Vũ Trụ Phong - Hách Ngã Nhất Khiêu

Chương 8

Đầu tiên ba người bọn họ đi xe khách lớn, sau đó đổi thành xe khách nhỏ, cuối cùng là bắt xe buýt công cộng để đến nông thôn nơi bà Trần từng sống.

Nói là xe buýt công cộng. Trên thực tế chỉ có hai chuyến mỗi ngày, 7:30 sáng và 1:30 chiều. Cũng chỉ khoảng hai năm trở lại đây mới có, còn những năm trước đó thì không có tuyến xe buýt.

1:30 chiều, bến xe nhỏ trong thị trấn cực kỳ yên tĩnh, hoàn toàn không có không khí của ngày Quốc khánh.

Bà Trần xuống xe hít một hơi thật sâu hưởng thụ bầu không khí của thị trấn nhỏ.

Vào cuối thế kỷ 20, đại đa số người dân ở Trung Quốc chỉ sống ở một nơi cố định suốt đời. Trong số những thế hệ đó, nếu ai đó sống ở một nơi trong một thời gian dài, sau đó rời đi và may mắn có cơ hội trở lại, sự khác biệt về thời gian và môi trường sống sẽ khiến người này cởi mở và xốn xang hơn so với hầu hết mọi người.

Trung Quốc của mấy mươi năm sau này không còn như xưa nữa.

Vì ai cũng có thể đi đi về về. Những người thực sự cấm rễ ở một nơi, sinh ra, lớn lên và già đi đã trở nên thật hiếm có.

Bà Trần thuộc về những người phụ nữ thời đó, là người có đầu óc thuần khiết, nhìn xa trông rộng và cởi mở.

Trần Nhất Thiên và Vu Kiều đều chịu ảnh hưởng từ bà trong quá trình trưởng thành, điều này rất đáng quý.

Vu Kiều chưa từng đến đây. Trần Nhất Thiên thì lúc nhỏ đã về thăm nhiều lần, kỳ nghỉ hè hay kỳ nghỉ đông, lễ Tết hay là cuối tuần, bà Trần đều mang theo suy nghĩ "lá rụng về cội" trở về đây. Do đó, phong cảnh trước mắt nói chung chỉ có một, nhưng điều mà thị trấn nhỏ mang đến cho ba người lại hoàn toàn khác biệt.

Họ sống ở nhà họ hàng của bà Trần. Nhà này có một cụ bà rất lớn tuổi, là cô của bà Trần. Tiếp đón bọn họ là con trai và con dâu của bà cụ, hơn 50 tuổi, họ và các con cùng mở một trang trại gà công nghiệp, nơi họ sống cách trại gà không xa. Nhà xây hướng Bắc Nam, các phòng nối liền với nhau.

Hôm nay ổn định xong chỗ ở thì ngày hôm sau trời lại mưa, vì vậy kế hoạch xuất hành đã phải hủy bỏ.

Trong nhà có một cậu bé, gọi bà Trần là "Bà cô", vóc người nhỏ hơn Vu Kiều một chút, cũng đang học tiểu học.

Ngày đầu hai đứa nhỏ còn xa lạ, cậu bé tỏ ra rụt rè khi xuất hiện. Ngày hôm sau ăn sáng xong, cậu bé đi theo Vu Kiều đến phòng của họ, thì thầm to nhỏ, chẳng mấy chốc đã thân nhau.

Bà Trần chạy đi trò chuyện với cô của mình, Vu Kiều thì có bạn mới, hai đứa rất thân thiết. Chỉ có Trần Nhất Thiên là buồn chán. Anh lấy từ trong ngăn kéo ra một chiếc radio cũ, thông qua ánh sáng bên ngoài cửa sổ nghiên cứu nó.

Sau buổi trưa, bà Trần hỏi Trần Nhất Thiên Vu Kiều đâu, Trần Nhất Thiên cũng có vẻ mờ mịt, chỉ biết Vu Kiều đã chạy ra ngoài chơi với đứa bé kia.

Bà Trần nói đợi mưa tạnh, buổi chiều có thể lên núi hái nấm, nhưng Vu Kiều vẫn chưa về nên bà đành phải đợi.

