Tự Nguyện Cắn Câu – Tây Tây Đặc

Chương 56

Yến Vi Sí chưa thấy cảnh tượng này bao giờ. Trước khi tới, hắn đã thu thập rất nhiều thông tin qua mạng và lời kể của Trần Vụ, tự tin thong dong cho rằng mình có thể ứng đối.

Nhưng giữa tiếng pháo nổ chói tai liên hồi, hắn giống một bạn nhỏ nhút nhát sợ người lạ, được Trần Vụ dắt tay chào hỏi mọi người.

Chào mọi người, chào ông bà, chào các bác các cô các chú.

Rồi đến ba câu này.

Mẹ kiếp phục thật.

Lúc ngồi trong phòng khách của nhà trưởng thôn, Yến Vi Sí vẫn đang âm thầm khinh bỉ bản thân, khí áp quanh thân thấp, tâm trạng uể oải.

Trưởng thôn lén kéo Trần Vụ vào sân, bối rối không hiểu ra sao: “Tiểu Vụ, người yêu cháu làm sao thế?”

“Em ấy đang tự giận bản thân.” Trần Vụ tháo mũ Lôi Phong xuống, gãi mái tóc bị ép bẹp.

Trưởng thôn không hiểu.

Trần Vụ nói: “Em ấy nghĩ mình biểu hiện không tốt.”

“…” Trưởng thôn nghĩ thầm, ngoại trừ màu tóc và mái tóc xoăn, cậu bé con lai giống hệt người Trung Quốc bọn họ, trông đẹp trai và cương nghị đoan chính, rất đáng tin cậy rất vững vàng, có thể ra tiền tuyến bảo vệ đất nước, nhưng lại rất mong manh.

Tiếng nói bên ngoài cổng liên tục không ngớt, mọi người đều tò mò về người yêu của Tiểu Vụ, tò mò về cách họ đến với nhau, liệu có đối xử với anh đủ tốt không.

Về phần giới tính, trưởng thôn đã mở một lớp giáo dục tư tưởng cho mọi người trước. Họ nghĩ thông, song con cái sinh sống làm việc ở nơi khác nghe họ kể xong thì không xem trọng, phản đối, kỳ thị, còn nói họ bị trưởng thôn tẩy não nên có quan niệm không bình thường, khiến họ tức giận đến độ không nói nữa.

Không thể giao tiếp, dứt khoát không kể cho bọn trẻ nghe nữa.

Dù sao họ cũng rất vui vẻ.

Lúc này họ tụ tập trước cửa nhà trưởng thôn, tay bắt mặt mừng trò chuyện rôm rả.

Trần Vụ nhìn cửa sân khép hờ: “Bảo mọi người về đi ạ, lát nữa cháu sẽ ghé thăm một lúc, cháu đi dỗ dành em ấy đã.”

Trưởng thôn buột miệng thốt lên: “Còn cần dỗ à? Để yên một lát không phải là ổn rồi sao?”

“Một lát sẽ không khá hơn đâu.” Trần Vụ cầm mũ Lôi Phong vào phòng khách, nói với trưởng thôn, “Bác giúp cháu phát đồ nhé, đã phân chia hết rồi ạ.”

Trong số các hộp đồ anh mang về, có kẹo và chocolate dành cho trẻ con, đai bảo vệ chân và eo dành cho người già, đều không phải những món đồ đắt tiền, nhưng được lựa chọn cẩn thận chu đáo.

“Ừ, được, bác đi ngay đây.” Trưởng thôn lập tức đi thu xếp.

Phòng khách được quét tước cực kỳ sạch sẽ, trên bức tường đối diện bàn gỗ treo bức tranh phong cảnh, góc phòng đặt một bàn thờ Phật, phía dưới là tủ cửa hai cánh, lư hương nhỏ trên tầng thứ hai đang thắp hương, mới cháy một phần ba, hiển nhiên là nghe tiếng xe Trần Vụ đến cổng thôn mới châm.

Khay hoa quả trên bàn gỗ đã được lau sạch các cạnh, bên trong chất đầy hạt dưa, lạc, kẹo gạo và quýt nhỏ.

