Lệ Khinh Ngôn và Vân Khả Tâm đi dạo quanh thôn, trên đường gặp rất nhiều người, nam nữ già trẻ đều có.
Bọn họ chào đón Vân Khả Tâm và Lệ Khinh Ngôn rất nhiệt tình.
Dù ở rất xa nhưng Lệ Khinh Ngôn vẫn có thể cảm nhận được ánh mắt của những người đó đang nhìn mình.
Hiện giờ y là người ngoài duy nhất trong thôn, đối với những người này, y còn tràn đầy tươi mới.
Khi gần đến rìa làng, Vân Khả Tâm đi chậm lại.
Trước mắt là một khu rừng rậm rạp, từ đây chỉ có thể nhìn thấy cây cối, không có gì khác.
Vân Khả Tâm viết lên bảng: Không thể đi về phía trước nữa.
Lệ Khinh Ngôn hỏi “Tại sao? Ta muốn vào rừng xem thử.”
Phạm vi hoạt động hiện giờ của y chỉ giới hạn trong thôn, chưa từng rời thôn.
Y không thể sống mãi ở đây, khi vết thương lành lại, y phải rời khỏi đây.
Dù người dân thôn Đại Phúc rất nhiệt tình với y, nhưng lòng người khó đoán, y không thể đặt hết hy vọng vào người khác, y phải chừa đường lui cho mình.
Y muốn xem thử bên ngoài thôn, tìm hiểu địa hình cụ thể, cố gắng tìm cách thoát khỏi đây.
Qua một thời gian quan sát, y phát hiện một vài lối ra vào thôn thường xuyên có người qua lại, chỉ có khu rừng này là chưa từng có người đi.
Thế nên y chuyển sự chú ý của mình đến khu rừng này.
Có lẽ xuyên qua khu rừng này, thì có thể tìm được đường ra khỏi núi.
Vân Khả Tâm không nghĩ nhiều như y, nàng sợ khu rừng trước mặt, không muốn đi vào.
Lệ Khinh Ngôn thấy nàng không chịu đi, bèn nói.
“Cô về trước đi, một mình ta đi xem thử.”
Vân Khả Tâm lắc đầu, viết lên bảng: Ta đi cùng huynh!
Lệ Khinh Ngôn “Cô không sợ sao?”
Vân Khả Tâm viết: Có huynh ở đây thì không sợ.
Lệ Khinh Ngôn nhìn hàng chữ trên bảng, không khỏi mỉm cười.
Cô nương này dễ thương thật.
Hai người đi vào rừng.
Trong rừng rất yên tĩnh, nắng xuyên qua kẽ hở giữa cành lá, xuất hiện những đốm sáng lớn trên mặt đất.
Gió thổi lay động cành lá, tạo ra những âm thanh xào xạc.
Vân Khả Tâm ôm bảng đen nhỏ, theo sát Lệ Khinh Ngôn.
Nàng không cẩn thận vướng chân vào dây leo suýt ngã, thời khắc quan trọng, Lệ Khinh Ngôn đã đưa tay ra đỡ nàng.
Nàng cuống quít đứng dậy, ngẩng đầu nhìn Lệ Khinh Ngôn, trong mắt hiện lên cảm kích.
Có lẽ vì không thể nói nên đôi mắt nàng luôn biểu lộ những cảm xúc rất phong phú, chỉ cần nhìn thoáng qua là biết được nàng đang nghĩ gì.
Lệ Khinh Ngôn sợ nàng lại ngã, bèn dẫn nàng về phía trước.
Vân Khả Tâm cảm thấy bàn tay đang bị nắm của mình rất nóng, lòng bàn tay đổ mồ hôi.
Từ nhỏ đến lớn, ngoài phụ thân ra thì đây là nam nhân đầu tiên nắm tay nàng.
Nàng nhớ lại cảnh tượng bị Lệ Khinh Ngôn xoa đầu trước đó, trong lòng thầm nói thêm —
Cũng là nam nhân đầu tiên xoa đầu nàng ngoài phụ thân.
Có lẽ vì trong lòng tràn ngập Lệ Khinh Ngôn nên nàng quên mất sợ hãi với khu rừng này.
Cho đến khi hai người đi xuyên qua khu rừng, thấy một vùng đất ngập nước.
Vân Khả Tâm chợt nhớ ra khu rừng này là cấm địa của thôn Đại Phúc!
Lệ Khinh Ngôn dừng bước nhìn cảnh tượng trước mắt, trên mặt lộ ra hoảng sợ.
Hàng chục bộ xương nhỏ xíu trôi nổi trong bùn đen.
Đánh giá hình dạng thì những bộ xương này chắc chắn là của trẻ sơ sinh chưa đủ tháng.
Trong lòng Lệ Khinh Ngôn đầy sợ hãi.
