An Linh dứt khoát không nhìn đường nữa, liền ngẩng đầu lên ngắm những chiếc đèn lồng đủ kiểu dáng, cứ thuận theo dòng người đẩy đi đâu thì hay đó.
Sau hơn mười phút bị xô đẩy như vậy, An Linh đang ngó nghiêng thì bỗng bị một cửa hàng bán đèn lồng ven đường thu hút.
Thế là cô bắt đầu khó nhọc di chuyển về phía cửa hàng, tốn hết chín trâu hai hổ cuối cùng cũng thành công.
Trong tiệm tuy cũng đông người, nhưng so với bên ngoài thì quả là một trời một vực. Ngay khoảnh khắc thoát khỏi dòng người để bước vào tiệm, An Linh cảm thấy hơi thở của mình cũng thông thuận hơn hẳn.
Lễ hội đèn lồng lần này được tổ chức tại một khu du lịch cổ trấn, hai bên đường là nhà dân, dãy nhà gần đường nhất được cho thuê làm cửa hàng, và tiệm đèn lồng này cũng là một trong số đó.
Đèn lồng trong tiệm có đủ mọi hình dáng, thậm chí còn có những kiểu hiếm thấy như tôm, cua, sứa. Nhưng tất cả những chiếc đèn này đều có một điểm chung, đó là vô cùng tinh xảo, vì vậy gần như mọi khách hàng vào tiệm đều không tự chủ mà thốt lên kinh ngạc.
An Linh bị thu hút bởi một chiếc đèn lồng hình con cá.
Đây là một con cá chép koi, màu sắc trên mình nó rực rỡ và tươi sáng, còn được dùng kim tuyến để vẽ vảy cá. Ánh đèn vàng ấm áp tỏa ra từ chất liệu nửa trong suốt của chiếc đèn, bao phủ toàn bộ chiếc đèn bằng một vầng sáng dịu dàng.
Cô lặng lẽ ngắm nhìn chiếc đèn, rồi bất giác mỉm cười.
Bởi vì cô nghĩ đến biệt danh của Nghiêm Úc là "Tiểu Ngư”, mà biệt danh này chính là do An Linh đặt.
Hồi nhỏ lúc còn nói chưa rõ, cha mẹ dạy cô gọi Nghiêm Úc là "anh Tiểu Úc”, kết quả cô mở miệng lại thành "anh Tiểu Ngư”, sửa thế nào cũng không đổi.
Nghiêm Úc cứ thế làm "anh Tiểu Ngư" của cô một thời gian dài, sau này ngay cả cha mẹ Nghiêm cũng gọi anh là "Tiểu Ngư”, còn nói cái tên này dễ thương sao họ không nghĩ ra sớm hơn. Thế là Nghiêm Úc có thêm một biệt danh như vậy.
Sở dĩ nhìn thấy đèn cá liền nghĩ đến chuyện này, là vì hồi nhỏ An Linh cũng từng được cha mẹ dẫn đi chơi một lễ hội đèn lồng.
Lễ hội năm đó quy mô không lớn như bây giờ, ven đường cũng không có cửa hàng chuyên biệt, chỉ có vài gánh hàng rong, tiểu thương trải một tấm bạt ven đường hoặc đẩy chiếc xe đạp treo đầy hàng hóa để bán.
Khi An Linh được cha bế đi, cô đã nhìn thấy một người bán đèn lồng.
Một chiếc đèn lồng cá vàng màu đỏ rực được treo trên tay lái xe đạp của ông, theo nhịp ông đẩy xe, con cá cũng lắc lư trông rất bắt mắt.
An Linh lúc đó liền đòi chiếc đèn cá ấy, nhưng An Thụ Hải lại do dự.
Không phải ông không muốn mua cho An Linh, mà là vì con cá đó xấu quá mức.
Toàn thân nó làm bằng nhựa đỏ thẫm dày cộp, bụng phình to trong khi đuôi lại ngắn cũn, hai con mắt lồi một to một nhỏ, tròng mắt bên trong cũng như đã bàn bạc trước, cùng hướng vào nhau thành mắt lé, trông vừa buồn cười lại vừa ngốc nghếch.
Một chiếc đèn lồng mà xấu được đến mức đặc sắc như vậy cũng thật không dễ dàng.
Vì vậy An Thụ Hải đã do dự, bởi vì ông thực sự không muốn mỗi ngày phải nhìn thấy cái của nợ xấu xí này trong nhà, thậm chí còn sinh ra chút hoài nghi về thẩm mỹ của con gái mình.
Ông cố gắng thương lượng với An Linh, hay là mua chiếc đèn thỏ trông xinh đẹp hơn nhiều kia.
Kết quả An Linh nói cô chỉ muốn con cá vàng đó, vì cô nhìn thấy nó là nghĩ đến anh Tiểu Ngư, muốn mua tặng anh.
Nghe vậy, An Thụ Hải và Bùi Ngọc Ngưng đều mừng rỡ, vội vàng mua ngay, như thể sợ chậm một bước sẽ bị người khác mua mất. Nếu con cá xấu xí này không thể xuất hiện ở Nghiêm gia, họ chắc chắn sẽ cảm thấy tiếc nuối lắm.
Cha mẹ Nghiêm khi nhìn thấy con cá, biểu cảm quả nhiên vô cùng đặc sắc. Nhưng Nghiêm Úc biết An Linh đi chơi mà còn nhớ mang quà về cho mình thì vô cùng bất ngờ, vui vẻ nhận lấy và còn nói rất thích món quà này.
Khi nghe An Linh nói cô vừa nhìn thấy con cá này liền nghĩ đến anh, Nghiêm Úc còn nghiêm túc gật đầu nói: "Anh cũng thấy con cá này trông rất giống anh.”
Làm cho biểu cảm của cha mẹ Nghiêm càng thêm đặc sắc.
…