Tuy rằng mối quan hệ giữa Trương Huyễn và Tiêu Hoài Tĩnh không tệ, nhưng dù gì thì Tiêu Hoài Tĩnh cũng là giám quân, trong một số sự việc trọng đại y không dám thay Trương Huyễn giấu diếm, ví dụ như xây dựng và cải tạo bến tàu thuộc vào đại sự, y nhất định sẽ báo lên thiên tử, điểm này Trương Huyễn cũng biết.
Cho nên trước đó Trương Huyễn đã cùng với Vi Vân Khởi, Phòng Huyền Linh thương lượng sách lược ứng đối, trên cơ bản đã có lí do thoái thác.
Trương Huyễn vội vàng nói:
- Bệ hạ, xây dựng cải tạo bến tàu là để chuẩn bị tiến hành cuộc tấn công quận Lang Gia, chủ yếu là để thuận lợi cho việc vận chuyển quân lương từ kho Lê Dương vào quận Bắc Hải, tuy là quận Tề đã có bến cảng, nhưng giữa quận Tề và quận Bắc Hải có núi lớn cách trở, giao thông cực kỳ không thuận lợi, nếu quân lương có thể từ quận Bắc Hải trực tiếp rời cảng, thì sẽ càng tiện lợi hơn cho vi thần chuẩn bị tác chiến, mặt khác nếu Vương tướng quân không thuận lợi trong việc tiêu diệt loạn phỉ ở Thanh Hà, cần sự chi viện của vi thần, vi thần liền có thể trực tiếp thống lĩnh quân đội vượt sông giết vào quận Bột Hải, tấn công sau lưng quân giặc.
Lý do của Trương Huyễn rất đầy đủ, cũng rất cường hãn, Dương Quảng gật đầu, xem như là đồng ý cái lý do này, y lại hỏi:
- Thế xây dựng xưởng thuyền lại là chuyện gì?
Tính chất giữa xây dựng xưởng thuyền và bến tàu là hoàn toàn khác nhau, xây bến tàu là để tiện cho vận chuyển, có thể nói là khôi phục dân sinh, vấn đề không lớn, nhưng tạo xưởng thuyền lại là một việc có tính chất tăng cường quân bị, nếu như không được bộ Binh hoặc Công bộ đồng ý đã tùy tiện xây dựng xưởng thuyền, vậy thì vấn đề sẽ có phần nghiêm trọng rồi.
Trương Huyễn cũng đã vì chuyện này mà điều tra kĩ càng, cho dù triều đình hoặc Dương Quảng truy hỏi tới, hắn cũng có thể thong dong ứng đối.
- Khởi bẩm bệ hạ, quận Bắc Hải và quận Đông Lai đều là quận lớn làm nghề đánh cá, việc làm thuyền rất hưng thịnh, những xưởng thuyền lớn nhỏ cũng đã có hơn 20 xưởng, năm đó khi bệ hạ đông chinh Cao Câu Ly có sử dụng chiến thuyền cũng là được tạo ra ở huyện Dịch quận Đông Lai, nhưng từ khi loạn phỉ lạm sát Thanh Châu, tất cả xưởng đóng thuyền đều bị một lửa thiêu rụi, ngư dân đào vong, ngư thuyền bị phá hư, vi thần vừa bình định loạn phỉ, nhưng vấn đề cơm áo của dân chúng quận Bắc Hải vẫn khó khăn như trước, cho nên vi thần và quan viên địa phương vẫn luôn cố gắng khôi phục kế sinh nhai lúc trước của lão bách tính, bệ hạ, xưởng thuyền không phải là xây mới, mà là khôi phục lại vì kế sinh nhai của dân chúng.
Đây là ý kiến của Phòng Huyền Linh, tuyệt đối không được nói là bọn họ đang xây dựng xưởng thuyền mới, mà phải nhấn mạnh là phục hồi, xây mới và phục hồi là hai khái niệm hoàn toàn bất đồng, một cái là có dã tâm, còn cái kia là khôi phục dân sinh.
Dương Quảng chau mày:
- Vậy việc đó có báo cáo với triều đình không?
