Bông là thứ một khi bắt đầu nở là ngày nào cũng có quả bông nứt ra, tới khi hết quả mới thôi.
Hai vạn sáu nghìn mẫu bông bước vào mùa thu hoạch, làm hai huyện Trường An, Vạn Niên bận rộn hẳn lên.
Quan viên hai huyện đều biết, chỉ cần xử lý bông xong, năm nay không còn đại sự gì đáng lo nữa, thế là trong thành Trường An khắp nơi phơi bông, biến tòa thành trắng phau phau.
Thế là thi nhân ra phố đi qua chỗ ngày, tới chỗ kia, sờ sờ mó mó, ngâm:" Thu vàng tin vui ngập đồng ruộng, trái tim băng giá cũng ấm lòng. Chớ bảo hoa nở như biển tuyết, có ta nhân gian chẳng lạnh lùng."
Lại có thi nhân đứng giữa sân phơi giang rộng tay như muốn ôm hết bông vào lòng ca vang:" Ánh bạc lấp lánh được mùa lớn, vạn khoảnh ruộng bông tựa tuyết tan. Mặc lên trên người ai tranh ấm, nhẹ nhàng vào chăn vạn sự xong."
Vì Vân Sơ là người trồng bông, nên y không tiện làm thơ liên quan tới bông ca tụng bản thân. Người Trường An vì thế mà tiếc nuối, song càng khâm phục cao phong lượng tiết của thi nhân trứ danh.
Ngay cả Lý Trị cũng hài lòng với sự khiêm tốn của Vân Sơ, cho rằng những lời mình nói ở ruộng bông đã lọt tai tên nhị bách ngũ này rồi.
Chỉ có Vân Sơ mới biết, chẳng có thi nhân nổi tiếng nào từng làm thơ về bông, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Vương Duy, Mạnh Hạo Nhiên, Thôi Hạo, Nguyên Chấn, Lưu Trường Khanh ... Đều không có bài thơ nào về bông.
Thế thì ngươi bảo y làm thơ về bông thế quái nào?
Tự làm ? Đùa đấy à? Có tin làm ra một cái người Trường An móm sạch răng không?
Cho nên y phải khiêm tốn, mà còn phải khiêm tốn đến cùng.
Sau khi bông được thu hoạch xong, trọng tâm công tác của Lưu Nhân Quỹ chuyển sang chức vị cấp sự trung, thời gian qua ông ta mất tích rồi, hình như theo bên hoàng đế làm việc gì đó, cho nên chuyện liên quan tới xưởng bông do Vân Sơ thay thế.
Vân Sơ rất không muốn dính dáng tới chuyện cung ứng quân nhu, một chút cũng không.
Đánh thắng trận còn khá, đám kiêu binh mãnh tướng trở về nhón tay làm phúc, tính cho ngươi ít công lao.
Chẳng may mà chúng thua trận, dù ngươi cung cấp thứ bông tốt nhất, làm ra áo chống rét tốt nhất, bọn chúng cũng lấy lý do trang phục thiếu một cái cúc để đổ lỗi chiến bại cho ngươi.
Mà Đại Đường luôn khoan dung với binh sĩ tiền tuyến, nhưng với quan viên cung ứng hậu cần, khi đó rất dễ bị chặt đầu, bãi quan, giáng tước. Thậm chí là liên lụy cả nhà cũng có.
Đâu chỉ Đại Đường, xa hơn thời Tam Quốc, một lần trong quân Tào Tháo thiếu lương thực, quân tốt ăn không no, lòng quân bất ổn. Lão Tào một câu "mượn đầu ngươi yên lòng quân", thế là quan trông coi lương thảo bị mượn mất, sau đó không trả lại nữa.
Đám danh tướng Đại Đường cơ bản cũng là một loại hàng như Tào Tháo, như Lý Tích ấy, lão đó rất thích mượn đồ, là loại mượn không trả.
Đáng sợ hơn mượn là cướp, bông trong cây bông còn chưa bóc hết, xưởng dệt chưa làm ra được bao nhiêu thành phẩm, đám phó tướng của Trường An thập lục vệ đã tới mười một tên rồi.
Năm tên phó tướng không tới vì đại tướng quân trực tiếp tới luôn.
Xưởng bông vốn được định vị là đơn vị quân sự, người không liên quan tới gần là chém đầu. Canh cửa là quân tốt mặc giáp da, bách tính bình thường là tránh xa.
Đám khốn kiếp đó tên nào cũng đòi được phân phối trang phục chống rét trước.