Không có điều hòa, trưởng thôn đặt một cái máy sưởi nhỏ, dây cắm bọc vài mảnh băng dính đen kéo từ dưới bàn đến ổ cắm bên tường.

Trần Vụ quay quạt sưởi sang phía Yến Vi Sí, bất đắc dĩ nói: “Em cũng không sống với đồng hương của anh, quan tâm đến đánh giá và và ấn tượng của họ về em thế cơ à?”

Đôi môi lạnh cóng của Yến Vi Sí mím thành đường thẳng. Khi Trần Vụ cúi người kéo khóa áo khoác đang mở rộng của hắn lại, hắn mới mở miệng: “Còn chẳng phải là do em muốn biểu hiện tốt chút, để họ cảm thấy anh tinh mắt hay sao?”

Trần Vụ nói: “Họ có thể nhìn ra em có tốt hay không thông qua anh.”

Yến Vi Sí khẽ kéo chiếc khăn quàng trên cổ, im lặng phút chốc: “Em biểu hiện được chứ?”

Trần Vụ lấy một miếng kẹo gạo trong đĩa hoa quả đưa cho hắn: “Gần như đạt điểm tuyệt đối.”

Vành tai Yến Vi Sí nóng bừng, hắn nghiêm mặt ho khan một tiếng, sau đó cắn miếng kẹo gạo hình vuông trong tay Trần Vụ, không ngọt lắm, giòn giòn thơm mùi mạch nha.

Lần đầu ăn, khá ngon.

Yến Vi Sí há miệng ăn hết hơn phân nửa miếng kẹo gạo còn dư: “Tối nay chúng ta ngủ ở đây đúng không? Phòng nào? Đi vào để em hôn anh một lát.”

Trần Vụ đỏ mặt: “Phải hôn bây giờ à? Không đến nhà anh xem sao?”

“Phải bây giờ.” Yến Vi Sí đứng dậy, “Mau dẫn em đi.”

Bên ngoài phòng khách dưới mái hiên, bác gái bê chậu ngồi trên chiếc ghế nhỏ bẻ miến khoai lang. Bác không nghe thấy cuộc trò chuyện bên trong, chỉ nhìn trộm theo tiếng bước chân, thấy Tiểu Vụ tay trong tay với người yêu.

Vào thôn cũng nắm tay như vậy. Aiya, đám thanh niên ngọt ngào thật đấy.

Trần Vụ ra khỏi phòng, kéo khăn quàng lên che khuất đôi môi hơi sưng: “A Sí, xong chưa? Đến nhà anh thôi.”

Yến Vi Sí bước qua ngưỡng cửa đi ra, hai tay ôm lấy vai anh vừa lắc vừa kéo anh đi: “Bên ngoài không có ai nhỉ?”

“Đã về nhà hết cả.” Trần Vụ nhìn điện thoại, Đới Kha gửi cho anh ghi chép của của hai tiết học hôm nay, anh đã lưu lại, “Đầu sắp bị em lắc quay cuồng rồi.”

“Đó chẳng phải do anh không nhìn đường sao?” Trước lúc xuất phát, Yến Vi Sí đã đăng một bài lên vòng bạn bè với nội dung: Nghỉ ba ngày, đừng làm phiền. Hắn ném di động trong ba lô, xem giờ dựa vào chiếc đồng hồ thể thao mà Trần Vụ tặng ấy. Hắn cố tình thu nhỏ thế giới của mình chỉ còn ngôi làng miền núi này.

Trần Vụ cất điện thoại: “Đi thôi.”

Nhà cũ đang thi công, xi măng cát đây một đống kia một bao. Nhóm công nhân đến từ thôn làng dưới chân núi, ban nãy không ra cổng thôn chào đón vì đều đang bận rộn.

Lúc này nhìn thấy Trần Vụ dẫn người yêu tới, họ đều dừng công việc, cười hô.

“Tiểu Vụ!”

“Tiểu Vụ về rồi!”

Bọn họ đều quen anh, ngày xưa thường xuyên gặp nhau lúc họp chợ, cũng biết anh là người hiếu thảo và giỏi giang nhường nào.

Những thôn xóm gần đây không nơi nào không biết hai điểm này.

Trần Vụ mở một bao thuốc lá của Yến Vi Sí, chia cho nhóm công nhân.