Nếu là dịch bệnh thì không thể chỉ có xương của trẻ sơ sinh.
Trừ khi có ai đó cố ý giết trẻ sơ sinh.
Chẳng trách người trong thôn không bao giờ đi con đường này, chẳng trách Vân Khả Tâm sợ hãi khu rừng này.
Bọn họ chắc chắn biết khu rừng này giấu xương cốt của rất nhiều trẻ sơ sinh!
Lệ Khinh Ngôn đột nhiên quay đầu lại nhìn chằm chằm Vân Khả Tâm.
Trong đầu y hiện lên rất nhiều suy nghĩ, nếu những đứa trẻ này bị người thôn Đại Phúc giết, thì bọn họ là một đám ma quỷ thế nào?!
Sắc mặt Vân Khả Tâm tái nhợt, thân thể khẽ run lên.
Nàng nhận thấy tức giận và nghi ngờ trong mắt Lệ Khinh Ngôn, cuống quít viết lên bảng: Chúng ta không giết những đứa trẻ đó!
Lệ Khinh Ngôn hỏi “Vậy là ai giết?”
Đầu ngón tay cầm viên đá trắng của Vân Khả Tâm run lên, chữ viết cũng không còn ngay ngắn.
Nhưng nàng không để ý nhiều được nữa, nàng viết nhanh một đoạn ngắn:
Là chuyện của rất nhiều năm trước, lúc đó thuế rất nặng, nhiều người không có khả năng đóng thuế thân, đành phải b.óp chết đứa con mới sinh của mình rồi ném vào rừng sâu, nơi này là nơi bỏ thi thể trẻ con.
Lệ Khinh Ngôn đọc những dòng chữ này, tức giận sợ hãi trong lòng tan đi một chút.
Nhưng sắc mặt y vẫn vô cùng khó coi.
Thuế thân là loại thuế tính theo đầu người, có loại một năm nộp một lần, có loại một năm nộp hai lần, không có quy định cụ thể về loại thuế này.
Vài quan viên tham ô đã tận dụng cơ hội này.
Bọn họ vì muốn bù đắp thiếu hụt, hay để cải thiện thành tích của mình, bọn họ sẽ tăng số lần thu thuế thân.
Lệ Khinh Ngôn từng nghe một câu nói rất khoa trương, nghe nói có một nơi nào đó bắt dân chúng phải nộp thuế thân mười ngày một lần.
Đương nhiên, cỏ trên mộ của quan viên kia giờ đã cao một thước rồi.
Chuyện này cũng đủ chứng minh ở một số địa phương nhỏ cách xa thành Thịnh Kinh quả thật đã xảy ra trường hợp cưỡng ép thu thuế nhiều lần.
Nếu người dân không nộp được thuế thân thì chỉ đành cầm ruộng đất nhà cửa. Nếu không còn ruộng đất nhà cửa thì chỉ có thể bán mình làm nô lệ, làm nô tỳ cho các gia đình giàu có ở địa phương.
Một số người không muốn bán đất, càng không muốn làm nô lệ nên không còn cách nào khác là giết và vứt bỏ những đứa con mới sinh của mình.
Vì theo luật bất thành văn, nếu con chưa đủ tháng chết sẽ không tính thuế thân.
Trước đây, Lệ Khinh Ngôn chỉ nghe nói chuyện này, chưa từng tận mắt nhìn thấy.
Bây giờ nhìn cảnh tượng bi thảm trước mắt, y thấy lòng mình nặng nề.
Đây là những sinh mệnh vừa chào đời, chỉ vì gia đình không nộp được thuế mà bị cha mẹ và người nhà gi.ết chết rồi bỏ rơi nơi hoang dã.
Vân Khả Tâm thấy y trầm mặc không nói, trong lòng lo lắng bất an.
Nàng viết lên bảng: Huynh đừng buồn, bây giờ chúng ta không cần nộp thuế nữa, chuyện thế này sẽ không bao giờ xảy ra trong thôn.
Lệ Khinh Ngôn sửng sờ một lát, sau đó cau mày “Mọi người không cần nộp thuế? Tại sao?”
Phàm là con dân Đại Thịnh thì phải nộp thuế, ngoại trừ những thế gia đại tộc có đặc quyền.
Vân Khả Tâm tiếp tục viết: vì nơi này hẻo lánh, quan phủ không biết ở đây có thôn Đại Phúc nên chưa từng có ai đến đây thu thuế.
Nơi này gần như cách biệt với thế giới bên ngoài.
Nó nằm ngoài phạm vi cai trị của triều đình.
Người dân sống ở đây không cần nộp thuế, cũng không cần thực hiện nghĩa vụ quân sự hay lao dịch gì.
Đương nhiên, luật lệ Đại Thịnh không có hiệu lực ở đây.
Nếu ai đó ở đây làm gì phạm pháp, quan phủ cũng sẽ không biết.