Tiểu Thạch Đầu ưỡn bụng văng ra như thể người không xương. Trên tay không thể cầm cá được nữa, cả cá và nước đều vươn vãi khắp nơi.
Vu Kiều bắt cá suốt một ngày, thấy cá tràn ra mặt đất, cô bé không nỡ.
Cô bé đặt mấy cái chai đang ôm trong ngực xuống, bò trên mặt đất để bắt cá.
Có người đến cản ông của Tiểu Thạch Đầu lại, khuyên giải vài câu, ý đại khái là về nhà trước rồi nói, đừng đánh đứa nhỏ như vậy, tìm được người là tốt rồi...
Vu Kiều chỉ lo chụp cá. Mặc kệ cỏ rác cát đất gì cũng bụm lại bỏ vào can hết. Tiểu Thạch Đầu bị đá giờ đang ngồi trên mặt đất, không khóc, chỉ ngơ ngác nhìn Vu Kiều cứu cá.
Có mấy con cá nhảy tới nhảy lui, dính đầy cát, dần dần mất đi độ ẩm và độ bóng, sắp hết cứu nổi. Tình cảnh này khiến Vu Kiều rất lo lắng, cô bé không biết nên cứu con nào trước.
Bất chợt có thêm một đôi chân xuất hiện trước mặt, giày cỡ số 43, có cột dây.
Vu Kiều ngước lên nhìn Trần Nhất Thiên. Trần Nhất Thiên không có biểu hiện gì, nhưng Vu Kiều biết rằng lúc này anh đang rất tức giận.
Có hai người lớn giữ chặt ông của Tiểu Thạch Đầu lại, không cho ông ấy đánh Tiểu Thạch Đầu nữa.
Một nhóm người lớn hộ tống hai đứa trẻ về nhà.
Trên đường về, những người lớn đến giúp đỡ đều giải tán. Chỉ còn lại bốn người đi vào trong sân: Vu Kiều, Trần Nhất Thiên, Tiểu Thạch Đầu và ông nội.
Bà Trần và bà nội Tiểu Thạch Đầu đều ở đó, trong nhà đèn đã bật sáng, trời cũng đã tối lắm rồi. Hai đứa trẻ vẫn còn ôm cá, lặng lẽ đặt vào góc.
Ngay lúc Vu Kiều đặt cá xuống, xoay người lại thì được bà Trần ôm vào lòng.
Bà Trần có một mùi hương rất đặc biệt, xen lẫn với mùi như sữa, trong phòng ấm áp, Vu Kiều không hiểu sao lại khóc trong lòng bà.
Tiểu Thạch Đầu không biết phải làm sao cả, sau ót lại bị đánh một cái thật mạnh, đau lắm nhưng mà nó đâu dám khóc, chỉ cười toe toét.
Bà Tiểu Thạch Đầu liếc nhìn ông nội, rồi nói lớn: "Đáng đánh lắm!"
Bà Trần ôm Vu Kiều trong lòng, vội vàng ngăn lại. Nói đều là trẻ con, do ham chơi nên quên thời gian, trở về an toàn là tốt rồi. Đừng có trách mắng Tiểu Thạch Đầu nữa, cháu nó bị thương thì không hay...
Bà nội Tiểu Thạch Đầu tiếp tục nói: "Đánh con như vậy là còn nhẹ đó! Lúc trước bà đã nói gì với con hả? Không được đến giếng, không được đến sông, có không? Hả? Bà có nói không?"
Đối mặt với câu hỏi, Tiểu Thạch Đầu lầm bầm như một con cá nhỏ phun bong bóng: "Dạ có."
"Đã nói biết bao nhiêu lần rồi? Hả? Hôm nay con vẫn đi! Không chỉ tự đi! Còn mang Vu Kiều đi nữa!"
Nói xong thì xoay người đi tìm đồ, chụp được một cây chổi lông gà, Tiểu Thạch Đầu đứng ở giữa nhà, cảm thấy như có một cơn gió mạnh thổi qua sau gáy, sợ rụt cả vai, nhắm chặt mắt lại.
May mà chổi lông gà không có đánh xuống, bị bà Trần chặn lại rồi. Bà nội lau nước mắt, lau tay trên tạp dề rồi đi vào bếp.
Bà nội của Tiểu Thạch Đầu mang ra hai tô mì, kêu Vu Kiều và Trần Nhất Thiên đến ăn, lại quay vào múc đầy một tô khác, kêu bạn già của mình vào.