Não bộ của Yến Vi Sí hoạt động vội vã, nhanh chóng nhớ ra thông tin liên quan mà mình đọc được trên mạng. Hắn túm chặt vạt áo sau lưng Trần Vụ, nói với giọng cực thấp: “Sao không để em chia?”

“Giống nhau cả.” Trần Vụ phát nốt điếu thuốc cuối cùng rồi bảo các công nhân, “Các anh cứ làm việc đi, không cần phải để ý đến chúng tôi.”

Sau đó anh kéo Yến Vi Sí vào trong.

Mấy gian phòng vây quanh một khoảnh sân nhỏ, vô cùng đơn sơ mộc mạc, Yến Vi Sí không tìm thấy dấu vết Trần Vụ và kẻ nọ từng sống nương tựa lẫn nhau, rất tốt, sự ghen tuông nơi đáy lòng hắn không còn sôi sục nữa.

Trước cửa sau của căn nhà cũ là một con sông nhỏ hẹp, nước vẫn giữ nguyên màu xanh nhạt tự nhiên, bên kia sông là một cánh đồng rộng lớn.

Nhà nào cũng được xây dựng ven sông, nhà cửa san sát nhau, cửa trước hướng ra đường, cửa sau hướng ra sông. Nhà vệ sinh được thống nhất đặt ở sân sau, cũng xem như quy hoạch phù hợp với địa hình.

Tiếng xây gạch gõ gõ đập đập thỉnh thoảng vang lên, Trần Vụ đỡ cây táo tàu rũ xuống bên bờ sông, sau đó quay người tìm dây cố định nó lại.

“Sao không thấy đồ đạc vật dụng gì thế?” Yến Vi Sí giẫm lên vài viên gạch, nhìn quanh gạch ngói ngôi nhà cũ đang được tu sửa.

Trần Vụ tìm được một đoạn dây thừng nilon: “Có rất ít, tạm thời đều được cất giữ trên gác trong nhà bác trưởng thôn.”

“A Sí…” Anh vuốt phẳng sợi dây nilon, đứng trước cây táo, “Em giúp anh giữ cây lên một chút.”

Yến Vi Sí đi qua nâng cây táo tàu tuổi già sức yếu.

Trần Vụ cầm dây nilon nhìn bốn phía, dây không đủ dài để buộc vào tường nhà hàng xóm, anh đành phải đi tìm thanh gỗ phù hợp để đóng cọc.

Thao tác nhanh nhẹn và lưu loát.

Yến Vi Sí đột nhiên hỏi: “Cây táo này do ai trồng vậy?”

“Anh trồng.” Trần Vụ buộc dây thừng vào giữa cành táo và thanh gỗ, thắt chặt thành nút.

Yến Vi Sí liếc nhìn căn lều nhỏ trông giống nhà vệ sinh bên cạnh: “Cách gần thế này, liệu ăn có mùi không?”

Trần Vụ đáp không trôi chảy: “… Vẫn, vẫn ổn.”

Yến Vi Sí đẩy cành táo tàu trơ trụi sang một bên và nói: “Nhà vệ sinh cũng được sửa chữa chứ?”

“Có sửa.” Trần Vụ đi dọc con đường uốn lượn đến bên bờ sông, kéo quần ngồi xổm xuống rửa tay, “Bệ ngồi xổm giống trong nhà trưởng thôn.”

Yến Vi Sí không chỉ thuận miệng hỏi bừa, hắn tới thôn nhỏ chưa đầy một giờ nhưng cũng đã mong chờ lần kế tiếp.

Trần Vụ đưa Yến Vi Sí đi dạo quanh ngôi nhà cũ, sau đó cùng hắn đi đến đầu thôn, thăm hỏi từng nhà.

Đứng trước cửa nhà đầu tiên, Yến Vi Sí rút hai tay ra khỏi túi quần, nuốt khan, lén lút quan sát bên trong: “Gia đình này có bao nhiêu người, em gọi họ là gì?”

“Anh gọi thế nào thì em gọi thế đấy.” Trần Vụ quay đầu nhìn hắn, “Thả lỏng đi, A Sí.”

Yến Vi Sí uốn đầu lưỡi chạm vào môi răng, ngẩng đầu: “Ok.”

