Trong tay nàng có tổng cộng mười lượng tám, nhưng tiền này vẫn chưa đủ để nàng mua nhà mới.
Loại nhà cũ nát vô chủ từ mười năm trở lên này có thể ở tạm sau khi tốn tiền sửa chữa, nhưng vẫn cần phải làm khế ước mua bán nhà, tức là phải bỏ thêm tiền ra.
Nhà trong thôn không đắt, chẳng hạn như tổ trạch của Tống gia, tiêu 30 lượng bạc là có thể mua được, diện tích nằm trong phạm vi bình thường ở thôn. Còn trên huyện, Đại đường ca của nàng chỉ mua một tiểu viện bé tí đủ để đi ra đi vào thôi đã hết 100 lượng, mà vị trí cũng không được tốt lắm.
Căn nhà này của nàng...
Nếu muốn làm khế ước mua bán nhà thì phải đóng ít nhất 20 lượng tiền thuế nhà, cũng không tính là nhiều.
Phải cố gắng trả tiền làm khế ước mua bán nhà trước khi nhà được sửa xong toàn bộ, nếu không đến lúc nhà nàng làm xong, lỡ như bị người ta vô cớ tăng giá thì làm sao?
Đương nhiên, lý chính của thôn bọn họ là người khá tốt bụng, chủ yếu là sợ có người ghen ghét làm khó dễ.
Không sợ chuyện lớn, chỉ sợ chuyện không may xảy ra bất ngờ.
Ngoại trừ 20 lượng tiền làm khế ước mua bán nhà, còn phải đưa cha nương một ít tiền, càng phải có công việc ổn định để bọn họ yên tâm.
Bán đậu xanh tuy kiếm được tiền nhưng không quá hợp lý.
Cho nên không thể bán quả đậu xanh nữa, nhưng nàng có thể bán bánh ú*...
* Bánh ú (còn gọi là bánh bá trạng: Loại bánh làm từ gạo nếp được gói trong lá và hấp chín. Phong tục ăn bánh ú vào ngày Tết Đoan ngọ (5/5 âm lịch) đã phổ biến ở Trung Quốc hàng nghìn năm và còn lan sang các nước Đông Á khác. Một số người Việt Nam còn quen gọi nó là bánh chưng Trung Quốc.
Nguyễn thị xem gạo nếp và đường hôm trước mua ở huyện là của hồi môn cho nàng nên đều mang qua đây, nhưng chỉ có hai thứ này thì không đủ.
Tống Anh quyết định làm một ít bánh ú ngọt, lúc lại mặt* sẽ mang qua cho Nguyễn thị nếm thử trước.
*lại mặt: vợ chồng về nhà bố mẹ vợ sau ngày cưới
Mới dọn đến đây, Tống Anh không tiện đi đi lại lại quá nhiều, hai ngày nay chỉ ở nhà dọn dẹp một chút, đến ngày thứ ba là ngày lại mặt mới trở về Tống gia.
Nguyễn thị thấy nàng thì vội vàng nhào tới, như thể nàng đang ở trong miệng cọp hang sói: "Hai ngày nay nương không tiện đến gặp con, không biết con đã quen chưa? Nhà bên đó có vững chắc không? Cha con chỉ mới quét tước một lượt, cũng chưa kịp sửa chữa cẩn thận..."
"Nương, con sống rất tốt." Tống Anh cong môi cười, "Hai ngày nay con bận rộn dọn dẹp nhà cửa từ trong ra ngoài. Đúng rồi, nương, người nếm thử bánh ú con gói đi. Nếu ngon, con còn muốn nhờ người giúp đấy!"
"Bánh ú?" Nguyễn thị cười cười, sau đó nhìn thứ mà Tống Anh mang đến đây.
Bề ngoài...
Không được đẹp mắt lắm.
Nhưng tấm lòng của nữ nhi đương nhiên phải nhận, Nguyễn thị còn gọi Tống Kim Sơn và Tống Tuân tới, lột ra nếm thử.
"Bánh ú này vàng óng, màu sắc rất đẹp." Tống Kim Sơn khen một câu, sau khi ăn một miếng thì nghi ngờ nhìn chằm chằm bánh ú: "Hương vị cực kỳ ngon, mùi lá sậy tươi mát, gạo nếp dẻo mà không dính, ngọt mà không ngấy..."
"Không ngờ nha đầu con còn có tay nghề tốt như vậy, đây là lần đầu tiên nương ăn cái bánh ú ngon thế này đấy." Nguyễn thị lập tức nói.
Tống Anh không cho linh thủy vào nguyên liệu làm bánh ú, Tống Kim Sơn và Nguyễn thị cũng không nghĩ nhiều, dù sao thuốc mà sư phụ nàng cho rất quý giá, không thể dùng để tưới lau sậy được.
"Nương, người cũng thấy mùi vị của bánh ú do con làm không tệ, nhưng bề ngoài không được đẹp mắt. Người khéo tay, cho nên con muốn nhờ người giúp con gói bánh ú, còn con phụ trách buôn bán." Tống Anh mở miệng.
"Cũng được. Đây là công việc phù hợp, để nương giúp con gói bánh." Nguyễn thị đồng ý rất dứt khoát, thậm chí còn có chút vui mừng.
Có thể giúp được khuê nữ, trong lòng đương nhiên vui vẻ.
Tống Anh lục lại ký ức, có hiểu biết nhất định về bánh ú ở triều đại này.
Những gia đình giàu có quyền quý như hầu phủ cũng có thói quen ăn bánh ú vào Tết Đoan Ngọ, nhưng bình thường trong bánh ú chỉ bỏ mứt táo, đậu tán nhuyễn, lấy vị ngọt làm chủ đạo, đương nhiên cũng có nhân mặn, chủ yếu là cho thịt, nhân hạt thông này nọ, nhưng không quá được yêu thích.