Dương Anh là tên miệng rất ngọt, là cao thủ theo gió trở cờ, ấy vậy mà khi Vân Sơ vừa ở công giải đi ra nhìn thấy trên mặt hắn có vết roi, lại không chỉ một vết, thế là y chuồn ngay về công giải của mình ở xưởng bông.
Sau đó mở cửa sau, tung mình nhảy từ cửa sổ xuống, leo tướng trốn thoát, động tác cực kỳ nhanh gọn dứt khoát.
Gần đây tinh thần Lý Trị rất tốt, vì thường xuyên dẫn con gấu lớn đi dạo, cho nên hơi cháy nắng.
Đen chút nhưng sức khỏe tốt, tốc độ xem tấu sớ nhanh hơn, chỉ một buổi sáng, Lý Trị đã xử lý đại bộ phận tấu sớ rồi.
Ngọ thiên được đưa lên, cả hai tay Lý Trị đều không nhàn, tay phải cầm đũa gắp cho mình, tay trái thì cắp thịt rửa qua nước sạch một chút mới cho gấu lớn ăn. Vì thú y nói, gấu lớn ăn nhiều muối sẽ rụng lông.
Trước kia mỗi bữa cơm Lý Trị để thừa rất nhiều, bây giờ cơm đưa lên là ăn sạch sành sanh.
Hoạn quân hầu hạ Lý Trị súc miệng, cung nhân lau móng và miệng cho gấu lớn.
Có hoàng môn báo, Vạn Niên huyện lệnh Vân Sơ cầu kiến.
Lý Trị miệng ngậm nước ấm, súc vài cái rồi nhổ ra:" Tuyên y vào."
Không lâu sau Vân Sơ theo sau hoàng môn vội vàng đi vào, thi lễ xong là kêu lên:" Bệ hạ cứu thần với."
Nhìn bộ dạng hoảng hốt của Vân Sơ, Lý Trị không nhịn được cười to:" Ngươi bị người ta truy sát à? Ai truy sát mà phải trốn tới tận chỗ trẫm thế này?"
"Hai vị công gia, ba vị hầu gia, còn nam tước, bá tước vô số, bao vây kín xưởng dệt của thần, ai nấy đều muốn ưu tiên, muốn dùng quân pháp lên xưởng dệt, nhi tử của binh bộ thị lang đã bị ăn đòn rồi. Thần đành nhảy cửa sổ, leo tường tới cầu viện."
"Trước kia chuyện này an bài thế nào?"
Vân Sơ chắp tay:" Đầu tiên là Tả vũ vệ, sau tới Hữu kiêu vệ, mỗi quân một vạn bộ trang phục chống rét, các quân khác thì sau tháng ba mới có thể lần lượt phân phối, số lượng cũng không có nhiều."
Lý Trị cau mày:" Nếu đã lập ra kế hoạch thì cứ thế mà làm là được, tìm trẫm làm cái gì? Trẫm nghe nói ngươi có giao tình rất tốt với các vị chủ tướng thập lục vệ mà."
Vân Sơ mặt mày nhăn nhó:" Bệ hạ, bình thường có rượu có thịt, tất nhiên là xưng huynh gọi đệ, một khi chuyện liên quan tới quân vụ là bọn họ như đàn sói giữa, thần có được trăm cân, sao đủ họ xâu xé."
Lý Trị hơi ngả người tới:" Thế ngươi bảo trẫm giúp ra sao?
Vân Sơ nói ngay:" Xin bệ hạ trả Lưu huyện lệnh cho xưởng dệt."
Lý Trị không nhịn được cười:" Thế ngươi không lo Lưu khanh bị đám đó phân thây à?"
"Thần chỉ tin Lưu huyện lệnh."
"Vân Sơ, ngươi làm quan vậy là không được, trẫm biết chuyện ngươi tra ra một tham quan ở mẫn cô viện trong huyện Vạn Niên, đích thân trừng phạt. Ngươi đứng đầu một huyện, ánh mắt phải dõi ra xa, suy nghĩ tới việc lớn, chớ hao tốn thời gian vào việc nhỏ. Ngươi chẳng tin ai hết, chuyện gì cũng tự làm sẽ không có bộ hạ đâu."
Vân Sơ chắp tay:" Huyện Vạn Niên không lớn, thần vẫn chiếu cố được. Bệ hạ cai trị thiên hạ, nhìn xa vạn dặm, đem ánh mắt, hùng tâm đặt ở mười năm, trăm năm, thậm chí thiên thu vạn đại."
"Thần cai trị một huyện, phải nhìn cái trước mắt, ngài mai, ngày kia, tối đa là một năm sau. Nếu không Đại Đường ta sẽ xuất hiện khoảng trống không ai quản lý để tặc nhân thừa cơ."