Vu Kiều đang bắt cá với người bạn mới của mình.

Hai đứa trẻ tuy chưa biết tên của nhau nhưng đã trở thành bạn bè. Vu Kiều nghe người thân gọi cậu bé là Tiểu Thạch Đầu. Tiểu Thạch Đầu dẫn cô bé đi dọc theo một con sông nhỏ, đến tận nơi sông nhỏ hoà vào sông lớn. Khi sắp chảy vào dòng sông lớn, nước của con sông nhỏ khô cạn đi, trước mặt họ là một lòng sông lớn toàn là đá cuội.

Lòng sông hình thành những gò nhỏ nhấp nhô, nơi thấp trũng tạo thành những trũng nước. Dòng sông lớn từ xa chảy chậm, tạo ra một âm thanh trầm thấp mà chỉ khi yên tĩnh mới nghe thấy được. Ngay khi Tiểu Thạch Đầu nói chuyện với cô bé, cô bé không còn nghe thấy tiếng nước sông nữa.

Hai người bắt cá trong trũng nước.

Nước của con sông nhỏ đến từ trên núi, là nước ngầm, đưa tay chạm vào thấy rất mát. Trong mấy trũng nước này vậy mà thật sự có cá, dài từ một đến ba tất, tất cả đều có lưng màu đen, thong thả bơi lội từng đàn.

Tiểu Thạch Đầu không thấy lạ, nhưng Vu Kiều thì lại có chút phấn khích.

Nước mà cô bé nhìn thấy ở Giang Tô ngoại trừ sông Dương Tử ra thì chỉ có hồ nước hoặc đầm lầy. Đây là lần đầu tiên cô bé nhìn thấy một dòng chảy thực sự.

Hơn nữa dòng sông trong vắt, chảy xiết, qua làn nước có thể nhìn thấy rõ những viên sỏi và lá rụng dưới sông.

Cô bé chưa bao giờ nhìn thấy nước như vậy, cũng như cá như thế này.

Sự phấn khích của Vu Kiều trong mắt Tiểu Thạch Đầu chỉ là chuyện quá đỗi bình thường. Cậu bé kêu Vu Kiều lùi lại vài bước, đứng cách trũng nước hai mét rồi tìm kiếm xung quanh, thấy một tảng đá màu xanh có kích thước bằng đầu người, cậu bé cúi xuống ôm nó lên, đập vào một tảng đá ở mép vũng nước.

Hai tảng đá va chạm vào nhau tạo ra âm thanh như tiếng xương gãy.

Vu Kiều không biết phải làm gì, lùi lại một bước, ngơ ngác nhìn.

Tảng đá xanh lăn sang một bên, để lại vết trắng ở điểm va chạm, giống như một vết sẹo.

Tiểu Thạch Đầu nhìn nó, Vu Kiều cũng nhìn theo...

Thứ Vu Kiều nhìn là tảng đá bị đập. Tất nhiên, trên đá cũng có một vết sướt.

"Nhìn kìa! Bắt nó nhanh lên!"

Cô bé bối rối nhìn Tiểu Thạch Đầu rồi theo hướng mà cậu bé chỉ nhìn xuống nước.

Trong nước có hai con cá, một con dài bằng ngón tay, ngửa cái bụng trắng nổi trên mặt nước, đã ngất. Con còn lại thì đầu chúi xuống bên mép nước, cố gắng bơi xuống nước sâu, rõ ràng là đã bị thương.

Ngây người mất ba giây Vu Kiều mới đưa tay ra bắt con cá bị thương.

Phần sâu nhất của trũng nước cũng chỉ cỡ một thước. Vu Kiều phấn khích đến nỗi một nửa đôi giày của mình đã chìm trong nước. Cô bé chụp mấy lần nhưng không bắt được nó. Con cá cũng cố gắng trốn sang phía bên kia trũng nước.

"Bắt con ngất rồi đó." Tiểu Thạch Đầu than một tiếng, bày tỏ sự bất lực.

Cá ngất thì dễ rồi. Vu Kiều bụm hai tay vào nhau rồi vớt nó lên.

