Trác Vĩnh Thanh đến nhà, gõ mở cửa. Vừa trông thấy quân trang thì bên trong ném một cái vò ra, Trác Vĩnh Thanh giơ tay đỡ, vò vỡ thành mấy mảnh, có một mảnh nhỏ xẹt qua thái dương của hắn, trên trán vốn có vết thương giờ tăng thêm một vết, máu chảy ra từ vết thương.
Người ở bên trong ném vò ra là trưởng nữ Hà Anh, thiếu nữ khập khiễng Hà Tú nấp ở phía sau, đôi mắt giấu sau tóc dài tràn ngập khủng hoảng.
Trác Vĩnh Thanh giơ tay sờ máu chảy ra, giơ cao tay nói:
- Không sao không sao, xin lỗi . . .
Trác Vĩnh Thanh tạm dừng rồi nói tiếp:
- Ta tên Trác Vĩnh Thanh, đã gặp mặt nhau rồi, ta đại biểu Hoa Hạ quân đến báo cho hai vị cô nương về chuyện của lệnh tôn. Hoa Hạ quân sẽ cho các ngươi một kết quả công bằng công chính, sự tình sẽ không kéo quá dài, người dính líu đến chuyện này đều bị điều tra. Đây là ít vật tư, lương thực cần dùng gấp, hãy tạm nhận lấy mà dùng, xin đừng từ chối. Ta đi đây, vết thương không nặng, đừng sợ.
Trác Vĩnh Thanh cầm lấy hai cái túi để trên ngựa xuống đặt ở cửa.
Hà Anh giơ chân đá:
- Không cần thứ thối tha của các ngươi!
Nhưng nàng không có sức lực, Trác Vĩnh Thanh buông đồ xuống rồi tiện tay khép cửa lại, nhảy lên xe ngựa nhanh chóng rời đi.
Không muốn dọa sợ người ta, lần sau lại đến gặp vậy.
Trác Vĩnh Thanh nghĩ như thế, ấn vết thương chạy nhanh về, hôm sau lao đi Thành Đô.
Đây là lần gặp mặt thứ hai của hai người, Trác Vĩnh Thanh không biết tương lai sẽ như thế nào, nhưng cũng không cần suy nghĩ nhiều, bởi vì hắn ra chiến trường. Ở thời đại lửa chiến không ngớt này, ai có thể suy nghĩ nhiều những việc này chứ?
. . .
Phong loan như tụ, ba đào như nộ.*
(*) Trích từ bài thơ Sơn Pha Dương – Đồng Quan hoài cổ.
Đồng Quan là vị trí chiến lược quan trọng của Trung Quốc (wiki Việt có miêu tả cụ thể hơn).
Phong loan như tụ: Hình dung dãy núi dày đặc bốn phía Hoa Sơn, địa thế hiểm yếu. Ba đào như nộ: Hình dung nước Hoàng Hà hùng dũng sóng lớn, nộ có nghĩa là tức giận.
Đây là tác phẩm tiêu biểu lúc tuổi già của Trương Dưỡng Hạo, nguyên bài: Phong loan như tụ, ba đào như nộ, sơn hà biểu lý đồng quan lộ. Vọng tây đô, ý trù trừ. Thương tâm Tần Hán kinh hành xử, cung khuyết vạn gian đô tố liễu thổ. Hưng, bách tính khổ; vong, bách tính khổ.
. . .
Uy Thắng.
Từ tường thành Thiên Cực cung nhìn ra ngoài, phương xa là dãy núi trập trùng, đường đất vàng kéo dài, phong hỏa đài xây dọc theo ngọn núi, người đi đường xe ngựa như mắc cửi từ bên kia núi lại đây.
Thời gian là buổi chiều, Lâu Thư Uyển mệt muốn xỉu, nàng vịn tường chắn mái trên cung thành nhìn cảnh sắc này, chậm rãi bước đi.
Trong mấy ngày qua, Lâu Thư Uyển bận rộn không ngừng nghỉ, bôn ba các phương chỉnh lý thế cục, tăng cường phòng ngự. Cũng đi bái phỏng và du thuyết mỗi một người tham dự hết sức quan trọng trong thế lực Tấn Vương, hoặc là nói rõ lợi hại hoặc là đao thương uy hiếp. Đặc biệt là mấy ngày gần đây Lâu Thư Uyển từ bên ngoài trở về, lén móc nối đầu này đầu kia, từ ban ngày đến đêm tối, gần như không chợp mắt, hôm nay rốt cuộc quyết định chuyện mấu chốt nhất trên triều đình.
