Đối với một sát thủ đúng tiêu chuẩn mà nói trước khi giết chết một người phải tìm hiểu về người này đã, biết hắn thích gì và ghét gì, như vậy mới có thể chắc chắn nhất sẽ đánh chết mục tiêu, cho nên nhìn từ một ý nghĩa nào đó Bạch Tiểu Lạc và Diêu Đào Chi được xem như là tri kỷ của Hàn Hoán Chi, nếu bọn họ không có đứng ở hai phía đối lập, với những gì hai người bọn họ biết hiện tại để tới gần Hàn Hoán Chi thì có lẽ sẽ trở thành bằng hữu, chỉ là có lẽ, bởi vì Hàn Hoán Chi không có mấy bằng hữu.
Cho nên khi thiếu nữ trên đài cao kia ngồi xuống bắt đầu gảy dây đàn, tiếng tỳ bà như ngọc lạc châu bàn bay ra ngoài, Hàn Hoán Chi sắc mặt vui vẻ, còn Thẩm Lãnh khóe miệng giương lên, Diêu Đào Chi lông mày nhíu lại.
Thẩm Lãnh cũng cảm thấy Hàn Hoán Chi là một người thú vị, cho nên đã cố ý đến hỏi Trang Ung, Trang Ung không thích Hàn Hoán Chi cho nên nói tương đối công chính, bởi vì Trang Ung sẽ không chửi bới người khác.
Vì thế Thẩm Lãnh biết tại sao Trang Ung không thích Hàn Hoán Chi, bởi vì ông cảm thấy Hàn Hoán Chi vô tình.
Thẩm Lãnh cũng đã biết tại sao Hàn Hoán Chi không thích Trang Ung, bởi vì Hàn Hoán Chi cảm thấy ông ấy đa tình, đừng quên Trang phu nhân là người trong phủ Lưu Vương.
Bạch Tiểu Lạc ở trên lầu hai mắt nhìn chằm chằm vào Hàn Hoán Chi, giơ thiên lý nhãn nhìn, không muốn bỏ qua bất cứ biểu cảm nhỏ nào trên mặt Hàn Hoán Chi, bởi vì tiểu cô nương này là mấu chốt để y giết Hàn Hoán Chi.
Hôm nay y không muốn giết Hàn Hoán Chi, bởi vì y biết không giết được.
Y chỉ đang sắp đặt, bố cục, đang làm công việc chuẩn bị cuối cùng, bố cục này một khi hoàn thành thì Hàn Hoán Chi mới chết.
Diêu Đào Chi thì lại khác, Diêu Đào Chi đã không còn là đơn thuần vì tiền mà giết Hàn Hoán Chi, y còn bởi vì hận. Trên thế giới này hậu nhân của Diêu Vô Ngấn đã không có nhiều, lúc trước từ lần hoàng đế Sở quốc dốc hết toàn lực đuổi giết người của Diêu gia có thể còn sống sót một người đã là may mắn, đó là hoàng đế giận dữ, phẫn nộ, lửa giận có thể đốt cháy Sở quốc từ trên xuống dưới một lượt, làm cho người ta không còn gì để che giấu.
Những năm gần đây Diêu Đào Chi vẫn luôn làm hai việc, một việc là không ngừng giết người kiếm tiền để làm cho cuộc sống của mình tốt đẹp hơn, cái gì cũng dùng loại tốt nhất mà không tiếc tiền tài, một việc khác chính là nhân lúc giết người có thể đi khắp đại giang nam bắc để tra tìm hậu nhân của Diêu gia.
Hiện tại số người y tìm được chỉ có trụ trì của Phúc Ninh Tự và một người khác ở tây bắc biên thuỳ. Người của Diêu gia có thể nói là nhiều tai nạn, Diêu Vô Ngấn đã sáng tạo ra thần thoại sát thủ, cũng tạo ra khổ nạn của gia tộc, có lẽ là bị vị hoàng đế Sở quốc đã chết từ mấy trăm năm trước nguyền rủa, Diêu gia lúc đầu có mấy hậu nhân trốn được ra ngoài nhưng cũng sống cực bi thảm.
Trụ trì Phúc Ninh Tự là cô nhi nên mới vào chùa, cha mẹ ông ta chết vì bệnh tật còn ông ta sống một mình, nhưng chính vì cha mẹ ông ta chết vì bệnh tật cho nên người trong thôn cũng không dám thu nhận, sợ ông ta đem tai nạn vào gia môn, chỉ có đến chùa mới là lối thoát, hòa thượng trong chùa từ bi sẽ không thấy chết mà không cứu được.
