Thuần Dương Cung theo truyền thuyết do Lữ Động Tân, một trong Bát Tiên sáng lập.
Lữ Động Tân tên tục là Lữ Nham, đạo hiệu là Thuần Dương Tử, sinh vào năm mười hai Trinh Quán, ông là đệ tử của Lý Thiết Quải. Nổi tiếng vì tích dùng Hoàng Long Kiếm chém giao long.
Lã Động Tân thu nhận năm đệ tử gọi là Thuần Dương Ngũ Tử, Thuần Dương Ngũ Tử hành hiệp trượng nghĩa, rất được võ lâm đồng đạo yêu mến. Sau khi Lữ Động Tân phi thăng tại Hoàng Hạc Lâu thì chức chưởng môn giao lại cho Lý Vong Sinh, đồ đệ lâu năm nhất của ông. Trải qua bao nhiêu chuyện, Nhị Tử chết, Ngũ Tử ly khai Ngũ Tử ngày ấy chỉ còn lại Tam Tử, Trương Thính Tuyết từ Ngũ Tử trở thành Tam Tử.
Ngoại trừ Thần Sách Phủ trực thuộc triều đình thì Thuần Dương Cung là môn phái duy nhất được triều đình chống lưng, ngoài lý do Đạo giáo là quốc giáo Đại Đường còn do uyên nguyên sâu xa của Lữ Động Tân với các đời hoàng đế Đại Đường.
Thuần Dương Cung dung hoà triết lý Đạo giáo, vạn pháp tự nhiên. Kiếm pháp Thuần Dương cương nhu đều có, công thủ kiêm bị, tuỳ theo đối thủ mà xuất chiêu, lấy bất biến ứng vạn biến. Nội công Thuần Dương Cung có Thuần Dương Kinh, Thái Hư Quyết còn kiếm pháp có Thiên Đạo Kiếm Pháp, Thuần Dương Kiếm Ý.
Thiên Đạo Kiếm Pháp chỉ chưởng môn mới được học, Trương Thính Tuyết tuy không được truyền dạy Thiên Đạo Kiếm Pháp nhưng Thuần Dương Kiếm Ý đã luyện rất thành thục. Thái Hư Quyết là tâm pháp tối cao chỉ khi đại thành Thuần Dương Kinh mới có thể tu luyện. Thuần Dương Kinh có năm tầng: Thiếu Dương, Thái Âm, Thiếu Âm, Thái Dương và Tứ Tượng Quy Nhất. Trương Thính Tuyết hiện tại đỉnh phong tầng bốn Thái Dương, sắp sửa bước chân vào cảnh giới Tứ Tượng Quy Nhất.
Cố Bình Sinh không phải đối thủ bình thường, Trương Thính Tuyết quyết định dùng đến tầng bốn Thái Dương sử ra một kiếm mạnh mẽ trong Thuần Dương Kiếm Ý là Diễm Dương Cao Chiếu.
Trương Thính Tuyết song thủ đưa bảo kiếm lên quá đầu, mũi kiếm hướng thẳng lên trời. Kim sắc hoả kình ào ạt tuôn ra từ song thủ Trương Thính Tuyết, cháy lan đến đốc điếm, quấn quanh thân kiếm rồi tụ lại tại mũi kiếm thành một hoàng kim hoả cầu.
Hoàng kim hoả cầu tựa như một vầng thái dương nhỏ toả ánh sáng chói mặt, toàn trường chỉ những người có công lực cao mới có thể nhìn thẳng vào hoả cầu nhưng họ cũng phải vận nội lực vào mắt bảo hộ.
Riêng Cố Bình Sinh không cần vận nội lực vẫn có thể nhìn thẳng, dù sao y cũng không có nội lực.
“Cố huynh đệ! Cẩn thận!”
Trương Thính Tuyết lên tiếng cảnh báo rồi chém mạnh kiếm xuống, hoàng kim hoả cầu theo thế chém phóng về phía Cố Bình Sinh, hoả cầu chưa đến nhưng y phục Cố Bình Sinh và lớp cỏ dưới chân y đã bắt đầu bốc cháy, nhiệt độ của hoàng kim hoả cầu thật đáng sợ.
Y phục bốc cháy nhưng gương mặt của Cố Bình Sinh vẫn không chút thay đổi, y thản nhiên hay cơ mặt bị liệt rồi?
Những người chứng kiến không khỏi tặc lưỡi, Trương Thính Tuyết cũng nặng tay quá rồi, chiêu này tại đương trường chỉ có những cao thủ cấp số như Diệp Thu Phong hay U Minh Bức Vương mới tự tin đỡ được mà không sứt mẻ gì.
Hoàng kim hoả cầu chỉ còn cách Cố Bình Sinh khoảng mười bảy mười tám thốn tức là dài hơn cánh tay y một chút thì y dường như mới cử động một chút.
“Khoảng cách này có lẽ đủ...”
Long Hành Vân đang định xông ra thì Cố Bình Sinh đã vung tay lên tát vào hoàng kim hoả cầu một cái, vẫn là cái tát đơn giản và nhẹ tênh như cái tát Biên Bá Hiền.