Chuyện này sẽ quyết định số phận của mọi người, Lâu Thư Uyển không biết quyết định này là đúng hay sai, mãi đến lúc này trong cung thành vẫn liên tục thương nghị tình thế gấp gáp tiếp theo. Nhưng chuyện thuộc về nữ nhân như âm mưu riêng tư, uy hiếp, lục đục với nhau . . . thì đã tạm xong xuôi.
Quay đầu nhìn lại, Thiên Cực cung nguy nga trang nghiêm, xa hoa thối nát, đây là kết quả sau khi Hổ Vương đại hưng thổ mộc vào lúc không ai bì nổi nhất, hiện giờ Hổ Vương đã chết ở trong một căn phòng tối hẻo lánh nào đó, dường như đang nói cho Lâu Thư Uyển rằng mỗi nhân vật oai phong một cõi thật ra cũng chỉ là người bình thường, thời tới thì sánh vai với thiên địa, số mất thì anh hùng không tự do. Lúc này đám người nắm giữ Thiên Cực cung, nắm giữ Uy Thắng cũng có thể vào phút tiếp theo sụp đổ hết.
Người Nữ Chân đến, chuyện gì đến cũng đến, khó mà cứu vãn. Chiến đấu ban đầu nằm ở phía đông Đại Danh Phủ, Lý Tế Chi rời khỏi cuộc chơi. Tiếp đó ba mươi vạn chủ lực của Nữ Chân Đông Lộ quân đến Đại Danh, Đại Danh Phủ chống cự hơn nửa tháng trong núi thây biển máu, cùng lúc đó, Chúc Bưu dẫn dắt Hắc Kỳ định tập kích bến đò Hoàng Hà nơi Nữ Chân xuôi nam, sau khi không đánh thắng được thì bỏ chạy. Phía bắc Nhạn Môn Quan, đại quân Tông Hàn càng khó ứng phó hơn đang từ từ ập đến.
Vương Cự Vân đã bày ra tư thái nghênh chiến, không ai đoán được hết suy nghĩ trong đầu vị Vương thượng thư vốn thuộc Vĩnh Lực triều này, nhưng lựa chọn tiếp theo đến lượt Tấn Vương quyết định.
Vậy là còn hai lựa chọn: Thứ nhất, tuy phối hợp lực lượng của Hoa Hạ quân xử lý Điền Hổ, nhưng về sau thanh lý nhiều quan viên người Hán khuynh hướng Nữ Chân trong danh sách bị lộ, Tấn Vương và Kim quốc trên danh nghĩa vẫn không trở mặt. Tông Hàn sắp giết tới, cứ để mặc, muốn qua đường cứ cho hắn đi qua, chờ đại quân qua Hoàng Hà thì thế lực của Tấn Vương sẽ tại chỗ khởi nghĩa cắt đứt đường lui, vẫn có thể xem là một quyết định tương đối nhẹ nhàng.
Thứ hai là không xem nhẹ trí tuệ của những người Nữ Chân khai quốc như Hoàn Nhan Tông Hàn, Hoàn Nhan Hi Doãn, thừa dịp còn quyền chủ động lựa chọn, nói rõ điều nên nói, phối hợp với minh hữu vẫn tồn tại ở bờ bắc Hoàng Hà, chỉnh đốn tư tưởng nội bộ, nương tựa địa hình gập ghềnh trong địa vực mình quản lý đánh một trận khó khăn nhất. Ít ra sáng tạo phiền phức lớn nhất cho người Nữ Chân, sau đó nếu như chống đỡ không nổi thì rút vào trong núi, di chuyển vào sâu hơn, thậm chí đi hướng Tây Bắc, vậy thì Tấn Vương còn có khả năng thành trung tâm và thủ lĩnh của người kháng chiến phía bắc Hoàng Hà trong các thế lực hiện nay. Nếu có ngày Vũ triều, Hắc Kỳ thật sự có thể đánh bại Nữ Chân, phe Tấn Vương sẽ sáng lập sự nghiệp lưu danh thiên cổ.
Lâu Thư Uyển lựa chọn con đường thứ hai có lẽ cũng là vì nhìn quen tàn khốc, không còn ảo tưởng nữa, nàng không cho rằng đường thứ nhất là chân thật tồn tại. Đầu tiên, người như Tông Hàn, Hi Doãn căn bản sẽ không mặc kệ sống sót sau lưng mình. Thứ hai, dù tạm thời lá mặt lá trái được bỏ qua thì khi thế lực Quang Vũ quân, Hoa Hạ quân, Vương Cự Vân bị dọn sạch ở bờ bắc Hoàng Hà, tinh khí thần bên trong Tấn Vương cũng bị quét hết, cái gọi là dựng cờ khởi nghĩa trong tương lai sẽ vĩnh viễn không xuất hiện.
