Hôm qua Lâm Tướng Sơn mang về một tổ ong, còn chưa kịp lấy mật, sáng sớm hôm sau hai người đã ngồi ở sân, dùng dao cắt tổ ong thành từng khối nhỏ, lót một lớp vải mỏng rồi ép mật.
Mật ong vàng óng, sánh đặc được lọc sạch đổ đầy vào một cái vại lớn, còn thừa lại một đống sáp ong.
Diệp Khê rót mật vào bình nhỏ, cười nói: “Đây là thứ tốt bồi bổ thân thể, dù sao cũng nhiều thế này, mang chút sang cho chị dâu.”
Lâm Tướng Sơn gật đầu: “Hồ cá của anh cả đã bắt đầu dẫn nước rồi, phải dẫn hai ngày nữa, đợi đến hôm kia thả cá giống anh sẽ qua giúp một tay.”
Diệp Khê nghe vậy cũng mừng thay, cuộc sống của nhà mẹ cũng khá lên rồi. Nếu nuôi cá thuận lợi, đến mùa thu là có thể kiếm được một mớ bạc trắng lận đấy.
“Tuy là việc vất vả, hằng ngày phải cắt cỏ cho cá ăn, còn phải trông coi ao, nhưng chỉ cần mở ao là có thể kiếm được một khoản, cũng không uổng công anh chị cực nhọc bấy lâu.”
Lấy mật ong xong, Diệp Khê lại tiếc đống sáp ong kia, liền cẩn thận nhặt sạch tạp chất bên trong, rồi đem vào bếp dùng lò đun lên, cho thêm nước vào, đun đến khi sánh đặc lại.
Khi mặt nước nổi lên một lớp sáp vàng thì dùng thìa hớt lấy, để nguội đi chính là sáp ong nguyên chất không có tạp chất.
Lâm Tướng Sơn ghé lại gần, hỏi dùng cái này làm gì.
“Dù sao vứt cũng tiếc mà, em đem làm ít đồ bôi mặt.” Diệp Khê cười đáp.
Ở thôn Sơn Tú này, ca nhi với cô nương nhà nông như bọn họ đều chẳng nỡ bỏ tiền đi mua mấy thứ son phấn ngoài phố. Mấy món đồ chăm sóc da bán ở tiệm trên trấn đều mấy trăm văn một hộp, còn đắt hơn vàng.
Những thứ đó toàn dùng nước hoa hồng, hoặc là bột gạo trộn với bột trân châu, bột hạnh nhân thêm vài dược liệu quý, tóm lại đều là hàng xa xỉ.
Diệp Khê biết sáp ong cũng có thể dưỡng da, trời hanh khô lấy bôi môi hay bôi tay đều tốt, liền lọc sạch sáp ong rồi tán thêm ít bạch chỉ, đương quy nhà mình vẫn để dành hầm canh thành bột trộn chung vào.
Chất sáp tự nhiên bôi lên mu bàn tay một cái liền tan ra, mềm mượt dễ chịu, Diệp Khê cẩn thận cho vào hộp cất đi. Tuy nói cậu chỉ là một ca nhi quê mùa, nhưng cũng biết thương bản thân, thích làm đẹp mà.
Lâm Tướng Sơn thấy vậy, âm thầm ghi nhớ trong lòng, đợi khi nào nông nhàn sẽ lên núi một chuyến, nếu tìm được thứ gì tốt để bán, lần sau xuống trấn sẽ mua cho Diệp Khê một hũ phấn thoa mặt, để phu lang cũng vui vẻ một phen.
Hôm nay Lâm Tướng Sơn phải đi giúp hai nhà trong thôn cày đất. Xuân phân tới rồi, việc ruộng đồng càng thêm bận rộn. Năm nay hắn và Diệp Khê mới khai khẩn thêm được ít đất, tổng cộng chưa tới năm mẫu. Trong thôn có mấy nhà đông người, mỗi nhà cũng có đến mười mấy hai mươi mẫu, ruộng nhiều như vậy chỉ dựa vào người nhà thì làm sao cày kịp.
