Ngồi trong xe, Lý Uyên từ từ mở chiếc hộp gỗ trong tay, Lý Thế Dân ngồi bên cạnh không nén được tò mò cũng phải vươn cổ ra nhìn. Nhờ vào chút ánh trăng lọt qua khe cửa sổ cho nên ông ta mới có thể nhìn rõ được đồ vật bên trong chiếc hộp. Sau khi nhìn thấy món đồ này, nhất thời Lý Uyên ngây người ra, thật không ngờ bên trong chiếc hộp lại là một con rùa ngọc.
Đương nhiên con rùa đen ở trong thời đại Tùy Đường không phải là lời mắng chửi gì gì đó, mà chính là một thần thú đỡ bia, còn được gọi là Huyền Vũ, là biểu tượng của sự chịu nhục chịu khổ. Lý Uyên quan sát con rùa ngọc này một lúc lâu rồi quay sang cười khổ với nhi tử:
- Có hiểu được ý nghĩa ngoại tổ phụ con muốn nói không?
Lý Thế Dân như thoáng chút suy nghĩ:
- Hình như ngoại tổ phụ hi vọng phụ thân tiếp tục duy trì tính khiêm tốn, tiếp tục nhẫn nhịn chịu khổ.
Lý Uyên chậm rãi gật đầu:
- Đây chính là ý của ngoại tổ phụ con.
Lý Uyên không nói thêm gì nữa, ông ta đem chiếc hộp đặt sang bên cạnh, ánh mắt hướng ra phía ngoài cửa xe, chăm chú nhìn vào những đống tuyết hai bên đường, chẳng mấy chốc mà rơi vào trạng thái trầm tư.
Một khắc sau, xe ngựa quay về đến Lý phủ, trực tiếp tiến vào trong sân từ cửa bên, chầm chậm dừng ở phía trước bức tường bình phong.
- Phụ thân, đến rồi!
Lý Thế Dân khẽ nhắc nhở Lý Uyên đang trầm tư suy nghĩ. Nhất thời ông ta lập tức bừng tỉnh, chầm chậm xuống xe. Ông khoác thêm một chiếc trường bào mà lão quản gia đưa cho, rồi cất bước đi về phía nhà sau, nhưng mới đi được mấy bước thì ông ta lại dừng lại, trầm tư một lát rồi nói với Lý Thế Dân:
- Nhị lang, đến thư phòng cùng với phụ thân, phụ thân có chuyện muốn nhờ con đi làm.
Lý Thế Dân yên lặng gật đầu, cùng với phụ thân đi về phía thư phòng.
….
Sáng sớm ngày hôm sau, Lý Thế Dân dẫn theo quản gia chịu trách nhiệm tính toán chi tiêu trong Lý phủ đến chợ phía tây. Vị quản gia này tên là Trình Mân, năm nay khoảng 50 tuổi, dáng người béo tròn béo trắng, tính tình hiền lành, ông ta làm việc ở Lý phủ đã gần 40 năm rồi. Người này rất khôn khéo, được việc, đặc biệt là rất am hiểu tính toán sổ sách, hiện tại thì ông ta nắm giữ toàn bộ sổ sách, quyền hành trong phòng thu chi của Lý gia, cũng là một trong những tâm phúc của Lý Uyên, có chuyện gì quan trọng cũng đều giao cho ông ta đi xử lý.
- Trình thúc, cửa tiệm đó là ở đâu vậy?
Trong biển người đông đúc, Lý Thế Dân đưa mắt nhìn xung quanh, nhưng không nhìn thấy cửa hàng mà y muốn tìm.
- Nhị công tử đừng nóng vội, đi hết con phố trước mắt rồi rẽ một phố là đến nơi.
Trình Mân chỉ về một con phố nhỏ phía trước và cười nói.
Băng qua dòng người đi lại như mắc cửi, hai người bước vào trong một con phố nhỏ, phía trước liền xuất hiện một cửa hàng hai tầng. Nơi đây chính là cửa hàng gấm vóc, chuyên bán các loại gấm vóc thượng đẳng. Cửa hàng mà Lý Thế Dân muốn tìm có tên là cửa hàng tơ lụa Hoàng Thị, ông chủ Hoàng Thị chính là một đại thương nhân đứng thứ nhất thứ hai của Đại Tùy. Cửa hàng gấm góc của ông ta rất có tiếng tăm ở các tòa thành lớn như Lạc dương, Trường An, Giang Đô và Thành Đô, có thể nói rằng ông ta giàu ngang một nước.
Con ngõ nhỏ chính là cửa sau của cửa hàng gấm vóc, Trình Mân bước lên gõ cửa, lập tức cánh cửa mở ra, một cậu bé ngó đầu ra quan sát họ một lúc rồi hỏi:
- Hai vị đến đây có chuyện gì vậy?
