Quân chế ban đầu quá đơn sơ, không phân văn võ, gộp quân đội và chính phủ làm một, chư hầu địa phương đều có khả năng điều binh nhất định, nhưng nhất định phải nghe mệnh lệnh của hoàng thất. Trên có chính sách, dưới có đối sách, chư hầu địa phương đều nuôi dưỡng tư binh, xây dựng lực lượng vũ trang tư nhân.
Quân quyền quá phân tán đương nhiên sẽ chôn xuống tai họa ngầm cho cả xã hội.
Để thuận theo chế độ chính trị và kinh tế, cải cách quân chế là việc rất cấp bách, tách quân đội và chính quyền ra, chuyển thành thể chế tập quyền hóa quân sự lấy quân vương làm tâm, phân chức văn võ, chế độ ban thưởng quân công được xây dựng rõ ràng hơn. Nguồn cung cấp binh lính chuyển từ con đường cha truyền con nối sang dân chúng phổ thông, chuyển áp lực quân phú lên dân chúng, mở rộng binh lực lớn mạnh hơn, có lợi khi động viên chiến tranh.
Quân chế hiện tại càng có nhiều biến đổi phức tạp hơn. Lấy Đông Khánh làm ví dụ, thời kỳ hòa bình, để đảm bảo nguồn cung binh lính ổn định, hoàng thất Đông Khánh hạ lệnh cho người nhà binh tốt sắp xếp danh sách quân tịch, ép họ phải tòng quân từ đời này sang đời khác. Thời chiến tranh thì đẩy mạnh trưng binh, ép dân chúng phổ thông phải bán mạng nhập ngũ.
Với dân chúng phổ thông, hai chữ “quân tịch” không phải từ gì tốt đẹp cả.
Nếu không phải vì Khương Bồng Cơ đã làm đủ biện pháp, dân chúng còn tránh không kịp “quân tịch”.
Dưới chế độ quân đội này, đương nhiên tố chất binh sĩ không thể cao được. Đánh trận như vẩy nước, nhiều nhất cũng chỉ cao hơn “lính rót nước” một chút.
Thế lực địa phương còn có thể dùng tiền tài chiêu mộ rất nhiều thế lực vũ trang tư nhân, tỷ như bộ khúc của Khương Bồng Cơ.
Về cơ bản thì quân chế của năm nước trong thiên hạ đều giống nhau, phần lớn là được kế thừa từ thời triều Hạ.
Các quốc gia chỉ hơi cải biến một chút căn cứ theo tình hình trong nước.
Dã tâm của Khương Bồng Cơ rất lớn. Cô không vừa lòng với hiện tại, cô rất muốn làm sao để quân đội của mình thực sự trở thành đội quân tinh nhuệ hàng đầu!
Chuyện cải cách quân đội này, cô không chỉ suy nghĩ ngày một ngày hai, mà đã suy tính từ lâu rồi. Bên cạnh, Dương Tư nghiêm túc lắng nghe.
Thi thoảng hai người lại thì thầm thảo luận nghiên cứu, thời gian trôi qua nhanh chóng.
Dương Tư càng nghe càng kinh hãi, đồng thời cũng đánh giá Khương Bồng Cơ cao hơn.
Chủ công nhà mình có thể thu hoạch được nhiều fan cuồng như vậy, không thể nói mị lực bản thân không mạnh.
Gã hỏi: “Nếu làm vậy, có sợ mọi người phản đối không?”
Khương Bồng Cơ lườm gã một cái.
“Bọn họ phản đối làm cái gì? Bọn họ chưa từng được hưởng tư vị ăn bớt tiền trợ cấp. Chưa từng có, khi mất đi cũng sẽ không tiếc.”
Dương Tư nghẹn lời, không nói gì nữa.
Gã hoài nghi, không biết chủ công nhà mình bắt đầu muốn cải cách quân chế từ khi nào mà đã sắp xếp trước rồi?
Khương Bồng Cơ cùng Dương Tư bàn luận thêm một chút về vấn đề chức vụ, quân hàm, lương bổng bao nhiêu. Ví dụ đơn cử, nếu Dương Tư được phong nhiều chức vụ và quân hàm, sẽ nhận được lương bổng tương ứng với chức vụ và quân hàm đó. Trên thực tế, trong số nhiều chức vụ và quân hàm đó chỉ có một cái là thật, còn lại đều là hư danh. Nói đơn giản hơn, Dương Tư gã chỉ làm một việc mà nhận mấy phần tiền lương, lãng phí tài nguyên.
Bởi vậy, xưa nay Khương Bồng Cơ không cho bọn họ chức vụ và quân hàm hư danh, một người chỉ lĩnh lương của một người thôi.
Ai có công lao sẽ được ban thưởng thêm, ngày lễ ngày tết cũng có phúc lợi.
Khương Bồng Cơ lại không hề keo kiệt với khoản phúc lợi của thủ hạ.
Ngoài ra, việc một người kiêm nhiều chức vụ và quân hàm còn dẫn đến vấn đề không phân rõ được chức quyền, làm ra trò cười người ngoài nghề chỉ đạo người trong nghề.
Thời bình thì vấn đề này cũng không lớn, nhưng vào thời kỳ chiến tranh, đây là vấn đề trí mạng rồi.
Khương Bồng Cơ còn nói với Dương Tư về chế độ quân hàm. Cô dự định chia nhỏ chức quyền, đề bạt thêm người mới có thể dùng, kích thích binh lính tích cực kiến công lập nghiệp. Theo như chế độ hiện tại, thì là “việc nhiều cháo ít”, lâu dài sẽ bất lợi cho sự ổn định và phát triển nội bộ.