Vì thế hắn điều chỉnh bản thân đến trạng thái trả lời tự động.

—— Cháu là bạn trai của Trần Vụ, dạ, đúng vậy, bạn trai của Trần Vụ chính là cháu, cháu theo đuổi anh ấy trước, năm nay là năm thứ ba chúng cháu ở bên nhau, vâng ạ, đã ba năm rồi, rất yêu nhau, không cãi nhau.

Có người tiễn hai thanh niên đi, đóng cửa lại bàn tán.

Xe của Tiểu Vụ không tốt bằng xe của em trai, kém xa.

Thế thì sao, Tiểu Vụ thoạt nhìn là biết sống thoải mái hơn em trai nó nhiều.

Gò má và hốc mắt của em trai nó trũng xuống, không biết trong lòng đã trải qua nhiều gió lớn mưa rào tới đâu, nhưng chưa bao giờ trời quang mây tạnh.

Cũng đúng, điều kiện tốt hơn mà không hạnh phúc thì có ý nghĩa gì chứ.

Từ đầu thôn tới cuối thôn, Trần Vụ và Yến Vi Sí dính tro tàn do pháo nổ đầy thân, mang theo lời chúc phúc của những người lớn tuổi trở về nhà trưởng thôn.

Cái lạnh ở đây khác với Xuân Quế Thủ Thành và tất cả những nơi Yến Vi Sí từng đến. Nó là loại lạnh thấu xương buốt giá, song sẽ không khiến con người ta tuyệt vọng. Người ta sẽ chỉ cảm nhận được sự thay đổi của các mùa và mong chờ sự thay đổi tiếp theo.

Nghe xong miêu tả của Yến Vi Sí, Trần Vụ nói: “Một tháng nữa mới gọi là lạnh, em còn không muốn ra khỏi chăn ấy.” Anh chỉ chỉ quạt sưởi, “Bình thường bây giờ chưa lấy ra đâu, mà sợ em không chịu được lạnh.”

Yến Vi Sí muốn phản bác thì cặp vợ chồng già trong bếp gọi họ ăn cơm, họ đi bê thức ăn.

Một bàn lớn, ngỗng hầm, heo hầm miến, cá kho, thịt kho tàu, ba chỉ tẩm bột hấp, còn có một nồi nhỏ đựng canh gà mái già hầm, bên dưới đốt cồn.

Hai món chay duy nhất là cải chíp xào và giá đỗ đều ở phía cặp vợ chồng già.

Trần Vụ đổi lại vị trí món ăn, bác gái toan muốn nói thì trưởng thôn khẽ vỗ bà, bà mới im lặng.

Không khác gì ăn Tết.

Yến Vi Sí gắp một đũa thức ăn, hắn đá đá Trần Vụ dưới gầm bàn.

Hắn quen thuộc với quy trình tiếp theo, đã học thuộc lòng.

Trần Vụ ngơ ngác chớp mắt, tiếp tục dùng bữa. Yến Vi Sí lại đá anh, khi anh nhìn sang thì ném cho anh một ánh mắt: Chẳng phải là cần kính rượu sao?

“…” Trần Vụ lẩm bẩm, “Tích cực thế à?”

Anh cầm cốc thủy tinh đứng dậy, Yến Vi Sí theo sát, bày tỏ lòng biết ơn đối với mọi thứ họ đã chuẩn bị.

“Không cần đứng không cần đứng, ngồi đi ngồi đi.”

Trưởng thôn và bạn già cùng nói.

Bốn người chạm cốc, trưởng thôn lại tự uống thêm hai hớp rượu gạo, khuôn mặt tràn đầy gió sương của ông toả sáng: “Muốn ăn gì cứ ăn, cứ tự nhiên như ở nhà mình, đừng khách sáo.”

Bác gái muốn gắp đồ ăn cho hai đứa trẻ, trưởng thôn ngăn bà: “Nghiện rồi đúng không? Nếu nhất quyết muốn gắp thì gắp cho tôi này.”

“Tôi gắp cho ông làm gì?” Bác gái hất ông ra, “Tự mình không có tay à?”

Trưởng thôn: “Thế Tiểu Vụ và người yêu nó có ai thiếu tay chắc?”

