Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên
Chương 321: Độc nhất vô nhị
Quả là một chủ đề mới mẻ và…độc lạ, tính ra cũng đã đi khá nhiều bảo tàng, cấp quốc gia có, cấp địa phương cũng không thiếu, quy mô lớn nhỏ đủ cả nhưng Đường Tư Kỳ chưa thấy nơi nào tổ chức trưng bày hay triển lãm về đề tài này.
Từ đây tới đó chỉ cách sáu trạm buýt, hai chị em nhảy lên xe, vèo cái đã tơi đầu đường Hạ Mã Khẩu.
Nơi này rất có cảm giác Bắc Kinh cổ, một chút cổ kính, một chút cũ kỹ, hoàn hảo níu giữ thời gian. Dưới mái hiên thâm thấp, một người nghệ nhân già đeo cặp kính lão cắm cúi bên những món đồ thủ công sắp sửa thất truyền.
Xuyên qua con đường đá, những bờ tường rêu xanh cùng hàng dây leo tường vi đỏ rực, Đường Tư Kỳ và Trương Thiên Ý cũng đến được Quần thể lăng mộ thái giám Điền Nghị.
Đọc cái biển thì có vẻ rất hoành tráng nhưng hoàn cảnh thực tế đơn sơ tới thảm thương, vé vào cổng cũng thấp nhất trong tất cả những nơi Đường Tư Kỳ từng đến, chỉ 8 đồng một người, rẻ như cho!
Mua vé qua cổng, Đường Tư Kỳ cũng không nghĩ nhiều, phăm phăm tiến vào phòng triển lãm đầu tiên.
Bỗng nhiên, Trương Thiên Ý kéo ngược cô lại: “Ấy chị, từ từ đã.”
Đường Tư Kỳ khó hiểu hỏi: “Làm sao vậy?”
“Khụ…chị…có sợ ma không?”
Đường Tư Kỳ không hiểu lắm nhưng cũng thành thật lắc đầu: “Không sợ, vốn dĩ trên đời này làm gì có ma quỷ.”
Tuy nhiên cô cũng ý thức được nỗi băn khoăn của Thiên Ý. Cô ấy nghiên cứu huyền học mà, cả ngày xoay quanh cát hung lành dữ, âm dương quỷ thần, không ít thì nhiều cũng lưu lại chướng ngại tâm lý.
Đang muốn an ủi cô em đừng sợ thì lại nghe được câu hỏi choáng váng đầu óc: “Thế chị có sợ xác ướp không?”
Lời này khiến Đường Tư Kỳ rùng mình dựng ngược tóc gáy: “Là…là sao?”
Trương Thiên Ý nuốt nuốt nước miếng, lấm lét thì thầm: “Ở chỗ này…phòng triển lãm đầu tiên đặt nguyên một cái xác ướp…”
Má ơi, kích thích vậy sao? Đường Tư Kỳ vốn nghĩ viện bảo tàng thái giám thì sẽ trưng bày những cổ vật đồng thời cung cấp những kiến thức có liên quan tới các vị thái giám thời cổ đại chứ hoàn toàn không nghĩ người ta còn trưng bày cả xác ướp.
Công nhận nghe xong cũng hơi rờn rợn thật. Mất một lúc Đường Tư Kỳ mới bình tĩnh lại được, cô hít vào một hơi thật sâu, nói cứng: “Chẳng phải em vẫn thường bảo tới cũng đã tới rồi, 8 đồng thì không phải là tiền sao, không thể uống phí, đi thôi!”
Vừa vặn lúc này có thêm một vị khách tiến vào, thế là hai chị em mừng quýnh, lập tức nối gót chạy theo.
Nhưng vào rồi mới biết toàn là thần hồn nát thần tính, cái xác khô không hề gớm ghiếc đáng sợ như những gì mình tưởng tượng. Trên bảng giới thiệu bên cạnh ghi rõ, cái xác được khai quật trong khuôn viên quần thể lăng mộ, là một thái giám chưa rõ danh tính, thông qua kiểu tóc hẳn là đã từng quy y tu hành, nhưng dường như cuộc đời xấu số, lúc sinh thời có lẽ từng bị dùng làm người thử thuốc, cơ thể lưu trữ lượng lớn kim loại nặng không thể phân huỷ thế nên cho đến nay thân xác vẫn còn nguyên vẹn.
