Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên
Chương 313: Đã tai sướng mắt
Đợi mãi cũng đến giờ khai màn, Đường Tư Kỳ tiến vào hội trường.
Toàn bộ Nhà hát lớn quốc gia có tổng cộng bốn thính phòng lớn trong đó phòng nhạc kịch là lớn nhất. Và buổi hoà nhạc “Tham kiến Ngũ hổ thượng tướng” ngày hôm nay được diễn ra tại đây.
Vào bên trong, Đường Tư Kỳ theo thói quen phăm phăm đi lên phía đầu nơi gần với sân khấu. Thì tự tin mình đang cầm vé đắt nhất mà.
Nhưng không, ghế của cô nằm ở phía sau cơ.
Đường Tư Kỳ khó hiểu đi giật lùi. Là vị trí chính giữa hàng ghế trung tâm lầu một.
Cơ mà sao lại xa thế nhỉ? Liệu có nhầm lẫn gì chăng?
Không được, phải lên mạng tìm hiểu chút, biết đâu bị lừa…
Hoá ra không ai lừa Đường Tư Kỳ hết mà thưởng thức giao hưởng thính phòng khác hoàn toàn với xem kịch hay nghe hát thông thường.
Không phải cứ càng gần sân khấu càng tốt.
Đương nhiên, vị trí dưới lầu một khẳng định tốt hơn trên lầu hai, vì ngồi dưới này còn nhìn được thấp thoáng nghệ sĩ và dàn nhạc chứ leo lên lầu hai là coi như chỉ thu được đường tiếng mất đường hình.
Nhưng ở dưới lầu một mà ngồi gần quá thì nghe không đã thế nên những người mua vé sớm thường nhanh tay chọn những hàng ghế sau. Và khu vực trung tâm dĩ nhiên được săn đón nhiều hơn hai bên cánh gà bởi vì hiệu quả âm thanh ở chỗ này là tốt nhất.
Biết được những điều này, Đường Tư Kỳ mới có thể an tâm yên vị.
Phòng hoà nhạc có quy định không nói chuyện điện thoại, chuyển thiết bị di động sang chế động im lặng, khán giả có thể bỏ tư trang vào túi đựng bên cạnh tay vịn để tránh bị rơi, trong suốt quá trình diễn ra buổi biểu diễn nghiêm cấm quay phim chụp hình và xin đừng vỗ tay giữa các chương nhạc.
Có thể thấy nhà hát rất chu đáo, để ý tính toán cả những chi tiết nhỏ như túi đựng trên tay vịn, kích cỡ ghế, chiều cao lưng ghế, độ nông sâu của chỗ ngồi để đảm bảo rằng khán thính giả có một buổi thưởng thức âm nhạc trọn vẹn nhất mà không bị các tiểu tiết không đáng có quấy nhiễu.
Các thành viên trong dàn nhạc lần lượt vào vị trí, chỉnh trang nhạc cụ của mình. Quý ngài nhạc trưởng lịch lãm trong bộ tuxedo đen tuyền, tay cầm cây đũa baton, hiên ngang đứng lên bục cao nhất sân khấu.
Toàn bộ khán phòng vỗ tay nhiệt liệt. Buổi biểu diễn chính thức bắt đầu.
Lúc trước chơi game, Đường Tư Kỳ chưa một lần cẩn thận nghe kỹ nhạc nền. Nhưng khi những nốt nhạc đầu tiên vang lên, cô lập tức nhận ra ngay đây chính là bài nhạc trong game Vương Giả Vinh Diệu. Tuy rằng chỉ xuất hiện đoạn ngắn mỗi đầu game, nhưng là một người chơi thâm niên, nghe nhiều tự khắc giai điệu ngấm vào đầu lúc nào chẳng hay.
Nhưng mà phải tới đây xem tận mắt thì Đường Tư Kỳ mới biết thì ra cái đoạn du dương da diết là độc tấu violin, còn cái khúc hào hùng dồn dập là sự kết hợp của trống và cả dàn bộ gõ đồ sộ mà có nhiều nhạc cụ Đường Tư Kỳ còn chẳng thể gọi tên.
Giờ mới hiểu tại sao giá vé hoà nhạc lại đắt tới vậy bởi không chỉ đã tai mà còn sướng mắt. Tuy rằng không hiểu gì hết nhưng Đường Tư Kỳ cảm thấy sự phối hợp của họ hết sức tuyệt vời. Dưới sự dẫn dắt tài tình của quý ngày nhạc trưởng cùng chiếc “đũa thần” quyền năng, cả dàn nhạc với biết bao con người hợp tác khăng khít không lệch một nhịp. Đũa lên cao thanh âm bay bổng cao vút, đũa xuống thấp thanh âm da diết lắng đọng, đũa nhanh nhạc dồn dập như trống trận, đũa chậm nhạc du dương uyển chuyển như dòng suối mát lành.
