Q7 - Chương 169: Triều đình kháng tai.
Q7 - Chương 169: Triều đình kháng tai.Q7 - Chương 169: Triều đình kháng tai.
Vũ Tam Tư đi tiễn Vân Sơ xong, trở về không khỏi trầm tư, nói cho cùng quan hệ bọn họ xuất phát từ sự đối địch, hơn nữa hoàng hậu ở đó bọn họ không thể tự chủ lập trường của mình hỏi Vũ Thừa Tự:" Hay là do y làm thế để ép chúng ta rời Lạc Dương?"
Vũ Thừa Tự không đáp mà hỏi:" Bảo đệ tra Hạ Lan Mẫn Chỉ sao rồi?"
"Không có gì cả, hắn xuất hiện ở đó là do tình cờ."
"Một đám sát thủ không hề có căn cơ, người treo thưởng lại chết, không có bất kỳ manh mối nào, thế nhưng Hạ Lan Mẫn Chi lại đúng lúc xuất hiện vào thời điểm đó, đệ tin là tình cờ à? Nếu bảo hắn biết có kẻ muốn ám sát ta nên bám theo kiếm cơ hội làm hiệp sĩ còn đáng tin hơn."
Vũ Tam Tư ngẫm nghĩ:" Huynh nói cũng đúng, có điều đệ vẫn thấy Vân Sơ có động cơ không nhỏ."
"Vân Sơ không làm thế, y là kẻ có mưu đồ lớn, mưu kế nhỏ chỉ làm hỏng việc, kẻ như y không thèm làm. Một người dám đánh hết quan viên trên triều lại còn phải dùng âm mưu thấp kém thế à?"
"Vậy chúng ta có đi Trường An không?”
Vũ Thừa Tự dứt khoát nói:" Đi, tới Trường An, ta cũng muốn tổng kết lại được mất mấy năm qua của chúng ta. Ở Lạc Dương này làm thành việc gì cũng bị người ta nói nhờ hoàng hậu, tới Trường An làm ra thành tựu cho bọn chúng ngậm mồm."
"Ít nhất ở Trường An chỉ cần nỗ lực, thành tựu là của chúng ta, Vân Sơ chưa tranh công với ai bao giờ, y chẳng cần công trạng nữa rồi."
Hạ Lan Mẫn Chỉ đợi mãi không thấy huynh đệ Vũ thị tới nhà bái tạ, cho nên hắn lần nữa tìm tới phủ Vũ Thừa Tự, lấy lý do thăm hỏi.
Đáng tiếc trông cửa mới nhận tiền của hắn xong vẫn không giúp bẩm báo.
Hạ Lan Mẫn Chi đứng dưới cây hòe lớn trước phủ chờ đợi, đợi suốt một ngày không được triệu kiến lại nghe tin Vũ Thừa Tự chuẩn bị tới Trường An làm Trường An lệnh, lòng thất vọng khó nói hết, ở Trường An, hẳn chẳng thể làm được gì.
Tới tháng 9, ba người Ôn Hoan, Địch Quang Tự, Lý Thừa Tu tới Lạc Dương tham gia khoa khảo.
Mười lăm ngày sau ba người Ôn Hoan thành tân khoa tiến sĩ chẳng có gì bất ngờ, thứ hạng của họ là thứ hai, thứ sáu, thứ tám, đều rất tốt.
Khoa khảo lần này do Lý Hoằng ra đề, hắn chính là quan chủ khảo.
Tìm ra được bài thi của ba đứa sư đệ trong hơn 300 bài thi được che tên không có gì khó với Lý Hoằng, vì bài thi bọn họ quá khác biệt so với những người còn lại.
Bùi Hành Kiệm bất mãn với loại khoa khảo như trò đùa này, liên tiếp mấy ngày sau đó hắn dâng tấu, muốn cải cách khoa khảo. Trong đó quan trọng nhất là phần chấm chỉ, từ một người chấm thành nhiều người, ai được nhiều người tán đồng hơn sẽ tính.
Lý Hoằng chẳng để ý tới sự chỉ trích của Bùi Hành Kiệm, trong đầu hắn bây giờ cũng đang nghĩ biện pháp cải cách khoa khảo. Thế nhưng cải cách trong lòng hắn không giống với Bùi Hành Kiệm.
Thêm một đống người chấm thi thì giải quyết được vấn đề gì? Vấn đề ở chính khoa khảo, lấy văn thơ xác định nhân tài mới chính là coi khao khảo như trò đùa.
