Ta mơ hồ biết rằng phụ mẫu ta đã xảy ra chuyện, và căn nhà ở huyện Lăng Thủy với hậu hoa viên cũng không thể quay lại được nữa.
Nhưng ta không dám nói, cũng không dám hỏi.
Ta sợ nếu hỏi, Cầm Nương lại ôm ta mà khóc. Nàng rất hay khóc.
Và giờ đây, ta chỉ còn mỗi nàng để dựa vào.
Trong phòng, không hiểu sao, bỗng yên ắng đến đáng sợ.
Chẳng bao lâu, Phượng Nương quay người, dùng khăn tay không ngừng lau mắt, lau xong mắt lại lau mặt, đôi vai run rẩy không thôi.
Trong phòng tĩnh lặng, nhưng tiền viện đột nhiên náo loạn như chảo dầu sôi.
Tiếng khóc thét, tiếng mắng chửi, tiếng xô xát, tiếng khuyên nhủ hòa lẫn vào nhau, xen lẫn cả âm thanh đồ đạc bị đập vỡ loảng xoảng.
Phượng Nương giật mình đứng phắt dậy, ta cũng hoảng sợ, cây bút nhỏ trên tay run lên, nét cuối của chữ "nhân" liền bị viết lệch.
Rất nhanh sau đó, một tỳ nữ dìu Cầm Nương bước vào phòng Phượng Nương.
Tóc tai nàng rối bù, y phục tả tơi, nhưng tiếng khóc xé lòng đã vang đến trước khi người kịp bước qua cửa.
Âm thanh bi thương ấy, dù không có vết thương cũng khiến người ta đau lòng, dù là người vô tình cũng phải chảy nước mắt.
"Phượng Nương, hắn không coi chúng ta là người! Ta không làm nổi nữa, Phượng Nương ơi—"
Cầm Nương vừa vào phòng đã gục xuống giường gấm, vừa khóc vừa kể, nước mắt nước mũi đều thấm ướt trước n.g.ự.c áo.
"Hắn xé rách váy và tất của ta, còn dùng chiếc giày thối của hắn để nhét đầy hoa quả vào rồi ép ta ăn. Hắn đổ rượu lên mặt ta, còn định trói hai chân ta vào cột giường. Ta, ta kêu gào hết sức, ta cào hắn—"
"Những kẻ giàu có không chỉ chơi đùa thân xác chúng ta mà còn giẫm đạp lên cả danh dự của chúng ta. Chẳng lẽ chúng ta sinh ra đã hèn mọn như vậy sao?!"
"Phượng Nương, cầu xin cô tha cho ta lần này, chỉ lần này thôi—"
Cảnh tượng trước mắt làm ta hoảng sợ, bật khóc nức nở.
Phượng Nương quát tỳ nữ bằng giọng lạnh lùng: "Đám hầu hạ vô dụng, mau đưa Hà nhi ra ngoài!"
Sau đó, nàng bước tới đỡ lấy Cầm Nương đang nước mắt tuôn rơi không ngớt.
Tỳ nữ dắt ta ra sân chơi, nhưng qua khung cửa sổ, ta nghe thấy Phượng Nương thở dài: "Ta sớm đã nhận ra ngươi không còn như trước. Ngày trước, chỉ cần có vàng bạc, dù là cóc ghẻ ngươi cũng tiếp, dù là kẻ đê tiện nhất ngươi cũng không từ. Nhưng bây giờ, haiz, ngươi thật ngốc nghếch, ngươi đã rơi vào biển khổ của tình cảm rồi."
Lưu Thiên Hộ đâu phải kẻ dễ động vào?
Huống hồ, trên mặt hắn còn bị Cầm Nương cào mấy vết đầy máu.
Trần ma ma phải hạ mình, nói hết lời ngon ngọt mới nguôi được đôi phần giận dữ của hắn.
Phần giận còn lại, Trần ma ma mời một trung gian có tiếng trong huyện ra dàn xếp, Phượng Nương cũng nhận lời bồi hắn uống ba ngày rượu hoa mới miễn cưỡng dàn xếp xong.
Nhưng vì phải bồi thường quá nhiều vàng bạc, Trần ma ma nổi giận, đòi đuổi ta và Cầm Nương ra khỏi kỹ viện.
"Đến từ đâu thì về đó đi. Chỗ ta nhỏ, không giữ nổi những vị Phật lớn như thế này!"
Ta đứng bên cạnh Cầm Nương, còn nàng quỳ trên đất, nước mắt ròng ròng, cầu xin: "Ma ma, xin người rủ lòng thương, xin người—"
Trần ma ma lật ngược mắt, vung tay ra lệnh cho người đến kéo hai người chúng ta đi.
Đúng lúc đang giằng co, Phượng Nương mặc áo lụa trắng, váy hồng nhạt, với vẻ mặt kiêu ngạo đẩy cửa bước vào.
Nàng khẽ hé đôi môi đỏ, cười nhạt, nói với Trần ma ma bằng giọng thờ ơ: "Ma ma, ở viện này, ai đi ai ở, là do ai quyết định?"
Phượng Nương là cây hái ra tiền của Trần ma ma, là chiếc rương châu báu mà bà không đời nào dám đắc tội.
Hơn nữa, căn biệt viện nằm bên dòng Lăng Hoa này, vốn là do quan lớn họ Ngô cho Phượng Nương mượn ở.
Vì vậy, ta và Cầm Nương được giữ lại.
Nhưng dù được ở lại, đãi ngộ thì khác trước rất nhiều.
Không còn phấn son, không còn bánh trái hoa quả, cũng chẳng còn y phục và trang sức.
Cầm Nương trở thành một đầu bếp thô lậu trong viện, mỗi ngày lo việc đun nước pha trà, hấp bánh điểm tâm, bữa ăn chỉ có bánh bao nguội mà gặm.
Nhưng Cầm Nương lại tỏ ra mãn nguyện: "Bánh bao ngon thế này, ha ha ha, vừa nguội vừa thơm."
Quan hệ giữa Phượng Nương và Cầm Nương cũng dần trở nên hòa hoãn hơn.
Đôi lúc, có những đêm dài buồn tẻ, Cầm Nương còn dẫn ta đến phòng Phượng Nương chơi.
Phượng Nương vốn ít lời, chỉ thích nằm tựa trên giường đọc thơ văn.
Mỗi lần như vậy, Cầm Nương ngồi bên giường làm việc khâu vá, còn ta nằm bò trên chiếc ghế nhỏ tập viết chữ.
Cuối xuân tháng tư, ngày đêm dịu dàng, cây cỏ tươi tốt, hoa lá vừa chớm nở.
Dưới ánh trăng ngoài cửa sổ, Phượng Nương ngồi đọc: "Thượng cổ có Đại Xuân, lấy tám nghìn năm làm xuân, tám nghìn năm làm thu."
Cầm Nương đang se dây đỏ, bỗng khựng lại, không kìm được mà ngẩng đầu hỏi: "Là ‘xuân’ nào thế?"
Phượng Nương mím môi cười: "Từ ‘Xuân’ thứ hai, là chữ 'xuân' trong 'tư xuân'."
"Thế còn ‘xuân’ thứ nhất?"
"'Xuân' thứ nhất, là chữ 'Xuân' trong 'Chu Xuân Đường'."
Cầm Nương lập tức đỏ bừng hai má, tiện tay cầm một chiếc khăn ném thẳng vào mặt Phượng Nương, phì một tiếng: "Con ranh lẻo mép, hư hỏng!"