- Quan tâm làm chi ạ! Chuyện đó để sau hãy nói, chỉ cần đại tỷ có thể gả được cho người mình thích là được rồi ạ.
Phạm Ninh mỉm cười, tính cách của tiểu nha hoàn này cũng sáng sủa lạc quan lắm.
Lúc này, thuyền nhỏ đến một chỗ ngoặt, Phạm Ninh nhìn thấy tường cao của phủ trạch Chu Lân, thực vật trên đó phủ chằng chịt, rêu xanh cũng rất dày, có thể thấy được đã rất lâu không có người chăm sóc.
Mùa xuân năm ngoái, Chu Lân mắc một cơn bệnh nặng, Phạm Ninh còn đặc biệt đi đến huyện Trường Châu thăm ông ta, về sau khi bệnh tình chuyển biến tốt đẹp, ông ta vẫn luôn ở lại huyện Trường Châu dưỡng bệnh, rất ít khi trở về căn nhà ở thôn Tưởng Loan này.
- Tiểu quan nhân, mấy ngày trước, quản gia nhà này tặng đại nương một ít điểm tâm, hình như là chủ nhân của nhà họ bảo mang đến.
Trong lòng Phạm Ninh kinh ngạc vui mừng, Chu Lân trở về rồi sao?
- A Đào, dừng thuyền lại bên bờ, ta đi xem xem!
A Đào từ từ đưa thuyền nhỏ cập bờ, Phạm Ninh bế muội muội mình lên bờ, dắt bé con đi về phía cửa chính.
Vừa mới đến cửa, bỗng nhiên cửa chính "két" một tiếng mở ra, khuôn mặt tươi cười chân thành của quản gia xuất hiện ở cửa.
- Vừa nhìn thấy tiểu quan nhân rời thuyền, ta liền đoán chắc là tiểu quan nhân đến tìm lão gia.
- Ông cụ có ở nhà không?
- Có chứ! Mời tiểu quan nhân đi theo ta.
- A ồi, chún ta đi âu vậy?
A Đa ôm lấy cổ Phạm Ninh hỏi nhỏ.
- Đi gặp một ông lão, ông ấy sẽ cho chúng ta ăn đồ ngon.
Phạm Ninh đi vào Chu phủ, liếc mắt liền nhìn thấy Chu Lân đang ngồi trong sân ngắm đá Thái Hồ, trong tay còn chống quải trượng, tuổi vẫn chưa đến sáu mươi nhưng thoạt nhìn trông có vẻ tuổi già sức yếu tựa như đã bảy mươi tuổi vậy.
- A Ninh, thi xong khoa cử rồi sao?
Chu Lân hơi mỉm cười hỏi.
- Thi xong rồi ạ, cũng không biết làm được đến đâu, nghĩ nhiều cũng vô ích, nên về nhà thả lỏng tâm trạng một chút!
Chu Lân nhìn thoáng qua cô bé con đang rụt rè ôm lấy cổ anh trai mình, cười hỏi:
- Đây là muội muội cháu?
Phạm Ninh gật gật đầu:
- Nhũ danh của con bé là A Đa, vừa mới hai tuổi, Đa Đa, mau gọi ông đi!
- Ông!
Tiếng gọi của A Đa nghe như tiếng mèo con kêu.
- Khuôn mặt rất giống cháu, quả là một cô bé con xinh đẹp.
Chu Lân khen ngợi từ đáy lòng, lại quay đầu nói với quản gia:
- Lấy hộp gỗ đàn kia trên bàn sách của ta lại đây.
Một lát sau, quản gia liền mang một cái hộp gỗ nhỏ đến.
Chu Lân mở hộp ra, bên trong là một khối ngọc sư tử được điêu khắc từ phỉ thúy lục sắc đậm màu, ước chừng bằng khoảng nắm tay.
- Cái này tặng cho muội muội cháu, lần đầu tiên gặp mặt, cứ coi như là quà ta tặng con bé.
Phạm Ninh giật mình, liên tục xua tay:
- Lão gia tử, cái này thì thôi, quá quý giá rồi.
Khối phỉ thúy xanh đậm này không hề dính một chút tạp chất nào, trong veo hệt như thủy tinh vậy, ít nhất cũng phải trị giá hai ba nghìn quan, em gái hắn không nhận nổi đâu.
- Cháu nhận đi!
Chu Lân mạnh mẽ đưa ngọc sư tử cho Phạm Ninh.
- Đây chính là tác phẩm của Phan Ngọc Lang, người bình thường ta còn lâu mới tặng.
Phạm Ninh đành phải nhận lấy, nói với muội muội:
- Mau nói nào, cảm ơn ông ạ!
A Đa giơ bàn tay nhỏ bé chắp tay, tiếng nói hơi thở đều là của trẻ đang bú sữa mẹ:
- Cảm ơn ông ạ!
Chu Lân mỉm cười:
- Tôn nữ của ta lớn hơn bé con một tuổi, trẻ con ấy mà, tuổi này chính là đáng yêu nhất đấy.
Hai người lại nói thêm vài câu, Phạm Ninh do dự hỏi:
- Lão gia tử rất thân quen với Phan Ngọc Lang sao ạ?
