Diệp Khê chọn một phiến đá dưới bóng cây trước cửa xưởng ép dầu ngồi xuống, bên cạnh toàn là các thím cũng đang đợi, tụm năm tụm ba nói chuyện rôm rả.
Có mấy thím gan to lại hay lả lơi còn vươn cổ dòm vào bên trong, khiến những người khác cười to chọc ghẹo bộ chưa từng thấy đàn ông bao giờ hay sao.
“Xì, các người cười cái gì chứ, mấy gã đàn ông trong kia ngày nào chẳng đổ cả rổ mồ hôi, làm việc cả ngày, ai nấy đều rắn rỏi khỏe mạnh, cánh tay kia chắc còn rắn hơn cả trâu ngoài đồng, các người chẳng lẽ chưa từng muốn nhìn trộm sao?”
“Xem rồi thì lại càng thấy bứt rứt chứ gì.” Các thím khác bịt miệng cười khúc khích.
“Mấy người không biết chứ, chồng của ả ta thì ốm yếu, ba ngày hai bữa đau đầu cảm sốt phải uống thuốc, chắc trên giường cũng không ra gì đâu, giờ đúng tuổi đang hừng hực, chẳng phải vậy nên ả mới nhìn mấy gã trai nhà khác mà ngứa ngáy trong lòng sao?”
Người bị nói đỏ bừng mặt, ngay cả Diệp Khê ngồi gần đó cũng đỏ rần cả gáy, liền len lén dịch sang bên, tránh xa mấy thím ăn nói bạo dạn kia một chút.
Ai ngờ vẫn có một thím thấy Diệp Khê, muốn kéo cậu trai trẻ này vào trò chuyện cho vui.
“Khê ca nhi cũng đi ép dầu à?”
Diệp Khê đành phải gật đầu, cười chào các thím một tiếng.
Một thím cười bảo: “Nhìn xem Khê ca nhi người ta này, thành thân rồi mà vẫn còn trắng trẻo mịn màng thế này, làn da y như trứng gà bóc ấy, nhìn chẳng khác gì mấy đứa nhỏ chưa gả đi.”
Một thím khác bịt miệng cười: “Chắc là do được chồng chăm sóc tốt đấy mà, dương khí sung mãn, chẳng phải là vậy sao?”
Diệp Khê bị mấy câu nói táo bạo của các thím chọc cho tai cũng đỏ ửng.
“Phải nói là thằng nhóc Tướng Sơn nhà hắn còn khỏe hơn mấy gã trong xưởng ép dầu kia nữa, vai dài lưng rộng, cổ tay to bằng hai người tụi mình cộng lại ấy chứ, chắc phải may thêm vài tấc vải mới vừa, Khê ca nhi đúng là cưới được người chồng tốt.”
“Tướng Sơn siêng năng tháo vát, lại biết kiếm tiền gây dựng gia đình, không chừng chẳng bao lâu nữa Khê ca nhi sẽ có tin vui thôi, tranh thủ sinh một đứa bụ bẫm, để sau này theo cha nó ra đồng làm việc nữa.”
Diệp Khê mím môi cười, nghĩ tới lúc mình ôm lưng phu quân vào ban đêm, bị người ta đè dưới thân mà hôn hít vu.ốt ve, những gì mấy thím nói quả thực chẳng sai chút nào, người nhà cậu đúng là khỏe mạnh thật.
Mọi người cười đùa một hồi, có vài thím ép xong dầu, liền về trước.
Còn lại mấy thím tiếp tục đợi, đang nói chuyện thì lờ mờ nghe thấy trong thôn có tiếng chửi bới, giọng the thé chua ngoa, ai nấy cũng thấy chói tai.
Diệp Khê quay đầu nhìn, một thím khác tiện tay bóc hạt bí ngô nhai rôm rốp, bình thản nói: “Chẳng có gì lạ, còn ai vào đây nữa, chắc chắn lại là nhà họ Triệu rồi.”
Diệp Khê khó hiểu: “Nhà họ Triệu?”