Bác gái: “Khách sao có thể giống được?”

Trưởng thôn: “Tiểu Vụ mà là khách? Bà gắp thức ăn, chẳng phải là xa cách rồi à!”

Bác gái ngẩng đầu nhìn thấy Tiểu Vụ múc một muôi canh gà cho người yêu, hai đứa trẻ không có gì mất tự nhiên. Bà gắp thức ăn và ăn phần của mình.

Hôm nay trưởng thôn thật sự vui vẻ, uống nhiều thêm mấy chén. Ông xắn tay áo khoác lên: “Tiểu Vụ, đã đi qua nhà cũ rồi phải không?”

Trần Vụ nhổ xương gà ra: “Vâng ạ.”

“Đại khái còn phải mười mấy hai mươi ngày nữa là sẽ hoàn thành.” Trưởng thôn cảm thán, ngôi nhà cũ kia đã được Tiểu Vụ sửa chữa chắp vá rất nhiều lần, việc tân trang toàn bộ sẽ tạo nên sự khác biệt lớn, rất tốt.

Trần Vụ ăn miếng cơm chan canh: “Trước khi rời đi, cháu sẽ lên trấn trên mua ít thuốc lá. Khi mọi người kết thúc công việc, bác phát cho bọn họ nhé.”

Trưởng thôn vui cười hớn hở: “Thế thì bọn họ sẽ vui vẻ lắm đấy.”

Yến Vi Sí đang ăn, bỗng nhiên cảm nhận được tầm mắt già nua chứa đầy thiện ý, hắn nuốt thức ăn trong miệng xuống và nói: “Ngỗng rất thơm.”

Hắn vừa dứt lời đã nghe thấy trưởng thôn chạy tới gọi vợ: “Bắt thêm hai con ngỗng lớn nữa đem hầm!”

Trần Vụ ngập ngừng: “A Sí, em chuẩn bị sẵn sàng nhé, mỗi bữa ăn kế tiếp đều sẽ có ngỗng hầm đấy.”

Yến Vi Sí: “…”

Sau khi ăn xong, Yến Vi Sí luống cuống tay chân dọn bàn, rửa nồi rửa bát đĩa trong ánh nhìn chăm chú của trưởng thôn và vợ. Trong quá trình đó, cặp vợ chồng già lần lượt tiến trò chuyện khách sáo với hắn, hắn không hề nóng nảy mà đáp lại tất cả.

Sau đó Yến Vi Sí ra ngoài đi dạo vòng vòng, cũng không đi xa lắm, chủ yếu là trước nhà sau nhà. Hắn nhai kẹo bạc hà nhìn khói bếp bay ra từ ống khói nhà khác. Có vài cụ già bê bát cơm ra ngoài ăn, khuôn mặt bị năm tháng hao mòn, đáng yêu thân thiện, trên đầu buộc khăn quàng, môi sứt, hai mắt vẩn đục, lưng còng.

Có thể ngồi trước cửa cả ngày.

Tâm trạng nửa sáng nửa tối của Yến Vi Sí đã được gột rửa, cho dù là có giới hạn.

Tạm thời ngăn chặn tất cả những điều phiền não đáng ghét.

Yến Vi Sí nghĩ tới cuộc sống về già của mình, so với đánh golf chơi cờ nuôi chim, một mảnh ruộng một khoảnh sân càng làm hắn thư thái hơn. Hắn ôm đầy ngập tang thương không phù hợp lứa tuổi trong lòng, trở về bảo Trần Vụ: “Chúng ta già rồi sẽ trở về đây sống.”

“Được nha.” Trần Vụ đang trải giường chiếu.

Chăn mới, gối mới, đều là “hoa khai phú quý”.

Yến Vi Sí bắt bẻ nói: “Sao không phải là “uyên ương nghịch nước”?” Trên mạng nói nó dành cho việc kết hôn.

“Em muốn loại đó à?” Trần Vụ kinh ngạc khi hắn còn biết những thứ này, “Chăn cũ của nhà anh là chăn uyên ương, nếu em muốn đắp thì anh sẽ lên gác lấy, chẳng qua không phơi nắng nên chắc chắn sẽ có mùi mốc.”

