Trong khi huyện nha Vạn Niên từ trên xuống dưới bận bịu chuyện đón thương đội Đại Thực, Ba Tư thì ba vị quan mới cũng bắt đầu hành động.
Hôm nay đòi xem sổ sách này, mai đòi hoãn văn thư kia, liên tục gọi người tới hỏi chuyện, nhưng không phải là để tìm hiểu công việc trong huyện. Theo những người được gọi vào quan nha ba vị quan trên kể lại, bọn họ vòng vo dụ dỗ tư lại trong huyện khai ra hành vi bất chính của huyện lệnh Vân Sơ và thân tín trong huyện, coi đó là biểu hiện lập công, sau này thanh tẩy huyện nha Vạn Niên sẽ có cất nhắc.
Người Đại lý tự càng ngang ngược xông vào huyện nha, bắt người, lấy theo sổ sách đưa đi, không một lời giải thích.
Vì thế dù Lưu Nguyên Thọ cố gắng điều phối công việc thế nào cả huyện nha vẫn hỗn loạn, tiến độ chuẩn bị đón thương cổ Đại Thực chậm lại nghiêm trọng.
Vốn ông định hết thảy án binh bất động, đợi huyện tôn về, nhưng giờ không được nữa, nếu không hành động ngay, hai năm vất vả của huyện Tôn ở Tây Vực sẽ trôi theo dòng nước.
Lưu Nguyên Thọ chỉ là hộ tào tòng thất phẩm nhỏ xíu, sở dĩ dám đối diện với huyện thừa lục phẩm, chủ bạ tòng lục phẩm và khóa thuế đại sứ tuy phẩm cấp thấp mà quyền lực không thấp vì thuế má của huyện Vạn Niên trực tiếp giao tiếp với thái phủ tự.
Chỉ cần thái phủ tự không có nghi vấn gì với tài vụ của huyện Vạn Niên thì chất vấn của cơ cấu khác, Lưu Nguyên Thọ coi như đánh rắm.
Đúng đấy, coi như rắm luôn.
Trước kia Hộ bộ yêu cầu tiền lương của huyện tôn nhập vào Hộ bộ, huyện tôn nói thế này, đánh rắm.
Phải biết lão đại trực tiếp của Hộ bộ là tể tướng Đỗ Chính Luân.
Huyện tôn nói, ngài ấy chỉ chịu trách nhiệm với một mình hoàng đế thôi, chỉ cần hoàng đế hài lòng với sự phát triển của huyện Vạn Niên thì lời của người khác đều là đánh rắm hết.
Vì sao?
Huyện Vạn Niên mỗi năm nộp thuế tăng lên, tiêu hao tào lương của triều đình giảm xuống.
Huyện tôn muốn chủ động dùng thương nghiệp kết nối với các châu huyện xung quanh Trường An để tự chủ lương thảo, không phải dùng tào lương giá cao do triều đình cung cấp.
Trường An nhân khẩu trăm vạn, mỗi năm triều đình phải thông qua tào lương vận chuyển tới 200 vạn đảm lương mới đảm bảo bách tính trong thành đủ lương thực.
Đây là một nguyên nhân trọng yếu khiến Lý Trị và Vũ Mị muốn rời đô tới Lạc Dương.
Tào lương được giải phóng, số lương thảo này đi tới biên quân, giúp củng cố biên phòng, giúp triều đình giải quyết được vấn dề lớn.
Cho nên muốn hiểu được huyện Vạn Niên thì phải nhìn từ tầng cấp quốc gia cơ, nếu đơn thuần coi đây là một cái huyện, coi huyện tôn chỉ là một huyện lệnh thì có đàn hặc kiểu gì cũng không lật được huyện tôn.
Huyện tôn tuy chỉ là huyện lệnh, nhưng việc làm đã ảnh hưởng cả quốc gia.
Lưu Nguyên Thọ là lão lại trong huyện, được huyện tôn trước khi đi dặn dò kỹ lắm, bởi thế trong mắt ông, Tạ Vinh, Trương Hoa, Khúc Hữu chỉ là đám kiến bọ.
Huyện tôn về một cái sẽ dí ngón tay giết hết bọn chúng.
Bọn họ không cho phát tiền thưởng, Lưu Nguyên Thọ không phát nữa, tiền thưởng không phát thì cơm nước miễn phí trong quan giải cũng cắt luôn.
Cơm đã miễn thì trà cũng khỏi cần, nếu đã không cần uống trà nóng thì cắt luôn than củi.
Nếu than củi cũng không có thì chuyện bổ trợ nhà ở mà huyện Vạn Niên thực hiện bảy năm cũng hủy luôn. Bỏ luôn chuyện cung ứng lương thực giá đảm bảo cho gia quyến quan nha, rồi thì rau thịt, muối ăn, tơ lụa, vải vóc ... Cắt hết.
Vốn người nha môn không phải nộp phí cầm canh, phí vệ sinh, phí tuần tra, phí bảo an, giờ phải khôi phục.
Lưu Nguyên Thọ thực hiện rất triệt để, nếu tiền thưởng bị coi là do tham ô mà có, vậy phúc lợi cũng do tham ô mới phát. Thôi, cắt hết đi, khỏi mang tiếng.