“Haiz, cha mẹ chồng của hắn đúng là tai họa, người ta hay nói ‘tai họa sống lâu’, chẳng phải họ đã bảy mươi rồi sao, thân thể vẫn còn rắn rỏi hơn khối người trẻ ấy chứ, chắc chắn lại đang mắng chửi Triệu ca mụ rồi đấy.”
Nhắc đến Triệu ca mụ, Diệp Khê lập tức nhớ ra, chính là người bán đậu nành cho cậu khi nãy, quả nhiên những lời người kia nói là thật, cha mẹ chồng của chú ấy đúng là ghê gớm.
“Bị mắng thường xuyên à?” Diệp Khê hỏi.
Một thím gật đầu, vừa nhổ vỏ hạt bí vừa nói: “Triệu ca mụ tính tình mềm mỏng, chẳng mắng lại được họ, chồng thì lại hiếu thảo ngu muội không biết bênh vợ, thế là anh ta cứ bị dằn vặt mãi vậy đó. Nghe mà xót lòng, con trai cũng đã lấy vợ sinh con rồi, thế mà anh ta vẫn phải chịu đựng bà mẹ chồng.”
Một thím khác chen vào: “Không phải là do không có chỗ dựa sao? Năm đó mẹ ruột thì yếu ớt bệnh tật, cha lại mất sớm, nhà còn có một đứa em trai mới cai sữa nữa, anh ta vì muốn giúp đỡ nhà mẹ đẻ nên mới đòi nhà họ Triệu tám lượng bạc làm sính lễ. Hồi đó mà giá sính lễ cho ca nhi cao thế là hiếm lắm, ba bốn lượng đã là nhiều, năm lượng là hết cỡ rồi, vậy mà nhà họ Triệu vẫn ngậm ngùi cưới về. Thế là bao năm nay cứ canh cánh trong lòng, không nuốt nổi cục tức đó.”
“Mụ già đó chắc đến giờ vẫn còn hằn học chuyện ấy, cho nên sau khi Triệu ca mụ về làm dâu, cuộc sống chẳng dễ dàng chút nào. Trời chưa sáng đã phải dậy nhóm bếp nấu cơm, giữa mùa đông rét căm căm cũng bị sai ra sông giặt quần áo chăn màn, tôi còn nhớ có năm tay anh ấy bị lạnh đến nứt da rớm máu. Mẹ ruột mất, em trai còn nhỏ, chẳng có ai hậu thuẫn, bao năm qua cứ ráng sống nhẫn nhịn như vậy đấy.”
Diệp Khê nghe xong lời các thím, trong lòng càng thêm xót xa cho Triệu ca mụ. Ông ấy hoàn toàn vô tội, vì muốn đỡ đần người mẹ bệnh yếu và đứa em trai thơ dại, đã gả vào nhà kia, mà vừa gả vào đã là hai mươi năm khổ sở chồng chất, ai hiểu được những đắng cay ấy chứ.
Mặt trời dần ngả về tây, người trong xưởng bê dầu và bã đậu ra: “Ca nhi, dầu của ngươi ép xong rồi.”
Diệp Khê lập tức đứng dậy đi kiểm tra, thấy dầu rất trong, nhìn qua bã đậu cũng thấy ổn, liền cảm ơn người trong xưởng rồi xách dầu trở về.
Lúc đi ngang qua đầu hẻm, tiếng chửi chua ngoa kia đã ngừng, Diệp Khê không nhịn được liếc về phía nhà Triệu ca mụ, đoán rằng chắc ông lại trốn trong phòng khóc rồi.
Đi thêm một đoạn, rẽ qua một góc, đột nhiên có con chó từ đâu lao ra, nhe răng gầm gừ chực cắn Diệp Khê. Cậu sợ chó nên hoảng hốt lùi lại mấy bước, chỉ sợ nó nhào tới cắn người.
“Biến đi! Đồ súc sinh mù mắt!” Triệu ca mụ xách theo cây gậy từ đằng sau chạy tới, đuổi con chó đi.
