Nhìn Ôn Nhu tâm sự trùng trùng rời đi, Vân Sơ thở phào, may mà hắn không làm ra chuyện gì kỳ quái.
Thứ Vân Sơ không chịu nổi nhất ở Đại Đường này là tình bằng hữu, chủ yếu vì khi biểu đạt tình bằng hữu, họ thường bất chấp tất cả, làm nó thường xuyên trông rất ư là … ngớ ngẩn.
Ngươi tin không? Ở Đại Đường, người ta dùng đôi uyên ương không phải là biểu đạt tình nhân hay phu thê, mà là biểu đạt bằng hữu đấy ... Rùng cả mình.
Không nhất định là phải giết Luận Khâm Lăng, sự uy hiếp của kẻ này tới Vân Sơ chưa lớn tới mức đó.
Nhưng uy lực thuốc nổ nhất định phải thử nghiệm, đã thế cần đối tượng đủ cường hãn mới chứng minh được, mà đội ngũ y âm thầm tập hợp ba năm qua cũng cần một lần thử lửa thực sự để xem có thể dùng họ tới mức nào.
Trong ba năm qua, Vân gia nuôi dưỡng 124 phủ binh từ chiến trường phương nam trở về.
Những người đó được Vân Sơ dày công lựa chọn, nếu không có y thu nhận, những cô hồn dã quỷ chinh chiến bên ngoài tám năm này sớm thành cường đạo, mã tặc hoặc là kẻ giết người rồi.
Nguyên do là chế độ phủ binh Đại Đường đang sụp đổ, Quan Trung không còn đất để phân chia nữa. Thêm vào bọn họ không phải là phủ binh tinh nhuệ nhất, chiến công hiển hách nhất, bọn họ bị đẩy ra phía sau.
Một viên quan lục phẩm như Vân Sơ mà vấn đề đất đai tới gần đây mới được giải quyết, thế thì tưởng tượng xem số phủ binh hạ đẳng nhiều vô vàn có kết cục gì?
Vì thế những phủ binh tác chiến ở phương nam được chia đất tới tận Trương Dịch.
Tám năm không về, có người cha mẹ đã mất, thê tử cải giá, ruộng đất bị người nhà, tộc nhân phân chia hết sạch. Quan Trung không còn chỗ cho họ nữa.
Em trai đi lính, rồi dì chết
Chiều qua, sớm lại, nhan sắc cũng già đi
Câu thơ này chẳng phải chỉ dùng trên người ca cơ ở giáo phường ti, dùng ở phủ binh cũng thỏa đáng, đi một chuyến, về chẳng còn chi, phẫn uất tràn ngập cõi lòng là điều khó tránh khỏ.
Nên Vân Sơ giống tất cả đại gia tộc khác, lén lút thu nhận bộ khúc, tổng cộng 124 người.
Che giấu chuyện này với Vân gia mà nói không thành vấn đề, nào là nhà ăn lớn, rồi đội vận chuyển đi quan ngoại, chiêu mộ rất nhiều phủ binh.
Đó mới là ý nghĩa thực sự phường Tấn Xương tổ chức bữa tiệc bàn dài đón tướng sĩ trở về.
Phủ binh chiến trường phương bắc về dù không nơi nào để đi thì cũng không tới lượt gia tộc nhỏ như Vân Sơ nhu nhận.
Nên Vân gia đa phần toàn là phủ binh phương nam về.
Những người này có người làm trù tử, làm mã phu, làm cầm canh, rồi trông nhà, ai cũng có công việc của mình. Nhưng một số người lại ghét cuộc sống bình an này, bọn họ thích ngày tháng liếm máu trên đầu lưỡi đao.
Lần trước giết sứ giả Thổ Phồn, Vân Sơ dùng 16 người, hiệu quả rất tốt, lần này y định dùng 100 người cực giỏi bơi lội.
Lúc đi phân tán tới cầu Hàm Dương, khi về men theo đường thủy, giờ lác lúc Vị Thủy nước lớn, chỉ cần vài chiếc thuyền nhỏ là có thể chạy xa trăm dặm.
Khi Ôn Nhu còn vắt óc suy tính thì người của Vân Sơ đã dùng đủ loại thân phận tới cầu Hàm Dương rồi.
Chỉ đợi Luận Khâm Lăng tới ...
Ân Nhị Hổ từ căn nhà cửa khép hờ đi ra, Tú Nương lấy chăn che thân thể và túi tiền căng phồng, số tiền này quá nhiều, nàng muốn gọi hắn, nhưng Ân Nhị Hổ xua tay đi mất rồi.