Hai người nói chuyện từ giữa trưa đến tận lúc mặt trời lặn thì vừa vặn nhắc đến chuyện quân kỷ.
Dương Tư nói: “Theo ý Tư, chủ công quản lý quân ngũ kỷ luật nghiêm minh, đã là hiếm có trên thế gian.”
Cải cách thêm nữa, còn có thể tới trình độ nào?
Khương Bồng Cơ lại lắc đầu nói: “Không thể nói vậy. Dù bên ngoài không có chuyện gì sai phạm, nhưng vụng trộm làm rối loạn kỷ cương, phạm pháp thì có dám đảm bảo không?”
Dương Tư ngẫm nghĩ một lát, thực sự không dám chắc chắn.
Mọi thứ đều không có tuyệt đối. Đánh trận hỗn loạn như vậy, khó đảm bảo không có kẻ gan to bằng trời thừa dịp loạn mà gây chuyện ức hiếp dân chúng.
Khương Bồng Cơ lại nói: “Hiện giờ bọn họ không dám, vì ta còn trẻ, uy hiếp còn đó. Nếu trăm năm nữa ta không còn ở đây, không còn uy hiếp, tướng quân thống lĩnh của họ tâm thuật bất chính… Đến lúc đó, thượng bất chính hạ tắc loạn, toàn quân trên dưới bao che lẫn nhau, lừa trên gạt dưới, không phải chỉ có khổ chủ là phải chịu khổ thôi sao? Vì cái gọi là dân không đấu với quan, không đấu với quân, nếu có tiểu nhân quấy phá thì thực sự khó phòng bị.”
Dương Tư cười khổ: “Chủ công nghĩ quá sâu xa rồi.”
Ngoài miệng thì nói vậy nhưng trong lòng gã cũng đồng ý với suy nghĩ của Khương Bồng Cơ.
Chủ công nhà mình muốn cải cách quân đội, hy vọng dù tương lai không có lãnh đạo anh minh thần võ, quân doanh vẫn có thể giữ được ngay thẳng chính trực.
“Ta từng nghe được một câu: Trung thành là vì cái lợi khi phản bội quá thấp.” Khương Bồng Cơ nói: “Ta cũng biết, người ta tuân theo luật pháp vì cái lợi khi phản bội quá thấp. Nếu cái lợi khi phạm pháp đủ khiến người ta động lòng, đương nhiên sẽ có kẻ chủ động chà đạp lên luật pháp. Vậy ta chỉ có thể tăng thêm cái giá phải trả nếu muốn phạm pháp, đau đến mức khiến người ta không dám chạm đến ranh giới cuối cùng. Tĩnh Dung, huynh nói xem, suy nghĩ này thế nào?”
Dương Tư nghe xong cười trêu chọc: “Lời này chủ công nên nói với Văn Bân. Nếu anh ta nghe được chắc chắn sẽ tôn thờ làm danh ngôn cảnh cáo thế tục.”
Hàn Úc suốt đời truy cầu “đạo”, không phải vì “pháp” sao?
Khương Bồng Cơ nói: “Huynh nói được hay không là được, kéo Văn Bân ra làm gì?”
“Được thì được, nhưng…” Dương Tư nói tiếp: “Căng quá phản tác dụng.”
Suy nghĩ của chủ công nhà mình rất hay, nhưng phải nắm chắc mức độ, không thì sẽ căng quá phản tác dụng.
Khương Bồng Cơ gật đầu nói: “Ta biết điều này, cho nên ta mới muốn quản lý thống nhất quân tịch, ghi chép lại rõ ràng. Phàm là ai làm trái với quân kỷ, không chỉ sẽ mất đi con đường thăng chức của bản thân mà còn liên lụy đến con cháu đời sau, trong ba đời không được tham chính tòng quân, con cháu không được hưởng thụ bất cứ phúc lợi nào của gia đình quân nhân. Sau này, thư viện Kim Lân mở rộng phân viện, hậu nhân của quân sĩ phạm sai lầm cũng sẽ bị từ chối ngoài cửa.”
Dương Tư âm thầm sờ mũi.
Mới nãy còn nói sợ “căng quá phản tác dụng”, chủ công nhà mình đã xuống tay cực kỳ độc ác.
Nếu chế độ này được đưa ra, ai dám phạm tội đây?
Cái giá phải trả quá lớn mà!
Rất nhiều người ôm chấp niệm “nối dõi tông dường, làm rạng rỡ tổ tông” trong đầu.
Vietwriter.vn
Nếu làm trái với quân kỷ, không chỉ sẽ hổ thẹn với tổ tông, mà còn tai họa đến tiền đồ của người đời sau.
Xét theo một mặt nào đó, điều này còn đau khổ hơn cả giết người.
Khương Bồng Cơ nói: “Đây chỉ là suy nghĩ đại khái của ta thôi, cụ thể định ra thế nào, còn phải chờ mọi người tập trung đông đủ, lấy ý kiến quần chúng.”
Ngoài ra, Khương Bồng Cơ còn thảo luận với Dương Tư không ít vấn đề khác. Khương Lộng Cầm nhìn chủ công nhà mình, hai mắt tỏa sáng như sao.
Dương Tư nhìn mà phát giận. Chẳng lẽ mình không đẹp trai bằng chủ công à?
Trưa nay gã đã phí không ít nước bọt, sao không thấy cô thương tiếc mình?
“Ta thì sao?”
Dương Tư trông mong nhìn túi nước trong tay Khương Lộng Cầm.
Khương Lộng Cầm cười lạnh đáp: “Không có, đây là của chủ công.”
Dương Tư: “…”
Hu hu!