Trong Tuyên Thất Điện, quần thần chia ra làm hai bên, chư hầu vương thì ngồi ở phía trước, người trong điện đông hơn bình thường nhiều.
Lưu Trường ngồi ở thượng vị, mọi người bắt đầu triều nghị đầu tiên từ sau khi thái hậu qua đời.
Triều nghị lần này rất quan trọng, Lưu Trường thương đàm chuyện xuất chinh An Tức.
Mở đầu đương nhiên là do Trương Bất Nghi làm: "Tặc tù An Tức vô lễ với Đại Hán, từ lâu có ý phái binh cướp bóc, trước đó nhiều lần xuất binh Thân Độc. Thân Đồ Gia và A Liệt tướng quân phải tử chiến mới khiến chúng lui binh ... Nay Đại Hán đã yên bình, chính là lúc diệt thứ giặc này, bệ hạ muốn đích thân dẫn đại quân tới An Tức, khiến hắn không dám nhòm ngó phía đông ..."
Quần thần yên tĩnh, ai cũng hiểu tất cả là cái cớ bệ hạ ra biển, bệ hạ muốn ra biển lâu rồi, quần thần biết cả, đây là chuyện bệ hạ luôn muốn làm, chỉ vì khi đó còn thái hậu, bệ hạ không dám rời Trường An quá lâu.
Nay thái hậu không còn, bệ hạ cũng không muốn ở Trường An nữa.
Mọi người trước đó đều rất lo hoàng đế sẽ nhường vị luôn cho thái tử rồi dẫn người đi mất, tình thế tốt đẹp bị hủy hoại. Nhưng giờ xem ra hoàng đế không định thoái vị, nhưng xuất chinh chắc chắn sẽ làm.
Giờ muốn ngăn cản hoàng đế trừ tam công chỉ còn trưởng bối trong tông thất. Cơ mà trưởng bối tông thất bây giờ không mấy người tin được, như Triệu vương ấy, giờ cũng là trưởng giả rồi, ai hi vọng được gì.
Trong tam công thì Trương Bất Nghi khỏi tính tới, hắn là chân chó của hoàng đế, không biết nói tiếng người, kém cả Triệu vương. Vậy còn Lưu Hằng, Loan Bố và Hàn Tín.
Hai vị kia quản nổi hoàng đế sao? Nên phải trông cậy vào Hàn Tín, thế mới oái oăm.
Nhưng đại thần năm xưa hô hào xử tử Hàn Tín làm sao có thể ngờ một ngày họ mong ông ta áp chế hoàng đế, đúng là hoang đường.
Loan Bố cau mày, hắn rất do dự, hắn không muốn hoàng đế xuất chinh, vì ngoài biển nguy hiểm rất lớn, nhưng theo hoàng đế từ lúc năm tuổi, hắn hiểu Lưu Trường hơn bất kỳ ai.
Suy nghĩ của hoàng đế, chí hướng của hoàng đế, hắn đều biết, cho nên hắn không nỡ lòng ngăn cản. Hắn nghiêm túc suy nghĩ cục diện bây giờ, Đại Hán kỳ thực đã tiến vào thời kỳ bình ổn, tới một trạng thái đỉnh cao, vấn đề nội bộ cũng rất ít.
Hoàng đế ở lại Trường An cũng đâu có tác dụng gì, minh chứng rõ ràng là thường ngày hoàng đế tới Thượng Lâm Uyển đi săn, trừ chuyện đó thì chẳng còn tự mình làm việc gì nữa. Thái tử thì gánh vác trọng trách ngày một nhiều cũng không để xảy ra vấn đề gì.
Ở góc độ một xá nhân, Loan Bố muốn buông tay để hoàng đế tự do làm chuyện mình khao khát, bao năm qua hoàng đế hi sinh vì Đại Hán nhiều rồi.
Lòng mâu thuẫn, Loan Bố nhắm mắt lại, kỳ thực cũng là một loại thái độ, hắn không can thiệp.
Lưu Hằng cũng không khác Loan Bố nhiều, nếu cưỡng ép Lưu Trường ở lại Trường An, y vì buồn chán mà nhất thời nóng đầu làm ra cách tân cực đoan nào đó, chẳng thà để y ra biển làm chuyện thích hợp với tính cách.
Hơn nữa thế cục triều đường đã rất ổn định, mình ở đây không sợ địa phương gây được chuyện gì, năng lực của Lưu An cũng đủ đảm đương vị trí này. Chỉ cần còn mình ở đây không sợ Lưu Trường đi, Đại Hán sẽ có biến loạn gì.