Nghe nói tay nghề của Lâm Tướng Sơn rất tốt, còn tỉ mỉ hơn cả mấy người chuyên đi cày thuê trong thôn nên năm nay không ít nhà ở thôn Sơn Tú đều tới nhờ hắn. Giá công cũng giống như những người khác, vì mùa xuân việc đồng áng nhiều nên tiền công cũng cao hơn, một mẫu trả sáu văn tiền.
Diệp Khê chuẩn bị túi đựng nước và khăn lau mồ hôi, lại cẩn thận để thêm mấy cái bánh trứng rán cậu vừa làm xong vào túi vải.
Lâm Tướng Sơn thấy vậy nói: “Buổi trưa chủ nhà sẽ lo cơm nước ấy em.”
Diệp Khê lại không chịu lấy bánh ra, lo lắng nói: “Nhà mình nấu nướng dùng nhiều dầu mỡ hơn, người ta nấu món gì còn chưa biết nữa, nhỡ đâu mình làm mệt, lấy ra lót dạ cũng được vậy.”
Trong thôn nếu thuê người đến cày ruộng, gặt lúa hay cấy mạ, thì chủ nhà sẽ lo cơm trưa. Gặp nhà nào hào phóng thì còn cho ăn bánh bột mì trắng, hay có thêm chút thịt, gặp phải nhà keo kiệt thì chỉ dọn ít bánh ngô bánh kê với dưa muối cho có lệ, mà người làm thuê cũng không tiện nói gì.
Diệp Khê dĩ nhiên không muốn để phu quân nhà mình để bụng đói làm việc, nên nhất quyết nhét thêm mấy cái bánh vào túi.
Lâm Tướng Sơn thu dọn xong cái cày, dắt trâu ra khỏi cửa. Con nai và dê cũng lon ton chạy theo con trâu tới tận cổng, Diệp Khê liền gọi tụi nó lại, băm ít cỏ xanh rồi trộn thêm mấy lá rau tươi cho bọn nó ăn.
Từ sau lập xuân, dê cái nhà cậu cho sữa nhiều hơn hẳn so với mùa đông. Diệp Khê tranh thủ lúc sữa nhiều, mỗi ngày đều vắt một lần, để Lâm Tướng Sơn mang đi bán. Một phễu sữa thì hai văn, một chén thì ba văn, tính ra một ngày cũng đủ tiền mua một hai cân thịt.
Nghĩ bụng dê cho sữa cũng không dễ, Diệp Khê lại càng chăm sóc nó cẩn thận hơn. Cỏ xanh ngày nào cũng phải cho ăn, thỉnh thoảng còn trộn thêm ít đậu nành.
Lần trước nghe người trong thôn bảo cho dê ăn bã đậu nành thì tốt hơn, mà nhà Diệp Khê không có bã đậu, vì phải đem đậu nành ép dầu mới có bã. Nghe nói cho dê ăn cái đó, lông sẽ bóng mượt, sữa cũng nhiều, mà còn ít bị bệnh.
Nhà cậu cũng không trồng đậu nành, nửa bao đậu lần trước là mua ở chợ. Đúng lúc trong nhà cũng hết dầu ăn rồi, lát nữa phải xuống thôn tìm nhà ai đó mua ít đậu đem ép dầu về dùng mới được.
Diệp Khê lại đi thả gà vịt ra cái sân nhỏ được Lâm Tướng Sơn quây lại để chúng mổ cỏ, rồi vác gùi đi cắt cỏ xanh về cho thỏ ăn. Cậu đốt một nắm ngải cứu, hun khắp chuồng gà, chuồng thỏ với chuồng heo một lượt. Trong núi đến mùa hè thì muỗi với sâu bọ càng nhiều, Diệp Khê nghĩ bụng chắc phải trồng thêm ít bạc hà, sả với cỏ đuổi muỗi ngoài sân mới được.
