Vì huyện Lịch Dương có nhiều quặng sắt, mỗi năm đều có một lượng lớn khoáng thạch hoặc sắt thô được bốc xếp và vận chuyển, cho nên giao thông đường thủy đã khiến bến thuyền của huyện Lịch Dương rất sầm uất và rộng lớn, dài đến khoảng ba dặm. Lúc này, cả trăm thuyền chiến quân Tùy đã bỏ neo cả một dãy dài trên bến thuyền.
Phần lớn các chiến thuyền của quân Tùy rất to lớn, chắc chắn đa số là chiến thuyền hai ngàn thạch, chúng có kết cấu mỏ neo, chiến thuyền lớn bỏ neo ở bên ngoài, còn chiến thuyền lương thảo và quân nhu vòng vào trong. Ngoài ra còn có hơn hai mươi thuyền nhỏ tuần tra ở vùng phụ cận, phòng bị đánh lén.
Ánh trăng sáng như ngọc chiếu trên sông, mặt nước lăn tăn, sóng hơi nhấp nhô, trên mặt sông cách chiến thuyền quân Tùy khoảng hơn hai dặm xuất hiện rất nhiều thuyền nhỏ. Phần lớn là thuyền nhỏ trăm thạch, thuyền nhỏ thoạt nhìn cũng không có gì khác biệt so với thuyền đánh cá thông thường. Nhưng trên thuyền nhỏ có rất nhiều binh lính trẻ tuổi đã chứng tỏ thân phận thật của bọn họ.
Những thuyền nhỏ này là thuyền trạm canh của Đỗ Phục Uy trên sông Trường Giang, có khoảng 1 trăm chiếc, do tâm phúc của Đỗ Phục Uy là đại tướng Tề Lượng thống soái. Bình thường, chúng bỏ neo trong Sào Hồ ở quận Lư Giang, và chỉ cử hơn mười thuyền đi tuần tra Trường Giang, còn tất cả chiến thuyền cùng xuất bến như thế này thì đây là lần đầu tiên.
Hai năm trước, trên Trường Giang Đỗ Phục Uy cũng đã từng có một đội thuyền được tạo thành từ 80 chiến thuyền ngàn thạch nhưng trong cuộc tranh đoạt quyền khống chế Trường Giang nó đã bị Lâm Sĩ Hoằng đánh bại trên hồ Phàn Dương. Tất cả 80 chiến thuyền đều bị phá hủy, Đỗ Phục Uy không thể không rời khỏi Tường Giang, chỉ để lại một đội thuyền nhỏ ở lại trinh sát.
Lâm Sĩ Hoằng cũng ngầm đồng ý cho trạm thuyền đó tồn tại, hai bên trong hai năm qua không xâm phạm đến nhau, mọi chuyện bình an vô sự.
Sau khi Đỗ Phục Uy thất bại trong công cuộc khống chế Trường Giang đã đối mặt với sông Hoài, y đã thu phục được đám hải tặc Miêu Hải Triều trên sông Hoài, khiến sông Hoài trở thành phạm vi thế lực của y. Mãi đến lần này thủy quân Tùy của Trương Huyễn giết tới đã quét sạch hoàn toàn thủy quân của y trên sông Hoài.
Trong số thuyền nhỏ ở trạm canh dày đặc này, có một con thuyền 5 trăm thạch dẫn đầu, có một gã đại tướng đứng trên thuyền, chính là Tề Lượng thủ hạ của Đỗ Phục Uy. Tề Lượng là người quận Lư Giang, tổ tiên mấy đời đều là ngư dân. Kỹ năng bơi của y rất tốt, 16 tuổi đã gia nhập thủy tặc Sào Hồ, tung hoành trên Sào Hồ Trường Giang, đến nay đã được mười mấy năm.
Tề Lượng dáng người khôi ngô, lực lưỡng, sử dụng một đôi song kích 60 cân, đã tung hoành trên Trường Giang 12 năm. Y có được một danh hiệu “Tiểu Cam Ninh”.
Y đã nhận được mệnh lệnh của Đỗ Phục Uy, lệnh cho y phải cướp được chiến thuyền quân Tùy vào canh ba, y có hai ngàn thuộc hạ hoàn toàn có thể cướp được trăm chiến thuyền của quân Tùy.
Trong bóng đêm, ánh mắt của Tề Lượng nhìn chằm chằm về phía sau, từng chiến thuyền to lớn hiện ra. Sau khi bọn chúng bị Lâm Sĩ Hoằng đánh bại, chưa từng có được con thuyền hơn trăm thạch khiến trong y tức tối vô cùng. Nếu như lần này có thể cướp được những chiến thuyền trăm thạch này, bọn họ sẽ chọn chúng lại trở thành một đội thủy quân hùng mạnh.
- Tướng quân. Canh ba đến rồi!
Một gã thuộc hạ bên cạnh thấp giọng nhắc nhở y.
