"๑ ๑ ๑ ۩ ۩ ۞ ۩ ۩ ๑ ๑ ๑
Thư Vũ cũng chìm vào trầm ngâm cả nửa ngày, vị đại thần Khánh Quốc này như chợt già đi chỉ trong nháy mắt. Một lúc sau, ông khàn giọng nói: ""Tiểu Phạm đại nhân đã tới gặp, hơn nữa lão phu cũng đã biết, không thể coi như ngươi chưa từng tới được.""
Sắc mặt Phạm Nhàn hơi đổi.
""Lão phu chỉ tò mò, tuy Phạm Thượng thư bị quản thúc tại phủ, ngài vẫn có nhiều bằng hữu nhưng trong triều, sao lại lựa chọn lão phu chứ không tìm đến người khác, ví dụ như Trần viện trưởng, ví dụ như Đại hoàng tử?"" Đôi mắt Thư Vũ lấp lánh một luồng hào quang khiến người ta cảm thấy thoải mái, ông mỉm cười hỏi.
Phạm Nhàn cũng mỉm cười đáp: ""Vũ lực chỉ là biện pháp cuối cùng để giải quyết mọi việc. Khi mọi thứ tới hồi kết, vẫn phải dùng đến võ lực. Nhưng trước khi hành động, Khánh Quốc cần bàn luận một chút về đạo lý.""
Y thản nhiên nói: ""Lý do ta chọn ngài lên nói lý thay bệ hạ, chính vì ngài là người đọc sách.""
Cuối cùng Phạm Nhàn nói: ""Ta không phải là người đọc sách đơn thuần, nhưng ta biết người đọc sách thực sự sẽ ra sao, như thầy của ngài Trang Mặc Hàn tiên sinh - người đọc sách có xương, ta muốn mượn xương của tiên sinh dùng một lát.""
๑ ๑ ๑ ۩ ۩ ۞ ۩ ۩ ๑ ๑ ๑
Toàn thành trắng xóa, một màu trắng như tuyết. Giống như có trận tuyết lạnh thấu xương đổ xuống vào tháng chín, bông tuyết bay lả tả khắp nơi, từ hoàng thành đến ngõ phố, nhà dân. Không phải tuyết thật, chỉ là vải trắng, giấy trắng, đèn trắng, phướn trắng, đèn lồng trắng.
Khắp nơi đều là màu trắng xóa, màu trắng sự thanh khiết. Mọi người nén nỗi buồn và nước mắt trong lòng, sợ làm xáo trộn ngày buồn thảm nhất Khánh Quốc trong hai mươi năm qua.
Tin tức Hoàng đế băng hà chung quy cũng không thể che giấu mãi được, nhất là khi tin đồn càng lúc lan rộng. Thái hậu nhanh chóng quyết định, không chờ chờ quân đội từ Đại Đông sơn đón di hài bệ hạ về, cũng không đợi điều tra thêm, đã công bố tin buồn chấn động thiên hạ này.
Dân chúng kinh đô đã chuẩn bị tâm lý, nhưng khi có tin tức chính thức từ triều đình, khi thấy đèn lồng trắng treo khắp góc thành, trong lòng họ vẫn cực kỳ chấn động. Thường khi mất đi ai đó, người ta mới nhớ đến những điều tốt đẹp về họ. Bất kể tính cách thực sự của Hoàng đế Khánh Quốc ra sao, trong hơn hai mươi năm trị vì, con dân Khánh Quốc đã trải qua thời kỳ hạnh phúc nhất lịch sử.
Vì thế, đêm ấy kinh đô đầy tiếng thổn thức.
Hoàng đế mắc bệnh qua đời trên đỉnh Đại Đông sơn, đó là chân tướng mà giới quyền quý Khánh Quốc muốn công bố dân chúng. Còn sự thật thực sự ra sao, có lẽ phải vài năm sau mới dần tiết lộ, như dòng thác đổ vào lòng dân Khánh Quốc. Những kẻ quyền quý sẽ một lần nữa lợi dụng nỗi đau của con dân Khánh Quốc để mưu đồ lợi riêng cho mình.
Vẫn chưa tới ngày Khánh Quốc phát tang, kinh đô đã biến thành vùng đất màu trắng xoá. Nhưng có lẽ Thượng thư bộ Lễ và Chính khanh Hồng Lư Tự đã tử nạn cùng Hoàng đế trên đỉnh Đại Đông sơn xa xôi, nên các nghi lễ luôn có vẻ không trôi chảy, giống như khúc ca tang lễ buồn bã bị cắt đứt giữa chừng.
Chính cái không trôi chảy đó đã khiến các đại thần đang đau buồn trong cung càng lo sợ, bất an. Tuy những năm gần đây Hoàng đế không có động thái quá đột ngột, vẫn luôn trầm lặng, nhưng người đã khuất vẫn là Khánh Đế, là nòng cốt tinh thần của Khánh Quốc!
Khi đã quen với nỗi buồn, mọi người bắt đầu cảm thấy có gì đó phi lý. Năm xưa Hoàng đế tài ba xuất chúng cỡ nào, ấp ủ hoài bão thống nhất thiên hạ, sao có thể biến mất một cách lặng lẽ như vậy? Không phải không thể chấp nhận Hoàng đế bệ hạ đã ra đi, mà bất cứ ai cũng khó lòng tiếp thu phương thức ra đi quá đỗi kỳ lạ này.
Phương thức ra đi quá tĩnh lặng, khiến mọi người rùng mình.
Khi người thống trị lặng lẽ từ trần, Khánh Quốc sẽ đối diện với điều gì?
Là sụp đổ sau những biến động? Hay kế thừa vững vàng rồi tắm lửa tái sinh?
Người vì kinh hãi mà tìm kiếm ổn định. Tất cả đổ dồn ánh mắt về ngai vàng trong Thái Cực điện, hy vọng sẽ có một vị Hoàng tử nhanh chóng đặt mông ngồi lên cái ghế đó, ổn định tình hình triều chính Khánh Quốc.
Rõ ràng Thái tử là lựa chọn số một, cho dù xét về danh phận, mối quan hệ với Thái hậu hay quan điểm của các đại thần, theo lẽ thường, Thái tử sẽ kế vị. Nhưng mọi người đều biết, mục đích chính Hoàng đế đi Đại Đông sơn lần này là phế truất Thái tử...
Có người đã hiểu ra điều gì đó nhưng không dám nói ra. Những đại thần vào cung khóc tang, từ xa trông thấy Thái tử nghẹn ngào bên áo quan, trong lòng tràn ngập cảm giác lạnh lẽo và khiếp sợ, như thể họ lại nhìn thấy một vị Hoàng đế bệ hạ khi còn trẻ tuổi, cũng từng khóc lóc bên quan tài rồi tái sinh.
"