Công tác tu sửa ở phường Tấn Xương chưa từng ngơi nghỉ một ngày, cái ngõ xiêu vẹo trước kia giờ đã nắn thẳng tắp, mấy công trình người dân tự ý cơi nới ra đều bị dọn hết, làm đường đi thoáng đãng hẳn, hai bên còn toàn bộ là gạch đen, nhìn thế nào cũng vừa mắt.
Chỉ có nhà của phường dân quá nát, đó là điều duy nhất Vân Sơ thấy tiếc nuối.
Nhiều căn nhà có từ triều Tùy, bao năm sửa sang đã chẳng còn phong thái năm xưa nữa, nói là công trình nguy hiểm cũng chẳng phải là khen quá lời đâu. May mà trên nóc nhà toàn cỏ, dù đổ xuống cũng không gây tổn thương nhiều.
Đây không phải là chuyện có thể khắc phục trong một sớm một chiều.
Trồng trúc men theo kênh là việc bất đắc dĩ, hi vọng trúc mọc cao lên che lấp những căn nhà rách nát này.
Đại Đường không có chính sách bồi thường giải tỏa, nếu không may gặp phải giải tỏa, quan phủ sẽ đem phường dân bố trí ở nơi xa xôi, hoặc phường rách nát hơn thôi. Chứ bồi thường kinh tế à? Chưa bao giờ nghe thấy.
Địch Nhân Kiệt ở phường Lễ Tuyền cũng đang làm cái chuyện tương tự, khác với bách tính phường Tấn Xương tích cực trồng hoa, bách tính phường Lễ Tuyền than vãn rất nhiều. Bọn họ muốn chia nhau 500 quan này chứ không muốn đem trồng hoa cỏ gì đó.
Phường Phong An cũng đang trồng hoa, nghe nói tiền do phường dân chia đều ra, Khâu Thần Tích nhìn vào hai phường Tấn Xương, Lễ Tuyến, hắn không muốn thua kém, nên bỏ qua tất cả giai đoạn khác, trực tiếp lệnh bách tính nộp tiền.
Ba loại phương pháp quản lý phường dân khác nhau, tất nhiên cũng sản sinh ra ba loại kết quả, hẳn Lý Nghĩa Phù đang cẩn thận quan sát so sánh. Tin rằng không lâu sau sẽ có bản tấu nội dung phong phú, con số cụ thể bày lên trước mặt hoàng đế.
Đây hẳn là thứ Lý Nghĩa Phù muốn.
Luận tài học, Lý Nghĩa Phù không thiếu, luận thủ đoạn, hắn cũng chỉ thừa mà thôi, thứ duy nhất mà hắn thiếu là chính tích đường hoàng có thể lấy ra để đưa hắn thăng tiến, thế nên ngay từ khi phường Tấn Xương xây cổng phường, hắn đã phái quản gia tới. Sau đó là lấy cái cớ giám sát phường Tấn Xương tiêu tiền, sục sạo khắp phường như con chó già.
Trồng cây là chuyện nhất định phải toàn dân tham gia mới có ý nghĩa, vì chỉ có cây do chính tay mình trồng lên, người ta mới không sinh ra ý muốn phá hoại nó.
Cho nên mỗi nhà trồng năm cái cây hoặc là năm cây trúc, vậy là phường Tấn Xương có hơn ba vạn cây xanh rồi.
Trường An không phải nơi quá thích hợp sinh sống, mùa hè cực nóng, đến mùa đông thì lại cực lạnh, có thêm cây cối, hẳn có thể tạo ra hoàn cảnh nhỏ tương đối ôn hòa.
Vân Sơ đã tới tìm tri khách tăng nói chuyện rồi, sau khi tặng một câu thơ hay "Quanh co đường dốc vắng, hoa cỏ ngát thiền môn", tri khách tăng chỉ ra, bất kể là chùa Đại Từ Ân hay là phường Tấn Xương, hoàn cảnh hai nơi là một, cần cùng nhau tiến bộ, cùng nhau phát triển. Phải đảm bảo tỉ lệ trồng cây thành công, phải đảm bảo mỗi đồng tiền chùa cung cấp được an toàn, dùng tốt, dùng đúng chỗ.