Trong lòng Tề Lượng như có ngọn lửa bùng cháy, như thể những chiến thuyền này đã thuộc về y, y vung tay lên:
- Xuất kích!
Hơn trăm chiến thuyền với hai ngàn lính gác từ 3 phía hướng về phía chiến thuyền quân Tùy.
Hai ngàn quân Tùy mà Uất Trì Cung không phải là ở trong thuyền lớn, mà là đóng quân trên bến thuyền, trên bến thuyền được dựng hơn trăm nóc lều, xung quanh có hàng rào bảo vệ, đây cũng là đại doanh của thợ mỏ. Chỉ có điều bình thường không có lều lớn mà chỉ có một hàng rào vòng quanh, liều trại trong đại doanh là do chính quân Tùy mang đến.
Thời gian đã đến canh ba, bóng đêm đen đặc, lính Tùy đều đã ngủ say, trước cửa đại doanh chỉ có hai ngọn đèn lồng, mấy tên lính gác đứng trên tháp canh, chỉ lờ mờ nhìn thấy bóng dáng của bọn họ.
Ở một cánh đồng cách đại doanh quân Tùy hơn một dặm, Đỗ Phục Uy suất lĩnh mười ngàn đại quân đang chuẩn bị dàn xếp trận chiến. Ánh mắt của y lạnh lùng chăm chú nhìn vào đại doanh quân Tùy phía xa xa, sau đó ánh mắt của y lại nhìn về phía sông lớn, y đang chú ý đến một trăm chiến thuyền ở đó.
Vốn dĩ y chỉ muốn một mồi lửa thiêu rụi chiến thuyền quân Tùy, nhưng sau đó y lại thay đổi chủ ý, nếu thiêu hủy những chiến thuyền đó thì thật đáng tiếc, chi bằng cướp hết tất cả mang về lập một đội thuyền, tổ chức thành đội thủy quân của chính mình.
- Đại vương, đến giờ rồi!
Đỗ Phục Uy liếc mắt nhìn thành Lịch Dương phía xa, đầu thành vẫn mãi chưa có lửa tiễn, chứng tỏ quân Tùy vẫn chưa tập kết, y rút chiến đao ra quát lớn:
- Giết vào đại doanh!
- Giết a!
Cả vạn binh lính từ mặt đất nhảy dựng lên, giống như thủy triều tràn vào đại doanh quân Tùy trên bến thuyền…
Cùng lúc đó, trạm gác thuyền của quân giặc trên Trường Giang lại bị tổn thất nặng nề, bỗng nhiên trên chiến thuyền bên ngoài xuất hiện vô số cung tiễn dày đặc bắn về phía trạm gác thuyền của quân phản loạn. Phản quân không kịp đề phòng, lập tức bị giết vô cùng thê thảm và nghiêm trọng.
Đại tướng Tề Lượng của phản quân cầm song kích múa như bay về phía cung tên, trong lòng y vô cùng khiếp sợ, bọn trúng bị mai phục. Rõ ràng quân Tùy có sự chuẩn bị, y căng thẳng hét lớn:
- Rút lui! Lập tức rút lui!
Không cần y hạ lệnh, các thuyền gác đều sợ hãi rút lui, công thuyền và công thành là hai chuyện hoàn toàn không giống nhau. Công thành có thang leo, dùng chân là leo lên được, hai tay còn có thể sử dụng lá chắn và trường mâu, thang cũng không thể dễ dàng mà ném đi được.
Còn công thuyền thì chỉ dựa vào một sợi dây thừng để leo lên, chắc chắn phải dùng cả chân và tay, quan trọng hơn là dây thừng chỉ cần vung một nhát đao chém là đứt, cho nên công thuyền chỉ có thể dựa vào đánh lén mà thôi. Nhân lúc quân địch còn chưa có sự chuẩn bị, lén lút đột nhập lên thuyền lớn. Còn một khi quân địch đã có sự chuẩn bị hoặc phát hiện ra thì binh lính công thuyền sẽ bị giết hoàn toàn, điều này là sự thật.
Cho nên lúc Tề Lượng phát hiện quân Tùy có mai phục, lòng tin tấn công của y đã lập tức biến mất, có thể trốn được phục kích đã là một sự may mắn.
Quân Tùy bắn tên như mưa rơi, đám quân phản loạn không ngừng bị trúng tên. Lúc này, Tề Lượng cũng đã không kịp tránh, bị trúng một mũi tên trên đùi. Y kêu lên một tiếng rồi ngã nhào xuống sông.
Bọn lính vội vàng đi cứu nhưng dưới sông lại vào đêm tối chúng không tìm thấy y. Mũi tên quân Tùy vẫn bay đến tới tấp, có mấy người trên thuyền chính đã bị trúng tên, bất đắc dĩ, đám lính quân giặc đành phải rút lui.
