“Muốn trở thành luyện đan sư rất khó, không phải là ngày một ngày hai là được. Chưa cần nói về những khả năng khác, chỉ nói về nền tảng kiến thức cần có cũng là khổng lồ.” – Nam Cung Chấn nói.
“Ta có.” – Trần Tiêu chắc nịch.
“Ngươi có?” – Nam Cung Chấn nghi ngờ hỏi.
“Ta đã từng học qua về các loại dược liệu, xin hãy dạy ta trở thành luyện đan sư.” – Trần Tiêu dõng dạc nói, đôi mắt nhìn thẳng vào Nam Cung Chấn.
Nam Cung Chấn nhìn Trần Tiêu, sâu trong đôi mắt cậu là ngọn lửa nhiệt huyết cộng với ý chí sắt đá khó thấy từ những người cùng tuổi.
“Chẳng nhẽ đây là thiên ý” – Nam Cung Chấn nghĩ. Ông đi hái thuốc cùng nha đầu Uyển nhi bắt gặp chàng trai này nằm gục trong bụi cỏ, thương nặng khó tưởng. Thế rồi ông mang cậu về chữa trị, và cuối cùng cậu lại muốn trở thành một luyện đan sư.
“Ta từng tuổi này cũng chưa bao giờ có một đệ tử đúng nghĩa, tiểu nha đầu kia thì vẫn còn quá nhỏ lại ham chơi. Có lẽ đây chính là duyên mà người ta hay nhắc đến.” – Nói rồi Nam Cung Chấn đi về thư phòng ra hiệu Trần Tiêu đi theo.
“Đa tạ sư phụ thành toàn.” – Trần Tiêu biết hành động và lời nói của Nam Cung Chấn có ý gì bèn hô lớn rồi vội vàng đuổi theo ông.
Chỉ còn hai năm là đến lần thế gia tụ hội kế tiếp thế nên vấn đề thời gian rất gấp rút, nhưng Trần Tiêu vẫn hy vọng mình có thể đạt đến trình độ nhất định để có thể tham gia thi thố.
Vì thời gian ở Dược Linh tông khá ngắn cộng với việc chỉ tập trung tu hành nên những điều cơ bản để trở thành một luyện đan sư đến một điều cậu cũng chẳng biết. Nam Cung Chấn sư phụ cũng chỉ biết lắc đầu mà dạy cho đứa trẻ này.
Đầu tiên là về đẳng cấp, mọi người phân thành các ba đẳng cấp chính mà thấp nhất gọi là luyện dược sư gồm nhất nhị tam phẩm. Đẳng cấp tiếp theo sau luyện dược sư tam phẩm sẽ là luyện đan sư hạ trung thượng phẩm rồi đến địa đan sư, thiên đan sư. Khi đã vượt qua thiên đan sư thì xưng hào Đan Tôn.
“Đan dược cũng chia ra cấp bậc từ nhất cấp đến cửu cấp. Mỗi cấp lại có đánh giá về phẩm chất như hạ, trung, thượng, cực và hoàn mỹ.” – Nam Cung Chấn nói.
Muốn trở thành luyện đan sư chân chính phải đạt từ hạ phẩm đan sư trở lên cũng có nghĩa là phải luyện chế ra được đan dược tứ cấp có đan văn, đó gần như là quy luật bất thành văn ở mọi nơi.
Dưới hạ phẩm đan sư chỉ có thể coi là luyện dược sư phục vụ cho phàm nhân và tiểu nhân vật Uẩn Thể Cảnh nên đôi khi đan dược từ tam cấp trở xuống thường được gọi là phàm giai đan. Còn về phẩm chất của đan chính là nói đến tạp chất trong đó.
Hạ phẩm đan thì tạp chất thường là tám phần, dược chỉ có hai phần. Đan dược được đánh giá trung phẩm thì tạp chất năm phần, dược liệu năm phần. Thượng phẩm thì từ sáu đến tám phần dược liệu. Đạt đến cực phẩm thì chỉ còn một thành tạp chất, gần như là đỉnh cao mà các luyện đan sư hướng tới. Còn đan dược hoàn mỹ thì khó như lên trời, trừ khi tư chất về đan đạo cực cao mới có hy vọng. Dù sao hoàn mỹ và cực phẩm đan dược cũng chẳng khác nhau là mấy, đan dược hoàn mỹ thì chỉ không lưu lại tai họa ngầm cho tu hành giả nhưng lại vô cùng khó để luyện chế. Còn cực phẩm đan dược tuy hiếm nhưng nhiều hơn gấp bội so với hoàn mỹ đan dược lại chỉ lưu một ít ẩn họa dễ tiêu trừ nên các đan sư cũng ít ai nhắm đến hoàn mỹ phẩm chất.