Hoàng kim hoả cầu tắt ngúm, tất cả đều chấn kinh. Hoàng kim hoả cầu nóng hàng ngàn độ dù là kim loại cũng bị nung chảy vậy mà trước cái tát nhẹ tênh của Cố Bình Sinh lại như một ngon nến leo lét trước gió.
Cố Bình Sinh rốt cuộc là ai? Y dùng loại võ công gì mà lợi hại đến thế? Vô số câu hỏi xuất hiện trong đầu của toàn bộ những người có mặt tại đương trường.
Long Hành Vân và Lãng Thừa Phong cũng kinh ngạc, Lãng Thừa Phong hỏi:
“Long đại ca, huynh có thể phá Diễm Dương Cao Chiếu chỉ trong một chiêu không?”
Long Hành Vân không trả lời:
“Thật khó tin!”
Dập tắt đốm lửa nhỏ bé trước mặt Cố Bình Sinh liền xông về phía Trương Thính Tuyết, chưởng nắm lại thành quyền, Trương Thính Tuyết coi như đủ tư cách để tiếp một quyền của y.
Trương Thính Tuyết bị một tát của Cố Bình Sinh làm kinh ngạc nhưng khi thấy đối phương chủ động công kích ông liền vận lên bảy thành công lực Thuần Dương Kinh, ông không cần phải nương tay nữa.
Keng!!!
Cố Bình Sinh vẫn còn cách Trương Thính Tuyết một trượng thì một mũi thương đã đâm vào yết hầu của y, Thiết Huyết Thương của “Thiết Huyết” Hạ Hầu Thần Khuyết.
Hạ Hầu Thần Khuyết dù không biết Cố Bình Sinh là ai nhưng hắn đã quán mười thành công lực Ngạo Huyết Thần Công vào một thương Xuất Kỳ Bất Ý này đảm bảo có thể xuyên thủng yết hầu của Cố Bình Sinh nhưng...
“Tiểu nhân đánh lén, ăn một quyền của ta đi!”
Giữa đường xuất hiện một Trình Giảo Kim, ánh mắt và quyền đầu của Cố Bình Sinh liền chuyển hướng từ Trương Thính Tuyết sang Hạ Hầu Thần Khuyết nhưng...
Vù!!!
Mũi thương của Hạ Hầu Thần Khuyết còn cách yết hầu của Cố Bình Sinh khoảng ba thốn thì một tấm lục bào đã xuất hiện giữa hai người, một thanh kiếm vẫn còn trong vỏ hờ hững như một đám mây nhẹ nhàng đẩy dạt mũi Thiết Huyết Thương sang một bên. Không hiểu tại sao Cố Bình Sinh cũng lùi ra sau mấy bước.
Hạ Hầu Thần Khuyết biến sắc, đối phương chưa rút kiếm ra khỏi vỏ đã dễ đang hoá giải một chiêu Xuất Kỳ Bất Ý của hắn, rốt cuộc là thần thánh phương nào.
“Tam đệ, quyền hạ lưu nhân! Bớt đi một kẻ địch là bớt đi một phiền phức, đệ có thể nghe lời khuyên của đại ca này một lần không?”
Long Hành Vân truyền âm nhập mật, Cố Bình Sinh vì nể mặt vị đại ca mới kết bái nên đành lùi lại.
Không hiểu tại sao Long Hành Vân lại có cảm giác như mình vừa cứu Hạ Hầu Thần Khuyết một mạng.
Những người khác lúc này nhìn rõ chân diện kiếm thủ vừa xuất hiện đều kinh ngạc ồ lên:
“Long Hành Vân!”
Hạ Hầu Thần Khuyết từng bại dưới kiếm Long Hành Vân đến giờ vẫn chưa nguôi ngoai, hắn dù biết mình chưa phải đối thủ của chàng nhưng lòng tự tôn không cho phép hắn lùi bước, hắn chĩa mũi thương về phía chàng:
“Long Hành Vân, ngươi ra mặt giúp yêu nữ này chính là muốn chống đối cả bạch đạo lẫn Tiên Môn?”
Long Hành Vân còn trẻ nhưng được xếp vào Thanh Vân Bảng nơi chỉ có các võ lâm tiền bối được tề danh khiến cho thế hệ trẻ không chỉ ghen tỵ mà còn tức giận, Hạ Hầu Thần Khuyết cũng vậy. Hắn đem cả bạch đạo lẫn Tiên Môn ra đe doạ khiến Long Hành Vân khó toàn thân mà lui.
Long Hành Vân lăn lộn giang hồ bao nhiêu năm, chút mẹo vặt vãnh này sao có thể làm khó chàng? Chàng ung dung nói:
“Tại hạ là Long Hành Vân, hôm nay tại hạ ở đây có vài lời muốn nói với chư vị anh hùng đó là vị cô nương này không hề lấy trộm Thiên Thư của Tiên Môn.”
“Cái gì?”