Nhưng đừng tưởng ải đáng sợ nhất đã qua, cuộc hành trình tiếp theo cũng nặng nề không kém. Hai chị em lần lượt đi tham quan bộ sưu tập các kỷ vật của thái giám, phòng thiến tái hiện lại quá trình tịnh thân, các dụng cụ tịnh thân và sự biến đổi về mặt sinh lý cũng như tâm lý của các thái giám sau khi tịnh thân.
Có thể nói, 400m2 viện bảo tàng chính là kho tư liệu sống động về lớp người đặc biệt và bí ẩn trong triều đại phong kiến Trung Hoa. Những hiện vật bây giờ nằm im lìm bất động nhưng mấy trăm năm trước chúng đã chứng kiến hết thảy nỗi đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần, nỗi thống khổ sống không bằng chết, sự ê chề nhục nhã và tâm nguyện chung duy nhất của tất cả các thái giám đó là sau khi qua đời được chôn cùng bộ phận sinh dục để kiếp sau nếu có đầu thai sẽ được trở lại làm một người đàn ông chân chính, toàn vẹn.
Đường Tư Kỳ xem xong thực sự không biết phải nói gì, chỉ có thể thốt lên ba chữ “tàn khốc quá!”.
Nơi đây là viện bảo tàng thái giám đầu tiên và duy nhất trên khắp cả nước. Viện bảo tàng nằm trong quần thể lăng mộ thái giám Điền Nghị (1), một vị thái giám trải qua ba triều vua nhà Minh và rất được Vạn Lịch đế hay còn gọi là vua Minh Thần Thông cực kỳ sủng ái, thường xuyên giao phó các nhiệm vụ quân sự và chính trị quan trọng.
Năm 1605, sau khi Điền Nghị qua đời, Vạn Lịch đế đã cho xây dựng lăng mộ ngoài Tử Cấm Thành.
Đi qua dãy phòng triển lãm là tới toà cổ mộ của Điền Nghị. Và điều khiến người ta không ngờ tới chính là quy mô cũng như thiết kế của ngôi mộ quá mức hoành tráng bề thế. Dù có được hoàng đế sủng tín đến mấy thì Điền Nghị cuối cùng cũng chỉ đạt đến chức quan tứ phẩm mà thôi. Ấy vậy mà trước mộ ông ta xây cổng Thần đạo (Shinto), dựng cột trụ trang trí Hoa (Huabiaos) và hai bên có hai pho tượng quan văn quan võ hàng nhất phẩm đứng hầu.
Trong lăng mộ còn có rất nhiều các tác phẩm chạm khắc tinh xảo cùng nhiều bia đá cột trụ hoành tráng khí thế.
Có thể nói đối với một chức vụ thái giám thì mức độ đãi ngộ như thế này đã là vinh quang và long trọng đến cực hạn rồi.
Ra khỏi lăng mộ, cứ tưởng chuyến tham quan đến đây là kết thúc, Đường Tư Kỳ đang định xoay người đi ra cổng thì đột nhiên bị Trương Thiên Ý giật ngược lại
“Chị, chưa đi xem địa cung mà!”
Đường Tư Kỳ tròn mắt ngạc nhiên, hiển nhiên là cô không thể ngờ nơi đây có cả địa cung, đã vậy còn mở cửa cho khách xuống tham quan.
Còn nhớ lần đầu tiên cô đi xuống hầm mộ là ở Bảo tàng cổ mộ Lạc Dương. Mà đợt đó đi không có chủ đích, ngu ngu ngơ ngơ thế nào cắm đầu xuống Cảnh Lăng, bị một phen hú tim sợ gần chết.
Và thật không ngờ, ngày hôm nay tại nơi đây lại gặp một lần nữa. Trong khu lăng mộ của một vị thái giám triều Minh cũng có xây cả địa cung!
===
Chú thích:
(1)Điền Nghị (1534-1605), tịnh thân và vào cung năm 9 tuổi. Là thái giám trải qua ba triều vua nhà Minh là Gia Tĩnh, Long Khánh và Vạn Lịch.