Sau đó đại quân tức tốc đi về phía nam, cùng với quân Liêu từ Sơn Đông hợp lại với nhau tại Biện Lương, bức ép triều đình Đại Tống phải ký hiệp ước cầu hòa.
Chiêu thảo Đô giám Gia Luật Hồ Lã tiến lên thấp giọng nói:
- Đại vương, lương thực mà chúng ta mang theo không đủ để chúng ta ở lại Thái Nguyên quá lâu, tại hạ đoán chừng giờ Gia Luật Tân Phong đã đến Tỉnh Hình rồi, không cần đợi tin tức của gã nữa, chúng ta trực tiếp đi xuống phía nam đi!
Quân Liêu khi xâm lược phía nam Đại Tống từ trước đến nay vẫn sử dụng chính sách lấy chiến nuôi chiến, chúng không mang theo quân nhu là bao, cứ cho là có mang thì chủ yếu là vũ khí công thành, còn việc cung ứng lương thực đều dựa vào cướp bóc dọc đường, Phạm Ninh cũng biết thói quen này của quân Liêu, nên hắn đương nhiên áp dụng chiến thuật vườn không nhà trống, khiến chiến lược lấy chiến nuôi chiến của quân Liêu thất bại, năm kia quân Liêu cũng bại trận do mang theo lương thảo quá ít.
Mà lần này quân Liêu đã thông minh lên một tí, chúng mang theo lương khô của hai mươi ngày, lại có kỵ binh có độ linh động cao, đủ để đảm bảo cho chúng hành động tại biên giới của triều Tống mà không bị khó khăn về lương thực.
Tuy rằng Gia Luật Na Dã cảm thấy kiến nghị của Gia Luật Hồ Lã có chút quá cẩn trọng, nhưng gã vẫn tiếp nhận kiến nghị này.
- Được thôi! Sáng mai chúng ta sẽ tiến đến Tỉnh Hình.
***
Sáng hôm sau, tiếng tù và ra hiệu tập kết vang dội trên vùng đồng nội "Tu——" tiếng kèn vô cùng trầm thấp.
Mười một vạn kỵ binh của quân Liêu lập tức tập kết, sau nửa canh giờ, hơn mười vạn đại quân trùng trùng lớp lớp như nước lũ chạy về phía đông nam.
Trên đầu thành, Dương Văn Quảng ánh mắt nghiêm trọng chăm chú nhìn hàng vạn con ngựa đang lao nhanh ở một nơi phía xa cách khoảng mười mấy dặm, cho nên mọi người đều rất kinh ngạc, quân Liêu không tấn công Thái Nguyên, thế chúng đi đâu đây? Chẳng lẽ bọn chúng muốn đến Thử Tước Cốc, chuẩn bị tiến đánh Tấn Nam sao?
Dương Văn Quảng lấy ra bức thư của Phạm Ninh mà ông nhận được ba ngày trước, trong thư Phạm Ninh chỉ ra rằng việc quân Liêu tấn công Thái Nguyên có thể chỉ là ngụy trang, mục tiêu chân chính của bọn chúng vẫn là Hà Bắc.
Hắn yêu cầu Dương Văn Quảng tạm thời án binh bất động, không có mệnh lệnh của hắn không được tự tiện ra khỏi thành hoặc dẫn quân lên phía bắc, nhất định phải chờ mệnh lệnh của hắn.
Dương Văn Quảng lại nhìn bức thư thêm lần nữa, ông mới hiểu vì sao Phạm Ninh muốn khuyến khích Thiên tử đến thị sát Thái Nguyên, thì ra cũng là để làm quân Liêu lơ là, khiến Liêu Quốc lầm tưởng quân Tống đêm toàn bộ tài nguyên đều để tại thành Thái Nguyên.
Binh bất yếm trá (chiến tranh không ngại dối lừa), có thể lôi Thiên tử đến để đánh lừa Liêu Quốc, sợ rằng chỉ có Phạm Ninh mới dám làm thôi, nhưng lại tài tình không kém là có thể khiến Liêu Quốc tin rằng trọng điểm phòng ngự của quân Tống là tại Thái Nguyên.
Hóa ra Phạm Ninh đều đã có sắp xếp hết thảy, giờ khắc này, trong lòng Dương Văn Quảng tràn đầy sự tin tưởng và chờ mong.
- Lão tướng quân, quân Liêu thế này là muốn tiến đánh Thử Tước Cốc sao?
Mười mấy vị tướng lĩnh hỏi tới tấp.
Dương Văn Quảng lắc đầu:
- Không phải đi Thử Tước Cốc, mà là đi Tỉnh Hình.
- Hả!
Tất cả tướng lĩnh đều kinh ngạc, không lẽ quân Liêu muốn đi Hà Bắc sao?
- Lão tướng quân, đây là chuyện gì thế? Chúng ta dùng toàn lực để phòng ngự ở Thái Nguyên, chẳng lẽ là bị lừa rồi sao?
Mọi người đều tranh nhau mà hỏi.