Dù sao thì từ khi huyện tôn làm huyện úy vào tám năm trước, chỉ cần ai theo huyện tôn là đều dư giả cả rồi, không cần chút phúc lợi đó.
Dù là lại mục nhỏ cũng có nhà mới trong quá trình cải tạo phường thị, không phát tiền, mọi người vẫn sống thoải mái.
Vốn bổng lộc huyện Vạn Niên phát theo tháng, bây giờ Lưu Nguyên Thọ phát tới cuối năm luôn, còn tiền thưởng thì mọi người khỏi mơ.
Thấy Lưu Nguyên Thọ đích thân mang bổng lộc tới nhà, Ngu Tu Dung ngạc nhiên lắm, vì trượng phu làm huyện lệnh nhiều năm, đây mới là lần đầu nàng thấy bổng lộc.
Nghe ông ta giải thích xong, Ngu Tu Dung bật cười:" Nếu phu quân ta bình thường dùng bổng lộc của mình cấp cho trù phòng để cải thiện cơm nước cho mọi người thì quy củ này không nên sửa. Mang về đi, thấy nhà nào gia cảnh bần hàn sống không tốt thì tiếp tế chút, đừng vì chuyện này làm mọi người chịu khổ."
Lưu Nguyên Thọ vuốt râu cười:" Phu nhân có điều chưa biết, nay trong huyện nha ta, nghèo nhất e là ba kẻ không biết ở đâu ra kia. "
"Đây là bổng lộc của huyện tôn, phu nhân cứ thu là được, người không thu, bọn ti chức không tiện tiếp tục làm việc."
Ngu Tu Dung thấy ông ta nói có lý, nên không từ chối nữa.
Đợi Lưu Nguyên Thọ đi rồi, Thôi nương tử ở bên mới nói:" Đám Lưu hộ tào chuẩn bị dằn mặt ba vị quan viên mới tới đấy."
Ngu Tu Dung không đánh giá cao việc này:" Họ đều làm quan, thiếu gì mấy đồng chứ?"
Thôi nương tử che miệng cười:" Phu nhân ơi, Trường An này đâu phải nơi dễ sống, quan viên tới cuối năm bị người ta bao vây đòi tiền còn ít à?"
"Với lại mấy năm qua quân hầu cải tạo thành Trường An, những phường thị nghèo khó bị phá rỡ hết rồi. Trước kia người nghèo tới Trường An còn kiếm được chỗ rách nát mà ở."
"Bây giờ không còn chỗ như thế đâu, đâu đâu cũng xây mới rồi, giá cả chẳng rẻ gì nữa."
Ngu Tu Dung không hiểu:" Đâu có chuyện đó, phương Tần Xương có nhiều người nghèo lắm, nói như ngươi thì họ sống thế nào?"
Năm xưa Ngu Tu Dung cũng một tay lèo lái cả nhà, kiếm sống không dễ, nhưng từ khi gả cho Vân Sơ thì không cần nàng phải lo mấy chuyện nhỏ nhặt này, đâm ra có chút xa lạ với cuộc sống.
Thôi nương tử giải thích:" Phu nhân, người nghèo tới phường Tấn Xương là để làm thuê, họ được chủ an bài chỗ ăn ở, ngoài làm việc ra, thì có chủ lo liệu hết rồi."
"Quan viên tới Trường An sống tất nhiên không mua thì phải thuê nhà. Quân hầu đường đường huyện lệnh ngũ phẩm, mỗi năm chỉ có 40 đảm lương, 2 vạn tiền. Bằng vào số tiền đó muốn thuê một căn nhà tạm được ở Trường An đã khó, nói gì tới chi tiêu hàng ngày."
"Năm xưa Lưu Nhân Quỹ đại nhân chức quan còn lớn hơn quân hầu, nhà ở được triều đình cung cấp, vậy mà Lưu phu nhân còn phải nuôi thêm gà để bổ xung thu nhập. Phu nhân nghĩ đi, mấy quan viên kia nhỏ xíu, chưa đủ nhận trợ cấp triều đình, giờ huyện Vạn Niên cắt luôn trợ cấp thì sống sao?"
"Thiếp thân nghĩ, Lưu hộ tào ép họ tham ô đấy, một khi bọn họ bắt đầu tham ô, vậy thì ông ta hoặc nắm thóp uy hiếp họ, để họ ngoan ngoãn nghe lời, hoặc là cút xéo."
Ngu Tu Dung than:" Người ta hay nói sĩ đồ hiểm ác, giờ ta thấy rồi."
"Thôi ma ma, ngươi an bài người tìm hiểu xem, người ba nhà đó mua lương thực, vật dụng ở đâu, nếu những nơi kinh doanh kia mà quen nhà ta thì bảo họ bán đắt vào. Để những kẻ đó sớm ngày cút xéo khỏi Trường An."
Thôi nương tử đúng là câm nín mà, những kẻ đó đối đầu với quân hầu thì tất nhiên không cần khách khí gì, nhưng phu nhân một mặt thương cảm một mặt xuống tay độc ác như thế, bà mất một lúc mới thích ứng được:" Vậy thì để cả kẻ cho vay nặng lãi, lừa đảo, cờ bạc tới tìm chúng luôn."
Ngu Tu Dung nhắc:" Chớ quá đáng, phu quân đường đường là quan nội hầu, phải để ý thể diện."