Yến Vi Sí nhai vỡ kẹo bạc hà: “Không quan trọng, đằng nào em và anh cũng ngủ chung chăn.”

Trần Vụ vỗ vỗ gối: “Em ra ngoài múc nước đi, chúng ta ngâm chân, không ngâm thì buổi tối sẽ ngủ không ngon.”

“Không tắm à?” Yến Vi Sí nhíu mày.

Trần Vụ đẩy cặp kính trượt xuống: “Nhà bác trưởng thôn sử dụng năng lượng mặt trời.”

Yến Vi Sí: “Cho nên?”

Trần Vụ nói: “Hôm nay trời âm u.”

Yến Vi Sí ngẫm ra, phục.

“Phòng tắm ở đâu? Nhất định phải có chút nước nóng, em tắm rửa sơ qua đây, nếu đủ thì anh cũng tắm chút đi.” Hắn mở va li da lấy đồ ngủ ra.

Trần Vụ nói địa điểm.

Yến Vi Sí vừa ra khỏi phòng, bác gái đã xách nước được chuẩn bị cho bọn họ tới, đặt ở cửa, bên trên còn vắt một chiếc khăn để lau chân. Hắn xoa xoa sau gáy.

Đây chính là tình mẹ của người bình thường sao? Chăm sóc con cái lâu ngày không về nhà như thế.

Yến Vi Sí không chìm đắm trong cảm xúc vô nghĩa quá lâu, hắn cầm khăn, xách theo xô nước ấm vào phòng.

Lúc vào thôn, sắc trời mới hơi xám xịt, ăn xong không bao lâu thì đã tối mịt, thôn xóm không giống thành phố lớn, đèn đã tắt từ sớm.

Yến Vi Sí tắm qua loa rồi nằm trên chiếc giường gỗ được trải đệm chăn mới. Tinh thần hắn phấn chấn không thấy buồn ngủ, tuổi thơ từng sống ở miếu nhỏ trong núi sâu, trong khi quê hương Trần Vụ lại là bốn bề núi non, càng thêm yên bình.

Miếu nhỏ trống vắng tĩnh lặng, nơi đây khói lửa nhân gian.

“Trưởng thôn nói nơi này có bốn mùa rõ rệt. Mùa xuân khắp nơi đều thơm hương hoa. Mùa hè trên cây có đào, lê, táo tàu, trên đất có dưa hấu và bắp ngô, ven đường nhiều loại quả dại không ăn xuể. Mùa thu có kim ngân hoa treo đầu tường, lá phong đỏ hơn cả lửa. Mùa đông thỏ sóc trên núi thấy người cũng không chạy.” Yến Vi Sí đặt tay của Trần Vụ vào trong quần áo để ủ ấm cho anh, “Thật à?”

Trần Vụ gật đầu.

Yến Vi Sí nghiêng người chăm chú nhìn anh: “Vậy từ nay về sau một năm bốn mùa anh đều phải đưa em tới đây đấy nhé.”

Trần Vụ gối chiếc gối mềm mại: “Ý tưởng hay lắm, nhưng làm sao có thời gian chứ, công việc sẽ ngày càng bận rộn hơn.”

Yến Vi Sí im lặng.

“Xin lỗi, là anh phá hỏng bầu không khí.” Trần Vụ nhẹ giọng, “Có thời gian chúng ta sẽ quay về, không có thời gian thì sắp xếp, đằng nào cũng phải nghỉ ngơi.”

“Anh đừng lừa em đấy.” Yến Vi Sí kéo Trần Vụ vào lòng, ôm anh hôn anh.

Chẳng mấy chốc vạt áo giữ nhiệt của Trần Vụ đã bị vén lên, mắt anh ướt át, anh ngơ ngác: “Làm à?”

Yến Vi Sí chống chóp mũi lên chóp mũi của anh: “Muốn.”

Nhưng không làm.

Không có sở thích làm ở nhà người khác, ảnh hưởng đến khả năng phát huy.

Trần Vụ bị hôn mệt thở không kịp, thiếu dưỡng khí nằm sấp trên ngực Yến Vi Sí, có thể nghe thấy nhịp tim hắn chạy qua lồng ngực, mạnh mẽ khỏe khoắn.