Ngoài ra, đan dược từ thất cấp trở lên sẽ có đan vân và tạo thành đan kiếp. Đan vân giúp tăng phẩm chất cũng như công hiệu của đan dược vì thế phải chịu quy tắc của thiên địa. Đan vân càng lớn thì đan dược sẽ càng nâng cao phẩm cấp của nó nhưng đổi lại là đan kiếp cũng vô cùng khủng bố nhắm vào đan dược và người luyện đan. Thế nên trở thành luyện đan sư không có nghĩa là bỏ bê tu hành mà còn phải tăng tiến thực lực để có thể chịu được thử thách trong quá trình luyện đan.
“Đó là thường thức về đan đạo.” – Nam Cung Chấn kết thúc giảng thuật.
Trần Tiêu vốn có tư chất trên dược đạo nên đối với những thường thức này cậu nghe như mê như say. Vốn tưởng rằng trở thành luyện đan sư là một con đường khá dễ đi nhưng mà theo cách nói của Nam Cung Chấn sư phụ thì lại không như cậu tưởng tượng. Lòng tin hai năm trở thành luyện đan sư của cậu cũng trở nên có chút sứt mẻ.
Dựa theo những gì đã học được ở Dược Linh tông, Trần Tiêu đã có đủ kiến thức thỏa mãn tiêu chí là luyện dược sư tam phẩm. Việc này đến cả Nam Cung Chấn sư phụ của cậu cũng rất bất ngờ. Kiến thức chỉ cần có, thì thực hành để đạt đến chỉ là chuyện sớm muộn. Giống như một tu hành giả vì lí do nào đó mà tán công trùng tu thì sẽ trở lại cảnh giới cũ nhanh chóng hơn rất nhiều.
Trần Tiêu cũng thường tiếp xúc với lô đỉnh nên việc thực hành cũng khá thuận lợi. Trong một năm học hỏi, cậu đã có thể nói mình là một luyện dược sư tam phẩm hàng thật giá thật. Ngay cả Nam Cung Chấn cũng bảo chỉ xét riêng về tư chất thuần túy trên dược đạo thì cậu cũng bỏ xa những luyện đan sư khác, tiếp cận với đẳng cấp thiên đan sư.
Thế nhưng muốn trở thành luyện đan sư hạ phẩm thì còn khá xa vời. Theo điều kiện của các gia tộc ở đây thì để được xem là hạ phẩm luyện đan sư thì ít nhất phải luyện chế được năm phần đan trong một lò mười mai dược liệu, tỉ lệ đạt năm mươi phần trăm.
Đừng thấy tỉ lệ thấp vậy mà coi thường. Yêu cầu này đối với các luyện đan sư lâu năm cũng khá vất vả do số dược liệu nhiều dễ dẫn đến mỗi phần đan tạo ra có tỉ lệ khác nhau rất dễ dẫn đến tạc lô.
Bình thường các luyện đan sư sẽ luyện từng phần dược liệu để luyện từng viên đan dược để đạt hiệu quả cao nhất, có thể gia tăng thành công lên bảy tám phần. Còn đối với khảo nghiệm của luyện đan sư thì bắt họ phải bỏ một đống lớn dược liệu vào rồi luyện đan tại chỗ nên tỉ lệ thành đan giảm không phanh, chỉ khoảng hai ba phần đan thành phẩm trên mười phần dược liệu.
Vì điều đó nên đôi khi cũng có rất nhiều luyện dược sư tam phẩm có thể luyện chế ra đan dược tứ cấp nhưng lại không có đan văn cũng như tỉ lệ thành phẩm quá thấp nên không được chứng nhận là luyện đan sư hạ phẩm. Trần Tiêu cũng đang gặp phải vấn đề đồng dạng.
Đan dược tam cấp trở xuống gọi là phàm giai cũng không sai. Loại đan dược đa phần đành cho phàm nhân phục dụng khi bắt đầu tu hành và nếu đủ điều kiện thì phàm nhân cũng có thể luyện chế nên mới được đặt tên như vậy. Còn đã đạt đến tứ cấp là sẽ tạo thành đan văn trên đan dược, khiến dược hiệu của đan tăng tiến mạnh, không những thế đan văn càng nhiều thì phẩm cấp đan dược còn gia tăng.