Người ở tây bắc biên thuỳ cũng là độc lai độc vãng, nếu không có gì bất ngờ xảy ra chỉ sợ người nhà cũng đã không còn, thậm chí hắn ta đã không mang họ Diêu nữa, may mà lúc Diêu Đào Chi tra được hắn ta thì hắn ta vừa mới đổi họ. Cha đẻ hắn ta chết bất ngờ, mẹ tái giá mang theo hắn ta. Cha dượng đối với hắn cũng không tốt, động chút là đánh chửi, đánh hắn ta thì cũng thôi đi, có một ngày khi cha dượng thượng cẳng chân hạ cẳng tay với mẹ hắn ta, cuối cùng hắn ta cũng không nhịn được, dùng dao mổ heo đâm chết nam nhân đáng chết kia sau đó làm trộm cướp độc hành. Con dao mổ heo kia là Diêu Đào Chi nhét vào trong tay hắn ta, từ đó về sau mẫu thân hắn ta cũng chẳng biết đi đâu.
Diêu Đào Chi vẫn luôn nghĩ mình là một người không có thất tình lục dục, nếu để cho y nhận dao mổ đi làm thì chắc nhanh gọn hơn Thượng Lục Căn, nhưng y không ngờ bản thân mình sẽ cố chấp tìm kiếm thân nhân huyết thống như thế, trụ trì Phúc Ninh Tự chính là thân nhân huyết thống của y.
Loại quan hệ này rất thần kỳ, rõ ràng hai người không nên có tình cảm sâu năng gì mới đúng nhưng lại bởi vì một câu đều là hậu đại thân cận của Diêu Vô Ngấn, cái thứ trong tiềm thức thật sự đáng sợ, đáng sợ đến mức sẽ làm người ta toi mạng.
Diêu Đào Chi vẫn đang tới gần Hàn Hoán Chi, dù cho y nghe ra được trong khúc nhạc tỳ bà của tiểu nha đầu trên đài kia có ý đồ khác, chính là bởi vì như thế y mới xác định cơ hội của mình lớn hơn nữa, bởi vì Hàn Hoán Chi đã phân tâm rồi.
Hàn Hoán Chi đang nghĩ tại sao tiểu cô nương kia lại gảy một khúc mục ca thảo nguyên, khúc nhạc đó cho dù nổi tiếng đến mức nào thì cũng không lưu truyền đến nam cương được. Thảo nguyên và hải cương cách xa nhau mấy vạn dặm, tiếng hát xa xôi cũng không xa hơn gió biển, gió biển thổi không đến thảo nguyên thì tiếng hát cũng không đến bờ biển được.
Hàn Hoán Chi không phải người thảo nguyên, nhưng lại thích làn điệu đó, mà duyên cớ này cũng không tốt đẹp gì.
Năm đó, hoàng đế mới leo lên đại bảo không lâu, người trong phủ Lưu Vương cũng đi theo chuyển đến Trường An. Lý Thừa Đường vừa mới trở thành hoàng đế phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, cả trong triều lẫn ngoài triều, cả trong nước lẫn ngoài nước.
Trong triều có đám người Mộc Chiêu Đồng không muốn ông ta ngồi vững trên ngôi vị hoàng đế, ngoài nước còn có người Hắc Vũ muốn thừa dịp Đại Ninh hoàng vị thay đổi quốc gia bất ổn mà khởi binh xuôi nam. Chính là lúc đó Trang Ung lên phía bắc, cùng Thiết Lưu Lê ở bắc cương đánh hết trận này đến trận khác, đánh đuổi người Hắc Vũ xâm nhập Đại Ninh trở về. Ít nhất sáu vạn biên quân Đại Ninh chết trận, đương nhiên thi thể của người Hắc Vũ di lưu ở trong cương vực Đại Ninh càng nhiều hơn.
Nhưng cũng chỉ có thể nói là thắng thảm.
Hàn Hoán Chi đã đi thảo nguyên tây bắc.
Điểm khác với Trang Ung chính là, Trang Ung mang theo tinh binh cường tướng còn ông ta thì lẻ loi một mình.
Năm đó tin tức từ trên thảo nguyên truyền về, đại ai cân tộc Lang Quyết thảo nguyên và người Hắc Vũ âm thầm cấu kết với nhau, muốn thừa dịp hoàng đế Đại Ninh vừa mới đăng cơ triều quyền bất ổn phân liệt đi ra ngoài. Người Hắc Vũ hứa cho thảo nguyên bọn họ tự chủ độc lập, yêu cầu bọn họ xuất binh kiềm chế biên quân tây bắc Đại Ninh. Kỵ binh Lang Quyết và kỵ binh người Hắc Vũ vốn là cùng nguồn gốc, bất kể là người Lang Quyết hay là người Tát Khắc trong kỵ binh Hắc Vũ, bộ phận hung hãn nhất đều là lúc trước sinh sống trên vùng đại thảo nguyên này. Người Tát Khắc rời đi sớm hơn là vì đã thua người Lang Quyết trong cuộc tranh đấu thảo nguyên nhưng cũng không phục.