Không lâu sau, gần bảy mươi thuyền gác của quân phản loạn đã thoát khỏi vùng phục kích, biến mất trong vùng nước lớn, dưới thuyền lớn để lại hơn ba mươi thuyền nhỏ trống không, toàn bộ binh lính trên thuyền đã bị quân Tùy tiêu diệt, lúc này Uất Trì Cung vung tay lên:
- Dừng bắn tên!
Binh lính trên thuyền lớn dừng bắn tên, những chiếc thuyền nhỏ bơi từ trong các khe thuyền ra, đây chính là lính gác quân Tùy, bọn họ phụ trách thu dọn chiến trường, kéo thuyền nhỏ về, mò những binh lính quân giặc bị thương chưa chết lên. Hơn mười chiếc thuyền nhỏ ra ra vào vào, vô cùng bận rộn.
- Bắt được rồi!
Một con thuyền nhỏ vớt được một đại tướng của quân phản loạn và trói y lại.
Uất Trì Cung dựa bên mạn thuyền, nhìn chăm chú vào tình hình sông nước.
***
Đại quân của Đỗ Phục Uy không gặp phải bất kỳ sự trở ngại nào mà tiến thẳng vào đại doanh quân Tùy. Đỗ Phục Uy cưỡi con chiến mã, kinh ngạc theo dõi binh lính trên tháp canh, những binh lính đó vẫn không nhúc nhích, rõ ràng có mấy bù nhìn rơm.
- Đại vương, là một doanh trại trống!
Đại trướng không một bóng quân Tùy, thủ hạ của Đỗ Phục Uy quát to, y lập tức tỉnh ngộ mình đã trúng kế.
- Rút lui!
Đỗ Phục Uy khàn giọng hô to:
- Toàn quân lập tức rút lui!
Nhưng đã muộn, phía sau bọn chúng cả đám kêu lên thảm thiết, Trương Huyễn suất lĩnh quân Tùy từ phía ngoài doanh trại vào đánh bất ngờ đám quân phản loạn.
Cùng lúc đó, trong đại doanh đã bị châm lửa, ngọn lửa lớn đã bén tới từng đống cỏ khô được chất sẵn trong đại trướng, trên từng nóc lều lại được đổ sẵn dầu, ngọn lửa bùng cháy khắp nơi, sức thiêu hủy rất khủng khiếp và lan tràn cực nhanh, khói đặc bay lên cuồn cuộn. Mấy ngàn quân phản loạn trong đại doanh loạn thành một bầy.
Đỗ Phục Uy tâm ý hoảng loạn, y quay ngựa chạy về góc tây nam, doanh trướng bên đó không nhiều lắm, ngọn lửa cũng bớt khốc liệt hơn. Mấy trăm thân binh đã phá hàng rào thành một chỗ hổng lớn, bảo vệ chủ công liều chết phá khỏi vòng vây.
Góc tây nam có khoảng hai ngàn quân Tùy, do đại tướng Tô Định Phương suất lĩnh. Lúc này, binh lính quân Tùy đã có hàng trăm tên dũng mãnh xông vào đám thân binh của Đỗ Phục Uy đang loạn thành một bầy.
Trong chiến trường hỗn loạn, Tô Định Phương chợt phát hiện có một thành viên trong số những đại tướng đội nón mặc áo giáp, trong lòng y lập tức mừng rỡ, chỉ đại đao về phía đại tướng đó:
- Bên kia chính là tặc vương, bao vây gã cho ta.
Mấy trăm binh lính quân Tùy đã bao vây Đỗ Phục Uy, Tô Định Phương phi ngựa chạy tới, đao bổ ngang kêu “leng keng” một tiếng vang lớn, đối phương đã bị đại đao đánh bay ra ngoài, hai ngựa đổi nhau. Tô Định Phương một tay bắt sống Đỗ Phục Uy, sau đó hung hăng quát:
- Trói y lại cho ta!
Hơn mười tên lính đồng loạt đi lên, trước sau phối hợp trói chặt y lại, thậm chí còn có binh lính định cắt lấy thủ cấp của y, thấy tính mạng khó mà bảo toàn, “Đỗ Phục Uy” này sợ đến mức hô to:
- Tướng quân tha mạng, ta không phải là Đỗ Phục Uy!
Tô Định Phương ngẩn người ra, thấy Đỗ Phục Uy này vẻ mặt lấm lét, cử chỉ đáng khinh, không có nửa điểm nào giống kẻ thế mạnh một phương. Trong lòng, Tô Định Phương biết mình đã trúng kế “ve sầu thoát xác”, ông ta liền tìm kiếm khắp nơi, cách đó hơn trăm bước, hơn mười kỵ binh quân giặc đang ôm lấy một người đang chạy như điên.
Tô Định Phương vừa tức vừa hận, liền quay ngựa đuổi theo nhưng đã không kịp. Sau khi đuổi được mấy trăm bước ông ta đành phải trơ mắt nhìn bọn chúng biến mất trong bóng đêm.