Lúc này Trương Huyễn vô cùng cảm kích sự cẩn thận của Trương Tu Đà, Vi Vân Khởi đã tìm được một phần xin phúc đáp lúc ban đầu trong đống quyển tông ở quan phủ Lịch Thành, Trương Huyễn vội vàng dâng một quyển tấu lên cho Dương Quảng:
- Khởi bẩm bệ hạ, khôi phục xưởng thuyền Thọ Quang không phải là bắt đầu từ vi thần, Trương đại soái từ năm trước đã bắt đầu bắt tay vào thực thi rồi. Bởi vì loạn phỉ nên không thể không tạm dừng, vi thần chỉ là tiếp tục hoàn thành sự nghiệp của đại soái, đây là phê phúc của Công bộ cho chúng thần. Mời bệ hạ xem qua.
Có một thái giám nhận lấy phê phúc trong tay của Trương Huyễn, dâng lên cho Dương Quảng. Dương Quảng lật phần phê phúc đã hơi ố vàng này, quả là Trương Tu Đà xin xây dựng lại xưởng thuyền Thọ Quảng, bên dưới có ấn phê chuẩn của Công bộ. Dương Quảng chợt nhớ ra, mình hình như cũng đọc qua phần thẩm thỉnh này, chỉ là thời gian quá lâu, y đã quên đi.
Ánh mắt sắc bén của Dương Quảng dần biến mất, trở nên hòa hoãn hơn nhiều, gật đầu nói:
- Nếu đã có sự phê chuẩn của Công bộ, xây dựng lại xưởng thuyền cũng không có gì đáng trách, chỉ là trẫm không rõ lắm, quận Bắc Hải có thật là cần nhiều thuyền đến thế không?
- Bệ hạ, vi thần cũng đã từng thị sát qua xưởng thuyền ở quận Bắc Bình, phát hiện bên kia đã hoàn toàn để hoang phế, không thể tiếp tục đóng thuyền nữa, vi thần từng tham gia chiến dịch chinh phạt Cao Câu Ly, biết rõ Cao Câu Ly Vương là tên tiểu nhân, giả dụ như có một ngày Cao Câu Ly Vương bất kính với bệ hạ, bệ hạ quyết định lại chinh phạt y, có lẽ vẫn cần đến chiến thuyền, vùng Bột Hải nhất định phải còn có một xưởng thuyền mới được.
Đây là một vụ đánh cược của Trương Huyễn, hắn nhất định phải để Dương Quảng biết, mình ở quận Bắc Hải vẫn còn tác dụng.
Dương Quảng kinh ngạc nhìn chằm chằm Trương Huyễn, một lúc sau, y bỗng nhiên cảm thấy có chút mệt mỏi, khoát tay:
- Tướng quân lui xuống trước đi!
- Vi thần cáo lui!
Trương Huyễn từ từ lui xuống, Dương Quảng mệt mỏi tựa vào nhuyễn tháp, nhẹ nhàng ấn huyệt thái dương, một câu nói vô tình của Trương Huyễn đã nói trúng tâm sự của y, mình có phải là nên tiếp tục chinh phạt Cao Câu Ly thêm lần nữa không?
~~~~ .
Trương Huyễn trở lại khoang sau của thuyền, lập tức viết một bức thư cho Phòng Huyền Linh, để y đưa hoàng kim và tiền đồng về lại, nếu Dương Quảng đáp ứng cho hắn dùng để thưởng cho tam quân, hắn cũng sẽ không già mồm giao lại cho triều đình, những thứ tài vật đối với hắn cũng vô cùng trọng yếu.
Chỉ là bản thân Trương Huyễn lại không cách nào rời đi, Dương Quảng chỉ là tạm thời triệu kiến hắn, vẫn chưa chính thức báo cáo công tác, cũng chưa biết báo cáo sẽ được an bài tới khi nào.
Càng quan trọng hơn là, Dương Quảng liệu có điều mình đi Giang Hoài, trong lời nói của y hôm nay đã có ám thị điều này rồi, chỉ là vẫn chưa xác nhận rõ ràng thôi.
Trương Huyễn thầm hạ quyết tâm, bất kể như thế nào, hắn nhất định phải tranh thủ ở lại quận Bắc Hải, tuyệt đối không được để mất căn cơ của mình.
Giữa trưa, đội tàu lại lần nữa chậm rãi khởi động, 8 vạn thuyền phu hai bên bờ kéo thuyền lớn, hơn chục vạn đại quân bảo hộ ven đường, đội tàu đông đảo chạy vào hướng bắc...
