Từ khi sinh ra, cô đã thông hiểu trời đất, trời sinh phản cốt*, là một thiên tài trong chuyện tu hành nên chưa bao giờ tiếp xúc với trần thế. Do đó, Cố Chi Tang cũng không nhìn thấu được lòng người.
(*Phản cốt là phần xương nhô ra ở sau đầu. Trong nhân tướng học, người có phản cốt là người có tài hoa đặc biệt hoặc là người có sứ mệnh cao cả, có con đường khác biệt với những người khác.)
Cô cũng sẽ không thể nhìn ra được bệnh tâm lý.
Tuy nhiên, tổng hợp lại những gì cô đã bói toán phía trước cùng trực giác của mình, kết hợp với câu trả lời của những thí sinh khác thì Cố Chi Tang đã có thể đẩy quẻ ra được chân tướng.
Cô lại đẩy một quẻ khác, hỏi xem suy nghĩ trong lòng mình có phải là sự thật hay không.
Thiên Đạo cho cô câu trả lời là ba quẻ tượng dương, chứng tỏ chân tướng chính xác là như vậy.
Vẻ mặt của cô hơi phức tạp, nhìn về phía Triệu Hằng rồi nói:
“Bạn có từng nghĩ đến một vấn đề rằng, quả thật bạn đã phân liệt ra một nhân cách, thời điểm phân liệt ra cũng đúng là vào lúc bạn sáu tuổi. Tuy nhiên nhân cách trưởng thành và chín chắn đó không phải là {Triệu Hân} như từ trước đến nay bạn vẫn lầm tưởng, mà là {Triệu Tân}.”
Ban đầu, khi nhìn thấy Triệu Hằng thì cô đã phát hiện ra khi đẩy quẻ xem bát tự của cậu ấy thì đã hiện ra nhiều cái tên chồng lên nhau nhưng cô cũng không để ý lắm đến chuyện này.
Trong thời thơ ấu, thiếu niên, thậm chí là thanh niên của Triệu Hằng, cậu ấy có kỳ vọng và mong đợi rất cao về vai trò của một người cha.
Trước đây, bởi vì Triệu Hằng thường xuyên bị cha ruột đánh mắng nên điều cậu ấy hâm mộ nhất chính là một người cha cao lớn, đáng tin cậy của nhà người khác.
Trong lòng cậu ấy đã ao ước không biết bao nhiêu lần: “Nếu cha mình cũng là người như vậy thì tốt biết bao?”
“Nhân cách mà bạn đã phân liệt ra có tính tình dịu dàng, trưởng thành. Tại thời điểm vợ con của mình – hay nói cách khác, là bạn và mẹ của bạn, bị bạo hành thì nhân cách đó sẽ cầm dao lên để bảo vệ hai người, sẽ tấn công lại tên xấu xa kia.”
“Nhân cách đó biết rằng con trai của mình bị tự kỷ, bị chấn thương tâm lý nghiêm trọng nên đã âm thầm giúp đỡ và cổ vũ cậu bé. Khi thấy người vợ của mình mệt mỏi đã chủ động đứng ra gánh vác việc nhà, đắp áo và bóp vai cho bà ấy…”
“Cho đến tận bây giờ, nhân cách kia chưa bao giờ lộ mặt cả, chỉ truyền tải cảm xúc của mình với đứa con thông qua những trang giấy. Nhân cách đó cảm thấy bản thân không thể xuất hiện, không phải là vì ngượng ngùng mà là muốn bảo vệ tâm tư yếu ớt của con trai nhà mình.”
Trong những lời kể bình tĩnh của Cố Chi Tang, Triệu Hằng đã gần như sụp đổ, không ngừng lắc đầu: “Cô đừng nói… Cô đừng nói nữa!”
Cố Chi Tang cũng dừng lại.
Tuy nhiên, Triệu Hằng vẫn không thể ngăn cản được những ký ức đang ùa về trong tâm trí. Những người khác cũng đã tự tưởng tượng tiếp những chuyện mà cô chưa nói ra.
Đúng vậy, đối với một cậu bé ngây thơ, non trẻ thì rõ ràng hình tượng người anh, người cha – một người đàn ông trưởng thanh, sẽ càng khiến cho cậu bé sùng bái hơn.
Đặc biệt là khi bị đánh đập và mắng chửi.
Mà không phải là một người chị.
Bởi vì Triệu Hằng nhỏ bé cực kỳ chán ghét người cha bạo lực của mình, cũng vô cùng khao khát có được một người cha luôn yêu thương và bảo vệ mình. Do đó, Triệu Hằng đã phân liệt ra một nhân cách có hình tượng vĩ đại để bảo vệ cậu bé và mẹ mình.
Đó là một người cha hoàn hảo.
Ông ấy bảo vệ con trai, yêu thương vợ mình, dịu dàng chăm sóc cho gia đình còn vô cùng thấu tình đạt lý. Tên của ông ấy là Triệu Tân.
Đáng tiếc, bởi vì thời điểm Triệu Hằng phân liệt ra nhân cách này thì tuổi của cậu bé vẫn còn rất nhỏ, sự hiểu biết của cậu bé về hình tượng người cha vẫn còn chưa được sâu sắc lắm.
Tuy rằng Triệu Hằng chán ghét tất cả về người cha ruột của mình nhưng suy nghĩ của một đứa trẻ lại đóng khung một suy nghĩ rất rõ ràng: Người đàn ông này chính là cha của mình.
Cho nên, khi cậu bé phân liệt ra nhân cách hoàn hảo là Triệu Tân thì nhân cách đó cũng có khuôn mặt giống hệt người cha ruột đáng ghét của cậu bé.
Triệu Tân biết nhân cách chủ thể đã bị tổn thương tâm lý nên cực kỳ kháng cự những người đàn ông trưởng thành, cũng biết rằng khuôn mặt của ông ấy sẽ dọa đến cậu bé.
Cho nên, Triệu Tân đã cực kỳ tâm lý nói cho Triệu Hằng và những người khác rằng ông ấy là một cô gái.
Là người chị gái “Triệu Hân”.
Trong mười mấy năm qua, một nhân cách có phẩm tính hoàn hảo như ông ấy đã luôn ở bên cạnh làm bạn với Triệu Hằng đến tận lúc cậu ấy mười tám tuổi.
Mãi đến khi, một ác linh đê tiện đã xâm lấn vào cơ thể của Triệu Hằng.
Nó có sức mạnh của bóng đè, nên đã nhìn thấy được tâm lý yếu ớt của Triệu Hằng, lợi dụng sơ hở là lời nói dối có ý tốt của nhân cách thứ hai Triệu Tân để thay thế thân phận “Triệu Hân”.