Q7 - Chương 202: Lạc Dương thập nhị thời thần. (5)
Q7 - Chương 202: Lạc Dương thập nhị thời thần. (5)Q7 - Chương 202: Lạc Dương thập nhị thời thần. (5)
Đây là cuộc chiến giữa người của thái tử và hoàng hậu, nhưng người gây ra cuộc chiến này lại là hoàng đế Lý Trị ở Tử Vi Cung.
Hôm nay là đêm trăng tròn, ánh trăng vằng vạc phủ ánh sáng bạc trong mát xuống nhân gian, hoàng đế ngồi một mình trên đài cao, dựa lưng vào con gấu lớn.
Từng cơn gió to thổi lá cờ bay phần phật, trở trời rồi, sau liền mấy tháng nắng nóng khô hạn, không trung xuất hiện từng cơn gió to, chỉ là không biết sắp tới có mưa được không, nếu có thì đây chắc chắn là cơn mưa vàng mà tất cả mọi người đều mong mỏi rồi.
Giống với Cung Thành ở Trường An, Tử Vi Cung chiếm cứ vị trí cao nhất trong thành trì, Lý Trị lại ngồi trên đài cao, thành Lạc Dương hoàn toàn nằm trong tâm mắt của hắn không khác gì ở Trường An.
Trường An trông tợ gấm hoa thêu
Nghìn cửa trên nên đã mở đều
Ngựa ruổi bụi hồng phi mỉm miệng
Ai hay vải tiến đã về triều.
Hạ chiếc kính viễn vọng một mắt do Ôn Nhu chuyên môn chế tác cho mình xuống, Lý Trị nói với Thụy Xuân hầu hạ bên cạnh:" Truyền lệnh, không được dùng tới lôi hỏa đạn và du hỏa đạn, phá hủy Lạc Dương không hay."
Lúc này trong thành Lạc Dương thi thoảng có ánh lửa bùng lên, tiếng nổ như sấm lan tới tận cung thành, Thụy Xuân thi lễ:" Bệ hạ, hai phe đã đánh tới đỏ mắt rồi, lúc này có nói gì cũng không ai nghe đâu ạ."
" Phá hỏng Lạc Dương của trẫm thì phải bồi thường."
" Bệ hạ, Tiết tướng quân đợi đã lâu rồi."
Lý Trị phất tay:" Cho hắn vào."
Không lâu sau Tiết Nhân Quý toàn thân giáp trụ đi lên đài cao, vừa tới một cái liền cung kính quỳ rạp xuống đất, đầu cúi thấp không dám nhìn Lý Trị.
Lý Trị khẽ nói:" Tiết khanh chớ sợ, chuyện này không liên quan tới khanh."
" Lạc Dương có loạn, là tội của thủ tướng Lạc Dương là thần."
" Không hề gì, đây là chiến loạn do trẫm khơi ra, ái khanh chỉ cần đem chiến loạn khống chế ở phạm vi nhất định đã là công lớn rồi."
Tiết Nhân Quý khẽ run người, không ngờ hoàng đế lại thẳng thắn thừa nhận chuyện này, ngẩng đầu lên:" Bệ hạ, tả tán ky thường thị Quách Đãi Cử, thượng thư tả thừa Ngụy Huyền đồng, cấp sự trung Lưu Tề Hiền, thái phủ khanh Vi Hoằng Mẫn, Hoằng văn quán học sĩ Hoàn Ngạn Phạm, lại bộ lang trung Vương Đức Chân, trung thư xá nhân Lưu Huy Chi. Rất nhiều các vị trọng thần không chết cũng trọng thương, tổn thất đã quá lớn, khi nào ngừng chiến sự, xin bệ hạ chỉ thị."
Lý Trị khẽ cau mày:" Mới thế thôi sao, còn chưa đủ."
Tiết Nhân Quý quỳ thẳng người chắp tay lại nói:" Khởi tấu bệ hạ, chiến loại dài thêm một khắc, tử thương nặng thêm một phần, tinh nhuệ Đại Đường giảm thiểu một phần, xin bệ hạ thương xót."
Lý Trị nhìn Tiết Nhân Quý:" Ái khanh có phong thái cổ nhân."
Tiết Nhân Quý lập tức ngậm miệng không dám nói nữa.
Lý Trị vẫy tay gọi hắn tới gần:" Hôm nay trăng sáng, ái khanh cùng trẫm uống một chén."
Tiết Nhân Quý vừa quỳ tới trước mặt hoàng đế, con gấu lớn tức thì nhổm dậy, nhe răng ra gầm gừ, được hoàng đế võ về lại ngoan ngoãn nằm xuống.
Triều đình dùng người kỳ thực đều có niên hạ nhất định.
Có người chỉ dùng nhất thời.
Có người dùng một hai năm.
Người dùng được tới năm năm đã là đại tài.
Người dùng được tới mười năm thì chính là trọng thần quốc gia. Còn người dùng tới trên hai mươi năm nếu trên người ông ta không có tuyệt chứng sắp chết, hoặc kiên quyết xin từ chức, dưới tình huống thông thường sẽ không có kết cục gì tốt đẹp.