Tới tuận cuối tháng chín, Lạc Dương vẫn không có mưa, tình hình hạn hán không những chẳng giảm bớt mà càng thêm gay gắt.
Nhiều nơi địa thế cao đừng nói chuyện tưới tiêu, ngay cả nước cho người dùng cũng khó khăn.
Cảnh tượng toàn quốc tổng động viên kháng thiên tai không xuất hiện, chỉ có quan phủ ngày một bận rộn.
Lương thực dự trữ ở thành thị lớn như Trường An, Lạc Dương, Thành Đô, Tấn Dương, Dương Châu bắt đầu vận chuyển tới châu phủ phía dưới, sau đó từ châu phủ phân chia tới các huyện.
Cuối cùng lương thực chỉ có thể dừng lại ở cấp huyện.
Cho nên khi tất cả các huyện lệnh nhận được lương thực đảm bảo, Lý Trị ra lệnh, nơi nào xuất hiện nạn đói quy mô lớn, quan viên nơi đó chết.
Lưỡng đài ngự sử huy động toàn quân tỏa đi muôn nơi, tương tự là mật thám của Bách ky ti, quan viên của lại bộ, hộ bộ, đều tới cấp huyện.
Hoàng đế lần này cho 4824 huyện lệnh quyền lực cực lớn, có thể tùy nghi hành sự trong thời gian thiên tai. Nói cách khác huyện lệnh có thể nắm cả binh quyền, chỉ cần là chuyện liên quan tới thiên tai, huyện lệnh được phép hành động không cần để lý tới lễ pháp lẫn luật pháp.
Chỉ cần đảm bảo bách tính không chết đói.
Đã cho người, cho lương thực, cho quyền lực, nếu như huyện lệnh đó làm việc không tốt thì chỉ có chết hoặc chết cả nhà, không có lựa chọn thứ ba.
Mệnh lệnh Lý Trị đưa ra rất khắt khe đồng thời phần thưởng cũng rất lớn, chia làm ba cấp thưởng, cấp ba sẽ được lại bộ đánh giá thượng, cấp hai được lại bộ đánh giá thượng thượng, cấp một trực tiếp diện kiến hoàng đế nhận thưởng.
Dù đạt cấp nào thì thăng quan tiến chức là chắc chắn.
Nếu không đạt được ba cấp thưởng đó thì tiền đồ đáng lo, cả biểu hiện trung bình cũng không được.
Vân Sơ xem điều lệ xong cảm giác Lý Hoằng đang dọn chỗ cho quan viên của mình, trong quá trình này ắt xuất hiện rất nhiều chuyện trao đổi quyền lực khiến người ta buồn nôn, nhưng nhìn chung thì lợi vẫn nhiều hơn hại.
Trong ý chí của hoàng đế hay mệnh lệnh của thái tử không hề nhắc tới bách tính, bọn họ vẫn giống trước kia, đàn dê sống khỏe hay không chẳng liên quan gì tới con dê, mà toàn bộ do người chăn dê thôi.
Tháng chín mà ve vẫn đang kêu, đây không phải dấu hiệu tốt.
Theo dân gian mà nói, tháng chín ve kêu, đại quân không dừng bước, đây là dấu hiệu binh tai.
Vân Sơ đứng trước bản đồ nghĩ mãi không ra, y tìm mãi không ra trong nước có chỗ nào cần dùng binh. Tiếp đó ý chỉ thứ hai của hoàng đế đưa ra, biên quân tự lo lương thực, thời hạn ba năm.
Thấy ý chỉ này Vân Sơ bừng tỉnh thì ra nguồn gốc binh tai ở đây.
Biên quân Đại Đường hiện có hơn bốn chín vạn người, hoàng đế cho rằng biên quân cường tráng không nên tranh giành lương thực cứu tế với bách tính, thế thì bọn họ ăn cái gì?
Đã sáu năm rồi triều đình không cho biên quân gây va chạm ngoài biên cương, bây giờ tuy ý chỉ của hoàng đế không có lấy một chữ nào cho phép họ ra ngoài, nhưng tất cả các biên tướng đều hiểu chung một ý, đó là cổ vũ họ ra ngoài kiếm ăn.
Ý chỉ này đưa ra, đám tướng lĩnh biên quân ai nấy đều thành người lo dân lo nước, đấm ngực thề thốt với hoàng đế, nhất định nuôi được bộ hạ, không tăng thêm gánh nặng cho hoàng đế, thậm chí có người dâng tấu xin tăng hạn lên năm năm.