Cùng lúc đó, Tiểu Thạch Đầu ngồi xổm xuống bên trũng nước, đưa một tay xuống, phục kích con cá bị thương kia.

Bầu không khí có chút căng thẳng. Vu Kiều cầm con cá bằng hai tay đứng ngây người ra. Nước trong lòng bàn tay cô bé không ngừng rỉ ra cho đến khi con cá lại bắt đầu giãy giụa.

Tiểu Thạch Đầu canh không lâu lắm, bàn tay trong nước chụp về phía trước, thực sự bắt được nó.

Khi bị bắt lên khỏi mặt nước, con cá nhỏ vẫn còn đang vùng vẫy, cái đuôi của nó lộ ra khỏi kẽ tay của Tiểu Thạch Đầu, vặn vẹo qua lại.

Động tác của cậu bé hết sức nhanh gọn lẹ, thấy Vu Kiều cứ la hét mãi, mà con cá nhỏ trong lòng bàn tay cô bé cũng sắp bị thiếu oxy luôn rồi.

Tiểu Thạch Đầu nói, cách này gọi là kích cá.

Có rất nhiều cách để bắt cá. Kích cá chỉ là một trong số đó, vì nó không cần dụng cụ gì nên trẻ con làm rất dễ.

Hai đứa bắt đầu chơi, quên cả thời gian.

Con sông lớn vừa trải qua mùa lũ lúc hè. Hàng liễu bên bờ sông tích tụ nhiều gỗ mục nát, bao bì xốp vỡ, giẻ rách, v.v., Tiểu Thạch Đầu chui vào đó, từ trong một đống rác thải hôi thối tìm ra một cái chai nhựa, thả cá vào đó.

Cái chai nhỏ nhanh chóng đầy, hai đứa trẻ lại đi tìm đồ đựng mới.

Vu Kiều bắt cá là tự học. Lúc đầu cô bé vẫn luôn nhìn Tiểu Thạch Đầu bắt, nhìn một hồi thì tự mình bắt được luôn.

Khi cô bé cho hai tay vào trong nước, cá lớn và cá nhỏ sẽ chủ động tiến lại gần, vây quanh tay cô bé, còn có con lớn gan bơi đến rỉa vào tay cô bé nữa, ngay cả Tiểu Thạch Đầu cũng rất bất ngờ.

Trong chớp mắt, mặt trời lướt qua đỉnh đầu, xiên chéo về phía dãy núi phía Tây.

Ống quần của hai đứa trẻ xắn lên cao, trán dính đầy mồ hôi, tay áo xắn cao, ướt sũng.

Buổi tối ở thị trấn nhỏ bắt đầu vào khoảng 4 giờ chiều.

Mặt trời đã lặn, nhiệt độ bên dòng sông cũng giảm xuống. Hai đứa trẻ chơi ở rất nhiều trũng nước, cá được bắt đầy hai chai nhựa và một cái hũ.

Mới đầu Tiểu Thạch Đầu khoe tài, làm mẫu cho Vu Kiều, thấy Vu Kiều bắt giỏi hơn mình, cậu bé không phục, càng cố gắng hơn nữa.

Đợi đến khi cảm nhận được cái lạnh của gió sông, cậu bé ngồi trên tảng đá nhìn về phía Tây, thật không thể tưởng tượng được!

Dưới ánh hoàng hôn, mực nước sông lớn rút xuống, vùng nước nông hai bên sông loé lên ánh sáng bạc, đều là cá nhảy lên!

Tiểu Thạch Đầu sinh ra và lớn lên ở đây, chưa bao giờ cậu bé nhìn thấy cảnh tượng thiên nhiên như thế này cả.

Cậu bé vội vàng chỉ cho Vu Kiều xem. Vu Kiều chạy đến chỗ gần bờ sông, Đông Tây Nam Bắc, bốn phương tám hướng, mực nước đã rút, tất cả đều là cá đang tìm kiếm chỗ nước sâu để trốn.

Nhìn xa hơn, hai bờ thượng nguồn và hạ lưu sông, bờ này bờ kia đều đầy cá.

