Hai quân sắp khai chiến, Tôn Văn lại mang văn thư của Khương Bồng Cơ đến cửa, mọi người nhất thời không rõ ý đồ thật sự của ông là gì.
Trước khi triệu kiến Tôn Văn, Nhiếp Lương để cho văn sĩ Phiền Thần tiếp đãi Tôn Văn để âm thầm thám thính mục đích thật sự của Tôn Văn.
Phiền Thần?
Tôn Văn nghe thấy họ của người này, trong đầu xoay chuyển mấy vòng.
Ông nói: “Nhìn thấy phong độ tư thái nổi bật của tiên sinh, chắc hẳn là người nhà bình thường không thể có được. Lão hủ cả gan suy đoán, có phải tiên sinh xuất thân từ Phiền thị Lê Dương không?”
Trung Chiếu có mười châu ba mươi ba quận, khu vực rộng lớn giàu có, Lê Dương chính là quận huyện dưới sự quản lý của Tốn Châu, đó là một vùng đất lành và giàu có.
Bởi vì sự phổ biến của trường tư thục, mảnh đất Trung Chiếu đã đào tạo ra không ít nhân vật kiệt xuất lưu danh sử sách.
Mặc dù Phiền thị không thể so sánh với Nhiếp thị, nhưng cũng là sĩ tộc số một số hai ở Trung Chiếu, tài nguyên rất phong phú.
Nghe thấy họ tên Phiền Thần, trong lòng Tôn Văn đã nắm chắc rồi.
Ông rời khỏi Trung Chiếu khá sớm, khi đó, danh tiếng Phiền Thần vẫn chưa truyền ra ngoài Tốn Châu, dĩ nhiên Tôn Văn chưa từng nghe qua sự tích của người này.
Ánh mắt Phiền Thần mang theo mấy phần kinh ngạc, hắn chợt cười nói: “Tiên sinh mắt sáng như đuốc, ta thật sự xuất thân từ Phiền thị Lê Dương. Nghe tiên sinh nói chuyện, có mấy phần giống khẩu âm người Biện Châu. Lúc trước, ta nghe nói nguyên quán của tiên sinh là ở Trung Chiếu, khi đó ta còn không tin, nhưng bây giờ đã tin rồi.”
Tôn Văn cười nói: “Nói lão hủ mắt sáng, chẳng thà nói lỗ tai tiên sinh nhạy bén, vừa nghe đã đoán ra được rồi.”
Ông đã sống ở Bắc Châu (Bắc Cương) nhiều năm, khẩu âm bị ảnh hưởng của nơi đó, ít nhiều cũng đã thay đổi chút ít, không ngờ Phiền Thần vẫn có thể nghe ra.
Phiền Thần tiếp đãi vô cùng chu đáo, đặc biệt phái đầu bếp làm món ăn ngon ở địa phương Biện Châu, ngay cả lều vải mà Tôn Văn ở tạm cũng được trang trí theo phong cách nơi đó. Nếu không phải quan hệ hai quân căng thẳng, Tôn Văn thật sự muốn khen ngợi, đánh năm sao cho sự phục vụ của Phiền Thần, người này làm việc thật tỉ mỉ và cẩn thận.
Ở trong môi trường quen thuộc, mọi người không nhịn được buông lỏng cảnh giác, đặc biệt là lúc đối mặt với người mà mình có ấn tượng khá tốt.
Phiền Thần và Tôn Văn trò chuyện một chút về chuyện ở Trung Chiếu, hai người nói chuyện cực kỳ hợp ý nhau, cho dù Tôn Văn nói gì, Phiền Thần đều có thể đáp lại hai câu.
Chẳng bao lâu sau, quan hệ giữa hai người bọn họ đã kéo gần lại một bước dài.
Đặt vào trong tai người ngoài, Tôn Văn và Phiền Thần giống như một đôi bạn vong niên hợp nhau cùng chí hướng vậy, trò chuyện rất thỏa thích.
Duy chỉ có trong lòng người trong cuộc mới rõ ràng. Bọn họ lấy lời nói làm lưỡi dao, giao chiến mấy chục lần qua lại, thường xuyên cảnh giác bẫy rập mà đối phương bố trí trong lời nói.
Một bước sơ sẩy thôi là có thể bị đối phương dẫn dắt lôi kéo.