Hoàng đế Lý Trị đã tín nhiệm Tiết Nhân Quý đã trên hai mươi năm rồi, trong hai mươi năm đó hoàng đế mấy lần gửi gắm tính mạng, biểu hiện của hắn rất tốt.
Bây giờ đã tới lúc Tiết Nhân Quý nên mắc bệnh nặng hoặc từ chức rồi.
Rất nhiều người cho rằng Tiết Nhân Quý chính là cột chống trời hiếm có của quân đội Đại Đường, kỳ thực không phải như thế, một người thường thống lĩnh binh mã dài ngày ở bên ngoài, với triều đình mà nói là vô cùng bất lợi.
Năm xưa Lý Trị vất vả tước đoạt quyền bính của Anh công Lý Tích, rồi kiên nhẫn đợi ông ta chết, đương nhiên không hi vọng trong quân xuất hiện một Anh công mới.
Thay Tiết Nhân Quý đối với quân đội mà nói không phải là chuyện tốt, thậm chí có thể khiến quân đội Đại Đường chiến bại trong cuộc chiến với bên ngoài.
Với triều đình mà nói thắng bại không phải quan trọng nhất, thay thế một tướng lĩnh đã có ảnh hưởng sâu trong quân đội mới là chuyện lớn.
Một người khác cũng được dùng trên 20 năm, đó chính là Vân Sơ.
Nhưng Vân Sơ là trường hợp đặc biệt, vai trò của y là không thể thay thế, nay Đại Đường phát triển chưa từng có, đi trên con đường chưa ai đi, Lý Trị cảm nhận rõ ràng những học vấn cũ, cách làm cũ không còn phù hợp, chỉ níu chân Đại Đường. Trong khi đó chỉ có Vân Sơ dám thử thách những thứ mới mẻ, tìm con đường chưa ai đi, thêm vào y không có hứng thú với quyền lực, chỉ đâm đầu làm thứ khác người, thậm chí trở thành kẻ địch với văn võ toàn triều, nên sự nhẫn nại của Lý Trị với Vân Sơ cao hơn nhiều.
Chẳng qua chỉ là một tòa thành Trường An thủng lỗ chỗ chẳng cách nào phòng thủ thôi, để lại lợi nhiều hơn hại.
Huống hồ y hoàn toàn rút về Trường An rồi, còn Tiết Nhân Quý lại khác.
Vào giây phút con gấu lớn đứng dậy đe dọa mình là Tiết Nhân Quý ngay lập tức hiểu ra, ngày tháng tướng lĩnh của mình đã đếm trên đầu ngón tay. Hơn nữa hắn thậm chí còn hiểu tướng lĩnh quân sự tiếp theo mà hoàng đế coi trọng là ai.
" Bệ hạ, lão thân mấy năm qua ngày càng lực bất tòng tâm chuyện quần quân tác chiến rồi." Tiết Nhân Quý sợ già, rất kiêng ky người nào nói chữ già với hắn, đây là lần đầu tiên hắn tự xưng là lão thần trước mặt hoàng đế."
Lý Trị thuận theo lời Tiết Nhân Quý hỏi:" Có phải là vết thương cũ phát tác không?"
Tới đây thì mọi thứ đã quá rõ ràng, Tiết Nhân Quý mặt trắng bệch đáp:" Đúng thế ạ.
Lý Trị nổi giận:" Đám người thái y viện làm ăn kiểu gì thế, ngay cả vết thương cũ trên người ái khanh cũng không trị được, trẫm cần chúng làm gì nữa."
Tiết Nhân Quý lắc đầu:" Có cậu y dược không trừ hết bệnh, vết thương cũ trên người thần quá nhiều, giống như một cái túi rách vậy, người của thái y viện bao năm qua đã may vá lại, làm tới mức tốt nhất rồi. Giờ tới mức vá chẳng thể vá, không thể trách họ."
Lý Trị thở dài:" Trong quân trừ ái khanh ra thì trẫm có thể tin được ai nữa."
Tiết Nhân Quý nhìn hoàng đế, miễn cưỡng nói:" Thần cho rằng Phong Châu tư mã Đường Hưu có thể trọng dụng được."
Lý Trị xua tay:" Còn chưa thể chủ trì đại cục."
"Lão thần chỉ đề nghị, dùng hay không dùng đều trong ý niệm của bệ hạ.
Lý Trị lắc đầu tựa hồ không muốn nói chuyện này nữa.
Gió thổi mỗi lúc một mạnh, mây đen đã về, thi thoảng che khuất cả trăng trên trời. Thụy Xuân đích thân mang ít rượu thịt tới, Lý Trị và Tiết Nhân Quý ngồi trên đài cao, uống rượu, thưởng trăng, tán gấu.
Chủ yếu là hoàng đế lắng nghe Tiết Nhân Quý kể chuyện mình trải qua trong đời, hoàng đế chỉ tán thưởng hay thở dài ở chỗ đoạn quan trọng, nâng chén mời hắn uống.
Nhìn qua có vẻ quân thần vô cùng hòa hợp.