sự bình yên lan tỏa.
Khi xe trở về Vân Lĩnh, con đường nhỏ xanh mướt hoa dại dẫn họ đi qua từng ngôi nhà đơn sơ. Tới cổng nhà thím của Uông Tễ, anh thấy thím đang cho gà ăn trong sân.
Nhìn thấy xe của anh, thím dừng tay ngẩng đầu gọi: “Thằng Tễ đó hả?”
Uông Tễ dừng xe, hạ cửa kính xuống, mỉm cười chào hỏi.
Thấy người ngồi ghế phụ là Phù Tô, thím Uông mỉm cười chào. Phù Tô gật đầu đáp lễ. Thím bỏ cái chậu cơm cho gà xuống, bước lại gần xe.
“Hai đứa bây đi đâu đây? Sao lại lái xe về?”
“Dạ tụi cháu lên huyện thành chơi.”
Uông Tễ quay người ra sau lấy một túi bánh: “Bánh củ cải với rau tuyết, còn nóng hổi nè thím.”
Uông Tễ và thím Uông nói chuyện bằng phương ngữ, trong khi Phù Tô đứng im lặng lắng nghe, vì dù cố gắng lắm, hắn cũng không hiểu được những lời đối thoại thoăn thoắt đó. Đây cũng là lý do mà thím Uông trước giờ không nói nhiều với hắn.
Nói qua lại vài câu, thím Uông nhận túi bánh rồi lui lại một bước, hướng Phù Tô vẫy tay chào. Phù Tô cũng mỉm cười, đưa tay lên đáp lại.
Khi xe lăn bánh một lần nữa, Uông Tễ quay qua giải thích: “Thím hỏi tụi mình từ đâu về, tôi nói từ huyện thành. Rồi thím nhỏ giọng hỏi tôi quen anh từ hồi nào, tôi trả lời là lén thím quen anh từ kiếp trước rồi!”
Phù Tô bật cười khẽ, nhưng không kịp nói gì thì từ phía sau vang lên tiếng gọi lớn. Uông Tễ liếc kính chiếu hậu, thấy thím Uông từ trong sân chạy ra, vẫy tay rối rít.
Anh liền dừng xe, nhìn qua khoảng sân nhà thím Uông. Cây tú cầu chưa trổ bông, nhưng tán lá xanh rì đã mạnh mẽ vươn qua bức tường thấp. Giữa khung cảnh tươi tốt, thím Uông vui vẻ gọi: “Rau hẹ ngoài vườn tốt quá trời! Chú bây vừa mang thịt từ quê lên, tối nay thím làm vằn thắn, thằng Tễ nhớ ghé ăn nghen! Rủ cậu Phù Tô qua chung luôn nhen!”
Uông Tễ cười quay sang Phù Tô, hỏi: “Thím nói tối nay làm vằn thắn, nhân rau hẹ thịt. Thím kêu tôi rủ anh qua ăn chung, anh ăn không?”
Lúc này trời đã tạnh mưa, ánh nắng chiều len qua những tán lá. Phù Tô ngoảnh lại nhìn dáng thím Uông thấp thoáng xa xa, mỉm cười nhẹ: “Muốn ăn.”
Uông Tễ bật cười rạng rỡ, thò đầu ra cửa sổ, giọng nói trong trẻo, mang theo hơi thở cỏ cây hòa cùng gió núi: “Được luôn thím ơi!”