Bà Trần lại múc thêm một tô nữa gọi Tiểu Thạch Đầu đến ăn.
Lúc chiều, những người lớn đã đi tìm hai đứa nhỏ suốt mấy tiếng đồng hồ.
Bà Trần và bà nội của Tiểu Thạch Đầu ở nhà cũng chỉ ăn tối qua loa.
Vu Kiều đến giờ vẫn còn vô tư lắm, chỉ cảm thấy mì sao mà ngon quá.
Mì bản rộng, bên trong bỏ thêm nấm và hành lá, một quả trứng nằm ở trên, rắc sợi gừng để tránh cảm lạnh.
Vu Kiều hứng gió sông cả một ngày, áo và quần của cô bé ướt một nửa, vừa rồi còn bị dạy dỗ, nên giờ đây mì trong miệng không khác gì đồ ăn cứu mạng cả.
Cô bé cúi đầu ăn mì, thỉnh thoảng đưa mắt nhìn Tiểu Thạch Đầu. Tiểu Thạch Đầu vốn đã bị đá một cước, rồi lãnh thêm một cái tát vào đầu, biết mình sai, chuẩn bị chống đỡ bão táp, không ngờ sau hai lần ăn đòn lại có thể được ăn mì. Đối với cậu bé mà nói, cũng giống như Vu Kiều, tô mì này tượng trưng cho sự tha thứ và một cái kết tốt đẹp.
Cuối cùng có một lần, Vu Kiều nhìn cậu bé, cậu bé cũng nhìn Vu Kiều. Hai đứa trẻ trao đổi ánh mắt, Vu Kiều nhìn cái can cá bên tường. Cả hai cách hơi nước bốc lên từ hai tô mì, mỉm cười bí hiểm.
Trong lúc hai đứa nhìn nhau mỉm cười, Trần Nhất Thiên buông đũa xuống, quay về phòng.
Vu Kiều nghịch nước sông cả ngày nên mất rất nhiều năng lượng, sau khi ăn một tô mì trứng với gừng no nê, đêm đó ngủ rất sớm.
———
Trần Nhất Thiên và bà Trần thì không ngủ sớm như vậy, thái độ của Trần Nhất Thiên rất rõ ràng: Không thể giữ Vu Kiều lâu dài được, đứa trẻ này quá hoang dã, không kiểm soát được, nếu lỡ xảy ra chuyện gì thì không thể nào giải thích với Vu Hương được.
Bà Trần cũng sợ hãi trước chuyện xảy ra ngày hôm nay. Ngoài miệng thì nói với người họ hàng là không cần vội, bọn nhỏ lớn rồi, chắc không sao đâu, có lẽ chỉ đi chơi đâu đó quên mất thời gian mà thôi. Nhưng trong lòng làm sao có thể yên tâm cho được, trong trấn có một cái giếng cổ bị bỏ hoang, không được che đậy hay có rào chắn gì cả, nghe nói trước đây có người rơi xuống đó, người lớn trong trấn đều không cho con cái đến gần giếng chơi đùa. Mấy năm trước cũng có một gia đình bị mất con, đứa trẻ 5 tuổi bị lạc khi đang chơi trong ngõ, nghe nói có người qua đường lấy kẹo dụ dỗ rồi bắt đi. Mà dòng sông lớn nơi hai đứa trẻ đi ngày hôm đó, nghe trong thị trấn nói là có một truyền thuyết, vào những năm 1970, 1980, có một bà cụ gia đình nghèo khó, con cái không nuôi dưỡng, bà ấy cột một chiếc khăn tay quanh miệng rồi nhảy xuống sông tự tử. Trước khi tự tử, để người khác có thể tìm thấy thi thể của mình, bà ấy đã cởi áo khoác treo trên cành cây ven sông. Sau này có một đứa trẻ bơi ở con sông đó kể lại có người ở dưới sông kéo chân mình...
Hai đứa trẻ mất tích, khi gọi người trong nhà đi tìm, bà Trần đã nghĩ đến đủ thứ chuyện không hay. Một mặt, bà tự trách mình lúc vừa đến quê không kịp dặn Vu Kiều đừng đi đến những nơi nguy hiểm, mặt khác, bà cũng lo lắng, bất kể bọn nhỏ có sao hay không sao thì họ cũng đã gây náo động đến bà con họ hàng và hàng xóm láng giềng, và điều quan trọng nhất là, bà nên giải thích thế nào với Vu Hương nếu Vu Kiều gặp chuyện không may?