Những ngày tháng lênh đênh trên thuyền vô cùng nhàm chán và buồn tẻ, từ sau ngày thứ hai lên thuyền có gặp Lý Uyên, Trương Huyễn không còn nhìn thấy y thêm lần nào nữa, không biết là Lý Uyên đã chuyển sang thuyền khác hay là đã yên lặng rời đi.
Nhưng Trương Huyễn đã không còn quan tâm đến hướng đi của Lý Uyên nữa, hắn chỉ quan tâm vận mệnh của mình, cũng không biết là khi nào mình có thể báo cáo, ngay cả người để nói chuyện cũng không tìm được, trên thuyền rất không tự do, hắn không biết Bùi Củ ở thuyền nào, cho dù biết hắn cũng không dễ dàng gì đi bái phỏng được, Dương Quảng hạ chỉ nghiêm cấm quan viên gặp gỡ nhau, đề phòng bọn họ nghị luận bừa bãi về triều đình.
Thời gian từng ngày lại từng ngày trôi qua, đội thuyền cuối cùng đã tới huyện Trần Lưu, đội thuyền sẽ dừng chân ở đây 3 ngày, cũng cho phép đám quan viên vào thành giải sầu.
Trương Huyễn đã sớm chán ghét cuộc sống buồn tẻ ở trên thuyền, hắn lập tức dẫn thân binh rời khỏi đội thuyền, tiến về huyện Trần Lưu ở phía trước giải sầu.
Huyện Trần Lưu cũng chính là Khai Phong của ngày nay, là trạm trung chuyển quan trọng nhất trên kênh Thông Tế, cũng là một trong những quận lớn nổi tiếng nhất của trung nguyên, nơi đây thành trì rộng lớn, nhân khẩu đông đúc, thương nghiệp vô cùng phồn hoa, tửu quán thanh lâu nơi đâu cũng có.
Bởi vì đội thuyền rồng của thiên tử dừng cách huyện Trần Lưu những 4, 5 dặm, huyện thành không bị ảnh hưởng gì lớn, ngoại trừ đám quan viên vô cùng khẩn trương, như gặp đại địch, thì những lão bách tính vẫn tiếp tục cuộc sống như thường.
Trương Huyễn dẫn theo tùy tùng đi vào huyện thành Trần Lưu, không khí huyên náo náo nhiệt nhất thời ập đến, đối với Trương Huyễn đã trải qua cuộc sống tẻ nhạt trong 7, 8 ngày mà nói, thứ không khí huyên náo náo nhiệt này lại khiến hắn cảm thấy vô cùng thân thiết, giống như đã quay trở lại với nhân gian.
Lúc này, tiếng thét to truyền đến từ cửa thành đã thu hút hứng thú của Trương Huyễn.
- Ta đây đem Thiết Thai Chấn Thiên Cung do tổ tiên truyền lại, không có sức ngàn quân thì không kéo nổi, ta đặc biệt dùng võ để kết bạn, kéo được một lần, ta liền dâng tặng 5 lượng hoàng kim, nếu kéo không được, ngươi chạy lấy người, ta cũng không lấy văn tiền nào, thế nào, có ai nguyện ý thử một lần không?
Đây là một đại hán vạm vỡ có dáng người cỡ như Uất Trì Cung, khoảng 30 tuổi, một khuôn mặt màu tím, mũi như hùng sư, mắt như chuông đồng, trông vô cùng uy mãnh, trong tay y cầm một đại cung màu đen sẫm, nếu như là dùng sắt thô đúc thành, vậy ít nhất nặng 50 cân.
Bốn phía đông nghẹt người, đại bộ phận đều là binh sĩ quân Tùy, có thể là vì giá rao hấp dẫn người, mà thua cũng không tổn thất gì, đám binh sĩ đều nóng lòng muốn thử, lúc này, một Giáo úy quan quân dáng người vạm vỡ tiến lên nói:
- Ta đến thử xem, vị hán tử này, ngươi có bao nhiêu hoàng kim?
Đại hán lấy ra một thỏi vàng vàng óng, ít nhất là nặng 50 lượng, y để ở lòng bàn tay:
- Kéo được cung, thỏi vàng này thuộc về ngươi.
Giáo úy nhận đại cung, tay trầm xuống, đại cung suýt nữa rơi xuống đất, đại hán cười khinh miệt:
- Cây cung này nặng 60 cân, ngươi kéo không nổi!