Trình Mân bước lên trên nói nhỏ vài câu, thì đứa trẻ này liền gật gật đầu rồi dẫn hai người họ vào trong sân và nói:
- Xin hai vị đợi chút, để tôi đi vào báo cáo với chủ nhân.
Lý Thế Dân cảm thấy có chút hơi kỳ lạ:
- Trình thúc đã đến nơi này rồi à?
- Ta đến đây một lần rồi, là lão gia sắp xếp cho ta đến đây.
Lúc này, một người đàn ông trung niên mặc áo vải vội vội vàng vàng chạy ra, chắp tay cười nói:
- Ta luôn ở đây đợi Trình lão đệ!
Trình Mân hành lễ với y, rồi quay sang giới thiệu với Lý Thế Dân:
- Vị này chính là nhị công tử của Lý gia, lão gia nhà chúng tôi đã giao chuyện này cho cậu ấy xử lý.
Người đàn ông trung niên lập tức tỏ thái độ kính nể, vội vàng hành lễ:
- Tiểu nhân Hoàng Tấn, tham kiến nhị công tử!
- Ông chính là ông chủ Hoàng?
Lý Thế Dân có chút kinh ngạc, y thực sự không ngờ một người đàn ông có vẻ bề ngoài bình thường, thậm chí là rất tầm thường lại là Hoàng Tấn, một thương nhân giàu có và nổi tiếng bậc nhất thành Lạc Dương. Ba thành (30%) gấm vóc trong thiên hạ đều là do Hoàng Tấn bán ra, nhưng ông ta lại mặc một bộ áo vải bình thường, điều này khiến cho Lý Thế Dân không thể không âm thầm tán dương.
- Tiểu nhân đợi ở đây đã lâu rồi, công tử, mời cậu vào trong, chúng ta sẽ bàn bạc!
Tối hôm qua, Lý Uyên đã giao cho người con trai thứ Lý Thế Dân một chuyện, đó chính là đàm phán một cuộc mua bán với Hoàng Tấn. Đương nhiên, cuộc mua bán này sớm đã được Trình Mân thương lượng xong rồi, hôm nay Lý Thế Dân đến đây chỉ là để quyết định mà thôi.
Mọi người cùng bước vào đại sảnh dành cho khách quý, mặc dù Trình Mân là quản gia về lĩnh vực thu chi, sổ sách nhưng dù sao thì y cũng vẫn là hạ nhân, cho nên chỉ có thể ngồi sang một bên. Ngay sau đó thì có một thị nữ dâng trà lên.
Lý Thế Dân chậm rãi nói:
- Hôm nay, tôi thay mặt phụ thân đến để xác nhận lời thỉnh cầu của ông chủ Hoàng, làm theo những điều kiện mà chúng ta đã thống nhất trong lần đám phán trước. Hôm nay tôi đến đây là chính thức đồng ý.
Hoàng Tấn vô cùng vui mừng, như mở cờ trong bụng. Ông ta luôn hi vọng có thể mở được một cửa hàng, xây dựng một kho hàng ở Thái Nguyên. Chuyện này không chỉ tạo điều kiện để chuyện làm ăn của ông ta có thể tiến vào Hà Đông, quan trọng hơn chính là, ông ta có thể làm ăn buôn bán với người thảo nguyên, như vậy lợi nhuận mà ông ta kiếm được sẽ lớn hơn rất rất nhiều lần. Đây chính là chuyện mà ông ta luôn khao khát, ước mơ từ rất lâu rồi.
Ba năm trước, Hoàng Tấn đã để ý được một bãi đất trống ở phía bắc Thái Nguyên. Miếng đất này khoảng 50 mẫu, để mua được miếng đất này ít nhất thì cũng phải bỏ ra 2000 lượng hoàng kim, nhưng đối với ông ta, tiền bạc không phải là vấn đề, quan trọng hơn chính là miếng đất này lại thuộc về quân đội, bởi nó là một doanh địa của quân đội, mà quân đội thì làm sao có thể bán lại cho ông ta đây?
Hoàng Tấn đã không ít lần nhờ các mối quan hệ của mình để liên lạc với Lưu thủ Thái Nguyên Lý Uyên, bày tỏ nguyện vọng. Ông ta có thể sẵn sàng bỏ ra một số tiền gấp đôi số tiền kia chỉ để mua lại mảnh đất này nhưng Lý Uyên vẫn không chịu đồng ý.
Mãi cho đến khi ông ta gặp được quản gia quản lý sổ sách và chi tiêu mà Lý Uyên phái tới – Trình Mân, thì ông ta mới hiểu ra được sự ảo diệu bên trong. Vấn đề của chuyện này không nằm ở chỗ là ông ta có thể bỏ bao nhiêu tiền bạc để mua mảnh đất đó, mà là Lý Uyên có thể có được những lợi ích gì từ ông ta và chuyện mua bán này?
