Thấy Ưu Tố Phúc là một chính khách thuần thục, cho nên ở đây không có người ngoài, Vân Sơ không quanh co nữa, dù vậy đạo đãi khách dù là với kẻ thù y vẫn giữ, thêm nước trà cho ông ta:" Việc ngài bị bắt có ảnh hưởng tới địa vị thống trị viễn đông không?"
Ưu Tố Phúc tự tin nói:" Trong ba vị trưởng lão của giáo trường An Lạp, một là thúc thúc của ta, một là tổ phụ của thê tử ta, một là ca ca ta."
Vân Sơ kinh ngạc, không ngờ bắt được cá to như vậy:" Nếu ta thả cho ngài về, ngài cảm tạ ta như thế nào?"
Ưu Tố Phúc nắm chặt chén trà, u buồn nói:" Ta không biết quy củ nước Đường thế nào, nếu ở Đại Thực, tướng quân lọt vào tay ta, ta sẽ yêu cầu vàng nặng bằng thể trọng của ngài, bảo thạch tương xứng với mắt ngài, học giả tương xứng trí tuệ ngài, công tượng tương xứng với đôi tay ngài, ngựa tốt tương xứng với đôi chân ngài. Đương nhiên còn có mỹ nhân tương xứng với thân phận ngài. Nếu ngài thỏa mãn được những chuyện đó, ngài sẽ bình an trở về."
Đây đúng là ông tổ nghề bắt cóc kiếm tiền mà, chia lẻ người ta ra bán thế này đúng là hay, người ta suy nghĩ chu đáo thật.
Điều này tương ứng với việc nếu con tin bị tổn thương phần nào thì sẽ trừ đi tiền chuộc ở phần đó.
So ra thì phía Đại Đường làm ăn thô sơ lắm, dù là thái tông hoàng đế hay đương kim bệ hạ, bắt được nhân vật trọng yếu chỉ bắt người ta nhảy múa cho mình xem, lấy được chút thể diện, kiếm ít thống khoái nhờ sỉ nhục người khác ... Ngoài ra chẳng được tí lợi lộc nào.
Mấy nhân vật bị bắt kia vài năm thôi thường u uất mà chết.
Thế là trắng tay, có phí không cơ chứ. Vân Sơ rõ ràng thích cách làm của người Đại Thực hơn.
Mặc dù như vậy là hợp lý lắm rồi, đối phương thái độ tốt, rất hợp tác, Vân Sơ thấy không cần nâng giá, nhưng ai bảo quyền chủ động trong tay y:" Ta thấy nên có đủ nhiều gia súc và đất đai nuôi gia súc nữa."
"Ta nghe nói đất đai người Đường nhiều tới dùng không hết, sao còn muốn thêm? Vậy là không đúng."
"Đai đai có ai chê ít, mảnh đất dưới chân chúng ta đây vốn cũng đâu phải của người Đại Thực, mà là của người Ba Tư. Từ khi tiên tri Mohammed của các ngài giành được một mảnh đất trú thân, từ khi khalip đầu tiên của các ngài là Abu Bakar tới khalip thứ hai Omar bin Khattab, vị thứ ba Othman bin Affan, bước chân mở rộng các vị chưa từng dừng lại."
Nghe một loạt cái tên quen thuộc, Ưu Tố Phúc ngồi thẳng lên, kinh hãi nó:” Tướng quân ngài hiểu rõ Đại Thực ta sao?”
“Thậm chí còn rõ hơn ngài nghĩ đấy.” Vân Sơ mỉm cười:” Thế nên ta thấy, chúng ta nên có cuộc nói chuyện chân thành hơn …”
Khi Vân Sơ rời đi thì trăng cong như thuyền, lúc này y mới nhận ra, cờ trăng sao của người Đại Thực chính là tấm bản đồ sao thời điểm này.
Ưu Tố Phúc dưới tình huống bị cưa một chân, lấy nghị lực cực lớn cùng Vân Sơ tiến hành đàm phán gian khổ.
Mặc dù hai người chỉ trao đổi vài ý kiến, đàm luận và giới thiệu về quốc gia của nhau.
Nhưng kết quả đàm phán rất lớn.
Vân Sơ hứa cho Ưu Tố Phúc trở về vinh quang thể diện.