Diệp Khê vội cảm ơn: “Cảm ơn Triệu ca mụ đã cứu con.”
Mắt Triệu ca mụ đỏ hoe, xem ra là vừa khóc xong, giọng khàn khàn: “Chuyện tiện tay thôi. Dạo này trong thôn có vài nhà không xích chó lại, Khê ca nhi nhớ cẩn thận đấy, nếu gặp phải thì cứ cúi xuống vờ nhặt đá ném nó đi là được.”
Thấy mắt ông sưng đỏ, tinh thần sa sút, Diệp Khê liền nhỏ giọng hỏi: “Ca mụ… lại bị mắng nữa sao?”
Triệu ca mụ cũng không giấu giếm, bởi cha mẹ chồng mắng chửi om sòm như thế, hàng xóm xung quanh chắc chắn đều nghe thấy cả rồi, mà đây cũng chẳng phải chuyện mới mẻ gì: “Lúc bán đậu cho con ta nhận được hai xâu tiền, vừa rồi ra vườn rau một lát, không biết rơi đâu mất rồi, tìm mấy vòng vẫn không thấy. Bị cha mẹ chồng biết được, họ liền mắng cho một trận, còn nói ta lại đem tiền về cho em trai.”
Diệp Khê vừa rồi nghe mấy thím trong thôn nhắc đến, Triệu ca mụ còn có một người em trai: “Em trai người có biết chuyện người sống khổ sở thế này không?”
Triệu ca mụ lau nước mắt: “Nó đang đi học, biết những việc này thì ích gì, cứ để nó chuyên tâm vào việc học mới phải.”
“Em trai người còn đi học sao?” Diệp Khê không ngờ tới điều đó, dù gì trong thôn cũng có không ít nhà có điều kiện hơn nhưng lại không cho con cái đi học, Triệu ca mụ sống chật vật thế mà lo được cho em trai đọc sách.
“Nó thông minh, đầu óc lanh lợi, ta bèn gửi nó đến trường học chữ. Bao năm nay đều nhờ ta thêu khăn kiếm tiền mà nó mới học được ít chữ nghĩa. Nó cũng hiểu chuyện, mỗi dịp lễ Tết thì lên trấn viết chữ vẽ tranh thuê cho người ta, ngày thường còn giúp người khác chép sách, cũng xem như tạm sống qua ngày được.”
Diệp Khê gật đầu: “Nếu em trai của Triệu ca mụ có thể học hành thành tài, vậy thì bao năm vất vả của người cũng không uổng công.”
Nhắc đến em trai thì trong lòng Triệu ca mụ cũng cảm thấy được an ủi đôi phần, khẽ cười: “Mấy hôm nữa là kỳ thi xuân rồi, nó sắp phải vào huyện thi rồi đấy. Ta ngày nào cũng niệm Phật, cầu Bồ Tát phù hộ, mong cha mẹ nơi suối vàng có linh thiêng, để nhà ta sinh ra được một vị tú tài thì tốt biết mấy.”
Diệp Khê cười nói: “Nhất định sẽ được thôi.”
Tán gẫu với Diệp Khê một lúc, tâm trạng Triệu ca mụ cũng dịu lại. Diệp Khê lại cùng ông vào vườn rau tìm kiếm, đến khi trời gần tối, cuối cùng cũng tìm được hai xâu tiền dưới tán lá cải xanh.
Triệu ca mụ mừng rỡ, như vậy về nhà cũng có cái để ăn nói, không bị mắng thêm một trận nữa, trước khi đi còn nắm tay Diệp Khê không ngừng cảm ơn mãi.
Ra khỏi thôn thì trời đã tối hẳn, Diệp Khê xách dầu ăn và bã đậu đi trên đường thì trông thấy phía trước có một bóng dáng cao lớn đi tới.
Nhìn kỹ một chút, Diệp Khê liền bật cười, thì ra là phu quân của cậu đến đón.