Tất nhiên những lời trên là diễn giải theo giọng văn hành chính của Vân Sơ khi truyền đạt lại cho phường dân thôi, dù sao phường dân nghe xong tinh thần rất tốt, tính quán triệt rất cao, 100% tỉ lệ giơ tay tán đồng.
Trước đó có 27 hộ không tán đồng với lý chính, giờ không biết đâu rồi, nghe nói vào rừng chơi với khỉ rồi.
Thôi nương tử đắc ý lắm, vì trong phong trào toàn phường trồng cây này, một lần nàng trên đường tới nông trang ngoài thành, nhìn thấy một cây long trảo hòe tạo hình độc đáo, cánh cây cứng cáp mạnh mẽ, thân cây uốn lượn rất giống con rồng.
Vì thế nàng bỏ 5 đồng ra mua cái cây với nông gia mà nói còn chẳng phải thứ củi tốt, sai thợ hoa cắt tỉa, nhổ cả rễ lên đem chùa Đại Từ Ân trồng, được tri khách tăng khen hết lời.
Đương nhiên Thôi nương tử cũng kiếm được 10 quan tiền.
Trước khi tháng 3 tới, ba vạn cây của phường Tấn Xương được trồng xong, 160 cây quý của chùa Đại Từ Ân cũng được trồng xong. Vì hoàn thành cải tạo cảnh quan phường Tân Xương, lý trưởng bỏ ra 780 quan.
Đương nhiên tốn kém chủ yếu không ở cây cối và nhân công, mà là vận chuyển đá tạo dải cảnh quan.
Vân Sơ không biết 500 quan của Địch Nhân Kiệt có đủ dùng không, dù sao khoản tiền lớn thế này, Khâu Thần Tích nhất định không thể móc được từ tay bách tính phường Phong An, vì họ không có, nên bắt họ đóng góp cũng chẳng được bao nhiêu.
Địch Nhân Kiệt sẽ không tranh đoạt với Vân Sơ, tên đó kiêu ngạo lắm, hắn tự có tiết tấu của bản thân, không vì Vân Sơ đột nhiên tăng tốc mà làm trái kế hoạch.
Vân Sơ thấy Khâu Thần Tích đùa theo phường Tấn Xương, chắc chắn không chịu nổi bao lâu đâu.
Kiến thiết phường Tấn Xương không hề mù quáng, không phải chỉ để tạo ra bề ngoài đẹp đẽ lấy lòng quan trên. Vân Sơ kiến thiết là để tạo ra công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho phường. Bình quân tính ra, cứ 30 quan tiền đem đầu tư, y sáng tạo ra một công việc ổn định lâu dài, hơn nữa đầu tư này còn từ từ tăng giá trị.
Chính vì thế bách tính phường Tấn Xương không hề có tâm lý kháng cự, ngược lại bọn họ cực kỳ mong lý trưởng mau mau lập kế hoạch kiến thiết. Dù họ không hiểu lý trưởng đang làm gì, nhưng trải qua nhiều chuyện như thế có một đạo lý đơn giản mà ai ai cũng thấy, bất kể lý trưởng làm gì, cuối cùng được lợi là bọn họ.
Khi người cô quả bệnh tật phụ trách quét đất cũng có được 100 tiền và 2 đấu gạo kê tiền công, phường Tấn Xương từ từ sống lại.
Khi nhìn thấy kết cục thê thảm của một người, đối với người xung quanh cũng là đả kích tinh thần, chỉ có xử lý tốt cuộc sống của người tằng chót trong phường, phóng mắt nhìn tới không còn cảnh đau thương, mỗi người sẽ thấy cuộc sống tốt hơn, tính tích cực tăng lên.
Vân Sơ chuẩn bị mở rộng nhà tắm, vì có thêm 500 học sinh, nơi này hiển nhiên không đủ dùng.
Mà sau khi tắm rửa trở thành một thói quen thường nhật, tiền cảnh thu nhập của nó cực tốt, nhất là nhà tắm cung cấp phục vụ kỳ cọ, mọi người ít kháng cự lại nó.
Nhất là nam nhân, họ sở dĩ không thích tắm rửa chỉ có một nguyên nhân thôi ... Lười!
Giờ có cái nhà tắm phục vụ chu đáo thế này, đám thái học sinh đa phần gia cảnh sung túc tất nhiên là thích rồi, có thêm ít nhất 500 khách hàng thường xuyên, ổn định, không kiếm mới lạ.