Ông ta đã đợi vài ngày rồi, hôm nay cuối cùng thì Lý Uyên đã phái người con trai thứ đến gặp mặt, điều này khiến cho Hoàng Tấn vô cùng vui mừng.
Hoàng Tấn vội vàng dặn dò đám gia nhân, một lúc sau hai tên người hầu liền khệ nệ khiêng vào một cái hòm gỗ, xong xuôi thì lui xuống luôn. Hoàng Tấn bước lên mở hòm gỗ, lập tức một luồng ánh sáng chói lóa của hoàng kim tỏa ra khắp căn phòng. Bên trong chiếc hòm là cả một hòm vàng thỏi, được xếp ngăn nắp, Hoàng Tấn liền cười nói luôn:
- Một thỏi hai trăm lượng, tổng cộng có 10 thỏi, mời công tử xin vui lòng nhận cho!
Biểu cảm của Lý Thế Dân rất không tự nhiên, y miễn cưỡng gật đầu đáp lại:
- Vậy thì cứ quyết định như thế đi, ông chủ Hoàng bất cứ lúc nào cũng có thể đến phủ Lưu thủ Thái Nguyên để làm thủ tục mua bán, còn về chiếc hòm này, đợi sau khi trời tối, làm phiền ông chủ Hoàng phái người mang đến phủ của Lý gia, sau này xin ông chủ Hoàng hãy cứ tiếp tục im lặng cho.
- Công tử xin cứ yên tâm, chuyện này trời biết đất biết, ngài biết tôi biết, tiểu nhân tuyệt đối sẽ không nhiều lời, dù chỉ là một câu.
….
Rời khỏi chợ tây, Lý Thế Dân như trút được gánh nặng, liền thở phào một cái nhẹ nhõ. Trình Mân đi bên cạnh hiểu được tâm tư của Lý Thế Dân, liền cười cười:
- Lần này làm tốt được chuyện này, đúng là có chút hơi thẹn với lòng, đợi đến khi quen rồi, công tử sẽ không phải căng thẳng như bây giờ.
Lý Thế Dân khẽ than thở:
- Hôm nay cứ cho là ta đã quen với những chuyện như thế này thì đó cũng là 2000 lượng hoàng kim đó! Thế nào mà ông chủ Hoàng đó lại không thèm chớp mắt dù chỉ là một cái, ngày trước tôi không hiểu vì sao mà phụ thân nhất định đòi mua bằng được mảnh đất đó, lúc đó tôi cảm thấy làm như vậy có chút nhục nhã, xấu hổ, nhưng hiện tại cuối cùng thì tôi đã hiểu được nỗi khổ trong lòng của phụ thân.
- Công tử đã hiểu được chuyện gì?
Trình Mân cười cười hỏi lại.
Lý Thế Dân nhìn y một cái rồi bình tĩnh đáp lại:
- Một khi phụ thân đã mất đi quyền lực thì Lý gia của chúng ta còn không bằng đám thương nhân kia.
….
Trời đã về đêm, trong ngụ thư phòng hoàng cung, Dương Quảng đang ngồi trước ngự án phê duyệt các loại tấu chương từ các nơi gửi đến. Lúc này có một hoạn quan đứng ở cửa bẩm báo:
- Bệ hạ, Vũ Văn đại tướng quân có chuyện gấp xin được cầu kiến!
Dương Quảng gật gật đầu:
- Truyền ông ta vào!
Không lâu sau, Vũ Văn Thuật theo sau tên hoạn quan đó bước vội vào trong ngự thư phòng, lão ta cúi người hành lễ:
- Vi thần tham kiến Bệ hạ!
Dương Quảng đặt chiếc bút son xuống và cười nói:
- Đã muộn như thế này rồi, đại tướng quân còn có chuyện gì mà vội vàng đến tìm Trẫm như vậy?
- Bệ hạ, thần có hai chuyện muốn bẩm tấu với bệ hạ. Đầu tiên thần muốn buộc tội Thông thủ quận Tề Trương Tu Đà!
Dương Quảng nhướn mày:
- Trương Tu Đà đã làm chuyện sai trái gì mà đại tướng quân muốn buộc tội ngài ấy?
- Khởi bẩm Bệ hạ, Trương Tu Đà chưa được sự đồng ý của Binh bộ, đã tự tiện bổ nhiệm quân sử, chia quân đi đóng giữ ở các quận, có lòng muốn cát cứ vùng Sơn Đông, ý đồ chiếm binh tự lập, nuôi lòng không thần phục triều đình.