Hai người cười nói, bên ngoài lều vải bỗng truyền đến tiếng binh lính, Nhiếp Lương triệu kiến Tôn Văn đi qua.
Tôn Văn và Phiền Thần khiêm nhường lẫn nhau, rồi sóng vai ra khỏi quân trướng.
Bên ngoài cờ xí bay phần phật, cờ xí viết chữ “Nhiếp” đung đưa trong gió, giống như từng mảnh đám mây rực lửa tràn đầy sức sống.
Ba cạnh là Nhiếp, Nhiếp trên cờ xí được viết bằng chữ Triện, trông đơn giản cổ xưa mà tràn đầy khí thế mạnh mẽ. Dòng họ này ở Trung Chiếu còn vượt qua cả hoàng thất, cho dù là dân chúng mù chữ cũng hiểu được hoa văn này có ý nghĩa gì. Tôn Văn với tư cách là nhân sĩ Biện Châu, nên dĩ nhiên ông cũng biết Nhiếp thị.
Tôn Văn nhìn cờ xí trước mặt, đôi mắt giống như một vũng nước sâu không thấy đáy, ông mỉm cười nói với Phiền Thần bên cạnh.
“Nói mới nhớ, lão hủ còn có một khoảng thời gian gắn bó keo sơn với Nhiếp thị đây.”
Phiền Thần ồ một tiếng, dáng vẻ chăm chú lắng nghe.
Tôn Văn nói: “Lúc lão hủ còn trẻ, thiên phú ngu dốt, học cái gì cũng chậm hơn người khác mấy bước, sau khi nhược quán cũng là một kẻ vô tích sự. Người đến tuổi trung niên mới cố được vị trí quan lại nhỏ chuyên viết đơn kiện. Năm ấy, lão hủ tự nhận mình có chút bản lĩnh, đã từng tự tiến cử mình làm khách khanh* với Nhiếp thị...”
* Khách khanh: Dùng để chỉ những người ở các nước chư hầu làm quan ở bản quốc thời xưa.
Đương nhiên Phiền Thần không biết được đoạn lịch sử này, nhưng cũng không ngạc nhiên.
Nếu như Tôn Văn là nhân sĩ Biện Châu, xuất thân nghèo hèn thì lối thoát duy nhất chính là học giỏi rồi nương tựa vào Nhiếp thị, ôm lấy cây đại thụ cao lớn để hóng mát.
Điều khiến cho hắn cảm thấy đáng tiếc chính là Tôn Văn không được Nhiếp thị chiêu dụ, ngược lại đi đến Đông Khánh nghìn dặm xa xôi, làm phụ tá cho kẻ địch.
Phiền Thần hơi đáng tiếc mà thở dài một hơi, khéo léo uyển chuyển dẫn lời nói trở lại.
Không nghi ngờ gì nữa, Tôn Văn là một nhân tài, nếu không phải nhân tài thì cũng không có cách nào đùa giỡn Bắc Cương xoay vòng vòng như vậy, đây là sự thật không thể tranh cãi.
Nhân tài như vậy đã từng tự tiến cử mình làm khách khanh với Nhiếp thị, Nhiếp thị lại không kéo ông vào làm môn hạ, không thể không nói là một sự mất mát.
Phiền Thần không thể nói tài hoa Tôn Văn không đủ, cũng tương tự không thể nói Nhiếp thị có mắt không tròng, nhầm tưởng trân châu thành mắt cá.
Hắn chỉ có thể đứng ở lập trường Nhiếp thị để bày tỏ sự tiếc nuối, đồng thời còn khẳng định tài năng của Tôn Văn, giữ thể diện cho hai phe.
Phiền Thần rất biết cách nói chuyện, nói đến nỗi trong lòng người nghe cực kỳ dễ chịu.
Tôn Văn cong môi, trong ánh mắt bình tĩnh mang theo mấy phần âm u lạnh lẽo, nụ cười không chạm đến đáy mắt, vô duyên vô cớ làm người ta có ảo giác rằng ngoài cười trong không cười.
Trên thực tế, sau khi tự tiến cử mình với Nhiếp thị, Tôn Văn đã được thu vào làm môn hạ rồi, chỉ là tuổi tác của ông đã lớn, nửa đời trước lại không có bất kỳ thành tích hay bản lĩnh nào, nên căn bản không lọt vào nổi mắt xanh của ai. Sau khi Tôn Văn nương nhờ vào Nhiếp thị, ông vẫn là tiểu quan lại viết đơn kiện không có cảm giác tồn tại gì, hết hy vọng ngẩng cao đầu.