Lưu Hằng chậm rãi đứng dậy: "An Tức một ngày không trừ, Thân Độc sẽ có nguy hiểm, mà Thân Độc hiện rất quan trọng với Đại Hán. Chư vị đều biết chúng ta mỗi năm cần nhiều lương thực, bông, gia vị và các loại đặc sản từ Thân Độc, nhiều thương phẩm của Đại Hán bán cho Thân Độc. Tầm quan trọng của Thân Độc với Đại Hán tuyệt đối không thể xem nhẹ, bất đi Thân Độc, Đại Hán mất đi vùng tài nguyên lớn nhất, thị trường lớn nhất."
"Bởi thế phải thảo phạt An Tức, không để nó thành thanh gươm treo trên đầu Thân Độc."
Quần thần kinh ngạc, mọi người vốn hi vọng Lưu Hằng đứng ra khuyên hoàng đế, không ngờ ông ta lại tán đồng. Ngài là ngoại vương đấy, ngài không sợ bị người ta hiểu lầm là mong hoàng đế đi cho sớm à?
Nhưng không ai dám nói thẳng những lời ấy, mọi người gửi hết hi vọng vào Hàn Tín.
Hàn Tín cau mày, thần sắc có vẻ không vui, ông không đứng dậy mà ngồi tại chỗ nói: "Thảo phạt An Tức không phải chuyện đơn giản, không thể tùy tiện qua loa như thế."
Quần thần mừng quá, may mà còn thái úy.
Nhưng mà tiếp theo Hàn Tín lại nói: "Thời điểm xuất chinh thế nào, binh lực bao nhiêu, tuyến đường hành quân, tiếp tế hậu cần, những thứ này chưa bàn ổn trước thì đừng nói tới chuyện xuất chinh vội ..."
Thế là triều nghị thoắt cái biến thành hội nghị quân sự, quần thần ú ớ phản ứng không kịp.
Mọi người bàn bạc rất lâu, định ra phương án sơ bộ.
Hàn Tín ngang nhiên chiếm quyền thống soái, phụ trách tọa trấn Phù Nam, tiếp nhận địa bàn tiên phong chiếm được, phụ trách hậu cần tiếp tế, xây dựng thành lũy cầu cảng, vận chuyển thương binh ... Nói cách khác, Lưu Trường chỉ phải phụ trách đánh trận, việc khác do Hàn Tín làm hết.
Với tính khí Hàn Tín, Lưu Trường không thuyết phục được ông, chỉ đành chấp nhận an bài này, nhưng nói ra an bài này không phải là chuyện xấu, Hàn Tín phụ trách toàn bộ quá trình xuất chinh, áp lực của Lưu Trường sẽ bớt đi rất nhiều.
Ví dụ sau khi công chiếm thành trì hải cảng của An Tức, Lưu Trường không phải lo mình rời đi bị An Tức phản công đoạt lại, vì Hàn Tín sẽ tiếp nhận kịp thời. Cũng không phải lo thương binh, không lo lương thảo, hậu cần ... Đánh trận như thế mới sướng, cứ đánh thẳng một đường là được, chuyện khác giao cho sư phụ.
Về phương diện tướng lĩnh, chủ lực là Lưu Trường, Chu Á Phu, Chu Thắng Chi, Hạ Hầu Táo, Phàn Kháng.
Phương diện mưu thần, Trương Bất Nghi, Đậu Quảng Quốc, Lữ Lộc đứng đầu.
Quần thần thấy hoàng đế an bài nhân tuyển xuất chinh như vậy thì trong lòng thấy tốt hơn nhiều, đám người này đi một cái, triều đình sẽ ổn định hơn, vì những kẻ ưa gây sự đi hết rồi.
Thế là thảo luận xuất chinh càng thêm thuận lợi.
Cuối cùng Lưu Trường nghiêm túc nói: "Lần xuất chinh này, ngắn thì ba bốn năm, dài thì năm sáu năm, không nói trước được, khi trẫm xuất chinh bên ngoài, chư vị phải giúp đỡ thái tử, phục tùng thái tử. Trẫm đi rồi, đại sự đều giao cho thái tử lo liệu, nếu ai không phục tùng, thái tử có quyền xử trí, lúc đó chớ tìm trẫm cầu xin."
"Vâng!"
Kết thúc triều nghị, Lưu Trường sai Lữ Lộc chuẩn bị chiến xa, rời hoàng cung.