Giáo úy không thèm để ý y, hai tay dùng lực, liều mạng kéo cung, nhưng dây cung mảnh bằng sắt lại không hề nhúc nhích, nhất thời mặt giáo úy đỏ bừng, ngượng ngùng trả lại cung cho đại hán, không phục nói:
- Ngươi có thể kéo nổi không?
Đại hán không nói một lời, làm tư thế giương cung xạ điêu, ken két dây cung được kéo ra, binh sĩ bốn phía đều kinh hô.
Đám binh sĩ đều biết vị giáo úy này, là một thần lực cung tướng nổi danh trong quân đội, ngay cả y cũng kéo không nổi, những người khác cũng không dám bêu xấu nữa.
Lúc này, đại hán đã nhìn thấy Trương Huyễn, cao giọng cười nói:
- Vị tướng quân kia có dáng vẻ của người tài, có muốn thử một lần không?
Đám binh sĩ đều quay đầu lại, bọn họ bỗng nhận ra Trương Huyễn, đều kinh hô lên:
- Là Thiên kích tướng quân!
Đại hán sửng sốt, đánh giá Trương Huyễn từ trên xuống dưới:
- Thì ra ngươi chính là thiên hạ đệ tam mãnh tướng Trương Huyễn, thất kính.
Đám binh sĩ đều hô lên:
- Tướng quân, kéo cây cung rách kia ra đi, diệt uy phong của y.
Trương Huyễn thúc ngựa tiến lên, nhìn lướt qua đại hán, cười nói:
- Các hạ thần lực kinh người, tại sao không đi tham gia Anh Hùng Hội?
Đại hán hừ lạnh:
- Thiên hạ ngọa hổ tàng long, chút kĩ xảo này của ta tính là gì, làm sao xứng được với hai chữ anh hùng?
Trương Huyễn nghe ra ý châm chọc trong lời nói của y, liền đưa tay qua:
- Đưa cung cho ta!
Đại hán đưa cung cho Trương Huyễn:
- Nếu tướng quân kéo nổi, không chỉ cho ngươi hoàng kim, cây cung này cũng tặng cho ngươi.
Trương Huyễn khẽ cười, hai tay dùng lực:
- Mở!
Chỉ thấy một tiếng ‘két’ đại cung được kéo ra, cung được kéo như trăng tròn, Trương Huyễn một hơi kéo mười lần, mặt không đổi sắc, cười nói:
- Xem ra cung này thuộc về ta rồi.
Bốn phía vang lên những tiếng reo hò, tiếng vỗ tay như tiếng sấm, hơn trăm binh lính kích động hô lớn:
- Không hổ là Thiên kích tướng quân, quả nhiên dũng mãnh vô địch, hán tử, ngươi nhận thua chưa?
Đại hán giơ ngón tay cái lên:
- Quả là thần lực, ta nhận thua.
Y ném thỏi vàng trong tay cho Trương Huyễn:
- Chúng ta sau này sẽ còn gặp lại!
Y nhặt một đại côn bằng đồng ở trên đất lên, bước lớn ra ngoài thành, Trương Huyễn vội hỏi:
- Xin hỏi tôn tính đại danh của tráng sĩ?
- Tướng quân rất nhanh sẽ biết thôi!
Đại hán cười ha hả, rất nhanh đã đi xa rồi. Trương Huyễn nhìn nhìn thỏi vàng trong tay, quả thật là vàng thật, không phải là vàng giả lẫn đồng.
Trong lòng hắn không khỏi cảm thấy kỳ quái, người này cử chỉ cổ quái, giữa đường tỉ võ lại không có kết quả, còn tặng một thỏi vàng xa xỉ 50 lượng và một cây cung tốt, người này rốt cuộc là có ý đồ gì?
Đúng lúc này, có binh sĩ hô to:
- Tiêu rồi, yêu bài của ta không thấy rồi!
- Của ta cũng không thấy rồi!
Đám binh sĩ đều hô hoán, ít nhất có mười mấy người mất đi yêu bài, Trương Huyễn bỗng nhiên hiểu ra, vị đại hán này dùng số tiền lớn thử cung chỉ là một loại thủ đoạn, y thu hút binh sĩ quân Tùy lại đây chính là để lén trộm đi yêu bài của họ, nhất định là có người phối hợp với y, thừa lúc đám binh sĩ bị thu hút âm thầm ra tay rồi.
Trương Huyễn thúc ngựa chạy về cửa thành, chỉ thấy vị đại hán kia đã sớm không thấy bóng dáng nữa.