Tất cả kết hợp nhịp nhàng nhuần nhuyễn tạo thành một tác phẩm hoàn chỉnh, quả thực quá thần kỳ.
Một điểm đặc sắc trong bản giao hưởng “Tham kiến Ngũ hổ thượng tướng” là sử dụng phần lớn nhạc cụ dân gian Trung Quốc. Hơn nữa mỗi anh hùng sử dụng một loại nhạc cụ riêng biệt nhằm làm nổi bật tính cách cũng như khí phách của họ. Ví dụ như, âm nhạc của Quan Vũ dùng sáo trúc, của Hoàng Trung dùng khèn, của Triệu Vân dùng hồ cầm, của Trương Phi dùng tiêu và Đường Tư Kỳ thích nhất là khúc tấu đàn tỳ bà của anh hùng Mã Siêu.
Chính vì thế bản giao hưởng mang phong cách rất Trung Quốc, tuy kết hợp cả nhạc cụ tây phương nhưng không hề xa lạ khó nghe, ngược lại càng làm khá giả cảm thấy mới lạ, thích thú.
Tất cả khán giả trong khán phòng giờ phút này đều đang ngất ngây chìm đắm trong những cung bậc âm thanh. Khi nốt nhạc cuối cùng dừng lại, pháo tay dưới khán đài vang lên như sấm dậy. Đường Tư Kỳ cũng phấn khích vỗ đỏ lựng hai lòng bàn tay.
Quý ngài nhạc trưởng cùng dàn nhạc làm động tác chào bế mạc đầy lịch lãm rồi lui vào hậu trường. Khán giả lục tục đứng dậy ra về trong tiếng tán thưởng xôn xao.
Đường Tư Kỳ theo mọi người đi ra ngoài mà bước chân bồng bềnh như đi trên mây, trong đầu dường như âm nhạc vẫn ngân vang chưa tắt. Cô cảm giác hôm nay mình đã bước vào một thế giới mới, thế giới diệu kỳ của âm thanh và giai điệu.
Đường Tư Kỳ phấn khích chạy ra đại sảnh, nhặt hết các tờ bướm giới thiệu các xuất diễn khác trong tuần.
Nhìn chung giá cả không quá đắt, vé thấp nhất tầm trên dưới một trăm. Với mức này thì Đường Tư Kỳ có thể mua được.
Trong cơn ngất ngây, Đường Tư Kỳ chợt nhận ra dụng ý của rương bảo vật.
Thì ra hệ thống tặng vé là để cô có cơ hội trải nghiệm nhiều lĩnh vực, trau dồi tri thức, mở rộng tầm nhìn, để từ đó khám phá bản thân, thấu hiểu chính mình. Và chỉ khi hiểu rõ chính mình mới có được cuộc đời hạnh phúc.
Khi Đường Tư Kỳ trở về hostel đã là mười giờ tối, cô mở máy ra mới biết Phòng nhân sự công ty Du Cốc gửi tin nhắn trả lời
[ Xin chào cô Đường, chúng tôi để ý các tác phẩm gần đây của cô đều sáng tác về chủ đề Bắc Kinh. Vừa hay công ty chúng tôi nằm gần Trung tâm nghệ thuật 798 ở quận Triều Dương, Bắc Kinh. Nếu đã tới Bắc Kinh rồi, tại sao cô không đến công ty chúng tôi một chuyến trước khi đưa ra quyết định? Ngay cả khi không tới làm việc thì cũng có thể tới chơi, giao lưu gặp gỡ mà, phải không? Công ty chúng tôi có rất nhiều tựa game đang tiến vào giai đoạn phát hành, hoan nghênh cô Đường tới chơi thử và nhận một vài món quà nhỏ là những thiết bị ngoại vi, phụ kiện chơi game. Tại đây, công ty chúng tôi chân thành mời cô đến tham quan. Rất mong được gặp cô tại trụ sở công ty. Trân trọng.]
Cuối đoạn tin nhắn, đối phương trịnh trọng để lại họ tên cùng số điện thoại cá nhân, địa chỉ công ty và hướng dẫn chỉ đường cụ thể.
Sự thình tình tiếp đãi này khiến Đường Tư Kỳ thoáng lung lay do dự.