Nếu mai mốt Lâm Tướng Sơn có lên núi, cậu cũng định bảo hắn để ý coi có cây dã hương nào nhỏ nhỏ thì bứng về trồng ngoài cổng, cũng có thể đuổi muỗi.
Sắp xếp xong hết cho mấy con vật nuôi, Diệp Khê lại vào nhà lôi chăn đệm ra phơi nắng, gỡ cả lớp rơm lót dưới chiếu nằm ra. Nông dân trong thôn vẫn hay lót một lớp rơm dày dưới chiếu với chăn, vừa êm lại vừa giữ ấm, chống ẩm. Có điều rơm lâu ngày dễ sinh mọt mốc, nên phải thường xuyên lôi ra phơi nắng.
Diệp Khê trải lớp rơm ra giữa sân, nghĩ bụng sau lập hạ phải đi kiếm ít cỏ chiếu về bện mấy cái chiếu cỏ, vừa mát vừa dễ vệ sinh.
Loay hoay làm lụng cả buổi sáng, Lâm Tướng Sơn trưa nay không về ăn cơm, Diệp Khê cũng chỉ nấu ít cơm trắng, gắp đại một đĩa dưa muối, hái nắm rau ngoài sân đem xào ăn cho qua bữa.
Đang rửa chén thì thấy con nai nhỏ cứ húc cặp sừng của nó vào khung cửa, Diệp Khê xoa cái sừng đầy lông tơ của nó, cười nói: “Bộ sắp rụng nhung rồi hả? Để tối cha mày về coi thử.”
Diệp Khê sớm đã coi nó như con mình, còn nai con cũng ngày ngày quấn quýt theo chân cậu.
Sắp xếp nhà cửa đâu vào đấy, Diệp Khê khóa cửa đi mua đậu nành, cậu nhớ trong thôn có mấy nhà trồng một hai mẫu đậu.
Đang đi tìm nhà bán thì Triệu ca mụ* trong thôn gọi lại: “Khê ca nhi đi mua đậu đấy à?”
*là ca nhi đã có tuổi
Diệp Khê xách giỏ cười đáp: “Dạ phải, nhà con hết dầu ăn rồi, tính mua ít đậu về ép dầu.”
Triệu ca mụ liền gọi cậu vào: “Nhà ta còn hai bao, để ta bán cho một ít mà dùng.”
“Vậy thì tốt quá, con xin cảm ơn ca mụ nhiều!”
Vừa vào đến sân, nhà Triệu ca mụ có nuôi hai con chó. Diệp Khê có hơi sợ, Triệu ca mụ liền quát chó vô nhà, đừng dọa khách.
Mấy con chó cỏ nhà nông lanh lắm, liền cụp đuôi chui vô trong, Diệp Khê mới dám xách giỏ đi theo vào phòng chất củi.
“Hai chục cân đủ không? Cái thằng què bán đậu hũ trên trấn cũng dặn ta chừa cho nó đấy, mà ta thương con, chứ giờ hạt đậu nành tốt không dễ mua đâu.” Đậu nhà Triệu ca mụ hạt to, tròn đều, ít mọt, dân làm đậu hũ ai cũng thích tới mua.
Diệp Khê gật đầu: “Đủ rồi đủ rồi, nhà con không chỉ để ép dầu ăn, còn trộn với mỡ heo mà ăn nữa.”
Triệu ca mụ cười nói: “Nhà con đúng là sống sướng rồi đấy, còn ăn được mỡ heo. Trong thôn này biết bao nhiêu nhà còn chẳng dám thắng mỡ heo ăn đâu.”
Diệp Khê liền đáp: “Chồng con phải làm lụng vất vả, không có chút dầu mỡ thì sao được, đâu thể để cái miệng anh ấy chịu thiệt được.”
Triệu ca mụ nghe vậy gật gù liên tục: “Phải đấy phải đấy, chúng ta nhịn chút cũng chẳng sao, nhưng đàn ông trong nhà thì phải có tí dầu mỡ mà ăn, nếu ai cũng biết nghĩ như Khê ca nhi thì tốt rồi.” Nhắc đến đây, Triệu ca mụ lại thấy phiền lòng.
