Thu xếp xong công việc ở Nam Bình, Tô Mạn vốn định gọi điện thoại thông báo trước cho nhà họ Thôi trên đó một tiếng. Không ngờ gọi không thông, lại tưởng tượng, Lão Thôi đã thất nghiệp rồi, hẳn là người ta không tiếp tục cung cấp phí điện thoại cho nữa, điện thoại chắc bị vứt xó mất luôn rồi. Thế nên cô không cố gọi cho được, gửi điện báo đến trước rồi xuất phát.
Dọc đường đi, Tô Mạn cảm nhận được cảnh vật chung quanh cho cô cảm giác thư thái. Tâm trạng bất giác vui vẻ hơn.
Tới thủ đô, Tô Mạn đến đại viện quân khu.
Lý Thục Hoa đã nhận được điện báo Tô Mạn gửi trước đó.
Còn đang ở nhà làm công tác tư tưởng cho Thôi Vệ Quốc.
“Lão Thôi anh còn cứ như vậy, em mặc kệ anh đấy. Thật là, chẳng phải chỉ là về hưu thôi sao, có gì đáng mất mặt đâu.”
“Nhưng anh về hưu trong thời điểm này thấy không tài nào ngẩng đầu lên được.” Ông bị bắt về hưu! Hơn nữa còn trên danh nghĩa tư tưởng lệch lạc. Nói ngắn gọn là phạm lỗi bị cách chức.
Lý Thục Hoa nói: “Thì có sao, hay anh muốn đi nông trường lao động khổ sai? Kết cục như này là tốt lắm rồi, anh coi như là bản thân hy sinh oanh liệt đi, bây giờ anh thành thất nghiệp. Chúng ta đi tìm con trai con dâu nương tựa đi. Đại viện quân khu này mặc dù nói nghỉ hưu rồi vẫn được ở tiếp nhưng em không còn hứng thú ở đây nữa. Em muốn đi Nam Bình.”
Thật ra bà đã có suy nghĩ rời xa những mâu thuẫn rồi. Tuy rằng tình hình hiện tại không gian nan như trong tưởng tượng. Nhưng vẫn có lời ra tiếng vào. Những cái đó không phải ngày một ngày hai là giải quyết được. Giờ Lão Thôi về hưu rồi, dứt khoát nhắm mắt làm ngơ. Dù sao trước đó cái gì nên làm đã làm cả rồi, không thẹn với lương tâm.
Lão đầu thất nghiệp Thôi Vệ Quốc: “…”
Cuộc tranh luận của hai người còn chưa đi đến kết quả gì, Tô Mạn đã được cảnh vệ đưa đến trước cửa nhà Lão Thôi.
Lý Thục Hoa nghe được động tĩnh chạy nhanh ra, trông thấy là Tô Mạn bà mừng rỡ kéo tay cô: “Con đến thật rồi.”
Cảnh vệ thấy hai bên có quen biết thì đi khỏi.
Tô Mạn đi theo Lý Thục Hoa vào trong nhà.
Thôi Vệ Quốc trông thấy con dâu đến vẫn còn rất ngại. Ông lúc trước đã đăng báo cắt đứt quan hệ với hai đứa nó rồi. Lúc ấy còn làm rùm beng cả lên.
Kết quả bây giờ…
“Cha, nghe nói cha về hưu rồi, con đến đón cha và mẹ đến Nam Bình ở. Đợi mãi cuối cùng cha cũng được về hưu, một nhà chúng ta có thể sống cùng với nhau. Thời tiết Nam Bình ôn hòa, vô cùng thích hợp cho cha mẹ về nghỉ ngơi tĩnh dưỡng.”
Không hề đề cập tới chuyện đăng báo.
Thôi Vệ Quốc nói: “Khụ khụ, thật ra cha sống ở đây rất tốt. Cũng quen rồi, không phải muốn chuyển đi là đi ngay được. Mà, con ở Nam Bình cũng bận bịu nhiều việc.”
Tô Mạn nói: “Vậy về sau đứa nhỏ của con với Thôi Hướng Bắc ai trông bây giờ, để cha mẹ con trông sao ạ? Cha, tư tưởng trách nhiệm của cha đi đâu mất rồi?’
Lý Thục Hoa và Thôi Vệ Quốc vừa nghe, đồng loạt quay sang nhìn cô. Tô Mạn vội xua tay: “Con nói nếu như thôi.”
“…”
Lý Thục Hoa thật sự muốn đi. Thôi Vệ Quốc gặp phải chuyện này ban đầu trong lòng bà rất khó chịu. Nhưng làm vợ Thôi Vệ Quốc, bà đương nhiên chọn đứng cùng một chiến tuyến với ông ấy. Hiện giờ sự tình đã kết thúc rồi, bà muốn cùng Thôi Vệ Quốc sống một cuộc sống an ổn.
Mặc dù Thôi Vệ Quốc vẫn còn không mấy cam lòng, nhưng giờ ông nhàn rỗi không có việc gì làm, cũng không biết làm cách nào khác nữa. Ở lại đây bản thân bức bối thêm lại chẳng được gì.
Tô Mạn nói: “Con nhìn được một căn tiểu viện khá ổn cho cha mẹ, tuy rằng kém hơn căn hai tầng này ở đây nhưng là nhà ngói xanh, trước sân có giàn nho, mùa hè vừa dịp đón được gió mát. Trong viện còn có một cây chà là. À còn nữa, con sẽ tìm cho cha mẹ một con mèo con, hoặc là một con chó nhỏ. Đúng rồi, hàng xóm nhà mình có hầm ủ rượu. Nằm trong viện ngửi được mùi rượu bên cạnh tỏa sang luôn.”
Thôi Vệ Quốc khụ khụ: “Mấy cái đó đâu quan trọng. Quan trọng nhất là chúng ta phải trông đứa nhỏ cho hai đứa kìa.”
Lý Thục Hoa nghe ra ông không cố chấp nữa, vui vẻ nói: “Đúng, mấu chốt vẫn là được sống cùng với các con…”
…
Về chuyện Lý Thục Hoa và Thôi Vệ Quốc rời đi, họ cũng không nói với ai khác.
Dù sao hiện giờ còn phải tránh tị hiềm, không thể liên lụy người ta. Bản thân Thôi Vệ Quốc cũng rất sĩ diện, cảm thấy mình không thể oanh liệt như một chiến sĩ dũng cảm, trái lại chán nản rời đi, cảm thấy hơi mất mặt nên cũng không định chào tạm biệt mấy ông bạn già.
Hành lý của họ không tính là nhiều, đồ đạc trong nhà đều thuộc về nhà nước, ngay cả quần áo cũng là đồ quân đội, trái lại có một số món đồ chơi hồi nhỏ của Thôi Hướng Bắc thì gom đầy một túi, cảnh vệ Tiểu Ngô khăng khăng giúp họ vác đồ đến ga tàu hỏa.