Thân cá nhẵn nhụi, khi nhảy lên thì có ánh bạc hiện ra, những con không nhảy thì lo lắng bơi lội trong vùng nước nông, khuấy động bùn dưới đáy, tạo thành những gợn sóng trên mặt nước, hết sức sôi động.

Tiểu Thạch Đầu nhận ra rằng đã quá muộn, mình cần phải đưa Vu Kiều về nhà ngay lập tức.

Cậu bé cứ ở đó do dự, còn Vu Kiều thì đã bước vào một vòng chiến đấu mới.

Hồ chứa thượng nguồn đột nhiên đóng lại, độ rộng của dòng sông lớn ban đầu nay đã giảm một phần ba.

Trên một phần ba lòng sông nơi mực nước rút có những trũng nước sâu và nông. Các loại và kích cỡ của cá đã làm mới sự hiểu biết của Vu Kiều.

Cô bé bắt từ trũng này qua trũng khác, cá nhỏ thả ra, cá lớn thì giữ lại...

Cô bé đang mang một đôi giày vải trắng. Nhưng lúc này đã không thể nhận ra màu gốc của nó được nữa rồi. Nó ướt rồi khô, khô rồi lại ướt...

Cô bé vừa vùi đầu bắt cá vừa gọi lớn kêu Tiểu Thạch Đầu đi tìm một cái chai lớn hơn cho mình.

Mặt trời nhanh chóng lặn xuống ngọn núi phía Tây, nhiệt độ giảm xuống rất nhiều.

Quần áo của Vu Kiều ướt đẫm nước và mồ hôi, không còn chịu được gió lạnh bên sông nữa. Xung quanh hai đứa có mấy cái chai, còn có một can dầu màu trắng, đáy đã bị thủng nên chỉ có thể đậy chặt nắp lại rồi đặt ngược lại.

Hai đứa nhìn quanh, trũng nước gần đó đã bị mò hết, nhưng đằng xa vẫn còn rất nhiều trũng nước nữa.

Rõ ràng là có vô số cá để bắt. Chắc hẳn ở trũng nước xa xa vẫn còn có cá, nhưng sau giai đoạn mực nước giảm đột ngột, cá đã thích nghi và không còn nhảy nhót bồn chồn nữa.

Hai đứa dừng lại mới cảm thấy mệt mỏi, không chỉ mệt mà còn đói, lạnh, và cả không cam lòng.

Đang lúc do dự thì nghe thấy tiếng gọi từ xa, là tiếng của ông nội Tiểu Thạch Đầu, hai đứa nhìn xung quanh. Phía sau ông có một vài người lớn, bao gồm cả Trần Nhất Thiên.

Vu Kiều đang ôm mấy cái chai chứa đầy cá, hầu như không có nước. Cô bé ngơ ngác nhìn chằm chằm vào một nhóm người đang đến gần.

Rõ ràng là người đến không tốt, xem ra sẽ bị mắng.

Tiểu Thạch Đầu cũng có dự cảm không lành, nhưng cảm giác của cậu bé có chút khác biệt với Vu Kiều. Những gì cậu bé thấy trước mắt không phải là bị mắng, mà là mình chắc chắn sẽ bị đánh.

Lúc này, nếu đứng ở góc nhìn của ông trời, bạn sẽ thấy được sự đối đầu giữa hai bên: Một bên là hai đứa trẻ, một bên là một nhóm đàn ông trưởng thành, ở giữa có một thiếu niên ăn mặc như học sinh.

Hai đứa trẻ đều sợ hãi. Vu Kiều đứng yên, Tiểu Thạch Đầu tiến về phía trước, trong tay cầm một cái can dầu hình vuông lộn ngược, đáy can hướng lên trên, bên trong đầy cá trộn lẫn vào nhau.

Những người lớn dừng lại, một người đàn ông khoảng năm mươi tuổi từ trong đám đông lao ra, đó là ông nội của Tiểu Thạch Đầu.

Đám cá trên tay Tiểu Thạch Đầu thậm chí càng thêm sợ hãi hơn.

Ông ấy bước hai ba bước đến trước mặt cậu bé, bay lên đá một cái vào mông của cháu trai mình.
Bình Luận (0)
Comment