Diệp Khê biết rõ, cha mẹ chồng của Triệu ca mụ đã gần bảy mươi tuổi, thuộc loại sống lâu nhất thôn, nhưng tính tình rất khó chịu, vừa cay nghiệt vừa keo kiệt, ngay cả đốt thêm mấy bó củi cũng bị mắng.
Triệu ca mụ chịu đựng hơn ba mươi năm, giờ sắp làm ông nội rồi mà vẫn bị cha mẹ chồng quát mắng suốt ngày, sống trong cảnh uất ức ngột ngạt.
Diệp Khê an ủi vài câu, không tiện nói nhiều, nhà nào cũng có khó khăn riêng, người ngoài khó mà góp ý được.
Triệu ca mụ thở dài: “Nhà hết mỡ heo rồi, hôm kia ta vừa thắng một nồi, con không biết đâu, bị bà cụ mắng suốt, bảo ta phá của, không biết giữ tiền, chỉ biết tham ăn. Thật là oan ức! Mỡ đó ta đều để dành cho mấy ông trong nhà ăn, bà ấy cũng ăn không ít, lúc không có vị gì còn lén móc lọ mỡ ra bỏ vào miệng đấy chứ. Ta nào có nói gì bà ấy, sao lại đổ hết tội cho ta ăn vụng hết mỡ được?”
Diệp Khê biết tính tình Triệu ca mụ hiền lành dễ bảo, chính vì thế mới bị cha mẹ chồng ức hiếp lâu như vậy. Nếu là người nóng nảy thì chắc đã to tiếng mấy lần rồi.
Triệu ca mụ cũng chỉ là muốn tìm người nói chuyện cho khuây khỏa nỗi lòng thôi, ông kéo Diệp Khê nói một hồi, trút hết phiền muộn rồi mới chịu thả cho cậu về.
Diệp Khê đưa tiền mua đậu cho ông, tổng cộng hai trăm văn, được buộc thành hai xâu, Triệu ca mụ đếm kỹ rồi bỏ vào tay áo: “Đủ rồi, lát nữa cha mẹ chồng ta về còn phải đưa cho bà ấy, không thì lại bị mắng là đi ăn cắp đậu đem bán mất.”
Ở tuổi này mà còn sống trong cảnh khổ như vậy, đến cả tiền bạc trong nhà cũng bị cha mẹ chồng giữ hết, nhìn Triệu ca mụ mà Diệp Khê thấy chua xót trong lòng.
Rời nhà Triệu ca mụ, Diệp Khê mang đậu nành đến xưởng ép, từ xa đã ngửi thấy mùi thơm của dầu đậu nành, nhiều thím trong thôn cũng đến đây ép dầu.
Diệp Khê hỏi giá, mỗi cân đậu phải trả ba văn tiền công. Ép dầu vốn là việc vất vả, phải trải qua nhiều công đoạn ngâm đậu, rang, nghiền, hấp, ép, lọc mới lấy được dầu.
Đó cũng là lý do khiến nhiều nhà không dám dùng dầu nhiều khi nấu ăn, vì dầu đậu rất quý, phải chờ đến mùa cây cải dầu chín thì giá dầu mới rẻ hơn.
Diệp Khê đưa đậu cho người ở xưởng cân.
“Đậu của ngươi là loại tốt, tỷ lệ ra dầu cao hơn nhà khác, khoảng sáu bảy cân đậu sẽ ép được một cân dầu, ước chừng ép được khoảng ba cân dầu.” Người ở xưởng nói.
Diệp Khê trong lòng biết ơn Triệu ca mụ đã chọn cho mình đậu tốt, vì lượng dầu ra nhiều hơn cậu nghĩ nửa cân: “Được, vậy nhờ anh nhé.”
Diệp Khê trả tiền công rồi ra ngoài cổng chờ. Bên trong xưởng toàn là đàn ông cởi tr.ần làm việc, con gái hay ca nhi đều không được vào, chỉ có thể đứng ngoài sân đợi.
Hết chương 73.