Nếu người thảo nguyên có thể độc lập tách ra thì tất nhiên đại ai cân Lang Quyết rất vui vẻ, lão ta cảm thấy đây đúng là một cơ hội, vì thế đã thật sự chuẩn bị hưng binh tác loạn.
Hàn Hoán Chi bị hoàng đế gọi đến, bảo ông ta đi thảo nguyên xem thử, Hàn Hoán Chi tưởng là lãnh binh bình phản giống như Trang Ung, hoàng đế chỉ cho ông ta một cái nhuyễn giáp và một thanh đao, nói không còn gì có thể đưa cho ngươi nữa rồi, thứ có thể lấy ra thì đều chi viện đi bắc cương, dù sao thì đao của người Lang Quyết vẫn chưa rút ra, đao của người Hắc Vũ đã chém lên biên cương Đại Ninh, và lúc ấy còn đã chém ra một lỗ hổng.
Hàn Hoán Chi không đòi thêm gì nữa, chỉ nói một chữ.
Được!
Sau đó mặc nhuyễn giáp đeo đao một mình đi thảo nguyên. Khi đó phần lớn biên quân của biên cương tây bắc đã điều động đi bắc cương gấp rút tiếp viện, mà điều lệnh của các vệ chiến binh các đạo Đại Ninh tuy rằng đã sớm đưa xuống, nhưng mà những tướng quân chiến binh này vẫn còn băn khoan đối với tân hoàng đế, cho nên động tác cũng không quá nhanh, với lại cho dù bọn họ cũng đủ nhanh thì cũng không thể lập tức tới biên cương tây bắc ngay được.
Đây cũng là lý do tại sao sau khi hoàng đế ngồi vững trên ngôi vị hoàng đế thì bắt đầu khai đao đối với chiến binh. Đầu tiên là điều tướng quân chiến binh của 19 vệ 19 đạo qua lại, một năm sau hai tướng quân chiến binh bị chặt đầu bởi vì bán trộm quân lương, lại thêm một năm nữa, vị tướng quân chiến binh thứ ba bị tước bỏ quân quyền vì quản binh bất lợi và còn lười biếng phạm pháp, cho tới bây giờ mười chín tướng quân chiến binh ban đầu đã không còn một người nào.
Mục tiêu của Hàn Hoán Chi là đại ai cân tộc Lang Quyết, giết ông ta thì thảo nguyên sẽ nội loạn, các bộ tộc sẽ đánh nhau sứt đầu mẻ trán vì vị trí đại ai cân kia, đây chính là rút củi dưới đáy nồi. Hoàng đế vốn muốn điều động cao thủ trong thân vệ cho ông ta, khổ nỗi ngay trước khi triệu Hàn Hoán Chi vào cung có một số người tưởng là phòng vệ hoàng đế bên cạnh hư không cho nên đã động thủ, lòng trung thành và chiến lực của những đứa con mồ côi của chiến binh do phủ Lưu Vương huấn luyện ra cũng khiến người mưu đồ gây rối cảm thấy sợ hãi, nhưng hoàng đế cũng không thể điều động thêm nhiều người ra ngoài nữa.
Lúc ấy bên cạnh ông ta thật sự không có mấy người.
Bầu trời trên thảo nguyên xanh hơn, mây cũng trắng hơn, Hàn Hoán Chi cưỡi một con ngựa phi trên thảo nguyên cảm giác như mình đang bay, nhưng trên thảo nguyên cũng sát cơ tứ phía. Lúc đi xuyên qua một đồng cỏ tốt tươi đã bị bầy sói chú ý, ông ta đánh ngựa chạy như điên còn bầy sói đuổi theo không bỏ, với bản lĩnh của ông ta tất nhiên sẽ không sợ mấy con sói này, nhưng trên thảo nguyên mênh mông này nếu không có ngựa thì ông ta sẽ đi đến chết.
Một tiểu cô nương rất xinh đẹp, rất hào khí đã cứu ông ta, thế câu chuyện máu chó này liền bắt đầu. Không ngờ tiểu cô nương kia lại là Vân Tang Đóa, con gái của đại ai cân Cát Cách Đài, sau khi biết thân phận của nàng, Hàn Hoán Chi quyết định lợi dụng nàng, đây là lựa chọn tốt nhất. Đội thân vệ do tiểu cô nương dẫn theo tuy đề phòng người Ninh xa lạ này, nhưng lại không ngăn cản được Hàn Hoán Chi khiến cho tiểu nha đầu này thích mình. Ông ta nói chuyện hài hước, nhìn lại anh tuấn, sự tự tin và kiêu ngạo bẩm sinh của người Ninh cũng khiến Vân Tang Đóa cảm thấy mới lạ và thích thú.