“A Sí, anh muốn xuống.” Trần Vụ nhũn tay chân thương lượng.

“Cứ ngủ thế này đi.” Yến Vi Sí kéo chăn, hôn lên đỉnh đầu lộ ra ngoài của Trần Vụ vài cái.

Ngoài cửa, trưởng thôn nhẹ nhàng kéo vợ về phòng.

Hai vợ chồng già ngồi ở đầu giường nói chuyện.

“Sáng mai nên nấu món gì nhỉ?” Bác gái đã rối rắm kể từ bữa tối.

“Cháo khoai môn.” Trưởng thôn đáp, “Lấy thêm vài quả trứng vịt muối trong hũ, rửa sạch rồi cắt ra đĩa.”

“Chắc không đủ đâu, trời lạnh đói nhanh lắm. Tiểu Vụ ăn nhiều, mà bạn trai nó ăn không bằng nó nhưng cao hơn hẳn nó ha, cơ bắp cánh tay trông rất rắn chắc và khỏe mạnh.” Bác gái nói xong liền bước ra ngoài.

Trưởng thôn gọi bà: “Lại ra ngoài làm gì thế?”

Bác gái không yên tâm: “Cửa sổ chỗ nhóm Tiểu Vụ chưa đóng, để tôi đi đóng vào.”

“Tối lửa tắt đèn, bà đừng dọa người ta sợ.” Trưởng thôn lải nhải, “Nằm xuống đi, Tiểu Vụ nhát lắm, chẳng lẽ bị lạnh còn không biết tự đóng chắc? Ngày mai nó còn định đến viếng mộ lão Quý, nhờ tôi mua một túi lớn đựng tiền trăm tệ và thỏi bạc, đủ để lão Quý ăn uống dưới lòng đất.”

Bác gái không chắc chắn: “Lần trước em trai nó trở về có hoá vàng mã không? Tôi không để ý.”

“Hóa cái quái gì.” Trưởng thôn nói một câu cộc cằn rồi thở dài, “Lão Quý chỉ dựa được vào Tiểu Vụ thôi.”

Lúc sinh thời dựa vào con trai cả lau người, đút ăn, đút nước, cõng ra phơi nắng, sau khi chết vẫn dựa vào anh để đốt tiền cho mình.

Trưởng thôn ghen tỵ.

Ông là người sống lại đi ghen tỵ với người chết, nói ra còn bị mắng có phải là nghĩ không thông không, nhất quyết phải nghĩ xui xẻo như vậy.

“Bà nhìn thấy nhẫn của chúng nó chưa? Đeo lên ngón tay kia ấy.” Trưởng thôn mở chiếc hộp thiếc trên tủ đầu giường, lấy từ bên trong ra một nắm đậu phộng, bắt đầu bóc vỏ, “Không biết liệu có phải đã kết hôn rồi không.”

“Chưa đâu, tôi hỏi bạn trai của Tiểu Vụ rồi.” Bác gái cầm cây lược gỗ, chải mái tóc bạc thưa thớt trước tấm gương nhỏ treo trên tường.

Trưởng thôn bội phục nhìn bà, chính ông muốn hỏi nhưng không tìm thấy cơ hội.

Bác gái tức khắc kiêu ngạo, tiết lộ một thông tin khác mà bà thăm dò được: “Tặng vào ngày kỷ niệm một năm.”

Trưởng thôn lập tức hỏi: “Là do ai mua, Tiểu Vụ?”

“Người yêu của nó.” Bác gái đáp.

Trưởng thôn không ngạc nhiên: “Dù mặc áo len và giày do Tiểu Vụ làm, cậu ta cũng không giống với chúng ta, vừa nhìn là biết gia đình có hoàn cảnh rất tốt mới có thể bồi dưỡng ra được, không biết có phân biệt giai cấp không nữa.”

“Đều còn trẻ, đều có trách nhiệm, dẫu gặp khó khăn cũng nhất định có thể cùng nhau vượt qua, tôi rất lạc quan về mối quan hệ này.” Bác gái cất lược đi, mở hộp Nhã Sương(1) lấy một lượng nhỏ bôi lên mặt và tay, sau đó tắt đèn lần mò chui vào trong chăn, “Ngày kia đã đi rồi.”