Dương Văn Quảng khoát tay nói với mọi người:
- Xin các vị tướng quân yên tâm, tiểu Phạm Tướng công đã sớm có sắp xếp bên phía Tỉnh Hình, quân Liêu sẽ không thể chiếm được chút tiện nghi nào, bọn chúng sớm muộn gì cũng phải lui về, chúng ta chỉ cần lo việc nghiêm thủ Thái Nguyên.
Lúc này, một binh lính đến báo:
- Trương tham quân Ty tình báo cầu kiến lão tướng quân.
- Mời y tới đây!
Không lâu sau, binh lính dẫn đến một vị quan văn tầm hơn ba mươi tuổi, vị quan văn này tên là Trương Vi, là quan đảm nhiệm chức vụ tham mưu tham quân, cũng là chủ quản của ty tình báo tại Thái Nguyên.
Trương Vi khom người thi lễ, lấy ra một phong thư trình lên Dương Văn Quảng:
- Đây là do Phạm Tướng công phái người mang đến vào hôm trước, nói rằng chỉ cần sau khi quân Liêu rời Thái Nguyên thì ty chức hãy giao phong thư này cho lão tướng quân.
Hóa ra Phạm Ninh còn có một phong thư khác, Dương Văn Quảng lập tức mừng rỡ, vội vàng tiếp nhận phong thư, trong thư không ngờ lại là quân lệnh của Phạm Ninh: "Nếu quân Liêu tiến về Tỉnh Hình, thì lập tức phái quân đội đi giành lấy Lâu Phàn Quan, sau đó gia tăng thêm lính tại Nhạn Môn Quan, chặt đứt đường lui của quân Liêu tại mặt trận phía tây, đồng thời cũng phải nhắm vào quân Liêu chi viện đang đi xuống phía nam."
Dương Văn Quảng hít một hơi khí lạnh, ông lập tức hiểu ra, cảnh tượng hai năm trước lại xuất hiện một lần nữa, Hoàng đế Liêu Quốc vẫn chưa rút ra được bài học, lại lần nữa phái đại quân xâm nhập một mình, lại lần nữa rơi vào bẫy do tiểu Phạm Tướng công bày ra.
Nếu không phải Phạm Ninh kêu ông đi tấn công Lâu Phàn Quan thì ông cũng không nghĩ đến điều này.
Dương Văn Quảng lập tức hạ lệnh cho Thống chế Lý Nghiễm:
- Lý tướng quân hãy dẫn một vạn quân nhanh chóng đến Lâu Phàn Quan, nhất định phải giành được cửa ải này.
Lý Nghiễm lập tức ôm quyền đáp:
- Ty chức tuân lệnh!
Dương Văn Quảng lại nói nhỏ vào tai y vài câu, Lý Nghiễm liên tục gật đầu, đến lúc này mới xuống thành nhận binh.
Dương Văn Quảng lại lập tức lệnh cho Thống lĩnh Trịnh Chiêu dẫn năm nghìn quân nhanh chóng về Nhạn Môn Quan để tiếp viện.
Hiện tại Nhạn Môn Quan chỉ có hai nghìn quân phòng thủ, Trịnh Chiêu từ Nhạn Môn Quan rút quân về đây, giờ y lại phải dẫn quân về lại Nhạn Môn Quan lần nữa.
Dương Văn Quảng không lo lắm về Nhạn Môn Quan, điều ông quan tâm hơn chính là thành bại của Lâu Phàn Quan.
***
Phía bắc huyện Dương Khúc phủ Thái Nguyên vừa vặn chính là núi Hệ Chu, là vùng đất giao thoa giữa mây và núi, địa thế khá hiểm trở, nơi đây có xây Xích Đường Quan và Thạch Lĩnh Quan, tuy nhiên khả năng phòng ngự của những cửa ải này không mạnh, có thể cản trở kỵ binh quy mô nhỏ, nhưng dưới áp lực của mười mấy vạn kỵ binh thì hai cửa ải này cũng chẳng còn ý nghĩa gì.
Cửa ải hiểm yếu thật sự nằm ở phía bắc, ở phía bắc dãy núi Lã Lương Sơn và dãy núi Hằng Sơn liền thành một thể, nằm bắc ngang vùng đại địa Tấn Bắc, núi non sừng sững trở thành khu vực hiểm yếu, phân Tấn Bắc thành bồn địa Đại Đồng và phía nam là bồn địa Hãn Định, Trường Thành được xây dựng trên vùng núi trập trùng này.
Dãy núi hiểm trở hùng vĩ kéo dài cả nghìn dặm này có hai cửa ải, một bên là cửa ải trứ danh Nhạn Môn Quan, nằm ở phía tây Đại Châu ở bắc bộ, thuộc phạm vi quản lý của Đại Tống, bên cửa ải còn lại là Lâu Phàn Quan, nằm trong khu vực Vũ Châu của Liêu Quốc, bị Liêu Quốc khống chế.
Đại đội kỵ binh đều có thể đi xuyên qua hai cửa ải này, Nhạn Môn Quan chủ yếu là để phòng bị quân đội U Châu tiến đánh, còn Lâu Phàn Quan là cánh cửa lớn ở phía nam để quân Liêu ở Đại Đồng xuôi xuống phía nam để đến Thái Nguyên.