Ví dụ như là Tụ Khí đan một đan dược nhị cấp chuyên dành cho tu hành giả Uẩn Thể Cảnh tăng tốc độ hấp thu linh khí để tu luyện. Nếu đan văn trên Tụ Khí đan đạt đến mức độ nhất định sẽ khiến nó có tác dụng như Bồi Nguyên đan một loại đan dược tam cấp dành cho Tu Thần cảnh tu luyện giả.
Trần Tiêu có thể am hiểu về dược liệu hơn hẳn những người khác nhưng đối với khống hỏa và dụng lô vẫn chỉ là tay mơ nên đã qua một năm luyện tập cậu cũng chỉ có thể luyện chế ra được đan dược tứ cấp không có đan văn. Mặc dù tỷ lệ thành công miễn cưỡng đạt được bốn năm phần nhưng thành phẩm lại không có đan văn vẫn xem như chưa chính thức tiến vào hàng ngũ luyện đan sư chân chính.
Điều này sư phụ cậu cũng không thể chỉ dạy cho cậu, đơn giản vì trình độ của ông mắc kẹt ở hạ phẩm luyện đan sư nhiều năm, cũng vì thế mà bị Nam Cung thế gia đẩy ra phía mạn Tây Bắc Nguyên này để hái thuốc và mỗi định kỳ phải cống hiến một phần đan dược luyện chế ra cho Nam Cung phủ.
Mặc dù vậy, kiến thức cậu học được từ Nam Cung Chấn cũng vô cùng khả quan. Trần Tiêu thiếu thốn thực hành cùng kinh nghiệm thực tế, có thể nói cậu chỉ như một cuốn sách với đầy lý thuyết suông. Việc ở bên ngoài đi hái thuốc, điều chế, luyện đan hàng ngày trong một năm nay giúp cậu xâu chuỗi những kiến thức trong đầu lại rồi vận dụng ngoài thực tế.
Trần Tiêu cũng biết thêm nhiều loại dược thảo mới chỉ có ở Bắc Nguyên và nạp chúng vào trong Thiên dược Dưỡng Linh công của mình. Tu vi của cậu đã đạt đến Uẩn Thể trung kỳ viên mãn thế nhưng vẫn không cách nào đột phá cánh cửa cơ thể để đạt đến hậu kỳ cảnh giới.
Hôm nay cũng như mọi ngày, Trần Tiêu ra ngoài hái thuốc rồi đem về điều chế chuẩn bị dược liệu luyện đan. Uyển nhi cùng với Nam Cung sư phụ đi Nam Cung phủ nộp đan dược nên trang viên khá yên tĩnh.
Trần Tiêu theo thói quen đến thư phòng đọc sách về dược thảo cũng như luyện đan. Vì sư phụ cũng như Uyển nhi không có ở đây nên Trần Tiêu lấy trong túi trữ vật ra Bách thảo kinh, hôm trước cậu vô tình mang theo túi trữ vật ngang qua thư phòng thì Bách thảo kinh tự nhiên phản ứng kịch liệt, dường như trong thư phòng có gì đó khiến nó vô cùng hưng phấn.
Cậu cũng không nói điều này cho Nam Cung Chấn biết, dù sao kẻ mang ngọc thì có tội, an toàn vẫn là trên hết cho dù là đối với người là ân nhân của mình.
Bởi vì những ghi chép, lý giải trong Bách thảo kinh về dược thảo, dược liệu đã vượt quá phạm trù mà luyện đan sư bình thường có thể tiếp nhận, sau khi trải qua học tập và thực hành với Nam Cung Chấn cậu mới nhận ra tác giả của nó không hề tầm thường chút nào.
“Ít nhất người viết ra nó lúc đó cũng phải là một thiên đan sư lâu năm.” – Trước đây cậu vẫn là đánh giá thấp lai lịch của Thần Nông Khương thị này.
Trần Tiêu vừa lấy Bách thảo kinh ra ngay lập tức cuốn kinh trên tay cậu rung động càng mãnh liệt hơn, có cảm giác như những rung động này đang kêu gọi thứ gì đó. Bỗng từ trong góc thư phòng, hướng mà cuốn Bách thảo kinh rung động nhắm đến bùng lên một ngọn lửa.