(1) Nhã Sương là sản phẩm chăm sóc da đời đầu của Thượng Hải Gia Hóa.

“Chẳng phải thêm một quãng thời gian nữa là mấy đứa con gái và đám nhãi con trở về rồi sao?” Trưởng thôn nói.

Bác gái đã không còn quan tâm đến lời này từ lâu: “Thôi quên đi, năm nào cũng nói sẽ về, mà năm nào cũng không về.”

Cũng không phải hờn giận muốn trách móc, thế hệ này có khoản vay mua nhà mua xe và còn phải giáo dục con cái, áp lực lớn không dễ dàng, luôn có đủ thứ cản đường về nhà, sau thời gian dài cũng không biết cửa nhà mở hướng nào.

Sinh ra một đàn con, tất cả đều định cư ở nơi khác. Bọn họ từng tới sống một thời gian, không quen, như đang ngồi tù, quá khó chịu nên đã quay về.

Trưởng thôn trở mình: “Không được, tôi đau lưng, bà đưa cho tôi đai bảo vệ thắt lưng của Tiểu Vụ với.”

“Đeo buổi tối liệu có ngủ ngon được không?” Bác gái đi tìm cho ông, “Cái thuốc cao mà Tiểu Vụ mua, ngửi đã thấy là thứ tốt, đến lúc đó sẽ gửi cho thằng cả. Hàng năm nó gõ máy tính suốt nên thắt lưng còn tệ hơn ông nữa, chẳng mang vác được vật nặng gì.”

“Có ít đồ tốt đã muốn tặng ra ngoài, tôi không cho, để tự tôi dùng.” Trưởng thôn nghiêm mặt, “Tiểu Vụ tặng cho tôi, nó mong tôi sống lâu trăm tuổi, tôi không được phấn đấu hướng tới mục tiêu đó à?”

Bác gái ném đai bảo vệ thắt lưng lên người ông: “Cho ông dùng, cho ông dùng đấy.”

Chiếc chăn bông cũ thấm đầy dấu vết thời gian, hai vợ chồng già cáu kỉnh tôi túm bà kéo mấy lần rồi ngủ thiếp.

Nửa đêm không biết mấy giờ, Yến Vi Sí đột nhiên mở mắt: “Trong sân có tiếng động gì thế?”

Trần Vụ cuộn mình co tay chân vùi trong lòng hắn, ngủ mơ mơ màng màng, nghe vậy thì thoáng tỉnh lại: “Trộm à?”

“Trộm?” Yến Vi Sí tập trung lắng nghe, “Không giống người.”

Trần Vụ ngẫm nghĩ: “Chắc là chồn.”

Yến Vi Sí nâng mông anh lên bò dậy: “Chưa thấy bao giờ, em đi xem xem.”

Trần Vụ: “…”

Chăn bị vén lên, hơi nóng chạy mất hơn phân nửa, Yến Vi Sí lại nằm xuống, đệt, lạnh quá.

Tra tìm trên điện thoại cũng thế cả thôi, không cần phải nhìn vật thật.

Yến Vi Sí lại ôm Trần Vụ vào lòng: “Chồn ăn trộm gà à?”

“Chắc là trộm.” Trần Vụ ngáp một cái, tiếp tục ngủ.

Một lát sau, Yến Vi Sí lại nghe thấy tiếng sột soạt, bát sứ đựng thức ăn cho gà bị va đụng rung lắc.

Cuối cùng hắn vẫn đi.

Sau đó hắn đen mặt trở về: “Lấy đâu ra chồn, một cọng lông cũng chẳng thấy.”

“Chạy rồi à?” Trần Vụ khựng lại, “Nhìn thấy người sao có thể không chạy được? Cũng không bị ngốc.”

Yến Vi Sí nắm tai anh: “Có phải là anh đang cười em không đấy?”

Trần Vụ lắc đầu như trống bỏi: “Không có.”

Yến Vi Sí cù phần da dễ ngứa của Trần Vụ, khi anh không nhịn được mà phì cười, hắn hôn lên đôi mắt cong thành vầng trăng non của anh.

“Nhớ sáng mai dẫn bạn trai anh đi ngắm bình minh nhé.”
Bình Luận (0)
Comment