Hàn Hoán Chi nói thích ca khúc nàng hát, Vân Tang Đóa liền hát suốt dọc đường, hát từ chỗ hai người quen nhau tới thành Kim Trướng. Trên thảo nguyên không có nhiều thành lắm, thành Kim Trướng là hãn thành của đại ai cân, nơi này tượng trưng cho quyền lợi tối cao của thảo nguyên, các bộ tộc hàng năm đều phải phái người đến đây kính hiến cung phụng và tuyên thệ trung thành, lúc ấy Cát Cách Đài có thể dễ dàng điều động không dưới mười vạn kỵ binh.
Nếu như chỉ là lợi dụng Vân Tang Đóa thì có lẽ Hàn Hoán Chi sẽ áy náy và tiếc hận, chính ông ta cũng không ngờ rằng ông ta sẽ thật sự yêu tiểu cô nương ngây thơ rạng rỡ, không tranh quyền thế này. Ông ta cảm giác mình đang phạm tội, lòng dạ ông ta thâm trầm như vậy mà đối phương lại trong sáng, đơn thuần như vậy, Vân Tang Đóa càng thích ông ta, tín nhiệm ông ta vô điều kiện, Hàn Hoán Chi lại càng buồn, càng đau khổ.
Nhưng ông ta là người của Đại Ninh, là thần tử của hoàng đế.
Vì thế ông ta đã ám sát Cát Cách Đài trong một cơ hội thích hợp nhất, khiến cho Vân Tang Đóa mất phụ thân. Chuyện không ngoài dự liệu, cái chết đột ngột của đại ai cân dẫn đến thành Kim Trướng đại loạn, rất nhiều người bắt đầu bởi vì ngôi vị đại ai cân mà xáo động, chỉ có một mình Vân Tang Đóa khóc trong im lặng.
Hàn Hoán Chi rất tuyệt tình, sau khi giết Cát Cách Đài ông ta không đi gặp Vân Tang Đóa, cũng không nói một tiếng tạm biệt, có lẽ là không dám đối mặt với cô nương kia. Sau khi cưỡi ngựa rời khỏi thành Kim Trướng, có một thời gian ông ta hy vọng sẽ xuất hiện một bầy sói cắn chết mình, vậy thì sẽ xong hết mọi chuyện.
Sói, không đồng ý.
Có lẽ sói cũng hiểu, để cho Hàn Hoán Chi sống mới là sự trừng phạt lớn nhất, để cho ông ta vĩnh viễn đau khổ.
Suốt chặng đường trở về thuận lợi một cách không ngờ, đừng nói là không có sói, ngay cả truy binh cũng không có. Ông ta biết người Lang Quyết nhất định sẽ nghi ngờ mình, có lẽ là bởi vì căn bản không thời gian đuổi theo tên hung thủ là ông ta mà đều đang dốc toàn lực tranh đoạt quyền lực, nhưng ông ta không biết là, Vân Tang Đóa đã ngăn cản thân vệ kỵ binh thành Kim Trướng. Vào ngày Cát Cách Đài bị ám sát, Hàn Hoán Chi được Cát Cách Đài gọi đến hỏi ông ta muốn lễ vật tân hôn gì.
Bây giờ đã mười mấy năm trôi qua, Hàn Hoán Chi không bao giờ đến thảo nguyên nữa, không còn gặp cô nương kia nữa, chỉ là thi thoảng có lúc ông ta sẽ khe khẽ ngâm nga bài mục ca mà nàng từng hát dọc đường, lúc nhắm mắt lại trong đầu sẽ xuất hiện dáng vẻ của nàng.
Thanh thuần như mây, nhưng khi ánh mắt lưu chuyển cũng có một chút quyến rũ độc hữu của cô nương thảo nguyên, khi đó nàng mới 16-17 tuổi, vốn là lứa tuổi đã có phiền não nhưng vẫn không biết phiền não, sau khi Hàn Hoán Chi rời đi, sự vui vẻ liền vĩnh viễn rời bỏ nàng, chỉ có phiền não.
Cho nên khi Hàn Hoán Chi nghe được khúc tỳ bà kia, nhìn thấy tiểu cô nương kia, cũng trong sáng, đơn thuần giống nhau, cũng không phải là hết sức xinh đẹp nhưng lại có một kiểu kích động làm cho người ta muốn bảo vệ nàng. Khúc nhạc du dương êm tai ấy lại vang lên tiếng hát, người gảy tỳ bà ngồi đó mười ngón gảy nhẹ thanh thoát như mây bay nước chảy, cô nương trên lưng ngựa hát mục ca cười rạng rỡ.
Vì thế, ánh mắt Hàn Hoán Chi mơ màng hơn.
Vào thời điểm ông ta không nên mơ màng nhất.