- Có chút giao tình, cháu tìm ông ta có việc?
Phạm Ninh gật gật đầu:
- Con định mời ông ấy khắc cho một thứ, ông cũng biết đấy ạ, Phan Ngọc Lang lớn tuổi rồi, sống lâu cũng không dễ dàng.
- Thứ đồ đó rất quan trọng?
Phạm Ninh gật gật đầu:
- Chính là khối ngọc Thọ Sơn Điền Hoàng của Thủy Hang Đại mà lão gia tử đưa con đấy ạ.
Chu Lân giật mình, ông nhìn Phạm Ninh rồi bỗng cởi đai lưng xuống lấy nửa khối ngọc đưa cho Phạm Ninh:
- Mang viên ngọc này vào trong tiệm của ông ta, Phan Ngọc Lang sẽ giúp cháu khắc một thứ đồ, đây là ân tình mà ông ta nợ ta, chuyện lớn như điêu khắc thế này, đừng lãng phí cơ hội.
- Đa tạ lão gia tử giúp đỡ!
… …
Phạm Ninh ở lại nhà hai ngày nữa, sáng sớm ngày thứ tư, hắn liền đi thuyền đến huyện Trường Châu.
Cùng lúc đó, quá trình chấm bài cũng sắp đến giai đoạn kết thúc.
Công việc của quan chấm bài đều đã xong hết rồi, bây giờ là lúc quan chủ khảo chọn lựa những bài thi trúng bảng cuối cùng.
Danh sách trúng bảng của cuộc thi Giải lần này tại Bình Giang là năm mươi người, ở Đại Tống, đây đã là một chỉ tiêu rất cao, đương nhiên không thể nào so được với phủ Khai Phong, danh ngạch của phủ Khai Phong là một trăm mười người, luôn ở tít trên cao.
Phủ Bình Giang thuộc loại thứ hai, cùng một cấp bậc với các phủ Hà Nam, Đại Danh và Ứng Thiên, đây cũng là bởi giáo dục của phủ Bình Giang phát triển, mỗi khoa cử đều có không ít người trúng cử tiến sĩ.
Dựa theo quy định, tuy nhóm quan chấm bài đã chấm xong hết, nhưng cũng không được rời đi, nhất định phải đợi đến sau khi yết bảng xong thì bọn họ mới được coi là hoàn thành xong lần chấm bài khoa cử này, kết thúc trạng thái "giam lỏng" của bọn họ.
Trương Nhược Anh ngồi trước bàn uống trà, kiên nhẫn chờ đợi quan chủ khảo sẽ triệu tập bất cứ lúc nào, trong lòng ông cũng cảm thấy có phần bất an, không biết lần này huyện học có thể đậu được mấy người?
Lúc này, bạn tốt của ông kiêm người cùng nhóm chấm bài Nhạc Thanh bước nhanh đến.
Ông ngồi xuống bên cạnh, bình tĩnh nói với Trương Nhược Anh:
- Chỉ sợ chuyện mà ông lo lắng đã thật sự xảy ra rồi, ta nghe Dương giáo thụ nói rằng ông ấy chỉ kiểm kê được bốn mươi chín cuốn bài thi, nói là có khi ông ấy kiểm tra sai sót rồi.
- Cái gì!
Trương Nhược Anh đứng bật dậy, ông không nghĩ tới Trương Hiến sẽ thật sự hèn hạ vô sỉ đến như vậy, giữ mất bài thi của Phạm Ninh.
Đây chính là cơ hội giành lấy một suất tiến sĩ duy nhất của Ngô huyện, thế mà lại bị Trương Hiến lợi dụng việc công để trả thù cá nhân.
Ông xoay người muốn đi ngay, Nhạc Thanh liền kéo ông lại, trầm giọng nói:
- Tỉnh táo lại trước đã, lần phân tranh này sẽ mất nhiều hơn được.
Trương Nhược Anh gật gật đầu:
- Yên tâm đi! Ta sẽ không làm lớn chuyện này đâu, ta đi kiểm tra lại bài thi một chút.
- Ta đi cùng ông!
Hai người đứng dậy đi đến phòng quan chủ khảo.
Chu Chấn là một lão giả gầy nhom, tuổi chừng năm mươi, làn da khô vàng, khuôn mặt không sâu sắc, thoạt nhìn có vẻ giống như một lão nông làm ruộng, nhưng ông vẫn là một nhà đại nho nổi danh Tề Châu.
Lần này ông được Lễ bộ của triều đình điều đến phủ Bình Giang làm quan chủ khảo của kỳ thi Giải, dù sao nhân tài của phủ Bình Giang cũng xuất hiện tầng tầng lớp lớp, ông chỉ sợ mình bình phán không chu toàn mà bị người ta nhạo báng.
Cho nên lần này ông chấm bài dựa theo đúng hai nguyên tắc.
Đầu tiên là nguyên tắc cẩn thận từng chi tiết, cẩn thận, cẩn thận, cẩn thận hơn nữa, sẽ không thể nào phán sai cho một thí sinh.