Vì thuận tiện cho người sau vào, nên cửa không đóng.
Lúc này trời đã tối hẳn, cổng phường Tấn Xương đã đóng từ lâu, cho nên hắn không vào được.
Ân Nhị Hổ không rời phường Quang Phúc nữa, ngồi trên bậc thềm căn nhà mới xây ở nơi này, ngẩng đầu nhìn vằng trăng như móc câu.
Cứ ngồi ngây ra như thế chốc lát, thấy buồn chán, hắn ném một miếng cam thảo, từ từ ép vị ngọt trong đó ra. Vị ngọt của cam thảo không thuần, chẳng ngon lắm.
Chủ nhà mở cửa ra, đứng ở cửa nói:" Đừng ngồi trước cửa nhà ta được không?"
Ân Nhị Hổ chẳng cãi, hắn đứng dậy tới bậc thềm nhà khác ngồi, chẳng mấy chốc lại có giọng nữ rụt rè truyền tới.
"Phu quân của ta không có nhà, trong nhà chỉ có nữ tử, lang quân có thể đi nơi khác, đừng làm hỏng thanh danh của ta được không?"
Ân Nhị Hổ lại lần nữa đứng dậy, phủi đất trên mông, nhìn quanh quất một hồi, đôi mắt thất thần như trẻ lạc lối, chẳng biết đi đâu về đâu.
Bốn bề tối om om, cơn gió đêm lùa qua ngõ tối mang theo hơi lạnh, thổi một cái lá mục vào mặt hắn. Ân Nhị Hổ mới sực tỉnh, nhổ nước bọt vào tay, chạy nhanh vài bước, chân đạp tường vọt lên, bám lấy tường phường.
Khi hắn định dùng sức kéo mình lên thì có giọng nữ ở dưới nói:" Sẽ bị người bất lương bắt đấy."
Ân Nhị Hổ cúi đầu nhìn, thì ra là Tú Nương, lúc này nàng đã mặc y phục trên người, ánh trăng tàn chiếu lên khuôn mặt chẳng mấy xinh đẹp, nhưng cũng có thể xem như đoan chính.
"Khách trả nhiều tiền, nếu không chê có thể ở lại tới sáng mai hẵng đi."
Ân Nhị Hổ buông tay, thân thể rơi tự do xuống đất, đứng vững vàng. Tú Nương không nói gì cả, cúi đầu đi trước, Ân Nhị Hổ theo sau, chẳng nhanh chẳng chậm, không ai nói gì.
Lần nữa về tới nhà Tú Nương, không ngờ lại có một tên say đứng dựa cửa, thấy Tú Nương một cái, hắn vươn tay ra kéo nàng vào lòng, giọng lè nhè:" Chạy đi đâu thế hả, hại gia gia đợi bao lâu."
Mắng xong quay sang Ân Nhị Hổ:" Huynh đệ, ta tới trước, ngươi đợi đi, đoán chừng hai canh giờ là xong thôi."
Tú Nương bị hơi rượu nồng nặc phả vảo mặt, không dám chống lại, như cừu non đợi giết.
Nắm đấm của Ân Nhị Hổ mang theo tiếng gió bay tới, đấm thẳng vào bụng tên say, chỉ một đòn, tên say gập người như con tôm lớn, gục xuống không kêu nổi một tiếng.
Ân Nhị Hổ xách cổ áo tên say lên đặt ở nơi chứa rác mà chỉ phường Quang Phúc và phường Tấn Xương mới có, để đầu hắn hướng xuống, tránh hắn trong lúc hôn mê vì nôn oe mà chết sặc.
Tú Nương sợ hãi nói:" Trị An dữ lắm, mai thức dậy sẽ đánh chết ngươi đấy."
Ân Nhị Hổ phủi tay, đá tên say một cái:" Hắn say lắm rồi, đừng thấy nhìn có vẻ tỉnh táo, thật ra vừa rồi hắn chẳng biết mình làm cái gì đâu."
Tú Nương bán tín bán nghi mở cửa ra, cho Ân Nhị Hổ vào, lần này Ân Nhị Hổ lại không chịu vào phòng của nàng mà kiếm một tảng đá trong sân rồi ngồi xuống:" Ta không có tiền, ta sẽ ngồi đây tới khi trời sáng, nếu tối nay cô không làm ăn nữa thì ngủ đi."