Mặt của Dương Quảng nhất thời như bị kéo dài ra:
- Chuyện này Ngu thượng thư đã báo cáo với Trẫm rồi, Binh bộ cũng đã đồng ý với phương án này của Trương Tu Đà, nếu như không phân binh ra đóng giữ các quận thì loạn phỉ sẽ không thể nào diệt trừ tận gốc được, rất có khả năng tro tàn lại cháy, Trẫm cũng cho rằng Trương Tu Đà làm như vậy là rất đúng.
Vũ Văn Thuật lập tức bị kích động, lão há ngoác miệng ra, nhất thời không nói được câu gì. Tin tức mà lão ta nhận được là sai ư? Thật không ngờ Ngu Thế Cơ lại đồng ý, chuyện này sao có thể cơ chứ? Lẽ nào Trương Tu Đà đã âm thầm liên lạc với Ngu Thế Cơ?
Ngẫm lại thì cũng không thể nào xảy ra khả năng này. Chuyện này không có một mạng lưới quan hệ sâu rộng thì cứ cho là mang tiền đến đút lót cho Ngu Thế Cơ, ông ta cũng sẽ không đồng ý, lẽ nào Trương Tu Đà đã tìm được chỗ chống lưng?
Mãi một lúc lâu không thấy Vũ Văn Thuật nói gì, Dương Quảng liền cảm thấy mất hứng, lạnh lùng nói:
- Trương Tu Đà tiêu diệt loạn phỉ, có công với xã tắc, hi vọng sau này đại tướng quân không cần phải phí công nhọc lòng, lo lắng những chuyện vô bổ như thế này.
Vũ Văn Thuật đưa tay lên lau mồ hôi lạnh trên trán, vội vàng đáp lại:
- Vi thần xin khắc ghi những lời dạy bảo của Bệ hạ!
- Còn có chuyện gì nữa không?
Dương Quảng lại hỏi.
- Vi thần vẫn còn một chuyện nữa muốn bẩm báo, đó là chuyện liên quan đến Lý Uyên. Vi thần đã nhận được một tin tức của nội thám, ngoài mặt thì Lý Uyên tỏ ra ăn năn, hối cải đó nhưng trên thực tế ông ta vẫn đang âm thầm nhận hối lộ.
Vừa nghe xong thì Dương Quảng liền cảm thấy hứng thú ngay, ông ta hỏi luôn:
- Lý Uyên nhận hối lộ lúc nào?
- Khởi bẩm bệ hạ, Lý Uyên đã bán một toà quân doanh cũ ở gần chợ bắc Thái Nguyên cho một đại thương nhân của kinh thành, và nhận thêm một khoản hối lộ lên tới 2000 lạng hoàng kim. Chuyện này xảy ra vào sáng ngày hôm nay, ông ta cử người con trai thứ đến chợ tây nhận hối lộ của tên thương nhân kia.
Dương Quảng khoanh tay đi đi lại lại vài bước rồi cười lạnh mà rằng:
- Cái này gọi là giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời, xem ra Trẫm đã không nhìn lầm ông ta, lại còn dám cử con trai thay mặt đi làm một chuyện không biết liêm sỉ, đến Trẫm đây còn cảm thấy xấu hổ thay cho ông ta.
Vũ Văn Thuật nhìn thấy Dương Quảng tức giận, trong lòng không khỏi hả hê, mừng thầm, vội vàng bắt lấy cơ hội buông lời dèm pha:
- Bệ hạ, con trai của Lý Uyên còn nói rằng, một khi phụ thân của y mất đi quyền lực thì Lý gia của chúng còn không bằng cả đám thương nhân kia. Đây gọi là cha nào thì con nấy, kiểu người không biết liêm sỉ như vậy, Bệ hạ không thể để ông ta tiếp tục trấn thủ Thái Nguyên, Bệ hạ nên nhanh chóng tóm lấy tang vật rồi bãi miễn Lý Uyên.
Dương Quảng trầm ngâm thật lâu rồi mới nói:
- Chuyện này thì Trẫm biết, nếu như đại tướng quân không còn chuyện gì nữa thì hãy lui xuống đi!
Nghe xong mà Vũ Văn Thuật ngẩn người ra, vội vàng đáp lại:
- Ty chức xin cáo lui!
Lão ta thực sự không hiểu được ý đồ của Dương Quảng, lui xuống mà không hiểu vì sao, lui xuống mà cái đầu vẫn còn u mê, mụ mị.
Một lúc sau, Dương Quảng nhìn lên nóc nhà rồi hừ lạnh một tiếng, nói với giọng coi thường không thèm để ý đến:
- Trẫm còn cho rằng con trai của ngươi sẽ có chút tiền đồ, bây giờ xem ra cha nào thì con nấy thôi, lợn con tai chó!