Ưu Tố Phúc đồng ý điều kiện Vân Sơ đề xuất, cho phép thương đội có giấy phép quan phủ Đại Đường tiến vào đất Ba Tư, thậm chí Đại Thực kinh doanh.
Cùng lúc đó Đại Đường cũng phải cho phép thương đội có giấy phép của Đại Thực vào Tây Vực kinh doanh, đảm bảo họ có thể tiến vào Ngọc Môn Quan.
Ưu Tố Phúc đồng ý cắt nhường 21 tòa thành, cho phép người Đại Đường lập Ba Tư đô hộ phủ tại lãnh địa của Ba Tư Tát San, phục vụ cho thương nhân Đại Đường, trú quân không quá 5000.
Người Đại Thực chiếm lĩnh hơn 300 thành trì ở phương đông, Ưu Tố Phúc không để ý tới việc cắt nhường 21 tòa thành, dù sao lúc này trong ý thức người Đại Thực chưa sinh ra quá nhiều khái niệm quốc gia, biên cảnh.
Điều ước này rất có lợi với Đại Đường, chỉ là người thực sự ký điều ước với Ưu Tố Phúc là An Tây đô hộ Bùi Hành Kiệm.
Còn người làm Ba Tư đô hộ là vương tử Ti Lộ Tư chứ không phải người Đường, như thế Vân Sơ coi như giúp hoàng đế hoàn thành lời hứa.
Để tỏ thiện chí, sau khi thị vệ của Ưu Tố Phúc tìm tới được thành Hách Lạp Tư, Vân Sơ cho hắn mang theo y sinh, cùng với thị nữ phục vụ Ưu Tố Phúc. Y còn rộng rãi cho phép thị vệ đưa tới 20 hộ vệ vũ trang, đảm bảo an toàn cho ông ta.
Về phần đại quân Ưu Tố Phúc truy bắt đám Cáp Tang, Khang Bích Ti, Vân Sơ không được can thiệp. Vân Sơ đồng ý, ngay từ đầu Vân Sơ không đảm bảo gì với hai người đó, y chỉ tạo điều kiện họ cướp bóc thôi, không có trách nhiệm với tính mạng của họ.
Đây là một phần giao dịch.
Ưu Tố Phúc chưa từng bị bắt, ông ta tới thành Hách Lạp Tư là vì xử lý tranh chấp với người Đường. Ông ta cho rằng giữa hai quốc gia nên thông qua đàm phán giải quyết vấn đề chứ không phải vũ lực.
Vân Sơ hết sức tán đồng kiến giải của Ưu Tố Phúc, trước mặt quan viên Đại Thực, khen ông ta là trí giả hiếm có của Đại Thực.
Dưới đại cục Đại Thực và người Đường giao hảo, đồng ý thông thương, Cáp Tang và Khang Bích Ti tham lam chỉ là chuyện nhỏ không đáng kể.
Bán đứng ư, không có chuyện đó.
Ưu Tố Phúc từ bỏ một số thành trì, ông ta cần lời giải thích hợp lý, cái đầu của Cáp Tang và Khang Bích Ti rất phù hợp.
Chá Chi thành chủ Cáp Tang thanh danh rất lớn, là bá chủ một vùng.
Cáp Tang cùng Khang Bích Ti bá chủ một địa khu khác liên hợp tấn công Ba Tư, tiến hành cướp bóc tàn khốc. Tổng đốc Ưu Tố Phúc huyết chiến với địch, tổn thất một cái chân mới kết thúc được chiến tranh.
Đương nhiên, chiến thắng nhất định thuộc về Ưu Tố Phúc.
Còn Vân Sơ là bằng hữu thân mật của Ưu Tố Phúc, đưa ra không ít chủ ý, giúp bằng hữu ổn định mảnh đất phương đông, để người Đại Thực vĩnh viễn chiếm lĩnh nơi này.
Còn về phần Ưu Tố Phúc trở về có trở mặt không thì Vân Sơ không lo, ông ta nuốt lời thì Vân Sơ lại tới đi chơi loanh quanh vài vòng thôi. Tin rằng sức phá hoại y vừa thể hiện ra chừng nào Ưu Tố Phúc còn sống, ông ta không dám liều lĩnh, vì nếu để y phá phách vài lần, người Ba Tư còn chưa hoàn toàn thần phục kia sẽ bất mãn nổi dậy, chống lại người Đại Thực.