Một năm sau, Tôn Văn đã cảm thấy chán nản, cho dù mười ngày nửa tháng, ông không đi điểm mão thì cũng không có người nào nhắc đến ông. Vietwriter.vn
Cũng không lâu lắm, con trai độc nhất của ông là Tôn Liệt ở một lần nhã tập nào đó đã đắc tội với con cháu dòng chính nhà Nhiếp thị.
Người kia cực kỳ ngông cuồng, tính tình hung ác ngang ngược.
Chỉ vì Tôn Liệt có được vị trí cao nhất, làm cho hắn ta mất mặt, phái người đánh gãy hai chân Tôn Liệt. Chuyện này còn chưa tính là gì, hắn ta còn sử dụng mối quan hệ để gán cho Tôn Liệt tội danh vô căn cứ để đày ra biên cảnh.
Hoàn cảnh gia đình Tôn Văn không tính là tốt, nhưng Tôn Liệt cũng là đứa con trai mà ông nuông chiều lớn lên, sao mà chịu được những khổ cực này, nên trên đường bị nhiễm phong hàn mất sớm rồi.
Vợ già và con dâu không chịu đựng nổi đả kích này nên liên tiếp đổ bệnh qua đời...
Một nhà năm người, mới chớp mắt đã mất ba người, chỉ còn một mình Tôn Văn và cháu trai nhỏ tuổi sống nương tựa vào nhau.
Tôn Văn lo lắng Nhiếp thị sẽ tiếp tục bức hại, không thể không dẫn theo cháu trai Lan Lan rời khỏi Trung Chiếu, ăn xin dọc đường đi, sống đầu đường xó chợ.
Ai có thể ngờ, con chó nhà có tang Tôn Văn mấy năm trước, bây giờ lại lấy thân phận sứ giả đến nhận sự tiếp đãi nồng hậu của Nhiếp thị đây?
Ánh mắt ông hướng về phía cờ chiến chủ soái bên ngoài soái trướng, con ngươi khô khốc lộ ra mấy phần âm u lạnh lẽo.
“Sứ giả, mời.”
Tôn Văn phân tâm nghĩ quá sâu, khi bên tai nghe thấy lời nói của Phiền Thần, ông lấy lại tinh thần, mỉm cười gật đầu đi vào lều.
Nhiếp Lương ngồi ở ghế chủ vị, cho dù ánh sáng trong lều không quá sáng, Tôn Văn vẫn có thể nhìn ra đối phương là một người đàn ông có phong thái lễ nghi rất tốt.
Người này oai phong, nhưng theo Tôn Văn, Nhiếp Lương càng giống một văn sĩ ngâm thơ đối câu, chuyện trò vui vẻ với người khác mà không phải là người tranh giành thiên hạ, đồ tể ăn lông uống máu hoặc làm bá chủ. Chỉ nhanh chóng liếc qua một chút, Tôn Văn đã thu hồi tầm mắt, chắp tay hành lễ, đúng mực tỏ rõ thân phận.
Hai người cách nhau hai trượng, bầu không khí nơi này khá bất thường, Tôn Văn không thể tùy tiện sát lại gần để nhìn kĩ diện mạo Nhiếp Lương.
“Kẻ hèn Tôn Văn nhận mệnh lệnh của chủ ta đến đây hỏi thăm một chuyện.”
Người trong lều đông đúc nhưng lại không hiện ra vẻ chật chội hay ồn ào, giọng nói của Nhiếp Lương không to nhưng Tôn Văn vẫn có thể nghe được rõ ràng.
“Chuyện gì?” Nhiếp Lương hỏi.
“Chủ ta hết lòng hết sức làm việc vì mưu cầu hạnh phúc của dân chúng, dẹp loạn chiến tranh khắp nơi, vất vả mấy năm mới có được quang cảnh bây giờ, dân chúng bên dưới có thể an cư lạc nghiệp. Quang Thiện Công và chủ ta không ơn không oán, tại sao lại xuất binh, uy hiếp ải Trạm Giang?” Tôn Văn nói: “Chủ ta muốn hỏi, đây chính là khiêu khích sao?”