“Sao mình lại tới đây?”
Lâm Tướng Sơn đi đến gần, nói: “Trời tối rồi mà vẫn chưa thấy em về, anh lo quá, tính đến nhà cha mẹ tìm em.”
Diệp Khê đáp: “Em chưa về nhà mẹ nữa, mới đi qua xưởng dầu một chuyến. Em mua hai mươi cân đậu từ Triệu ca mụ trong thôn rồi đem đi ép, nhà mình gần hết dầu ăn rồi, tiện thể ép luôn ít bã đậu về cho dê ăn.”
Lâm Tướng Sơn nhận lấy dầu và bã đậu trong tay cậu: “Anh cũng mới vừa về nhà, biết thế lúc đi ngang qua thôn đã đón em luôn rồi.”
Diệp Khê cười cười, khoác tay Lâm Tướng Sơn, hai người cùng nhau đi trên con đường núi trở về nhà: “Gặp Triệu ca mụ trong thôn, thấy ông bị cha mẹ chồng mắng đến khổ sở, em liền nói chuyện với ông một lúc, lại giúp ông tìm hai xâu tiền bị đánh rơi, thành ra mới chậm trễ thế này. Mình có đói không? Em còn chưa nấu cơm tối đâu.”
Lâm Tướng Sơn nói: “Chiều nay anh ăn bánh rồi, may mà mình gói cho anh mấy cái đấy, không thì thật sự phải đói bụng rồi. Chủ thuê anh làm đồng cho ăn cơm toàn là nước lã, chẳng có tí dầu mỡ nào, làm anh không có sức lực luôn.”
Hắn lại hỏi: “Triệu ca mụ thế nào rồi?”
Diệp Khê khẽ đáp một tiếng, kể lại chuyện nghe được lúc chiều, thở dài: “Ông cũng là người số khổ, gả vào nhà không tốt, chịu nhiều tủi thân.”
Lâm Tướng Sơn biết phu lang của mình là người có lòng tốt, an ủi: “Em nói ông còn có một người em trai đọc sách, thế thì cũng còn hy vọng. Sau này cậu ấy có thể làm tiên sinh dạy học thì cũng đủ sống rồi.”
Hai người vừa nói chuyện vừa trở về nhà.
Về đến nơi, Lâm Tướng Sơn liền nhóm bếp, Diệp Khê đập hai quả trứng gà vào chảo chiên sơ, lại cắt một miếng nhỏ thịt hun khói, giờ này nấu cơm thì không kịp nữa, thôi thì nấu ít mì ăn đỡ vậy.
Cậu cho thêm một ít rau xanh và cải muối băm nhỏ vào nồi, nấu một nồi mì đơn giản, rưới chút dầu mè, rắc muối và hành lá là đã có thể ăn rồi. Có thịt có rau, hương vị cũng không tệ.
Lâm Tướng Sơn vốn thích ăn cay, lại múc thêm hai thìa dầu ớt đỏ vào chén mình, hai người ngồi dưới hiên nhà ăn tối, trăng sáng vằng vặc phủ lên mặt sân như một lớp màn sương mỏng manh.
“Đây là tiền công cày ruộng thuê hôm nay.” Lâm Tướng Sơn theo lệ đưa số tiền vừa kiếm được cho Diệp Khê.
Diệp Khê hút một sợi mì, nhận lấy hơn bảy mươi văn, có trâu rồi thì quả thực kiếm tiền cũng nhanh hơn trước, nhưng cũng là do Lâm Tướng Sơn vất vả cả ngày mới kiếm được, bây giờ vai hắn chắc đã mỏi nhừ vì làm việc nặng nhọc.
“Mình cực khổ rồi, tối nay ngâm chân xong để em bóp vai cho, giúp mình thư giãn một chút!”
Lâm Tướng Sơn chưa từng từ chối yêu thương mà phu lang dành cho mình, cười nói: “Được, hôm nay anh sẽ tận hưởng sự chăm sóc của mình.”
Hết chương 74.