Tỏ rõ thái độ đối lập trước khi người Nữ Chân tỏ thái độ, đối với nhiều người trong hệ thống Tấn Vương thì ý tưởng này là quá to gan và điên cuồng, bởi vậy thuyết phục từng nhà là một việc cực kỳ khó khăn, nhưng Lâu Thư Uyển vẫn làm được.
Khi ánh nắng ấm áp buổi chiều chiếu xuống, Lâu Thư Uyển cảm giác như chính mình biến thành một con bươm bướm có thể bay đi mất, nàng vẫn luôn trốn tránh, nhưng lần này ánh sáng kia quá nóng bỏng, nàng bay về phía mặt trời.
Sẽ chết rất nhiều người.
Nghĩ vậy, Lâu Thư Uyển chậm rãi bước xuống cung thành, phương xa có bóng dáng đi tới, là Vu Ngọc Lân vốn nên việc nghị sự bên trong.
Lâu Thư Uyển dừng lại, nhìn Vu Ngọc Lân đến gần, trong mắt bắn ra tia nhìn nghiêm túc dò hỏi.
- Cãi cả ngày, tạm dừng nghị sự. Tấn Vương kêu mọi người đi ăn, lát nữa họp tiếp.
- Vậy ngươi đến làm gì?
- Tấn Vương sai ta đến xem nàng, hai ngày rồi nàng không ngủ, hay là vào trong cung nghỉ tạm đi?
- Ngươi không cần quản ta, ta đã làm xong việc của mình, nên xuất binh như thế nào, nên đánh ra sao là chuyện của nam nhân các ngươi. Ngươi đi đi, đừng để sự tình có biến đổi gì.
Vu Ngọc Lân muốn nói lại thôi, nhưng rốt cuộc vẫn là gật đầu, chắp tay:
- . . . được rồi.
Lâu Thư Uyển nhìn Vu Ngọc Lân xoay người mới nói:
- Ta ngủ không được, ở trong cung cũng không ngủ nổi, lát nữa sẽ đi biệt thự của ngươi ở bên ngoài nghỉ tạm.
Vu Ngọc Lân gật đầu, nói:
- Ừ, nàng bảo trọng thân thể.
Sau đó Vu Ngọc Lân đi hướng đại điện.
Lâu Thư Uyển ngồi trên bậc thang dưới chân cung tường một lúc mới sai thị tòng đi theo mình lái xe ngựa tới, rời đi Thiên Cực cung.
Biệt thự ở bên ngoài của Vu Ngọc Lân cách Thiên Cực cung rất gần, lúc trước Lâu Thư Uyển mà vào cung thường sẽ ghé qua đây tạm nghỉ một lúc. Trong thời Hổ Vương, tuy Lâu Thư Uyển quản lý các loại sự vật, nhưng thân là nữ nhân, thân phận thật ra cũng không chính thức, bên ngoài có tin đồn nàng là tình phụ của Hổ Vương, nhưng trừ chính sự ra, nơi ở của Lâu Thư Uyển cách cung thành rất xa. Sau khi giết Điền Hổ, Lâu Thư Uyển trở thành một trong những người cầm quyền thực chất của thế lực Tấn Vương, dù muốn vào ở trong Thiên Cực cung thì Điền Thực cũng sẽ không có bất cứ ý kiến, nhưng nàng ở chung với Lâu Thư Hằng nửa điên, nàng không muốn để người này đến gần trung tâm của Uy Thắng, vì thế dứt khoát chuyển tới ngoại thành.
Mặc dù lúc này trong thành Uy Thắng, Lâu Thư Uyển muốn ở đâu, dù xây tám, mười biệt thự lộng lẫy xa hoa cũng là chuyện dễ dàng. Nhưng nàng quá bận rộn với công việc, gần như không có hứng thú với mấy thứ này, khi vào thành nàng chỉ ngẫu nhiên ở tạm chỗ của Vu Ngọc Lân. Nàng là nữ nhân, mấy năm trước bị đồn là tình phụ của Điền Hổ, hiện giờ cho dù một tay che trời, Lâu Thư Uyển cũng không e dè để người ta hiểu lầm mình là tình nhân của Vu Ngọc Lân, thật sự có kẻ hiểu lầm như vậy cũng sẽ chỉ khiến nàng bớt đi nhiều phiền phức.
Xe ngựa chạy vào từ cửa sau biệt thự, khi Lâu Thư Uyển xuống xe phát hiện đằng trước hơi náo nhiệt, đại khái là đường đệ của Vu Ngọc Lân là Vu Bân Thời kêu một đám đại nho hiển hách vào đây tụ hội. Lâu Thư Uyển cũng từng tham gia tụ hội như vậy nên không để ý tới, phất tay kêu quản sự đừng gây chú ý, lẳng lặng đi sân nhỏ chuyên dụng ở hậu phương để nghỉ ngơi.