Do đó, bà không có cách nào phản bác lại lời nói của Trần Nhất Thiên. Đúng là Vu Kiều đã sai, đi đâu cũng không nói một tiếng nào. Lần này trở về bình an vô sự, chứ nếu xảy ra chuyện ngoài ý muốn, đừng nói đến mối quan hệ của nhà họ Trần với Vu Hương, chỉ riêng ba mẹ đã mất của Vu Hương thôi, một khi có chuyện thì nửa đời sau này của bà sẽ phải xót xa ân hận.
Nhưng bà Trần lại suy xét chu đáo hơn. Thứ nhất, bà nghĩ rằng mặc dù Vu Kiều ham chơi, tính tình hoang dã, nhưng cũng không phải là không dạy được. Bình thường nói với con bé cái gì, con bé đều nghe theo cả, đứa nhỏ này cũng thông minh, có thể dạy bảo. Thứ hai, Vu Hương cơ khổ không nơi nương tựa, bây giờ gia đình nhỏ lại xảy ra biến cố, đến bước đường cùng mới đưa con mình đến đây, mới mấy tháng đã bị trả về, dù là lý do gì thì ý tứ chẳng khác nào nhắm mắt làm ngơ khoanh tay đứng nhìn. Thứ ba, bà Trần thích Vu Kiều từ tận đáy lòng, bà cho rằng trẻ con ăn mặc không tốn kém bao nhiêu, ở với bà để còn có người hủ hỉ.
Điểm thứ ba bà không nói với Trần Nhất Thiên, nói ra thì chẳng khác nào nói bà thích Vu Kiều hơn Trần Nhất Thiên.
Cuối cùng, hai bà cháu đã đạt được một thỏa thuận tạm thời: Thứ nhất, vẫn phải trả Vu Kiều về. Sau học kỳ này sẽ đi. Trần Nhất Thiên sẽ nói với Vu Hương. Thứ hai, Trần Nhất Thiên sẽ có một cuộc nói chuyện chính thức với Vu Kiều, giải thích chi tiết các điều kiện và yêu cầu. Nếu Vu Kiều muốn sống ở đây, cô bé sẽ phải nghe theo sự sắp xếp của anh, nếu không liền cuốn gói quay về phía Nam. Trần Nhất Thiên cũng đặc biệt dặn dò bà của mình là chuyện này sẽ do anh quyết định, bà Trần không nên tham gia.
Chuyến về quê lần này của bọn họ cũng không có kế hoạch rõ ràng gì. Nơi đây là một thị trấn nhỏ ở phía Đông Bắc được bao quanh bởi núi non, vào tháng 9, tháng 10, núi thì sản vật dồi dào, nước thì trong xanh tươi đẹp.
Hái trái cây, bắt cá, thu hoạch, hái nấm... Có rất nhiều hoạt động có thể được sắp xếp, nhưng chuyện của Vu Kiều đã khiến cho bọn họ kinh hãi không nhỏ. Từ đó trở đi bà Trần không dám để Vu Kiều rời khỏi tầm mắt của mình, cũng không có ai trong số họ đi đâu xa.
Kế hoạch lên núi hái lê dại, đêm mưa bắt [], dạo chợ của Trần Nhất Thiên đều không thể thực hiện được. Để an toàn, bà Trần chỉ đưa Vu Kiều đi thăm họ hàng và chơi bài xì phé trong hai buổi chiều. Cứ như vậy chơi vài ngày, họ về lại tỉnh lỵ.
Ngày 8 đi học lại, tối ngày 6 họ đã về đến nhà. Bà Trần rất hài lòng với chuyến đi này, gặp lại được không ít hàng xóm và bạn bè cũ, náo nhiệt hơn ở thành phố nhiều. Trần Nhất Thiên không được như mong muốn nên đều đổ hết lỗi cho con ghẻ Vu Kiều.
Vu Kiều đã có một khởi đầu tồi tệ, tâm trạng bị ảnh hưởng không ít, món cá om tương của ngày hôm sau cũng không thể giúp cô bé vực dậy được tinh thần. Cô bé mang theo sự áy náy không thể giải thích được với Tiểu Thạch Đầu lên xe trở về thành phố.